Chủ Nhật, 3 tháng 1, 2016

Porter Mông, những người bạn của núi rừng

(iHay) - Porter (người mang đồ và dẫn đường) đang trở thành một nghề khá phổ biến ở những vùng núi cao phía bắc có đỉnh núi đẹp mà nhiều người trẻ muốn khám phá và chinh phục.

< Porter là những người khỏe mạnh và rất thông thuộc đường rừng...

Porter là những người khỏe mạnh, có kinh nghiệm đi rừng và thuộc từng lối đi trong rừng. Họ thông thạo đường rừng, biết xác định hướng đi và biết xử lý những vấn đề, rủi ro có thể xảy ra trên đường leo núi. Thông thường, những chuyến leo núi, khám phá đỉnh cao đều cần có những porter hỗ trợ. Họ được ví như những người bạn của núi rừng, vì bởi lẽ những chuyến đi rừng gần như đã trở thành thói quen, nghề nghiệp với họ.

< Porter A Páo có tình yêu với thiên nhiên và công việc dẫn đường leo núi.

Tôi từng ví porter A Páo, chàng trai người Mông sống ở bản Tả Lèng (huyện Tam Đường, Lai Châu), là một người con của rừng già Tả Liên. Cứ thấy ánh mắt háo hức và lòng mê say với cảnh đẹp núi rừng của anh thì sẽ hiểu ngay điều đó. Ngoài chuyện có thêm thu nhập từ công việc dẫn đường leo núi thì Páo xem chuyện đi rừng như một đam mê, một niềm vui khó tả.

< Porter Sinh, dẫn đường ở núi Fansipan, luôn lạc quan và có một cái nhìn nghiêm túc với công việc porter của mình.
toimedulich
Chàng porter này có một tình yêu thiên nhiên và anh cảm nhận được hết mọi cái đẹp trong cánh rừng già Tả Liên qua cành hoa sở trắng muốt anh cầm trên tay, hay cách anh hét lên khi đứng trên đỉnh núi Tả Liên nhìn xuống thung lũng và thành phố Lai Châu trong buổi hoàng hôn tà bóng, rồi giây phút anh đứng lặng mình nhìn ánh cầu vồng bảy sắc trên đỉnh trời. Páo hứa sẽ liên lạc với chúng tôi khi mùa phong lá đỏ vàng chín ruộm khu rừng cổ tích Tả Liên, để anh em chúng tôi lại hội ngộ một lần nữa trong cánh rừng thần tiên này.

< Sinh và Súa, 2 chàng porter trong lần dẫn đường đầu tiên của mình, vẫn còn những bỡ ngỡ và chưa có nhiều kinh nghiệm, lại xem đây chỉ là công việc ngắn hạn, thêm thu nhập theo thời điểm.

Porter Sinh đã gắn bó với nghề dẫn đường ở ngọn núi Fansipan suốt gần 6 năm rồi. Anh cũng lớn tuổi, đã có vợ con. Anh tâm sự: “Mình đi rừng còn nhiều hơn về nhà. Gặp gỡ núi rừng nhiều hơn gặp vợ con. Chắc mình yêu rừng yêu núi luôn khỏi về nhà”.

Anh hài hước chia sẻ những cảm nhận của anh về núi rừng Hoàng Liên rồi thừa nhận, porter thực sự là một công việc, một nghề nuôi sống gia đình anh. Cũng là một nghề nghiệp để anh đam mê và nghĩ xa hơn nữa. Những bước chân thoăn thoắt của anh trên con đường Trạm Tôn tưởng như anh đã đi rất quen chân, quen lối, quen cả từng lối rẽ, đoạn đường dễ ngã,…

< Những người phụ nữ làm porter luôn vui vẻ, xởi lởi với nụ cười rạng rỡ.
toimedulich
Tôi còn nhớ porter Súa và Sinh là gười dẫn đường cho chúng tôi trên đường chinh phục ngọn núi Nam Kang Ho Tao, thuộc xã Hố Mít, Lai Châu. Súa là chàng trai còn trẻ, ít nói nhưng rất cá tính, sinh năm 1991 nhưng đã có vợ con.  Mỗi chuyến đi rừng, gặp mỗi porter lại thấy mỗi người một tính cách và cách họ suy nghĩ về rừng núi, về công việc của mình của khác.

Nếu như những porter ở Fansipan suy nghĩ khá nghiêm túc về công việc dẫn đường thì với Sinh và Súa, đây chỉ là công việc thời kì, ngắn hạn. Ai rủ thì đi, kiếm thêm một chút tiền cho gia đình. Có lẽ vì ngọn núi Nam Kang Ho Tao còn chưa được nhiều người biết đến, chưa có nhiều đoàn chinh phục nên họ chưa có cái nhìn nghiêm túc đối với công việc này chăng. Cũng vì vậy mà phong cách dẫn đường của những porter ở đỉnh núi này có vẻ chưa “chuyên nghiệp” bằng porter ở Fansipan?

< Phụ nữ làm porter với những giây phút ngồi lại một góc núi, tranh thủ thêu thùa, khâu vá như một niềm vui.

Porter không chỉ là nghề dành cho đàn ông khỏe mạnh. Những người phụ nữ cũng có thể dẫn đường. Trên đường leo núi, bạn có thể bắt gặp những người phụ nữ Mông váy xanh đỏ, gùi những gùi hàng nặng trĩu trên vai, tay vẫn loay hoay thêu thùa, khâu vá.

Với họ, công việc không phân biệt nam nữ. Có sức khỏe, muốn có thêm thu nhập cho gia đình thì ắt sẽ làm porter. Thậm chí có những người phụ nữ sống luôn ở các điểm hạ trại 2.200m và 2.800m của núi Fansipan để làm công việc hỗ trợ nấu nướng, chuẩn bị đồ ăn, chỗ nghỉ cho du khách. Cuộc sống của họ vì vậy mà gắn bó với núi rừng, với gió mây nơi đại ngàn.

< Những nụ cười trao nhau giữa rừng núi như làm bước chân thêm nhanh, làm lòng thêm nhẹ nhàng, thênh thang giữa rừng thẳm.
toimedulich
Có thể nói, dãy Hoàng Liên Sơn với rất nhiều ngọn núi hùng vĩ còn chưa được khám phá sẽ là điểm đến cho những người có máu chinh phục, có đam mê khám phá. Rồi đây, porter sẽ là một nghề, một cách kiếm sống và cải thiện cuộc sống của những người Mông ở vùng cao quanh năm sống nghèo khó và bươn chải với sương gió mây mù.

Và những porter Mông luôn là những người bạn thiết thân của núi rừng. Để tiếng gọi ngàn xa luôn chảy mãi trong họ, trong từng bước chân thoăn thoắt mở đường tìm đến với mây trời gió nổi nơi đại ngàn.

Theo Hạnh My – Hachi8 (iHay Thanhnien)
Du lịch, GO!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét