Thứ Hai, 30 tháng 6, 2014

Hồn Chăm ở Tháp Bà Ponagar

Đến thành phố biển Nha Trang, bạn không thể bỏ qua khu Tháp Bà Ponagar - một trong những di tích lịch sử và văn hoá nổi tiếng của thành phố biển nàỵ

Tháp Bà Ponagar là một di tích lịch sử - văn hóa, công trình tiêu biểu của nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc Chăm đã tồn tại trên 10 thế kỷ. Tháp nằm ở vị trí cửa sông Cái, bên quốc lộ 1A, thuộc phường Vĩnh Phước, TP Nha Trang, Khánh Hòa. Tháp Bà Ponagar được xây dựng vào những năm 813 - 817. Các tháp đều được xây dựng theo kiểu tháp của người Chăm: gạch xây khít mạch, tháp quay về hướng Đông, ngoài thân tháp có nhiều gờ, trụ và đấu, nhiều nét trang trí hoa văn hình vòm tháp.

Từ dưới chân núi ngay sát quốc lộ, theo những bậc đá đi lên bạn sẽ gặp một khu đất bằng phẳng khoảng hơn 200m2, có 10 trụ gạch lớn cao trên 5m xếp thành bốn hàng trên nền gạch rộng. Theo các bậc đá lên cao mãi tới đỉnh núi là một nền đất rộng khoảng 500m2. Nơi này hiện có bốn ngôi tháp, hai miếu thờ và một nhà nghỉ. Hai ngôi tháp lớn, một cao 18m, một cao 22,48m, được xây bằng gạch nung.

Tổng thể kiến trúc của Ponagar gồm 3 tầng, đi từ dưới lên trên. Ở tầng thấp, ngang mặt đất bằng là ngôi tháp cổng mà nay không còn nữa. Từ đấy có những bậc thang bằng đá dẫn lên tầng giữa.

Ở tầng giữa gọi là Mandapa (tức là nhà khách, nhà tĩnh tâm) dành cho khách hành hương nghỉ ngơi, chuẩn bị lễ vật. Mandapa dài 20m, rộng 15m, gồm 4 hàng cột hình bát giác (bao gồm 10 cột lớn và 12 cột nhỏ). Trên thân các cột lớn có các lỗ mộng, khoét sâu vào thân cột, đối xứng ngang bằng với đỉnh của các cột nhỏ.

Tầng trên cùng là nơi các ngọn tháp toạ lạc. Những ngôi tháp được xây dựng theo kiểu Chăm, gạch xây rất khít mạch, không nhìn thấy chất kết dính. Tháp thờ chính ở dãy trước khá lớn và cao khoảng 23 mét, là tháp Ponagar.

Tháp lớn xây thành 4 tầng, mỗi tầng đều có cửa giả, tượng thần và hình thú bằng đá. ở 4 góc có 4 tháp nhỏ, tạo những đường nét hết sức độc đáọ. Tháp lớn nhất thờ nữ thần Ponagar (tiếng Chăm có nghĩa là Mẹ Xứ Sở). Tượng nữ thần bằng đá hoa cương, đặt trên bệ đá hình đài sen, lưng tựa vào phiến đá lớn tạo hình lá đề. Tượng cao 260cm. Những đường nét trên thân hình tượng chắc, khoẻ, sống động, hai bầu vú căng tròn đầy sức sống và những nếp nhăn ở bụng tưởng như đang phập phồng theo hơi thở. Trên đỉnh tháp có tượng thần Shiva cỡi ngưu thần Nandin, và các tượng linh vật như chim thiên nga, dê, voi v.v.

Hàng năm, vào tháng 3 âm lịch diễn ra lễ hội Tháp Bà Ponagar, được coi là một trong những lễ hội lớn nhất khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, gắn liền với truyền thuyết và tục thờ nữ thần Thiên Y A Na - bà mẹ xứ sở của đồng bào Việt, Chăm ở các tỉnh miền Trung.

Những ngày đầu xuân, đến với Tháp Bà Ponagar, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng những kiến trúc độc đáo của khu tháp cổ đã tồn tại trên 10 thế kỷ, mà còn có cơ hội thưởng thức các điệu múa Chăm, tìm hiểu và tận mắt chứng kiến các nghệ nhân Chăm biểu diễn các quy trình làm gốm, dệt thổ cẩm…
Một hồn Chăm đặc sắc, để lại những ấn tượng khó phai trong lòng mỗi du khách.

Tổng hợp từ Dulich.Nhatrang, internet
toimedulich

Đảo bé: không chỉ muốn đến 1 lần.

(NSO) - Đảo An Bình, thường được gọi là đảo bé Lý Sơn, đúng như tên gọi, rất bé. Nhưng nếu đã đến đây một lần, chắc chắn bạn sẽ muốn có lần thứ hai.

< Một góc bãi biển ở đảo Bé - Lý Sơn.

Đảo bé – An Bình có diện tích hơn 70ha với hơn 100 hộ dân sinh sống vốn không có nguồn nước ngọt, không có điện lưới quốc gia. Cuộc sống của đồng bào nơi đây chủ yếu trông chờ vào nguồn nước mưa vốn thường xuyên khan hiếm. Nhưng từ 31/8/2012, người dân đảo Bé đã cất được nỗi lo nước ngọt nhờ việc khánh thành một nhà máy lọc nước biển thành nước ngọt ngay trên đảo.

Đảo bé là đảo thứ 2 trong 3 đảo tại Lý Sơn (Quảng Ngãi) và cũng được đánh giá là đảo có bãi biển đẹp và hoang sơ nhất tại Lý Sơn. Để ra đây các bạn phải bắt một tàu địa phương khởi hành khoảng 8h sáng từ đảo lớn. Mỗi ngày chỉ có duy nhất một chuyến.

< Nước biển ở đây trong đến mức bạn có thể nhìn thấu tận đáy sâu.

Trên đảo bé chỉ có hai con đường, dài nhất vỏn vẹn 1km nên đi bộ là tốt nhất.

Con đường dẫn tới một bãi biển đẹp tuyệt vời, nước trong vắt và cát trắng.

Đây là nơi mà bất kỳ ai đến với Lý Sơn cũng không thể bỏ qua. Ở đây, bạn có thể chụp ảnh hoàng hôn ấn tượng.

Ở đảo không có nhà nghỉ, khách sạn. Cách duy nhất bạn muốn nghỉ lại là ở nhà dân. Ở đó bạn sẽ được nghỉ ngơi, tắm giặt và ăn uống đủ 3 bữa.

Làn nước trong xanh cứ ngỡ như một lớp thủy tinh lỏng...

Đảo bé khá đẹp và hoang sơ hơn đảo lớn, cũng rất sạch sẽ, không có dấu hiệu của rác.

Bạn sẽ không hối tiếc khi được một lần tới đây.

Theo Hải Nam (Ngôi Sao.net)
toimedulich

Ra đảo Bé mùa khô

Đi chợ Dào San

(BBP) - Từ bao đời nay, chợ phiên đã trở thành nét đặc trưng của người vùng cao. Chợ không chỉ là địa điểm để buôn bán, trao đổi hàng hóa, mà còn là nơi gặp gỡ, chuyện trò, tìm hiểu kết duyên. Trên độ cao 1.800m của đỉnh Chùng Sủa Sằn có một phiên chợ họp vào chủ nhật hằng tuần với đầy đủ những ý nghĩa trên. Đó là chợ phiên ở trung tâm xã Dào San, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu.

Dào San là là một xã biên giới, nằm tít tắp trên độ cao 1900m của đỉnh Chùng Sủa Dằng. Dào San còn nguyên sơ lắm với các bản làng của người Mông, người Dao, người Thái, người La Hủ. Mỗi tuần nơi đây lại họ một phiên chợ, phiên chợ thật sự của người vùng cao với cái phóng túng, giản dị và độc đáo đến từng chi tiết.

Từ thành phố Lai Châu lên chợ Dào San khoảng 50 cây số. Quãng đường không xa, nhưng có một sự thay đổi thời tiết đến choáng ngợp. Ở thành phố là cái nắng hè chói chang, đổ lửa, nhưng khi đến Dào San, thì trời chuyển mát mẻ, dễ chịu vô cùng, thậm chí còn se lạnh khi về đêm. Tiết trời đó như ủng hộ những người đến chợ để rồi cùng nhau trao đổi, chuyện trò, hò hẹn đến hết ngày, sau cả tuần chờ đợi. Chợ Dào San là trung tâm buôn bán, giao thương, gặp gỡ của đồng bào 8 xã vùng cánh cung biên giới phía Bắc huyện Phong Thổ.

Từ tờ mờ sáng, trên các nẻo đường ẩn hiện trong sương và mây mù của các bản Mông, Thái, Dao, Hà Nhì... đã rậm rịch tiếng chân người, tiếng ngựa thồ, tiếng xe máy. Người ta tíu tít nói cười, í ới gọi nhau cùng xuống chợ phiên. Phiên chợ cứ bảy ngày lại họp một lần, người ta đến chợ không đơn thuần chỉ vì nhu cầu mua thứ này hay bán thứ kia, mà lý do chính là để gặp gỡ, kết giao. Có người vượt mấy chục ngọn núi về chợ chỉ để mua vài cân muối, ăn một bát phở, và nhất là để gặp gỡ người bạn cố tri. Khái niệm đi chợ đồng nghĩa với khái niệm đi hội: Trai có vợ mang theo vợ, gái có chồng rủ cả chồng; chưa có vợ có chồng thì đã có chợ, ở đó nhất định rồi sẽ gặp những người cũng chưa có gì...

Những sản vật theo đồng bào xuống chợ mang đậm hương vị núi rừng. Đấy là những gùi nếp hương, giọ mận, giọ đào; mật ong thơm ngậy, măng đắng, thảo quả hay những thẻ hương bán cúng rằm, những chiếc vòng đồng nhỏ xinh với quan niệm tránh ma tà, quỷ dữ... Cái sự mua bán ở đây cũng thật giản đơn. Người bán nói giá bao nhiêu, nếu người mua ưng bụng sẽ trả bấy nhiêu, không mặc cả. Cả chợ hiếm thấy một cái cân, bởi đơn vị cân đong ở đây được tính bằng con, bằng cái, bằng mớ. Mỗi dân tộc có tiếng nói riêng, nhưng  dường như họ nhìn nhau đã hiểu cái bụng nhau nghĩ gì.

Ngay từ chiều hôm trước, phụ nữ các dân tộc đã chuẩn bị váy áo cho phiên chợ sớm mai. Từ những việc trọng đại như sắm đồ đón Tết, đồ cưới, làm lý, hay đơn giản chỉ là mua vài cuộn sợi, chút ít thực phẩm cho cả tuần. Nhưng váy áo đi chợ nhất thiết là phải đẹp, bởi đi chợ còn là đi chơi. Cũng có thể chẳng mua thứ gì, nhưng với họ, vượt qua cả mấy quả núi, mấy con khe để được gặp nhau, trò chuyện là đã vui lắm rồi.

Từng dòng người với váy áo sặc sỡ xuống núi rồi hòa vào nhau tại phiên chợ. Có sắc đỏ cam rực rỡ đặc trưng của các cô gái người Dao; có sắc trắng đen trên những nếp váy bồng bềnh nhún theo từng bước của các thiếu nữ người Mông; người Hà Nhì thì mặc váy xanh dịu mát, đội vành khăn với những chùm hoa đỏ rủ dài... Tất cả tạo nên một bức tranh đa màu, sống động, một khung cảnh đặc trưng cuốn hút bất kỳ du khách nào trước nét đẹp của văn hóa Tây Bắc.

Chị Lý Thị Mai, dân tộc Mông ở xã Bản Lang quả quyết với tôi rằng, không tuần nào là chị không lên chợ Dào San, dù quãng đường dài hơn 20 cây số. Hôm nay, chị địu đứa út cùng chồng đến chợ để sắm đồ hồi môn cho con gái lớn về nhà chồng. Chỉ là chồng bát, bó đũa, cặp nồi mới, đơn giản vậy thôi, nhưng đây là những đồ dùng "nhen" lên hạnh phúc của cặp vợ chồng. Đứa bé khoảng 3 tuổi cầm xiên thịt nướng nóng hổi bố mua, vẻ hào hứng, ngạc nhiên khi nhìn thấy chợ nhiều người đến vậy. Nó liên tục quay đi quay lại, tập trung ánh nhìn vào đám thanh niên người Mông đang hát múa, miệng ê a tiếng Mông.

Dẫn tôi đi thăm chợ là Thiếu úy Tạ Quang Linh, cán bộ kiểm soát của Đồn BP Dào San. Anh Linh có nhiệm vụ bảo vệ an ninh tại mỗi phiên chợ. Anh bảo: "Đồng bào trên này chất phác, thật thà lắm. Hầu như không xảy ra hiện tượng lừa đảo, mua gian bán lận. Phiên chợ Dào San còn có cả người Trung Quốc sang giao thương, người Kinh dưới thành phố, thị trấn Mường So lên buôn bán quần áo, những mặt hàng điện tử. Bà con bây giờ cũng "hiện đại" lên nhiều rồi".
Quả thực, trước kia, họ ôm con gà, con lợn, mớ rau xuống chợ chỉ để đổi lấy đôi dép tổ ong, vòng tay, chỉ màu... thì bây giờ bán lấy tiền để mua điện thoại. Những sạp hàng điện thoại rất đa dạng về kiểu dáng, mẫu mã luôn được bà con quan tâm. Có điện thoại, chỉ cầm bấm vài cái là nói chuyện được với người cách xa cả trăm cây số, lại nghe được bản tin tiếng dân tộc mình qua Đài Tiếng nói Việt Nam. Bà con phấn khởi lắm.

Cái đặc biệt trong chợ phiên này là Đồn BP Dào San thực hiện chương trình phát thanh bằng nhiều thứ tiếng: Kinh, Mông, Dao, Hà Nhì. Bản tin được phát đều đặn vào mỗi phiên chợ từ năm 2008 đến nay. Thiếu tá Vàng A Lầu, Chính trị viên Đồn BP Dào San cho biết: "Nội dung phát của đài gồm: Người tốt, việc tốt; hướng dẫn đồng bào làm mô hình kinh tế địa phương, một số chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; hướng dẫn chấp hành Luật An toàn giao thông... Ngày đầu bà con còn bỡ ngỡ, nhưng bây giờ đài phát thanh đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu với đồng bào nơi đây".

Chợ có tự bao giờ, khó ai có thể nói chính xác được, nhưng với người Mông, Dao, Hà Nhì ở vùng này, chợ phiên Dào San quan trọng lắm! Trong phiên chợ còn có những ánh mắt thẹn thùng, đôi má ửng đỏ của các cô thiếu nữ trước những câu hát đối ngẫu hứng, vài điệu khèn của chàng trai.

Người Dao San hễ gặp nhau là uống rượu, "uống thật uống thà", "trăm phần trăm" bát này cho một tuần nhung nhớ vừa qua, "trăm phần trăm" bát kia cho một tuần xa nhau sắp tới. Để rồi có những đôi vợ chồng khi đi vợ vắt vẻo trên lưng ngựa cùng chồng hát những bài ca ưa thích, khi về chồng lại vắt vẻo trên lưng ngựa cho vợ kéo về nhà, người vợ không lấy làm phiền lòng mà còn tỏ ra vui vẻ, hạnh phúc.

Đó là một trong những hình ảnh đặc sắc mà ta chỉ thấy được ở các phiên chợ vùng cao. Ngày chợ phiên theo lệ thường đã thế, ngày Tết Dào San còn hấp dẫn hơn bởi không chỉ 4 sắc dân sinh sống tại đó mà còn là sự hội tụ của hơn 20 tộc người từ các nơi cùng đến dự phiên chợ, dự ngày hội Gầu Tào tổ chức này mồng mười Tết để cùng hát múa, ăn thắng cố, uống rượu Sùng Phài.

Đến đây vào những dịp như thế, du khách không chỉ khám phá bản làng, khám phá nét văn hóa đặc sắc vùng cao mà còn khám phá cách trồng thảo quả, ngắm nhìn rừng thảo quả ngút ngàn hơn 7km suốt chiều dài biên giới Việt - Trung đã đem lại cho người dân Dào San sự no ấm. Chiều xuống, chợ tan, nhưng ai nấy đều bịn rịn, lưu luyến. Những niềm vui, hẹn ước được nhóm lên từ phiên chợ. Để rồi, họ lại háo hức đợi đến phiên chợ sau.

Theo Hồng Vân (báo Biên Phòng)
toimedulich

Cà phê... Quỷ Cốc Tử

(DNSG) - Đam mê khám phá những cung đường bất tận, rồi mở quán cà phê chia sẻ kinh nghiệm và tình yêu thiên nhiên với những người bạn, và hình thành ý tưởng mở dịch vụ phượt, chụp ảnh cưới phượt..., mọi thứ đang được Ngô Trần Hải An mải miết thực hiện với một niềm say mê như bắt đầu một hành trình mới.

Khởi đầu hành trình đam mê

Một chiều mưa cuối tuần, 3ackpackers nép mình trong con hẻm nhỏ đường Phan Xích Long với những bản nhạc ballad nhẹ nhàng đã đón vài bạn trẻ. Họ đến đến để gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm, những câu chuyện và hình ảnh thú vị từ những chuyến đi. Tuy nhỏ nhưng hầu như tối nào quán cũng đông khách, đặc biệt là các bạn trẻ.

Họ đến đây ngoài chia sẻ với nhau còn được gặp chủ nhân của quán, chàng trai có biệt danh "Quỷ Cốc Tử" có tiếng trong giới phượt với những hành trình mà những địa danh đã nói lên tất cả: săn mây Y Tý, đi tìm tọa độ của bốn cực Tổ quốc, khám phá những gốc chè cổ thụ trăm năm tuổi ở Yên Bái, Lào Cai, hay đi tìm những điểm cao nhất của Việt Nam...

Những hành trình tưởng như bất tận mang lại cho bạn trẻ này tình yêu vô bờ bến với cảnh đẹp của đất nước, mến yêu con người của những vùng đất mới. "Cuộc hành trình thực sự không tính bằng dặm đường mà bằng những người bạn", An nói về động lực đam mê những hành trình rong ruổi khắp đất nước của mình.

Và niềm đam mê này dẫn An tới một đam mê khác là được chia sẻ với những người bạn mới tình yêu những khoảnh khắc khoáng đạt cùng đất trời. Quán cà phê 3ackpackers là điểm dừng chân của những khoảnh khắc đó nhưng là điểm đến khởi đầu những chuyến đi của những bạn trẻ cùng đam mê.

Quán 3ackpackers được thiết kế theo đúng phong cách của dân phượt chuyên nghiệp. Điểm nhấn chính của quán là bộ sưu tập ảnh "Chân dung phượt thủ”. Hơn 500 bức ảnh với hàng ngàn gương mặt của các nhóm phượt từ khắp cả nước gửi về giới thiệu những chuyến đi thú vị của chính họ cùng với hàng trăm địa điểm khám phá tuyệt đẹp của cả ba miền.

Mỗi chiếc bàn được trang trí với các địa danh du lịch thú vị của 64 tỉnh thành trong cả nước, để mỗi lần đến bạn đều có cảm giác mới lạ. Không những thế, quán còn trang trí một giá sách rất đặc biệt với 300 cuốn sách viết về du lịch, lịch sử, văn hóa, làng nghề truyền thống Việt Nam. Ngoài phục vụ cà phê, giải khát, cung cấp thông tin, chia sẻ kinh nghiệm hướng dẫn cách phượt an toàn, 3ackpackers còn cung cấp các vật dụng phục vụ "dân phượt" như áo khoác, khăn rằn, các loại bản đồ vùng miền, các tỉnh thành cả nước...

3ackpackers là thành quả sau tám năm làm thuê của An. Thu nhập của một giám đốc kinh doanh với mức lương là niềm mơ ước của không ít bạn trẻ đã không thắng nổi niềm đam mê rong ruổi lữ hành trong An. Bởi thế mà sau hơn nửa năm tìm kiếm mặt bằng mở quán và sau vài giờ đắn đo, An đã quyết định thay đổi... sự nghiệp để được sống trọn với đam mê của mình.

Bắt đầu một thương hiệu "phượt"

An kể rằng mình đến với phượt hết sức tình cờ bởi một chuyến đi ngẫu hứng thời đại học cùng với những người bạn chưa từng quen biết. Chuyến đi ấy thổi bùng lên niềm đam mê phượt của An. Trong 11 năm qua, bước chân của chàng trai trẻ mang biệt danh "Quỷ Cốc Tử" đã in dấu khắp các bản làng đồng bào Tây Nguyên, các làng quê thanh bình ở Nam bộ, những bãi biển xanh biếc quyến rũ chạy dọc miền Trung hay những đỉnh núi nổi tiếng phía Bắc quanh năm mây mù che phủ...

"Mỗi chuyến đi, tôi lại được học nhiều bài học ý nghĩa từ những người dân quê chất phác thật thà. Cuộc đời là những chuyến đi, cho ta thấy mình lớn dần từ hiểu biết còn quá nông cạn và cảm nhận thật sâu sắc một điều: Tình người luôn ấm áp", An chia sẻ. Và cũng nhờ những chuyến đi, những khám phá ở nhiều vùng đất khác nhau mà An có những trải nghiệm quý giá.

An cho biết sẽ khai thác những tour du lịch khám phá hấp dẫn trong vài tháng tới. "Hành trình" của những chuyến phượt mà An đang muốn khai thác không thể bỏ qua là 10 cung đường nổi tiếng đối với "dân phượt". Trong đó, miền Bắc sẽ có 5 cung (Cực Tây - A Pa Chải, Tà Chi Nhù - Yên Bái, Y Tý - Lào Cai, Sông Đà và Hà Giang), miền Trung với 3 cung (Mốc 4 - Việt Lào, hang động Phong Nha với hang Tú Làn, hang Én, Sơn Đoòng và cực Đông...), miền Nam với 2 cung (mùa nước nổi, Khai Long - Năm Căn).

Những "điểm đến" ấy của 3ackpackers là những nơi các công ty du lịch rất khó khai thác. Không chỉ thế, Hải An đang mở thêm dịch vụ chụp ảnh cưới phượt - dịch vụ mà ít đơn vị chụp ảnh cưới chuyên nghiệp nào thực hiện được. Hiện tại, đã có công ty đặt vấn đề nhượng quyền thương mại 3ackpackers vì sự hấp dẫn nhiều tiềm năng của mô hình này. Tuy nhiên, An cho rằng phải chờ cho mọi thứ thật hoàn hảo mới triển khai và cũng không muốn niềm đam mê của mình bị "thương mại hóa". Cũng giống như việc An tổ chức du lịch phượt cũng vậy.

Nhiều năm nay, An đã hướng dẫn miễn phí cho vài ngàn bạn trẻ những điểm tham quan hấp dẫn, những điểm đến lý thú mà chưa ai biết. Nhưng nay, khi mọi thứ đã ổn định, những kinh nghiệm du lịch đã "khấm khá”, An mới bắt đầu mở những tour du lịch có một không hai này.

Nhưng để mọi thứ thật chuyên nghiệp, hai chuyến đầu tiên trong "sự nghiệp kinh doanh phượt" của mình, An dẫn đoàn đi du lịch hoàn toàn miễn phí. Và dù chưa chính thức công bố chuyến phượt đến Cù Lao Thu (Phú Quý) vào cuối tháng 7 này nhưng đã có rất nhiều bạn trẻ đăng ký tham dự.

Với An, điều mình lo nhất hiện nay không phải là không có khách mà sợ mình chưa đủ khả năng để làm và không truyền được niềm đam mê yêu và có trách nhiệm với thiên nhiên, người dân những vùng đất mới. An bảo, mình không sợ thất bại, vì khi mình đã làm hết sức mà vẫn thất bại thì cũng không nuối tiếc. Bởi còn đó những bài học ý nghĩa và quý giá làm nền tảng cho thành công về sau.

An rất tâm đắc với câu nói nổi tiếng của nhà văn Mỹ Mark Twain: "Hai mươi năm về sau bạn sẽ hối hận về những gì bạn không làm hơn là những gì bạn làm. Vậy nên, hãy tháo dây, nhổ neo ra khỏi bến đỗ an toàn. Hãy để cánh buồm của bạn đón trọn lấy gió. Thám hiểm, mơ mộng và khám phá”.

Địa chỉ: Cafe 3ackpackers 39/1 Phan Xích Long, F.3, Q.Phú Nhuận (hướng bên chợ cũ).

Theo Minh Hào (Doanh Nhân Sàigòn)
toimedulich

Chủ Nhật, 29 tháng 6, 2014

Tấm visa đặc biệt...

(TTO) - Đôi vợ chồng trẻ người Pháp và Ba Lan Quentin Dewiere (32 tuổi) và Agnieszka Nanaszko (30 tuổi) đã thực hiện một hành trình dài qua tám nước trước khi đến VN với một ít tiền và một tấm “visa” đặc biệt có ghi những dòng chân thành. Và họ đang thực hiện hành trình khám phá VN.

Đi đến quốc gia nào, đôi vợ chồng này đều nhờ những người bản địa biết tiếng Anh viết cho một tờ giấy mà họ gọi là tấm “visa” đặc biệt với nội dung: “Chúng tôi muốn đi đến... Nếu bạn đi cùng đường, liệu chúng tôi có thể đi cùng một đoạn thôi có được không? Thật sự chúng tôi không có nhiều tiền. Mọi chi phí chúng tôi đều chi vào lương thực, thực phẩm. Hơn nữa, chúng tôi thật lòng muốn khám phá đất nước của các bạn. Chân thành cảm ơn”. Tại VN, chủ một tiệm Internet được quen qua mạng đã viết giúp đôi vợ chồng này.

Thử làm người cơ nhỡ

Một lần, vợ chồng Quentin đến một xã heo hút của huyện Trùng Khánh (tỉnh Cao Bằng) khi trời đã khuya. Lúc ăn tối ở một quán ăn lụp xụp, họ đưa chủ quán xem tờ giấy để nhờ hướng dẫn đi tìm chỗ nghỉ. Chủ quán ghi vài dòng tiếng Anh rằng làng này không có nhà trọ và đề nghị giúp họ chỗ ngủ bằng cách kê lại bàn ghế thành giường, cho mượn chăn màn. “Ở nhưng nơi hẻo lánh, nghèo khó, tôi cảm nhận được sự chân thành của những người dân. Có cảm giác họ luôn sợ chúng tôi gặp khó khăn vì từ xa đến nên giúp đỡ rất nhiệt tình” - Agnieszka nói.

Trời Đà Lạt mưa lất phất vào một ngày cuối tháng 6, Quentin và Agnieszka đến đây sau khi đã đi khắp các nơi như Sơn La, Điện Biên, Lào Cai, Hà Giang, Hà Nội, Huế, Nha Trang. Tại Đà Lạt, họ đi dọc các mái hiên khu Hòa Bình (P.1) và trao mẩu giấy nhỏ cho những người bán hàng tìm kiếm sự giúp đỡ. Cầm tờ giấy đã ố vàng có ghi những dòng chữ bằng tiếng Việt được nắn nót cẩn thận, những người bán hàng nở nụ cười rồi nhờ một người lái xe ôm chở đôi vợ chồng trẻ đến một khu trọ nằm sâu trong hẻm Thông Thiên Học (P.2) để thuê nhà trọ giá rẻ.

Đến căn nhà trọ nào, trước khi hỏi giá họ đều lấy tấm “visa” ấy ra nhẹ nhàng đặt lên lòng bàn tay của chủ nhà trọ trong sự ngạc nhiên. Sau hai lần không tìm được chỗ ưng ý, đôi khách du lịch khác biệt này được ông chủ nhà trọ Home Sweet Home Hostel Dalat Đỗ Phan Anh tiếp nhận với giá phòng chỉ bằng nửa giá niêm yết. Ông Anh cho biết ông đồng ý giảm giá tối đa cho họ vì ông tò mò chuyện họ lang thang khắp nơi với tấm “visa” đặc biệt.

Vợ chồng Quentin và Agnieszka đều là người nhiếp ảnh tự do. Họ cho rằng nếu chăm chỉ làm việc thì chỉ vài năm sẽ có tiền đi khám phá khắp nơi. Nhưng rồi một ngày cách đây bốn năm, câu chuyện về cụ bà người Ba Lan Teresa Bancewicz (76 tuổi) đi khắp thế giới theo cách quá giang xe và chi phí là những đồng lương hưu ít ỏi đã tạo cảm hứng cho họ. Và họ lao động cật lực để có thể trang trải chi phí trung bình 8 USD/ngày ở tất cả quốc gia họ đi qua.

Quentin cho rằng: “Quan trọng hơn chi phí là cảm nhận được tình cảm, lòng tốt của con người. Đi lang thang như những người cơ nhỡ đã cho chúng tôi cơ hội làm được điều đó”. Không thể nhớ tên đầy đủ những người VN đã giúp mình, nhưng họ có thể vừa bấm đốt ngón tay vừa đọc tên hoặc biệt danh của hơn 20 người đã chia sẻ chỗ ngồi trên cabin xe tải, đã mời họ ăn bữa dọc đường hoặc một chỗ ngủ mát mẻ trên cung đường miền Trung nóng rát.

Lang thang giữa lòng người bao la

Câu chuyện của đôi vợ chồng này gắn liền với những lần đi trên cabin xe tải và những lần lang thang ở những làng mạc xa xôi không có một bóng du khách nào, chỉ có hiếm hoi một vài chiếc xe tải chạy ngang qua và cả những bữa ăn miễn phí do người dân sống dọc đường mời. Agnieszka kể để đón xe đi, họ không chọn cách chặn xe đang chạy trên đường mà đi đến những bãi xe tải, nơi tài xế đang chất hàng. Agnieszka kể ở Hà Nội, khi đưa “visa” cho tài xế Long, anh trố mắt nhìn rồi khoát tay chỉ họ lên cabin ngồi.

“Ở các nước khác, tài xế sẽ chừa một chỗ trong thùng xe rồi bảo chúng tôi ra đó, còn ở VN chúng tôi luôn được ưu tiên cùng tài xế ngồi trong cabin. Có lẽ tờ giấy bằng tiếng Việt đã tạo niềm tin nên họ không để chúng tôi ngồi trong thùng xe chật chội” - Agnieszka nói. Trên đường đi, do không biết ngoại ngữ nên cả hai bên chỉ nhìn nhau rồi cười. “Tôi lạ một điều, chúng tôi luôn đề nghị được chia tiền ăn dọc đường nhưng tài xế không đồng ý” - Agnieszka kể.

Giữa tháng 5, đang lang thang ở huyện Quảng Uyên (Cao Bằng), một trận lốc ào ào kéo tới. Gió cuốn theo lá cây, rác xối thẳng vào những người đi đường. Quentin và Agnieszka lấy túi ngủ định đặt ở một hốc đá tránh cơn bão nhưng một người đi đường tên Hoàng đã kéo họ về nhà. Ra hiệu bằng cử chỉ, Hoàng giục cả hai người chạy nhanh về căn nhà của anh nằm tựa lưng an toàn vào vách núi. Khi trận lốc đi ngang qua, dọc con đường làng mà họ định đặt túi ngủ tránh bão cây cối ngã la liệt.

Quentin không giấu được vẻ hồi hộp khi kể lại câu chuyện trái gió trở trời ở một vùng đất lạ. Trận gió lớn vừa qua cũng là lúc trời tối, Quentin và Agnieszka xin phép lên đường, họ đưa tờ giấy cho Hoàng để nhờ hướng dẫn. Đọc xong tờ giấy, Hoàng ra hiệu với đôi vợ chồng nghỉ lại nhà, đợi sáng mai lên đường. Sáng hôm sau, đích thân Hoàng đi tìm một tài xế quen để nhờ đưa họ về TP Cao Bằng.

Không ngần ngại cho biết mỗi ngày cả hai vợ chồng chỉ có 10 USD để lo cho tất cả mọi việc, Agnieszka kể mỗi khi thể hiện lòng biết ơn cho sự nhiệt tình của những người dân dọc đường, vợ chồng cô thường xuyên đón nhận cái khoát tay rất dứt khoát. “Chúng tôi ngầm hiểu họ nói đừng bận tâm, hãy tiếp tục lên đường” - dứt câu nói, vợ chồng Agnieszka bước vội lên chiếc xe tải chở rau để xuôi về TP.HCM.

Theo Mai Vinh (báo Tuổi Trẻ)
toimedulich

Những bãi biển hoang sơ nhất Ninh Thuận

(iHay) - Nhiều bãi biển của Ninh Thuận đẹp tựa những cô gái căng đầy sức sống nhưng chưa được nhiều chàng trai để mắt tới.

< Bãi biển Cà Ná với nước biển xanh trong, mát lạnh...

Men theo con đường ven biển từ bãi Cà Ná qua vịnh Vĩnh Hy của xứ xương rồng, bạn sẽ được ngắm nhìn những bãi biển tuyệt đẹp, cát trắng mịn và không hề ồn ào.

Khi nắng lên, màu nước biển được phân thành hai màu rõ rệt. Xa xa ngoài khơi là màu xanh biếc, còn ngay cạnh bờ nối với bờ cát dài trắng mịn lại có màu xanh ngọc trong vắt.

Biển Cà Ná

< Bãi biển Cà Ná mới chỉ mới có thấp thoáng một vài resort và giá cả chấp nhận được.

< Bạn có thể thuê đồ lặn biển tại các resort này để khám phá san hô tuyệt đẹp dưới đáy biển.

Theo con đường ben biển trên quốc lộ 1A, tới địa phận xã Cà Ná, huyện Thuận Nam (Ninh Thuận), cách trung tâm thị xã Phan Rang - Tháp Chàm 30km về phía nam, bạn sẽ đến bãi biển Cà Ná.

< Biển Cà Ná có nhiều ghềnh đá rất đẹp, là nơi lý tưởng để bạn tắm và phơi nắng.

Biển Cà ná dài chừng 3km, làn nước quanh năm trong xanh. Bên cạnh đó, biển Cà Ná có vẻ đẹp rất đặc trưng với những ghềnh đá hoa cương lớn nhỏ dọc bờ biển.

Bãi Đá Đen

< Bãi Đá Đen hiện còn rất hoang sơ, chưa được nhiều người để ý tới.

Cách Cà Ná chừng 2 km về hướng đông nam, trên quốc lộ 1A, bãi Đá Đen nhấp nhô đầy hình tượng trên nền biển xanh trong.

< Ven biển hiện tại chỉ có một vài ngôi nhà của người dân chài sinh sống.

< Những khối đá nhâp nhô trên nền biển xanh trong veo tận đáy.

Biển Bình Hưng

< Bãi biển cát trắng tinh, nước biển xanh biếc, trong vắt làm cho mỗi khi có dịp đi qua nơi này bạn không thể không dừng chân lại để ngắm nhìn.

< Đầu bờ biển là một bãi đá cuội ngầm.

Nằm sát trên con đường ven biển tuyệt đẹp từ vịnh Vĩnh Hy (Ninh Thuận) tới Cam Ranh (Khánh Hòa) , Bình Hưng tựa như một cô gái căng đầy sức sống dù không son phấn.

< Biển được chia làm ba màu rõ rệt: màu trắng của cát, màu xanh ngọc, trong vắt của của khu vực nước gần bờ và màu xanh biếc của nước biển phía xa.

< Biển ở đây hoang sơ, vắng lặng rất phù hợp cho những chuyến picnic vào cuối tuần.

Biển Bình Hưng mang trong mình một vẻ đẹp tinh khiết, hoang sơ, lặng lẽ. Tuy bãi biển không dài lắm, nhưng Bình Hưng vẫn hội tụ đầy đủ những gì một bãi biển đẹp cần có.

< Khúc cuối của bãi biển là một mỏm núi đá nhỏ, biển xanh trong tuyệt đẹp.

Phượt ký của Mạnh Vương (iHay.Thanhnien)
toimedulich

Du lịch 44 nước không cần visa

(Ione) - Theo bảng thống kê của Movehub, người Việt có thể ghé thăm 44 nước mà không cần visa.
Theo Movehub, là công dân Việt Nam, bạn sẽ được đi lại tự do tại 44 quốc gia trên thế giới mà không cần visa. Con số trên không quá cao và thông tin này cũng không quá mới nhưng đại bộ phận người Việt cũng chưa được biết đến. So với một số nước trong khu vực, Việt Nam vẫn xếp trên Trung Quốc (43), Triều Tiên (41), Myanmar (40)...

Trong khi đó, một số nước khu vực Đông Nam Á được thống kê có số lượng vượt trội như Malaysia (163 nước), Brunei (146) hay đạt mức trung bình như Philippines (58), Indonesia (53), Campuchia (46), Lào (45)…

Danh hiệu quốc gia ''quyền lực nhất'' thuộc về Vương quốc Anh, Phần Lan và Thuỵ Điển với số lượng 173 nước mà không cần xin thị thực.

Với quốc tịch Mỹ, Đan Mạch, Đức và Luxembourg, các quốc gia này cùng chiếm vị trí thứ hai với 172 nước. Vị trí thứ ba thuộc về Ý, Bỉ và Hà Lan với số lượng 171.

Afghanishtan trở thành quốc gia đứng cuối danh sách khi công dân đất nước này chỉ có thể tự do đi lại tại 28 nước. Ngoài ra, Iraq và Pakistan, Somalia lần lượt xếp thứ 2 (31) và thứ 3 (32) từ dưới đếm lên.

Movehub là một trang web hỗ trợ cho việc di chuyển hoặc du lịch giữa các quốc gia trên thế giới bằng việc cung cấp nhiều thông tin qua các bài viết chi tiết. Tuy chỉ mới được thành lập vào tháng 11/2013 nhưng Movehub trở nên phổ biến nhanh chóng dựa vào sự hữu ích của chính nó.

Danh sách 44 nước người Việt được tự do du lịch không cần visa

Khu vực Đông Nam Á

Thái Lan, Singapore, Lào, Campuchia, Indonexia, Malaysia được miễn thị thực trong 30 ngày đối với hộ chiếu phổ thông (HCPT).

Philippines: Miễn visa cho người mang HCPT, thời gian tạm trú không quá 21 ngày với điều kiện hộ chiếu còn giá trị sử dụng ít nhất 6 tháng và có vé máy bay khứ hồi hoặc đi tiếp nước khác.

Myanmar: Thời gian lưu trú không quá 14 ngày với điều kiện HCPT còn giá trị ít nhất 6 tháng được miễn visa khi nhập cảnh, xuất cảnh và quá cảnh.

Brunei: Miễn visa cho công dân Việt Nam mang HCPT với thời gian tạm trú không quá 14 ngày.

Thái Lan: Miễn visa cho người mang Hộ chiếu phổ thông (HCPT) với thời gian tạm trú không quá 30 ngày.

Singapore: Miễn visa cho người mang HCPT, thời gian tạm trú không quá 30 ngày và có vé khứ hồi hoặc vé đi tiếp nước khác, có khả năng tài chính chi trả trong thời gian tạm trú và có đủ các điều kiện cần thiết để đi tiếp nước khác.

Lào: Miễn visa cho người mang HCPT với thời gian tạm trú không quá 30 ngày. Người có nhu cầu nhập cảnh trên 30 ngày phải xin visa trước; thời gian tạm trú có thể được gia hạn tối đa hai lần, mỗi lần 30 ngày.

Campuchia: Miễn visa cho người mang HCPT, thời gian tạm trú không quá 30 ngày.

Philippines: Miễn visa cho người mang HCPT, thời gian tạm trú không quá 21 ngày với điều kiện hộ chiếu còn giá trị sử dụng ít nhất 6 tháng và có vé máy bay khứ hồi hoặc đi tiếp nước khác.

Myanmar: HCPT còn giá trị ít nhất 6 tháng được miễn visa khi nhập cảnh, xuất cảnh và quá cảnh với thời gian lưu trú không quá 14 ngày. (Hiệp định với Myanmar có hiệu lực từ 26/10/2013).

Indonesia: Công dân Việt Nam (không phân biệt loại HC) được nhập cảnh Indonesia miễn visa với thời gian tạm trú không quá 30 ngày. Thời gian tạm trú không được gia hạn.

Brunei: Miễn visa cho công dân Việt Nam mang HCPT với thời gian tạm trú không quá 14 ngày.

Malaysia: Miễn visa cho người mang các loại HC, với thời gian tạm trú không quá 30 ngày.

Đông Timor: Không yêu cầu xin visa ở Việt Nam. Bạn cứ bay bình thường đến sân bay của họ. Tại đó, hải quan Đông Timor sẽ cấp thị thực nhập cảnh cho bạn với mức phí là 30 USD. Lưu ý là bạn phải trình 100 USD cho mỗi lần nhập cảnh. Số tiền nói trên chỉ là trình ra cho họ thấy chứ không nộp. Bạn cũng phải xuất trình cả vé máy bay khứ hồi.

Châu Á

Đảo Jeju (Hàn Quốc): Chỉ được miễn visa khi tới đảo Jeju còn những nơi khác của Hàn Quốc đều phải xin thị thực như bình thường. Tuy nhiên, do chưa có đường bay thẳng từ Việt Nam đến đảo Jeju nên bạn sẽ phải quá cảnh ở một nước khác có đường bay đến hòn đảo này. Trường hợp du khách Việt Nam đã có visa (loại dán vào hộ chiếu) của 5 quốc gia Mỹ, Canada, Nhật Bản, Australia và New Zealand còn hiệu lực thì được phép vào Hàn Quốc du lịch mà không cần xin visa, chỉ xuất trình vé máy bay chặng kế tiếp là được chấp nhận.

Đài Loan: Những du khách đến từ các quốc gia như Việt Nam, Ấn Độ, Thái Lan, Philippines và Indonesia sở hữu visa còn hạn và thẻ cư trú tại các nước Mỹ, Canada, Nhật, Anh, Schengen (khối biên giới chung châu  u), Australia và New Zealand cũng được miễn visa trong 30 ngày khi đến Đài Loan. Tuy nhiên, cần đăng ký trên mạng để được xét duyệt, sau khi được chấp thuận mới có thể làm thủ tục lên máy bay và nhập cảnh Đài Loan.

Kyrgyzstan: Không phân biệt mục đích nhập cảnh.

Châu Mỹ

Panama: Công dân Việt Nam nhập cảnh Panama với mục đích du lịch được miễn visa và thẻ du lịch.

Ecuador: 90 ngày là thời hạn tối đa cho du khách Việt tham quan tại Ecuador. Quốc gia này đơn phương gỡ bỏ "hàng rào" visa cho khách du lịch đến từ rất nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Saint Vincent and the Grenadines: Là một đảo quốc và không yêu cầu visa đối với khách du lịch đến từ bất cứ quốc gia lẫn vùng lãnh thổ nào. Tuy nhiên, để được nhập cảnh, Bộ Ngoại giao của St. Vincent and the Grenadines yêu cầu khách du lịch phải trình hộ chiếu còn hiệu lực, một vé máy bay khứ hồi và chứng minh mình có đủ tài chính để chi trả cho chuyến đi.

Haiti: Theo Bộ Ngoại giao Haiti, chỉ công dân ba nước: Colombia, Cộng hòa Dominica và Panama được yêu cầu phải xin visa du lịch đến đất nước này, nghĩa là công dân các nước còn lại có thể lưu trú tại Haiti đến 90 ngày và thoải mái ngao du tại đây mà không cần visa.

Turks and Caicos: Quần đảo Turks và Caicos là một vùng lãnh thổ thuộc Vương quốc Anh và Bắc Ireland. Khách du lịch chỉ việc chứng minh đã có sẵn một vé máy bay khứ hồi rời khỏi đảo sẽ được phép lưu trú trong vòng 30 ngày và được gia hạn thêm một lần.

Cộng hòa Dominica: Người Việt Nam có visa du lịch còn hiệu lực hoặc đang cư trú hợp pháp tại Mỹ, Canada và Liên minh châu  u (bao gồm cả Vương quốc Anh) có thể du lịch đến nước này với một thẻ du lịch (tourist card) và hộ chiếu còn hiệu lực.

Costa Rica: Nếu bạn có visa (du lịch, thuyền viên hoặc Visa nhập cảnh với mục đích kinh doanh) còn hiệu lực ít nhất 3 tháng và có dấu xuất nhập cảnh đến Mỹ, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Schengen, bạn sẽ được phép nhập cảnh vào Costa Rica.

Các quốc gia/lãnh thổ dễ xin visa (visa on arrival)

Maldives: Đây là nước không cần visa xin trước mà cấp tại chỗ cho du khách. Chỉ cần đưa vé máy bay khứ hồi, đặt phòng khách sạn ra là nhân viên nhập cảnh sẽ đóng dấu vào hộ chiếu (còn hạn trên 6 tháng), Visa này sẽ được miễn phí trong 30 ngày.

Mauritius (tên đầy đủ Cộng hòa Mauritius) là một quốc đảo nổi tiếng về du lịch nằm ở Ấn Độ Dương, cách lục địa châu Phi khoảng 2.000 km. Mauritius cấp visa online cho người Việt Nam. Theo đó, khách du lịch điền đầy đủ thông tin và đăng ký trên mạng. Sau khi nhận được mail chấp thuận, in ra và nhận visa tại cửa khẩu khi đến Mauritius.

Nepal: Bạn cần chuẩn bị đồng dollar (USD) để đóng lệ phí visa (20 USD cho visa 15 ngày), 2 ảnh thẻ cỡ giống trên hộ chiếu và có một trang trống là có thể xin visa ở ngay sân bay Kathmandu.

Ấn Độ: Việt Nam là một trong số ít nước được phép xin visa ngay tại 4 sân bay ở Ấn Độ: Delhi, Mumbai, Chennai và Kolkata. Tuy nhiên visa xin tại sân bay Ấn Độ là loại single (một lần) và có thời hạn 30 ngày, giá 60 USD.

Sri Lanka: Bạn chỉ cần nộp đơn xin visa qua mạng, thanh toán bằng thẻ ngân hàng cho phí visa, đợi có kết quả, in tờ xác nhận ra đem tới sân bay để làm thủ tục bay đi Sri Lanka.

Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE): Emirates và Etihad là hai hãng hàng không của UAE có đường bay từ Việt Nam hiện nay. Emirates thì bay thẳng đến Dubai trong khi Etihad bay đến Abu Dabhi. Nếu sử dụng vé của hai hãng này bạn có thể xin visa dễ dàng ngay trên mạng hoặc liên hệ để được hướng dẫn chi tiết tại văn phòng của hãng ở TP HCM. Bạn cũng có thể mua các gói Stop Over không quá 96 tiếng bao trọn gói visa nếu đi đâu đó mà quá cảnh ở UAE.

Iran: Hộ chiếu phổ thông Việt Nam có thể lấy visa tại cửa khẩu Iran có giá trị trong 17 ngày và 50 USD. Thông tin xuất nhập cảnh tại thủ đô Tehran yêu cầu bạn mang theo ảnh thẻ để làm visa on arrival.

Nhiều nước châu Phi, trong đó có Senegal, visa sẽ được cấp qua mạng. Khách du lịch đăng ký online sẽ nhận được form xin visa, điền thông tin đầy đủ và nộp ở cửa khẩu, bạn sẽ được cấp visa on arrival. Lệ phí là 50 Euro.

Các quốc gia/lãnh thổ cấp visa không thu lệ phí

Algeria, Afghanistan, Mông Cổ, Nicaragua, Romania, Cuba đều là những nước cấp thị thực cho người Việt có HCPT còn hạn và miễn thu lệ phí.

Theo Ione.Vnexpress
toimedulich