Thứ Tư, 30 tháng 4, 2014

Khau Liêu - con đèo huyền thoại

(TTVN) - Khi đến Cao Bằng, chắc chắn không ai bỏ qua khu du lịch Bản Giốc. Và muốn đến được Bản Giốc hùng vĩ, nhất định bạn phải chinh phục được con đèo có cái tên rất ... Cao Bẳng: Khau Liêu.

“Mời anh lên Cao Bằng quê em, lên đèo Khau Liêu qua đèo Mã Phục, vượt qua rừng vầu, xuyên qua rừng trúc, như bầy ong, như bầy chim...”. Đó là, những câu thơ trong bài thơ “Mời anh lên Cao Bằng quê em” của nhà thơ Y Phương đã được phổ thành ca khúc.

Khau Liêu là gọi theo tiếng Tày, có nghĩa là đèo Liêu. Đứng trên cao nhìn xuống, đèo Khau Liêu mềm mại chạy giữa các dãy núi lô nho của Cao Bằng, giống như một con rồng uốn lượn quanh co, ôm lấy núi.

Đây cũng là con đèo thử tay lái của nhiều dân "phượt" muốn chinh phục khó khăn trước thiên nhiên hùng vĩ. Có thể nói đèo Khau Liêu như một nét chấm phá trong bức tranh đồng quê miền núi tuyệt đẹp của vùng Trùng Khánh.

Không nổi tiếng như đèo Mã Phục nằm trước đó, đèo Khau Liêu mang một nét đẹp nên thơ, đầy màu sắc và hài hòa với cảnh sắc thiên nhiên. Bạn sẽ có cảm giác hạnh phúc, vui sướng khi vượt qua được độ cao của đèo Khau Liêu. Đứng trên đỉnh đèo phóng tầm mắt xuống dưới, hít thở không khí thanh khiết của núi rừng, thật sự không còn gì thú vị hơn.

Từ đây, thiên nhiên Cao Bằng hiện ra rõ nét, những con người bên dưới trở nên nhỏ bé. Những cung đường vừa đủ cho hai làn xe ôtô vừa mới đi qua giờ cũng chỉ như những dải lụa uốn lượn quanh núi.

Đèo Khau Liêu không chỉ đi vào thơ ca, không chỉ là niềm cảm hứng để các nhà nhiếp ảnh sáng tác mà còn là một chứng tích lịch sử trong sự kiện biên giới năm 1979. Những cây cỏ, những hòn đá xếp, tấc đất đã thấm đẫm máu và mùi thuốc súng thuở nào.

Từ lâu, Khau Liêu là con đèo nhuốm màu sắc huyền thoại, bởi những câu chuyện kể với nhiều tình tiết dị bản. Là con đèo nối huyện Quảng Uyên và Trùng Khánh, mốc trên đỉnh đèo, phía Đông thuộc huyện Trùng Khánh, phía Tây thuộc đất Quảng Uyên.

Du khách thập phương lên Cao Bằng muốn đi thưởng lãm vẻ đẹp kỳ vĩ của động Ngườm Ngao, thác Bản Giốc, Hang Cô Tiên, Động Ba Se... bằng con đường ngắn nhất đều phải qua Khau Liêu.

Trước kia, khi chưa có đường ôtô, Khau Liêu đã có đường mòn đi tắt, dựng đứng, mà người gánh đi sau mặt chạm chân người lên trước. Người lên xuống dốc đã toát mồ hôi, thở bằng tai, gánh vác càng vất vả muôn phần.

Những người cao tuổi sống ở làng 2 bên đèo kể lại, thuở người Pháp chưa mở đường, rừng cây to vô kể, nhiều hổ báo rình rập, người đi qua đèo phải đeo cái “Pha nam khằng” có 2 dây đeo để xỏ 2 cánh tay vào để tránh làm mồi cho ông Ba Mươi. Pha nam khằng được kết bằng sợi dây vai, buộc nhiều cây “nam khằng” lại với nhau thành một cái gọi là “pha” vừa vặn với lưng người.

Đặc tính của loài hổ là rình rập, vồ và chồm lên phía sau người, thú vật. Khi đeo pha vào hổ không dám vồ từ phía sau. Nếu có con hổ nào đó liều lĩnh vồ người, khi chồm lên, người nhẹ nhàng cúi xuống, co đầu lại, con hổ bị gai nam khằng đâm đau không dám liều vồ cú thứ 2, thứ 3. Loài hổ khi bị đánh đau sẽ vùng chạy vào rừng sâu.


Trong chiến sự năm 1979, đèo Khau Liêu là lá chắn kiên cố, giằng co quyết liệt giữa 2 bên. Đất 2 bên giao thông hào bị cày xới bởi đạn pháo. Mùi thuốc súng, đạn cối nặng nồng.

Trên đỉnh đèo giờ vẫn có tấm bia bằng bê tông ghi “chiến thắng Khau Liêu tháng 2 năm 1979”. Chiến thắng Khau Liêu đã đi vào trang sử của tỉnh Cao Bằng như một chứng tích, một mốc son nhắc nhở thế hệ sau này không được lãng quên.

Trong chiến thuật chiến lược quân sự, con đèo là bản án ngữ, là bức tường thành thiên nhiên kiên cố, dễ phòng thủ, khó tấn công từ hai phía. Chiếm được đỉnh coi như nắm phần chiến thắng. Nhưng trong chiến lược phát triển kinh tế, con đèo đã gây ra sự cản trở về hao mòn máy móc, nguy hiểm đối với các phương tiện tham gia giao thông khi phải leo con đèo quanh co, hiểm trở. Một bên là núi cao chót vót, một bên là vực sâu thăm thẳm. Lưu lượng xe cộ qua lại đèo Khau Liêu cũng không rầm rộ, tấp nập như những con đường huyết mạch quốc gia. Con đèo này cũng đã ghi nhận nhiều vụ tai nạn giao thông gây chết người, thiệt hại về vật chất, tiền bạc.

Trong tương lai đèo Khau Liêu sẽ trở thành đường thẳng băng. Sẽ không còn cảnh đổ xe, ngã vật xuống vệ đường sứt tay, gãy chân nữa. Người làng Bản Khuông và người thông Tả Mèn (xã Quảng Hưng, huyện Quảng Uyên) sẽ nhìn thấy bóng dáng của nhau.

Làng bản thu về trong tầm mắt, người bên này đèo gọi người bên kia đèo nghe thấy. Xe không phải leo dốc hao mòn máy móc, xăng dầu, người không phải gánh vác leo đèo mất sức, toát mồ hôi nữa.

Đèo Khau Liêu sẽ chỉ còn trong trang sách sử để người đời sau biết đến, đèo chỉ còn trong hoài niệm, tâm tưởng của những người đã chứng kiến con đèo với nhiều kỷ niệm, như một chứng tích chiến tranh, khói lửa tràn ngập xóm thôn, đạn pháo khốc liệt thuở nào.

Người làng 2 bên đèo nói chung và người dân 2 huyện Quảng Uyên, Trùng Khánh có quyền lưu nhớ hình ảnh con đèo huyền thoại trong ký ức, cả thời xưa và bây giờ.

Khánh Chi (Thể Thao Việt Nam)
Du lịch, GO!

Hồn làng Khuổi Ky

Một ngôi làng lặng lẽ im lìm trong bóng tre vầu. Thỉnh thoảng vẳng lên tiếng chó sủa, mèo kêu, gà gáy. Tiếng bà ru cháu nghe chênh vênh như nắng bò dần lên dốc...

Ở làng Khuổi Ky, một làng Tày cổ có từ thời nhà Mạc ở xã Đàm Thuỷ, huyện Trùng Khánh, dân làng đã manh nha phát triển nghề dịch vụ du lịch.

Làng Khuổi Kỵ nằm giữa hai địa điểm du lịch Thác Bản Giốc và động Ngườm Ngao thuộc xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh (Cao Bằng). Từ lâu, Khuổi Kỵ đã nổi tiếng với cái tên “làng đá” và tục thờ thần đá độc đáo vùng biên giới. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, giờ đây trong tâm thức người Tày ở Cao Bằng 'thần đá' vẫn gắn bó và tồn tại trong ý niệm của họ.

Chiêm ngưỡng “làng đá”

< Buổi trưa hè, Khuổi Ky vẫn khá mát mẻ.

Làng có 14 nhà sàn 2 tầng bằng đá, một số nhà đổ nát, mới được phục dựng. Nhà văn hoá và cổng làng mới xây.
Tùy thuộc vào căn nhà sàn lớn hay nhỏ (thường là 3 gian - 2 chái và 1 gian - 2 chái), thì chuyện dựng nhà sàn gỗ của người Tày cũng cần ít nhất quãng thời gian 5 năm với hàng chục khối gỗ lớn, lạt, số lượng cột, kèo…”. Tuy nhiên, khi dựng nhà sàn đá lại chú trọng hơn đến khâu lựa chọn đá và sắp xếp chúng. Chẳng hạn, để xếp được một bức tường bằng đá thì người thợ phải mất vài tháng, có khi gần một năm.

< Làng đá Khuổi Kỵ.

Khi xếp đá đến độ cao khoảng 2,5m, người thợ sẽ tính đến chuyện đặt dầm gỗ, sau đó xếp những tấm ván hoặc tre để làm sàn, đồng thời chia cách tầng 1 và tầng 2.

Những viên đá được chọn để dựng nhà gần như có kích thước tương đồng và chúng sẽ được gắn kết với nhau bằng hỗn hợp vôi trộn cát. Một điều nữa có thể nhận thấy sự khác biệt của làng Khuổi Kỵ so với những nơi khác giữa các huyện miền núi là các hàng rào, đường đi lại hoàn toàn được làm bằng đá núi.

< Ngôi nhà đẹp nhất làng Khuổi Kỵ được xây hoàn toàn bằng đá tự nhiên.

Bà Triệu Thị Bề (người làng Khuổi Ky), khẳng định: “Cả làng cả xóm cùng nhau bảo tồn văn hóa, tuyên truyền cho lớp trẻ phải giữ bản sắc dân tộc”. Cụ Nông Văn Tâm (70 tuổi) ở làng Khuổi Kỵ cho hay: “Ngược thời gian vào những năm 1594-1677, khi nhà Mạc lên vùng đất Cao Bằng để xây dựng thành quách để bảo vệ đất nước, những ngôi nhà sàn bằng đá đã được xây dựng lên như một “pháo đài” độc nhất vô nhị chỉ dành riêng cho những bậc quyền quý.

Độc đáo tục thờ “thần đá”

< Đường đi quanh làng cũng được người dân dùng đá để làm hàng rào hai bên.

Trong tâm niệm của người dân nơi đây, đá được coi như một vị thần tượng trưng cho sự lâu bền, vững chắc có thể phục vụ cho các mục đích lâu dài trong đời sống sinh hoạt nên đã lập đền để thờ thần đá.

Đá trong tâm tưởng của họ thiêng liêng như một vị thần giúp che chở những khắc nhiệt của thiên nhiên. Chẳng thế mà trong luật tục của của mỗi tộc người trên vùng đất Cao Bằng này đều có những ngày nhất định để tiến hành tế lễ cảm tạ thần đá, thần rừng.

< Những ngôi nhà được xây dựng như pháo đài – dấu tích một thời chống chọi với giặc giã và thiên nhiên khắc nghiệt.

Còn nhớ tộc người Lô Lô sinh sống ở huyện Bảo Lạc, năm nào cũng vậy, cứ độ vào tiết trời thanh minh tháng Ba là cư dân cả bản dù có bận việc đến đâu cũng sẽ tạm gác lại để cùng họp nhau tại nơi thờ cũng thần đá được quy ước trong bản để làm lễ “mể-lồ-phỉ” (hiểu nôm na là lễ cúng thần đá)...

Theo lời những người dân nơi đây, họ luôn coi đá như một phần trong cuộc sống. Bởi thế nên có những bức tường đá đã phủ hoen màu thời gian vẫn vững chắc tồn tại, mà không ai dám phá cả. Thậm chí bất cứ ai khi đi ngang qua những bức tường đá, chứng kiến chúng chẳng may bị hư hỏng là bà con lại tự động nhặt đá lắp lại.

Giữa không gian bao la, những ngôi nhà sàn đá vững chãi vươn cao như một lũy thép kiên cố. Mặc cho thời gian trôi qua, suốt hàng trăm năm nhưng những ngôi nhà sàn đá này vẫn bền bỉ, kiên định, bao bọc, chở che những cư dân hiền lành, chất phác vùng biên viễn.
Khuổi Ky đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Làng văn hóa truyền thống tiêu biểu dân tộc ít người.

< Những ngôi nhà mới trùng tu.

Nhà văn Y Phương đã góp phần làm cho ngôi làng cổ này thêm nổi tiếng với tùy bút “Hồn làng”. Khuổi Ky trong tâm tưởng Y Phương thanh bình và cổ kính: “Trước mắt tôi là một ngôi làng lặng lẽ im lìm trong bóng tre vầu. Thỉnh thoảng vẳng lên tiếng chó sủa, mèo kêu, gà gáy. Tiếng bà ru cháu nghe chênh vênh như nắng bò dần lên dốc. Nhà nhà vách đất thủng lỗ chỗ. Mái ngói âm dương xô lệch, mọc dầy rêu nâu với những bông hoa hình quả chuông...”

Hướng dẫn thêm:

Từ trung tâm huyện Trùng Khánh đến làng Khuổi Ky chừng 18km (nằm trên đường đến thác Bản Giốc – đi thêm khoảng 2km mới tới thác, muốn đến Khuổi Ky, bạn phải xuống xe giữa đường).
 Từ thị xã Cao Bằng chỉ có hai chuyến xe đi Bản Giốc vào buổi sáng, tầm 6h30 và 7h30 (nhà xe Bằng Loan, sđt 0982.142.848, giá 80k), quãng đường khá xa, khoảng 90km.

Ngay tại thác Bản Giốc có nhà nghỉ. Từ đây, bạn có thể tham quan động Ngườm Ngao cách đó chừng 5km.
Đến 13h30, xe khởi hành từ thác Bản Giốc về lại thị xã Cao Bằng. Trên đường, bạn có thể dừng lại Trà Lĩnh, nghỉ đêm để hôm sau  đi hồ Thang Hen và Cổng trời (cách thị xã Cao Bằng chừng 15km).

Tổng hợp từ VOV4, Dân Việt
Du lịch, GO!

Sự thật về "bùa điên" ở Đông Bắc

(NĐT) - Người lạ vô tình "dính" phải bùa điên sẽ tự treo cổ hoặc trèo lên cao và nhảy xuống tự tử. Bên cạnh đó, người biết làm bùa sẽ vướng vào một lời nguyền cay nghiệt: Nếu một năm không bỏ bùa làm điên được ai thì chính mình sẽ tự nổi điên mà chết.

Lời nguyền điên loạn

Tôi có một sở thích là hay tự "buộc" những cái vất vả vào mình. Chẳng thế mà khi người ta chọn đường quang, đường thẳng để đi thì tôi lại hay thâm nhập vào những nơi bụi bặm và gai góc. Tôi mê mẩn những cung đường khúc khuỷu, ngoằn ngoèo của núi rừng Đông Bắc. Mỗi chuyến đi là một trải nghiệm. Và điểm đến lần này của tôi là huyện vùng cao Trùng Khánh của tỉnh Cao Bằng, nơi lưu truyền những câu chuyện thần bí về bùa điên của người Tày.

Sau những cung đường gập ghềnh, xã Đàm Thủy (huyện Trùng Khánh, Cao Bằng) hiện ra ở phía cuối con đường với thác Bản Giốc, địa danh nổi tiếng khắp cả nước. Người dân tộc Tày nơi đây có cái tình rất đượm. Sau chén rượu đầu môi, chủ khách tình thân như người một nhà. Buổi tối vùng cao có cái lạnh tê người của sương giá, có cái tĩnh mịch đến rợn người của nơi "thâm sơn cùng cốc". Trong câu chuyện dông dài khi ngủ nhờ một nhà người dân ở bản Giốc, tôi tình cờ biết được một thế giới tâm linh của người dân tộc Tày nơi đây. Đó là những chiếc bùa điên đầy ma mị và bí ẩn.

Chén rượu thuốc lá cây rừng trong bữa cơm buổi tối dường như đã bốc hết, anh Nông Văn Tình (SN 1988), một người dân ở bản kể với tôi rằng: "Cái thứ gọi là bùa yêu của thầy mo xứ Mường chưa chắc đã đáng sợ bằng bùa điên của người Tày đâu". Nghe đến hai chữ "bùa điên", tôi cứ mơ hồ về một thế giới bùa ngải chưa từng biết đến. Anh Tình khẳng định: "Có bùa điên thật đấy. Nhưng người dân ở đây thường tránh nhắc đến nó vì công lực của bùa rất mạnh. Cứ nói nhiều đến nó mà giáp mặt thầy mo một lần chắc chắn sẽ bị yểm ngay".

Theo lời anh Tình, bùa điên là thứ bùa đáng sợ nhất mà người Tày có thể tự làm được. Bùa được chế từ nhiều loại cây rừng khác nhau. Những thứ lá rừng ấy hầu như ai cũng biết nhưng để kết hợp chúng thành một loại bùa ngải thực sự có công hiệu thì phải có bí quyết gia truyền. Có nghĩa là gia đình nào mà có thế hệ đi trước làm thầy cúng, thầy mo thì mới biết tuyệt kỹ làm bùa. Mỗi người làm bùa điên đều giữ cho mình một bài cúng đặc biệt. Bài cúng này không ai được biết, trừ những người kế tục được truyền lại.

Người dân chỉ nghe kể chứ chưa tận mắt chứng kiến loại bùa này

Thấy câu chuyện có phần ly kỳ nhưng khó tin, tôi mạnh dạn hỏi: "Bây giờ liệu có còn người làm bùa điên?". Anh Tình khẳng định: "Tất nhiên là có. Bùa điên là công thức gia truyền của thầy mo nơi đây. Không những thế, nó còn mang trong mình một lời nguyền. Nếu người đã được chọn làm bùa điên mà mỗi năm không yểm được ai thì chính người đó sẽ phát điên, cũng có thể dẫn đến cái chết.".

Nghe anh Tình nói, những người thân trong gia đình anh đều gật đầu xác nhận. Bà nội của anh là cụ Nông Thị Nết năm nay đã 83 tuổi còn nói mấy câu tiếng Tày mà tôi phải nhờ "phiên dịch" mới hiểu được. Đại ý cụ bảo: "Ai mà vô tình ngồi cạnh người biết làm bùa điên, nếu nói năng mạo phạm hoặc khiến người làm bùa phật ý thì rất dễ biến thành nạn nhân. Người lạ mà đến vùng này, tốt nhất nên tìm đến nhà những người làm cán bộ để được tư vấn trước".

Anh Tình tiếp lời bà: "Cách đây mấy tháng có người ở bản Khuổi Ky bị bùa điên yểm đấy. Tự nhiên giữa trưa, một người đàn ông khỏe mạnh, 45 tuổi đã có vợ con trèo lên cây cột điện giữa làng rồi hú hét ầm ĩ, nói năng nhảm nhí. Cuối cùng, người đàn ông ấy đã tự kết liễu đời mình bằng cách nhảy xuống đất".

Cũng theo lời anh Tình, thỉnh thoảng, người dân lại chứng kiến có người đi lại vật vờ trên đường ở bản. Nữ thì đầu tóc rũ rượi, vừa đi vừa cười và lẩm nhẩm những điều không ai hiểu. Người nam thì để tóc dài bù xù, vừa đi vừa nhặt nhạnh rác rưởi đeo khắp người. Dân tộc Tày ở khắp nơi đều có người biết làm bùa điên. 100% trong số họ là những người đang hoặc đã từng làm nghề thầy cúng, thầy mo. Không phải ai muốn làm bùa điên cũng được. Nó gần giống như cái "căn quả" của con người.

"Nó là do người trên (đấng thần linh siêu thực - PV) ấn định, bắt phải làm. Người được ấn định nếu không làm thì sẽ tự mình hóa điên mà chết. Còn nếu muốn tồn tại thì cách duy nhất là làm người khác nổi điên. Mức độ điên loạn có thể nhẹ hoặc nặng tùy vào khả năng phản ứng với bùa ngải của đối tượng bị làm phép và cảm hứng của người làm phép lúc đó", anh Tình tâm sự.

Theo lời của một số người dân, ai được "người trên" chỉ mặt đặt tên "cho phép" làm bùa thì bắt buộc mỗi năm phải làm cho một ai đó nổi điên. Nếu không làm được, chính người làm bùa sẽ lãnh hậu quả. Vì thế, bằng bất cứ giá nào, người làm bùa đều sẽ yểm bùa một ai đó. Nạn nhân có thể là người có mối thù oán với chủ bùa, nhưng cũng có thể có ai đó vì ghét một người mà không muốn ra mặt sẽ mang đồ cúng lễ đến để nhờ thầy làm phép "trả thù" đối phương.

Thầy cứ theo họ tên, nơi cư trú của đối tượng được cung cấp mà cúng bái tế lễ. Sau ba ngày, lá bùa được ban ra. Chỉ cần mang lá bùa đó đến trước mặt người cần yểm bùa rồi quệt ngang qua áo, hay để vào trong nhà của đối tượng thì sẽ thành công như ý.

Anh Tình còn chia sẻ thêm: "Chẳng ai dám nói chuyện bùa điên đâu. Mỗi khi đi ăn giỗ, ăn đám mà trót phải ngồi cùng mâm với thầy mo, thầy cúng thì những người "đen đủi" đó sẽ hết sức tránh không nói chuyện nhiều với thầy. Họ luôn mang trong mình một nỗi sợ hãi rằng nếu nói gì mạo phạm, thầy sẽ yểm bùa thì coi như xong một đời. Đặc biệt, với những người để lộ thông tin cá nhân thì càng phải cẩn thận. Chỉ cần thầy có chủ ý, ghi nhớ lại thì sau một tháng, một năm, thậm chí là đến cả 10 năm sau thầy vẫn có thể yểm bùa cho điên loạn".

Câu chuyện kỳ bí tạm gác lại khi trăng đã chênh chếch về phía núi. Tôi cứ miên man không tài nào chợp mắt được vì những câu chuyện rợn người, ma mị của bùa điên. Trước khi ngủ, anh Tình còn dặn tôi rất nghiêm túc rằng: "Chị đừng có nghĩ gì đến bùa điên nữa nhé. Chị mà nghĩ đến nhiều, nếu vô tình gặp thầy mo trên đường dễ bị yểm lắm. Cái thứ bùa điên này rất kỳ lạ. Nó bám vào con người ta một cách bí hiểm mà không ai có thể lý giải được".

Sáng hôm sau, nhân lúc vui câu chuyện mới, tôi nhờ anh Tình dẫn đến nhà thầy mo chuyên làm bùa điên để tìm hiểu. Tuy nhiên, anh nhất định không đi vì sợ cả hai sẽ bị yểm bùa. Hơn nữa, những năm qua, chính anh Tình cũng chỉ nghe kể chứ chưa bao giờ được tận mắt chứng kiến loại bùa này.

Theo Tin Mới/Người Đưa Tin
Du lịch, GO!

Khách nghỉ lễ tăng vọt

(TTO) - Kỳ nghỉ lễ kéo dài, lượng khách nghỉ lễ tăng mạnh so với mọi năm, trong đó phần lớn các tour du lịch nội địa và du lịch tự túc đều đổ về các khu du lịch biển để giải nhiệt.

Theo các công ty du lịch, lượng khách mua tour năm nay tăng 20-30% so với cùng kỳ năm trước.

Tham quan hang động Phong Nha bằng trực thăng

Sáng 27-4, chuyến bay dịch vụ đầu tiên chở du khách tham quan rừng và hang động Phong Nha bằng máy bay trực thăng do Công ty du lịch lữ hành Oxalis và cơ sở du lịch Farmstay tổ chức. Sau khi đón khách tại hang Én, bay một vòng quanh vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, máy bay trả khách tại trung tâm du lịch Phong Nha (xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch).

Trước đó, vào sáng 26-4, du khách đi bộ xuyên rừng vào hang Én (thuộc hệ thống hang động Phong Nha), cắm trại và nghỉ qua đêm tại đây. Giá bay với tour nửa ngày là 3 triệu đồng/khách, tour hai ngày là 6,3 triệu đồng/khách. Mỗi chuyến bay từ 20-22 khách.

Ông Nguyễn Hữu Hoài, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, kỳ vọng dịch vụ bay du lịch bằng trực thăng sẽ tạo điều kiện cho những người không đi bộ đường rừng được nhưng vẫn có thể khám phá hang động.

Vẫn còn tour nội địa bằng đường bộ

Các công ty du lịch dịch vụ lữ hành Saigontourist, Vietravel, Bến Thành, Fiditour... cho biết hiện vẫn còn một số tour nghỉ trong đợt lễ này, nhưng chủ yếu là các tour nội địa bằng đường bộ: Phan Thiết, Mũi Né, Nha Trang, Đà Lạt, liên tuyến Nha Trang - Đà Lạt, Phan Thiết và miền Tây khởi hành trong các ngày 29 và 30-4. Ngoài ra, các tour du lịch sang các nước Đông Nam Á không cần thị thực (visa): Campuchia (4 ngày) với số lượng gần 10 chỗ, tour Thái Lan (5 ngày) còn các ngày khởi hành 29-4, 1, 2 và 3-5, tour Singapore (4 ngày)... vẫn còn.

Theo các công ty du lịch, không chỉ tour nội địa, các tour du lịch nước ngoài đi xa trong dịp lễ này cũng tăng rất mạnh. Theo Công ty du lịch Vietravel, lượng khách mua các tour đi Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu đợt nghỉ lễ này tăng 150-200% so với cùng kỳ. Đại diện Bến Thành Tourist cho biết du lịch đảo Jeju (Hàn Quốc) bằng máy bay thuê nguyên chuyến (charter flight) của Hãng hàng không VietJet Air cũng đã đầy chỗ từ rất sớm vì giá chỉ bằng tour đi Đông Nam Á.

Nha Trang: khách sạn cháy phòng

Bà Phan Thanh Trúc - phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh Khánh Hòa - cho biết theo thông tin tổng hợp từ các nguồn, lượng khách đến Nha Trang năm nay tăng so với cùng thời điểm này năm ngoái. Theo ghi nhận của chúng tôi, khách sạn trên các tuyến đường lớn như: Trần Phú, Hùng Vương, Nguyễn Thiện Thuật... đều đã hết phòng trong dịp nghỉ lễ 30-4.

Một số chủ khách sạn hai sao dọc đường Trần Phú cho biết giá thuê phòng dịp nghỉ lễ cao hơn nhiều so với giá niêm yết nhưng vẫn hết phòng, phải tới ngày 3-5 mới có phòng cho thuê trở lại.

Đà Nẵng vào mùa du lịch biển

Trong dịp lễ 30-4 và 1-5 này, TP Đà Nẵng khởi động mùa du lịch biển 2014, khai mạc lúc 16g30 ngày 30-4 (kéo dài đến ngày 5-5) tại sân khấu trung tâm công viên Biển Đông, với nhiều hoạt động hứa hẹn hấp dẫn du khách. Ngoài ra, còn có các hoạt động như đua xe đạp chinh phục bán đảo Sơn Trà; ngày hội miền biển gồm các hoạt động như: bóng chuyền bãi biển, kéo co trên biển, thi bơi thúng, đánh cá; đồng diễn flashmob bikini “Thủy triều dâng” tại bãi biển Phạm Văn Đồng; giải đua kayak “Vượt sóng Mỹ Khê lần 1”; chương trình ca nhạc “Holiday beach Đà Nẵng show” với sân khấu được lắp dựng trên bãi.

Theo Sở VH-TT&DL Đà Nẵng, các khách sạn, resort ven biển của Đà Nẵng dịp 30-4 công suất phòng đa số đạt gần 100%. Lượng khách đến Đà Nẵng dịp 30-4 này tăng 15- 20% so với cùng kỳ năm 2013.

Huế: hấp dẫn lễ hội Sóng nước Tam Giang

Ngày 26-4, tin từ phòng nghiệp vụ du lịch Sở VH-TT&DL Thừa Thiên - Huế cho biết hơn 95% số phòng của các khách sạn 2-4 sao tại Huế đã được đặt trong ngày 30-4. Những ngày còn lại, tỉ lệ đặt phòng từ 70-85%. Tuy nhiên, các khách sạn 5 sao và nhà nghỉ vẫn còn phòng trống.

Riêng khu du lịch trên núi Bạch Mã trong những ngày từ 30-4 đến 3-5 đã được đặt kín chỗ. Đặc biệt, lễ hội Sóng nước Tam Giang sẽ khai mạc lúc 20g ngày 30-4 tại bờ phá Tam Giang (huyện Quảng Điền), với những hoạt động: lễ tế, hội chợ ẩm thực, hội diều, hội đua ghe trên phá Tam Giang.

Quảng Bình: vũng Chùa - đảo Yến hút khách

Ông Nguyễn Văn Kỳ, phó giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Bình, cho biết hơn 4.000 phòng nghỉ ở gần 200 khách sạn, nhà nghỉ trên địa bàn TP Đồng Hới đã được khách đăng ký hết từ ngày 28-4 đến 2-5. Riêng ngày 28-4 có 2.200 người đã đăng ký vé tàu từ Hà Nội vào Đồng Hới, chủ yếu là khách vào nghỉ mát ở biển Nhật Lệ, dự lễ kỷ niệm 410 năm hình thành tỉnh Quảng Bình và tham quan hang động ở Phong Nha - Kẻ Bàng. Có rất nhiều đoàn từ 15-20 người đã không tìm được nơi nghỉ trong những ngày tới.

Dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 năm nay Quảng Bình có thêm một điểm đến thu hút lượng khách rất lớn là vũng Chùa - đảo Yến, nơi yên nghỉ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Kiên Giang: hết vé tàu khách

Chiều 26-4, phòng vé Công ty tàu cao tốc Superdong tại Kiên Giang cho biết đến thời điểm này đã hết vé trong hai ngày lễ 30-4 và 1-5 cho cả hai chiều từ Rạch Giá đi Phú Quốc và ngược lại. Theo ghi nhận, hầu hết resort, khách sạn hạng sao và các nhà nghỉ đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch tại Phú Quốc, Hà Tiên đã kín chỗ đăng ký cho các ngày từ 30-4 đến 4-5. Các nhà nghỉ bình dân hầu hết cũng kín chỗ cho hai ngày cao điểm 30-4 và 1-5.

Vũng Tàu: du khách bị làm phiền sẽ được xử lý ngay

Bà Trương Thị Hường, phó chủ tịch UBND TP Vũng Tàu cho biết khoảng 80% khách sạn, nhà nghỉ trên địa bàn TP Vũng Tàu đã được du khách đặt kín chỗ, trong đó các khách sạn lớn có vị trí gần các bãi tắm đã hết phòng. Theo Ban quản lý các khu du lịch Côn Đảo, khoảng 60-70% số phòng tại hơn 600 khách sạn và nhà nghỉ trên địa bàn đã có khách đăng ký.

Từ giữa tháng 4-2014, UBND TP Vũng Tàu đã lập đoàn công tác đi kiểm tra, khuyến cáo đối với các khu nhà nghỉ ở Bãi Sau, các quán ăn về việc tăng giá bất thường. Ông Võ Quý Khanh, phó trưởng Phòng Văn hóa thông tin TP Vũng Tàu, cho biết điện thoại đường dây nóng của đoàn kiểm tra sẽ mở trực 24/24 giờ để nhận thông tin phản ảnh, giải quyết cho du khách khi bị làm phiền.

Nhóm PV báo Tuổi Trẻ
Du lịch, GO!

Thứ Ba, 29 tháng 4, 2014

TPHCM bắn pháo hoa dịp 30/4

Nhân kỷ niệm 39 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, TP HCM sẽ tổ chức bắn pháo hoa tầm cao bắt đầu từ 21h đến 21h10 tối nay (30/4) tại khu vực đường hầm sông Sài Gòn.

Thời gian bắn pháo hoa dự kiến kéo dài 10 phút  Theo ban tổ chức, năm nay chương trình bắn pháo hoa của TP được đầu tư nhiều hơn về số lượng pháo, và màu sắc cũng rất đa dạng hơn

Bên cạnh đó, thành phố cũng tổ chức nhiều hoạt động khác để chào mừng dịp lễ 30/4-1/5 như trang trí ánh sáng nghệ thuật trên đường Lê Duẩn, quận 1 từ ngày 25/4 đến ngày 5/5.
Trong hai ngày chính lễ 30/4 và 1/5 nhiều hoạt động nổi bật được diễn ra như: giao lưu nhân chứng lịch sử và biểu diễn nghệ thuật đặc biệt.

Trung tâm Tổ chức biểu diễn và điện ảnh TP.HCM đồng loạt tổ chức các điểm diễn phục vụ cộng đồng vào hai đêm 30/4 và 1/5 tại công viên Gia Định, Trung tâm Văn hóa Q.12, huyện Bình Chánh, Cần Giờ, sân banh Thời Tứ, Ngã ba Giồng…với nhiều chương trình văn nghệ tổng hợp như Những mùa xuân huyền thoại, Sài Gòn quật khởi, Điệp khúc Sài Gòn, Ngày mai anh lên đường, Huyền thoại một tình yêu, Nhánh lan rừng

Ngoài ra TP.HCM cũng tổ chức triển lãm với chủ đề "Tự hào 39 năm đất nước trọn niềm vui" ở trước Nhà hát TP và "TP HCM - thành phố tôi yêu" trên đường Đồng Khởi để trưng bày các hình ảnh về chặng đường xây dựng và phát triển TP HCM suốt 39 năm qua.

Theo Hải Yến (Vietnamnet)
Du lịch, GO!

Du lịch cửa khẩu

(Yatlat) - Du lịch cửa khẩu hay du lịch biên giới đang là trào lưu được nhiều giới trẻ thực hiện. Những cửa khẩu nối Việt Nam với nước bạn trở thành những điểm tham quan hấp dẫn, phát triển dọc theo chiều dài đất nước.

Cửa khẩu sang Trung Quốc

Là khu kinh tế cửa khẩu đầu tiên ở Việt Nam, Móng Cái tỉnh Quảng Ninh là cửa khẩu quốc tế nhộn nhịp và phát triển bậc nhất ở nước ta. Nằm giữa biên giới hai nước Việt Nam và Trung Quốc, cửa khẩu quốc tế Móng Cái hàng năm thu hút hàng triệu lượt khách qua lại buôn bán và du lịch.

Tại khu vực cửa khẩu, bên phía Việt Nam, du khách có thể tham quan mua sắm tại các chợ Móng Cái với các chủ hộ kinh doanh là người Việt và người Hoa. Đồng thời, nhờ thủ tục xuất cảnh đơn giản và dễ dàng, chỉ sau một giờ đồng hồ bạn đã có thể đặt chân lên đất Đông Hưng, Trung Quốc.

Đến với Móng Cái, bạn còn có thể thăm thú một vài danh thắng nổi tiếng khác gần cửa khẩu như biển Trà Cổ, chùa Linh Khánh, đảo Vĩnh Trung – Vĩnh Thực.

Cũng nằm trên đường biên giới Việt Trung, cửa khẩu quốc tế Lào Cai là điểm dừng chân hấp dẫn khách du lịch trong hành trình khám phá Sapa. Đến đây bạn sẽ được hòa mình vào không khí nhộn nhịp của thành phố vùng biên với hàng trăm đoàn khách du lịch qua lại mỗi ngày. Tất cả đều được in dấu trên cây cầu Cốc Lếu. Đứng trên cầu ngắm thành phố Lào Cai lúc lên đèn chắc chắn sẽ cho bạn có những cảm giáclâng lâng khó tả của buổi chiều miền sơn cước. Nếu có thời gian, bạn cũng có thể dạo một vòng đền Thượng, đền Cấm như một hình thức du lịch tâm linh thú vị.

Cửa khẩu sang Lào

Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo thuộc huyện Hương Hóa, tỉnh Quảng Trị nằm trên đường biên giới Việt – Lào là điểm du lịch hấp dẫn tại miền Trung. Cảnh đẹp dọc theo tuyến đường Hồ Chí Minh dẫn đến Lao Bảo cũng đủ cuốn hút tầm mắt du khách. Ngày nay khách du lịch đến với Lao Bảo như một địa danh mua sắm nổi tiếng hàng Thái Lan miễn thuế.

Nếu yêu thích khám phá, du khách có thể đến thăm hang động Brai tuyệt đẹp với nhiều khối thạch nhũ nhiều màu, bên trong có các bãi đá ngầm và nước chảy như dòng suối nhỏ. Từ Lao Bảo, du khách cũng có thể đến thăm các địa danh lịch sử nổi tiếng như nhà tù Lao Bảo, địa đạo Vịnh Mốc, Khe Sanh, biển Cửa Tùng, Cửa Việt…

Nổi tiếng không kém Lao Bảo, cửa khẩu quốc tế Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, Kon Tum được biết đến như ngã ba Đông Dương nơi một con gà gáy sáng cả 3 nước Việt Nam – Lào – Camphuchia cùng nghe. Đến Bờ Y, du khách không chỉ được thưởng thức cái nắng, cái gió đặc trưng của vùng đất cao nguyên mà còn là cơ hội để cảm nhận không gian văn hóa rất đậm đà bản sắc của núi rừng Tây Nguyên. Đó là những mái nhà rông sừng sững hiên ngang giữa đại ngàn trùng điệp, dòng sông Pô-cô lặng lẽ trôi mang nặng phù sa và dòng nước mát lành uốn mình qua bao ghềnh thác và mùi hương của hoa lá cỏ cây hòa quyện trong không gian tĩnh lặng.

Cửa khẩu sang Campuchia

Mộc Bài, Tây Ninh là cửa khẩu quốc tế đường bộ lớn nhất phía Nam trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam – Campuchia. So với các cửa khẩu khác, cửa khẩu Mộc Bài có lợi thế đặc biệt vì nằm trên đường xuyên Á và chỉ cách Hồ Chí Minh 70 km. Cùng với hệ thống siêu thị miễn thuế, thời gian qua Mộc Bài đón nhiều tour du lịch từ Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận đến thăm quan và mua sắm.

Ngay cạnh đó, di tích lịch sử cách mạng địa đạo Lợi Thuận cũng là điểm dừng chân hấp dẫn. Ngoài ra, du khách có thể đến với núi Bà Đen, ngọn núi cao nhất miền Đông Nam Bộ, biểu trưng cho mảnh đất và con người Tây Ninh. Từ đây bạn có thể thỏa sức ngắm nhìn toàn cảnh trung tâm thị xã Tây Ninh.

Cách thị xã Hà Tiên khoảng 7 km, cửa khẩu Xà Xía nay là cửa khẩu quốc tế Hà Tiên từ lâu cũng trở thành điểm tham quan, du lịch nổi tiếng của Kiên Giang. Bên cạnh “cánh cửa” lưu thông hai chiều giữa Việt Nam và Campuchia, du khách đến với cửa khẩu Hà Tiên còn có dịp thưởng ngoạn nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như núi Đá Dựng, chùa Phù Dung, lăng Mạc Cửu. Hà Tiên còn là điểm du lịch khám phá tuyệt vời khi sở hữu nhiều bãi tắm tuyệt đẹp như Mũi Nai, Bãi Bàng, Bãi Nò… Bạn có thể thuê chỗ ngồi bên bờ biển tắm nắng, ngắm sóng vỗ, đón gió biển và thưởng thức các món hải sản tươi sống nơi đây.

Theo Yatlat.com
Du lịch, GO!

Đình Bồ Bản - Đà Nẵng

Làng Bồ Bản được hình thành do các vị tiền hiền của tộc Trần, Hồ, Trương, Nguyễn từ các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An vào Nam khai khẩn đất đai lập nghiệp từ những năm cuối thế kỷ XV. Đến đời vua Lê Hiển Tông, niê hiệu Cảnh Hưng (1740- 1786) có thêm các họ Tán, Đinh, Nguyễn, Phạm và trở thành hậu hiền của làng.

< Toàn cảnh đình làng Bồ Bản.

Cùng với quá trình xây dựng và phát triển, dần dần đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao, để có nơi thờ thần, tổ chức sinh hoạt lễ hội hằng năm và thờ cúng các vị tiền nhân của làng, nhân dân địa phương đã xây dựng đình làng Bồ Bản.

Đình làng Bồ Bản được xây dựng đầu tiên vào năm Canh Thân, niên hiệu Cảnh Thịnh (1800) bằng tranh tre tại gò miếu Tam Vị nằm về phía đông làng...

Đến năm Nhâm Tý, đời vua Tự Đức thứ 5 dựng đình ở một vị trí mới cách vị trí cũ khoảng 200m về phía Tây, với địa hình thoáng mát phía sau có Gò Miếu cao, bên hữu có Gò Chùa, bên tả có Gò Ổi gọi là “long hổ hội”, phía trước đình là cánh đồng rộng tiếp giáp với làng Cẩm Toại và sông Yên.

Tên đình cũng là tên làng, đình tọa lạc tại thôn Bồ Bản, xã Hòa Nhơn, Huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng.

Trải qua bao thăng trầm của thời gian, thiên tai, bão lụt, ngôi đình đã bị hư hại một phần nên năm 1990, nhân dân tiến hành tu sửa lại đình. Năm 2007, đình Đồ Bản được trùng tu với quy mô lớn từ nguồn ngân sách của thành phố. Đến năm 2011, đình Bồ Bản được xây dựng thêm các công trình ngoại vi như tường thành, cổng tam quan, sân vườn.

Về mặt kiến trúc, đình Bồ Bản có dạng chữ “Nhất”, theo lối ba gian hai chái, mặt quay về hướng Nam. Đình có tất cả có 36 gỗ cột bằng gỗ mít và kiền kiền, trong đó có tám cột cái (cột nhất) cao 4,5m, tám cột hàng nhì cao 3,5m, tám cột hàng ba cao 2,3m, bốn cột đấm, bốn cột quyết và bốn cột ở cửa hông. Trên các thanh trính, kèo được chạm khắc trang trí các mảng đề tài như đầu rồng, tứ thời, tứ quý, cầm kỳ, thi tửu…Với những nét mềm mại, tinh xảo tạo nên những tác phẩm nghệ thuật độc đáo.

Mái đình lợp ngói âm dương. Nóc mái gắn “lưỡng long triều nguyệt “, phần giữa của mái trước có tạo thêm đường gờ cao gắn trang trí các hình loan, phượng, rùa… Hai đầu bít đốc trang trí hình dơi, mai điểu, tùng lộc. Tất cả đều được tạo dáng qua kỹ thuật nề và ghép sành sứ.

Ngoài sân rộng có một bức bình phong lớn, mặt trong trang trí hình rùa, mặt trước là hình long mã, trước hiên có bốn câu đối.

Không chỉ là một thiết chế văn hoá, một công trình kiến trúc- tín ngưỡng cổ truyền tiêu biểu, đình Bồ Bản còn là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của phong trào cách mạng địa phương.

Trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, đoàn biểu tình của tổng An Phước, huyện Hòa Vang xuất phát từ đình làng Cẩm Toại đến tập hợp họp tại sân đình Bồ Bản rồi kéo đi đấu tranh giành chính quyền. Đây cũng là nơi thành lập Uỷ ban Hành chính Kháng chiến xã Bồ Bản, nơi thường xuyên diễn ra những buổi tiếp xúc giữa dân và cán bộ của chính quyền cách mạng thời kỳ đầu còn non trẻ. Đồng thời, là nơi lập phòng phiếu bầu cử Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Trong kháng chiến chống Mỹ, đình làng Bồ Bản là nơi tổ chức các cuộc họp bàn chủ trương, biện pháp diệt ác, trừ gian. Vào đêm 22/2/1969, lực lượng Trung đoàn 41 phối hợp với Huyện đội Hòa Vang và du kích xã Hòa Phong đã ngoan cường chiến đấu với một tiểu đoàn lính Mỹ và chư hầu có xe tăng, xe bọc thép và pháo binh, máy bay yểm trợ.

Tại ngôi đình này, kẻ địch dã man bắt người già, trẻ em và phụ nữ làm bia đỡ đạn. Trước tình hình đó, quân và dân Hòa Phong kiên cường, anh dũng đánh giáp lá cà với địch. Trong 3 ngày đêm, các lực lượng của ta đẩy lùi 21 đợt tấn công của lính Mỹ, tiêu diệt 300 tên, bắn cháy một xe tăng. Đây là trận đánh ác liệt và ghi dấu chiến công lừng lẫy nhất của quân và dân xã Hòa Phong (Hòa Vang) thời kỳ đánh Mỹ. Trong trận chiến đấu ngoan cường ấy, 30 cán bộ, chiến sĩ của ta đã anh dũng hy sinh...

Hiện nay đình Bồ Bản còn lưu giữ được một bia đá tạo năm Tự Đức thứ 5 (1852) với nhiều nội dung bằng chữ Hán. Đình Bồ Bản được Bộ Văn hoá Thể thao công nhận Di tích cấp quốc gia tại Quyết định số 01/1999/QĐ-BCHTT ngày 04/01/1999.

Đình làng Bồ Bản được Trường THCS Trần Quốc Tuấn nhận chăm sóc. Mỗi học kỳ, nhà trường tổ chức cho học sinh làm vệ sinh và thắp hương Đình làng một lần. Bên cạnh đó, trường còn tổ chức cho các em tham quan học tập di tích lịch sử ở địa phương như: Đình Bồ Bản, Túy Loan. Qua đó giáo dục ý thức tự hào dân tộc, lòng yêu quê hương đất nước, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc…

Theo CTTĐT Đà Nẵng
Du lịch, GO!

Nơi ánh điện không bao giờ tắt

(ANTĐ) - Đèo Khe Nét thuộc huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình là một trong 5 đèo cao nhất trong hệ thống đường sắt quốc gia.

Đêm xuống, con đèo chìm trong bóng tối. Nhưng tại các nhà ga xung quanh cung đường khu vực đèo, ánh sáng điện ban đêm không bao giờ tắt…

< Tàu hàng vào cua tại đèo Khe Nét, Quảng Bình.

Tôi mua vé tàu đêm vào Vinh, rồi chuyển sang tàu chợ, qua khoảng hơn chục ga lớn nhỏ mới đến được ga ở lưng chừng đèo - Ga Khe Nét. Quãng đường có hơn trăm cây số nhưng phải đi mất hơn nửa ngày trời. Nghe nói, ga này được xây dựng vào khoảng năm 1999. Từ ga, đường đến đỉnh đèo Khe Nét chỉ còn khoảng 5km men theo đường tàu hỏa.

Ngoài người tuần đường, người dân được khuyến cáo không nên đi bộ lên đèo vì có thể nguy hiểm đến tính mạng khi gặp tàu hỏa chạy qua. Vậy nhưng vẫn có một con đường nhỏ men theo vách núi để lên tới đỉnh đèo.

Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, tôi đã liên hệ với lãnh đạo ga Đồng Chuối và Cung trưởng Cung đường Khe Nét. Nguyện vọng đi bộ lên đèo của tôi được chấp thuận với điều kiện, tôi sẽ đi cùng với một cán bộ tuần đường.

Đèo Khe Nét có độ dốc 17° với nhiều khúc cua dốc nên tàu chỉ có thể đi với tốc độ chậm. Do nhiều góc cua hẹp nên đường ray ở đây cũng khá đặc biệt với hai lớp ray cua song song để hộ bánh. Anh Nguyễn Văn Tĩnh - tuần đường của Cung đường Khe Nét liên tục nhắc tôi để ý tiếng còi tàu từ xa hoặc cảm nhận đường ray rung để phát hiện tàu đến. Lúc đầu tôi hơi lo, nhưng có đi bộ trên đường ray mới thấy việc phát hiện tàu từ xa không khó, bởi ở đây rất yên tĩnh, thi thoảng lắm mới nghe tiếng suối róc rách, nên việc phát hiện tiếng còi tàu từ xa không khó khăn.

< Đi cùng cán bộ tuần tàu trên đèo Khe Nét.

Mất chừng 2 giờ đồng hồ đi bộ, tôi gặp một ngôi miếu nằm lẻ loi bên đường. Theo những người dân ở đây kể lại, ngôi miếu rất thiêng thờ Mẫu Thượng Thiên. Thành kính một phút trước ngôi miếu, tôi lại tiếp tục hành trình.

< Ngôi miếu nhỏ trên đèo Khe Nét.

Do đường đèo chỉ để dành cho tàu hỏa nên người đi bộ chỉ còn cách đi trên đường ray. Thi thoảng lắm mới gặp vài người dân bản ngược đèo kiếm củi. Gặp khách lạ, nhưng ai cũng vui vẻ, thân thiện.

Khí hậu Khe Nét khá khắc nghiệt. Mùa rét, cán bộ đường sắt ở đây được trang bị thêm loại áo ấm riêng giống như áo trấn thủ ngày xưa. Còn mùa nóng nhiệt độ có khi lên đến hơn 40 độ C. Thế nên cán bộ ở đây chỉ toàn là đàn ông, bởi phụ nữ không thể chịu nổi thời tiết thất thường và khắc nghiệt này.

< Cảnh vật trên đèo.

Ga Khe Nét nằm lọt thỏm trong rừng, mỗi ngày có khoảng 40 chuyến tàu khách và tàu hàng chạy qua. Số lượng cán bộ công nhân của nhà ga chỉ khoảng 12 người.

Buổi tối ở đèo Khe Nét tĩnh lặng lạ kỳ. Vị khách đặc biệt là tôi bữa đó được mời ở lại dùng cơm với anh em ở cung đường. Bữa cơm đạm bạc, rau rút rừng xào tỏi, đĩa trứng tráng, một âu ớt quả ngâm muối và đĩa mắm muối mặn chát. Ở giữa rừng núi hiểm trở, không có chợ nên công nhân ở đèo chỉ còn biết ăn mắm muối trộn cơm qua ngày.

Theo Bách Hội (An Ninh Thủ Đô)
Du lịch, GO!