Thứ Bảy, 31 tháng 5, 2014

Tượng Thánh Gióng qua ống kính flycam

(Zing) - Đỉnh núi Đá Chồng cao 297m nằm trên dãy núi Sóc, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Theo lưu truyền đây là nơi Thánh Gióng sau khi thắng giặc, cởi bỏ giáp sắt, hiển Thánh về trời.

< Đường lên đỉnh núi Đá Chồng thuộc xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) trong một ngày nắng đẹp.

Nhìn từ trên cao, khu vực núi Đá Chồng (Sóc Sơn, Hà Nội) nơi có tượng đài Phù Đổng Thiên Vương trông như một bức tranh với một con đường uốn lượn, quanh co từ chân núi lên đỉnh.

< Nơi đây có tượng đài Phù Đổng Thiên Vương được đúc bằng đồng nguyên khối theo phương pháp thủ công, nặng hơn 85 tấn, cao 15m (tính luôn chân đế) với độ vươn xa 16m.

< Công trình tượng đài này khánh thành từ ngày 5/10/2010.

< Độ cao của vị trí đặt tượng là 302m so với mực nước biển.

< Tượng đài Thánh Gióng cũng nằm trong quần thể di tích Đền Sóc - chùa Non - Học viện Phật giáo Việt Nam. Thánh Gióng là một trong "Tứ Thánh bất tử" của tín ngưỡng dân gian Việt Nam, gắn với huyền thoại cậu bé làng Phù Đổng dũng cảm đánh thắng giặc Ân, đem lại thái bình cho đất nước.

< Bức tượng mô phỏng hình ảnh vị thánh trẻ tay cầm tre ngà, thúc ngựa hướng tới trời cao. Tác giả là Nguyễn Kim Xuân, một nhà điêu khắc thuộc Hội Mỹ thuật Hà Nội.

Tượng đài Thánh Gióng có chiều cao tới đỉnh là 11,07m, độ vươn ra là 16m, mô phỏng hình ảnh vị Thánh trẻ tuổi tay mang tre ngà, thúc ngựa hướng về trời xanh.

< Đây từng là công trình văn hóa trọng điểm trong năm 2010 nhân dịp chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Tượng được đúc bằng đồng nguyên chất theo phương pháp thủ công, tổng trọng lượng khoảng 85 tấn và chia làm năm thớt để đúc. Thớt đầu tiên đúc phần người và ngựa tượng Thánh Gióng. Thớt cuối cùng đúc phần đế tượng, có trọng lượng lớn nhất, nặng khoảng 30 tấn.

Theo Hoàng Hà (Zing New)
toimedulich

Đảo Đá Lớn A: Lâu đài giữa Trường Sa

(Vietnamnet) - Đảo Đá Lớn A đẹp lung linh như một lâu đài giữa đại dương. Đây cũng là một trong những đảo chìm lớn nhất nằm trong quần đảo Trường Sa.

< "Lâu đài" Đá Lớn A giữa Biển Đông.

Đảo Đá Lớn A bao gồm ba "pháo đài' kiên cố kết nối với nhau bằng đường kè bê - tông vững vàng.

Con "đê biển" giống như con rồng khổng lồ, nổi một khúc thân oai hùng ở khu vực đảo Đá Lớn A khiến những người đến thăm không khỏi dấy lên một niềm tự hào, kính phục.

< Đảo có đầy đủ hệ thống điện chiếu sáng, điện phong, hệ thống pin năng lượng mặt trời.

Đá Lớn A có hệ thống cầu tầu để neo đậu tàu thuyền; chân kè vững chãi bám chắc trên nền san hô giữa đại dương...

< Hệ thống đường bê-tông kiên cố nối ba "pháo đài" của Đá Lớn A tựa như một con rồng khổng lồ nổi lên giữa đại dương.

Khu nhà lớn vừa được tôn tạo đẹp đẽ, uy nghi như một lâu đài giữa biển, có đầy đủ hệ thống cột đèn điện cao áp; cột điện phong, hệ thống pin năng lượng mặt trời, sân bay giành cho trực thăng...

"Pháo đài" Đá Lớn A cũng là ngôi nhà kiên cố của những cán bộ, chiến sỹ ngày đêm bám trụ giữ vững chủ quyền vùng đất, vùng trời, vùng biển thân yêu của Tổ quốc.

< Chân kè kiên cố bám trụ vững chãi trên nền san hô của đảo chìm.

< Cán bộ, chiến sỹ làm việc trên đảo Đá Lớn A.

< 'Tổng hành dinh' ở Đá Lớn.

< Sân bay trực thăng trên đảo.

Đảo Đá Lớn có 3 điểm chốt giữ, cán bộ và chiến sĩ hải quân đóng chốt trên 3 nhà kiên cố A, B, C so le nhau cách nhau khoảng vài hải lý trên nền bãi ngầm lớn. Thế chân kiềng vững chãi, tự bản thân Đá Lớn tạo ra, đã khiến quân và dân ta bảo vệ vững chắc khu vực này.

Theo Vietnamnet
toimedulich

Thưởng thức gỏi cá mè Quan Sơn

(ANTĐ) - Lần đầu tôi đến Quan Sơn (Mỹ Đức, Hà Nội) cũng đã gần 20 năm, ấn tượng của tôi là cảm giác nửa giống như Hạ Long trong đất liền, nửa lại có mây trời cây cỏ giống chùa Hương.

Quan Sơn có những vẻ đẹp riêng với những hòn đảo lớn nhỏ giữa trùng điệp sông nước mênh mông, với những cái tên rất thú vị: núi Trâu Trắng, đảo Sư Tử, núi Quai Chèo, đồi Voi Phục... Dù cách Hà Nội không xa, song Quan Sơn gần như là một khu du lịch bị bỏ quên, có lẽ vì quá gần chưa đủ căng tay ga của các tín đồ phượt hay lại quá sát với những khu du lịch nổi tiếng từ lâu đời. Đến với Quan Sơn lần này, tôi được thưởng thức đặc sản gỏi cá mè.

Cú điện thoại của “thổ dân” Quan Sơn vào sớm tinh mơ làm tôi thức giấc với thông tin anh vừa câu được con cá mè ta 3 cân, và hỏi tôi có đến được không để anh còn đi hái lá rừng. Thế là, chuyến đi Quan Sơn của chúng tôi nhanh chóng được lên kế hoạch. Chỉ sau 1 giờ chạy xe, chúng tôi đã len lỏi trong các con đường đẹp như mộng của vùng đất này. Địa điểm đón đã sẵn sàng với tâm trạng háo hức thưởng thức món gỏi cá mè do chính tay những người dân Quan Sơn chế biến.

Món gỏi cá mè Quan Sơn khác hẳn với gỏi cá mè ở Hòa Bình hay ngay bên kia cầu Chương Dương Hà Nội. Toàn bộ cỗ lòng cá cùng buồng trứng được lấy ra, làm sạch xay nát cùng với thịt ba chỉ. Nêm gia vị rồi chưng toàn bộ hỗn hợp này thành món “bổi”. Nhưng để thưởng thức cần tới hơn 10 loại lá rừng và cả lá vườn được hái lúc sáng sớm như lộc vừng, cúc tần, lá chanh, sung, đinh lăng, lá mơ và cần nhất lá đơn cùng vài loại lá theo lời người Quan Sơn là bí mật, chỉ nói tại bàn tiệc và không công bố trên báo.

Thịt cá mè được lọc xương, thái miếng mỏng trộn thính. Thưởng thức món gỏi cá mè Quan Sơn khá cầu kỳ và rất tốn… rượu. Từng chiếc lá được xếp lại với nhau lần lượt lá to (sung) bên ngoài đến lá nhỏ bên trong. Từng chiếc từng chiếc rồi cuộn lại như chiếc phễu nhỏ, gắp miếng cá trộn thính, bỏ tép tỏi, lát gừng giềng, ớt, miếng xoài xanh. Lúc này mới xúc một thìa “bổi” đổ vào phễu lá, rắc thêm vài hạt lạc rang. Phải cuốn lá thật khéo, thật chặt thì phễu lá mới nhỏ, gọn để có thể cho gọn gàng nguyên cả miếng như thế vào miệng mà thưởng thức.

Hàm răng nhai mà lưỡi cay xè vì gừng, giềng, ớt. Vị chát của lá sung, lá lộc vừng, chút đắng của lá cúc tần và hương thơm của lá chanh giao hòa với vị bùi ngậy của “bổi” và lạc rang. Vị chát lá sung nhanh chóng bị lấn át bởi vị bùi của lá đinh lăng và lá đơn. Vị chua của xoài xanh bị cái đắng của cúc tần làm tan biến, chút hăng của tỏi bị lá chanh chinh phục. Không còn nhận ra đâu là cá đâu là lá nữa, chiêu một ngụm rượu nhỏ, mà phải là thứ rượu quê nấu bằng nước giếng ở Quan Sơn. Cảm giác thú vị chợt vỡ òa sau phễu gỏi cá đầu tiên khi tất cả cùng ồ lên “tuyệt vời” rồi những chiếc ly chạm nhau cảm ơn người Quan Sơn đã vất vả lại còn tận tay cuốn cho phễu gỏi cá đầu tiên để mà “học cách ăn”.

Thưởng thức miếng gỏi cá đầu tiên do tay người Quan Sơn cuốn hộ, cả đoàn “phượt ẩm thực” bắt đầu tự tay cuốn lá rừng. Những ngón tay quen vít ga xe máy đổ đèo leo dốc bao cung đường và cũng đã thưởng thức muôn vàn đặc sản ẩm thực các vùng miền nhưng vẫn lóng ngóng khi xếp từng ấy chiếc lá cho đều rồi cuốn lại thành phễu.

Chiếc phễu lá đựng “bổi” hơi to nên khó cho gọn vào miệng khiến ánh mắt người Quan Sơn lung linh với nụ cười khoái chí trong men rượu cay. Và rồi, chiếc phễu lá đều hơn, gọn gàng và đẹp hơn dần cũng đã vơi đi bát “bổi” và được tiếp thêm từ bếp lên nóng hổi và thơm lừng. Rồi những cái bắt tay khi tạm biệt để cảm nhận rằng sẽ còn quay lại nơi đây. Ôi chao là tuyệt mỹ ẩm thực gỏi cá mè Quan Sơn!

Theo Lê Hồng Quang (An Ninh Thủ Đô)
toimedulich

Sự thật hải dương học: Hoàng Sa - Kỳ 6

(TTO) - Cùng với việc tuyển dụng các viên chức làm việc cho trạm hải đăng, trạm điện báo vô tuyến (TSF) và trạm khí tượng thường trú trên đảo Hoàng Sa, mục tiêu mà nhà cầm quyền Đông Dương hướng đến là đưa một nhóm người địa phương sống bằng nghề đánh cá và trồng trọt ra định cư ở vùng đất mới này.

< Đào giếng nước ngọt trên quần đảo Hoàng Sa, năm 1938.

Quy hoạch khu dân cư

Theo ông Raoul Sérène, ngày 13-10-1937, từ Đà Nẵng, toàn quyền Đông Dương đã gửi cho các nhà khoa học một bức điện tín đề cập đến các vấn đề nhằm đảm bảo điều kiện định cư cho người dân địa phương trên đảo Hoàng Sa. Báo cáo của ông Bellec - bác sĩ tàu La Marne - khẳng định môi trường sống ở đảo Hoàng Sa cũng như các đảo khác trong quần đảo rất trong lành, đảm bảo cho người dân cư trú lâu dài.

“Ghi chép về các khả năng tổ chức cuộc sống ở quần đảo Hoàng Sa” (1937) do ông R.Sérène soạn thảo cho thấy các nhà khoa học đã khảo sát đầy đủ về các vấn đề: quy hoạch khu dân cư, khu định cư cho ngư dân, lối vào đảo và các con đường đi lại trên đảo... Theo đó, địa điểm cư trú trên đảo cũng được xác định phải có khoảng cách phù hợp với cầu cảng, sân bay, thuận lợi cho việc tiếp nhiên liệu thường kỳ. Về quy hoạch dân cư, các nhà khoa học đã vẽ một bình đồ tổng thể tỉ lệ 1/4.000 (có đánh dấu các vị trí rạn san hô quan trọng có thể bảo vệ chống lại gió mùa đông) và một bản đồ mặt bằng trên đảo có tỉ lệ gấp đôi, để phân tích chi tiết và đánh dấu các vị trí nơi dự kiến cho người dân cư trú.

< Quang cảnh một buổi chào cờ trên đảo Hoàng Sa (1938).

Trong quy hoạch này có khu định cư riêng cho ngư dân bởi nguồn thực phẩm chính cho Hoàng Sa là các sản phẩm từ biển. Vì vậy, những người định cư trên đảo Hoàng Sa phải là nhóm cộng đồng người Việt sống bằng nghề đi biển. Cần cung cấp cho mỗi gia đình một đến hai thuyền mành và xây dựng cho họ những căn nhà kiên cố cùng với bến neo tàu. Các nhà khảo sát đã lập bản đồ đánh dấu vị trí làng sinh sống của những người đi biển và gia đình họ.

Về lối vào đảo và những con đường đi lại trên đảo, kết quả khảo sát cho thấy có hai luồng tự nhiên trong đầm để thuyền có thể cập vào đảo: một ở bờ nam và một ở bờ đông. Luồng vào bờ nam có ngọn hải đăng, rất nhiều thuyền đi lại nhưng nước thấp khi triều xuống (có thể cải tạo, ít tốn kém). Luồng ở bờ đông tránh được những con sóng đến từ phía nam, luồng lạch sâu và đã được cải tạo, có bến tàu rộng rãi xây bằng ximăng, tàu có thể cập được các mùa trong năm. Trên đảo có hai đường mòn hai bên đầy bụi rậm rộng khoảng 3-4 m dẫn đến hai luồng lạch nêu trên, cần thiết sẽ mở đường rộng ra.

Đảm bảo điều kiện sinh sống

Qua khảo sát, các nhà khoa học đã đề xuất các kiểu nhà, việc cung cấp vật liệu làm nhà, cung cấp nước ngọt và nhiên liệu, các nguồn thực phẩm bản địa và biện pháp phòng tránh bão. Các kiểu nhà, kho, xưởng phải chịu được sự công phá của các cơn bão thường kỳ quét qua đảo. Sẽ xây các kiểu nhà trệt, tuyệt đối không có lầu, chỉ có mái hiên trước, tường đá có độ dày phù hợp để quét ximăng. Mái nhà bằng gỗ hoặc kim loại, nền nhà đúc bằng bêtông và lát gạch vuông trên lớp nhựa đường. Tất cả cửa ra vào và cửa sổ phải được trang bị các khóa chốt có thể đảm bảo chịu được lốc xoáy.

< Vợ của các công chức trên quần đảo Hoàng Sa, năm 1940.

Vật liệu làm nhà chuyển từ đất liền ra rất khó. Tuy nhiên ở phía bắc đảo có một thảm đá vôi san hô có thể lấy làm vữa trét xây dựng nhà. Các nhà khoa học ước tính khối đá này khoảng 3.000m3. Nếu không đủ có thể khai thác từ mỏ đá cuội san hô ở bãi đông nam đảo Quang Hòa. Mặt khác, đảo Hoàng Sa, cũng như tất cả các đảo khác trong quần đảo Hoàng Sa, có nhiều tảng san hô chết có thể cung cấp lượng vôi đặc cực lớn, trộn cùng với cát hạt lớn thành vữa để trét xây dựng nhà. Việc vận chuyển ra đảo các vật liệu như sắt, cát, bêtông... để xây nhà sẽ tiến hành vào mùa biển lặng.

Cung cấp nước ngọt là một vấn đề lớn bởi không chỉ cho người dân sử dụng mà còn cần thiết cho canh tác. Có một vài vị trí khác nhau trong các rạn san hô vòng, qua nghiên cứu bước đầu, các nhà khoa học phỏng đoán có một tầng nước ngọt sạch. Sự phong phú về thảm thực vật trên đảo đã tăng thêm độ ẩm cho đảo để duy trì nguồn nước. Trong các chuyến khảo sát trước đó, một số giếng nước trong quần đảo Hoàng Sa đã được khoan. Ngay trên đảo Hoàng Sa cũng có một giếng lớn, thành giếng là một loại đá không thấm nước, có một cầu thang dẫn xuống để lấy nước. Giếng nước này khi khảo sát không sử dụng nên bị lá cây phân hủy lấp đầy. Các nhà khoa học cũng phát hiện một số hang có thể dẫn nước về cung cấp cho khu dân cư.

Cung cấp chất đốt cho người dân trên đảo cũng là một vấn đề quan trọng. Theo tính toán của các nhà khoa học, khi thực hiện quy hoạch đảo Hoàng Sa phải phát quang bụi rậm và cây cối, các loại gốc thu hồi này bước đầu cung cấp được nguồn chất đốt trước mắt. Tiếp đó, nếu cần thiết có thể khai thác một số loại cây có khả năng hồi sinh nhanh ở một số đảo bên cạnh.


< Quang cảnh cơ sở hành chính trên quần đảo Hoàng Sa.

Về các nguồn thực phẩm bản địa, khảo sát cho thấy trên đảo có bảy, tám loài cây nhưng không có loài cây dùng làm thực phẩm được. Trái lại, nguồn thực phẩm từ hải sản rất lớn. Ngư dân từng đến Hoàng Sa khai thác rùa biển, sau khi đánh bắt họ chất thịt đầy trên thuyền mành của họ. Ngư dân còn khai thác hải sâm, trai tai tượng và các loài thân mềm. Họ còn dùng cả câu mành để bắt loài cá trong rạn san hô. Ở quần đảo Hoàng Sa còn nhiều loài rong chiết xuất được chất thạch màu trắng để sản xuất đồ uống và nấu canh rất ngon, được người dân các vùng Viễn Đông ưa thích. Tuy nhiên, để đảm bảo lương thực thực phẩm cho người dân trên đảo cần phải trồng trọt.

Các nhà khoa học lưu ý quần đảo Hoàng Sa rất giàu phosphat, đây là nguồn phân bón phục vụ việc trồng rau củ và các loại cây ăn quả như khoai, bắp, dứa, đu đủ và dừa. Đặc biệt dừa là loại cây cần trồng ở đảo Hoàng Sa và đảo Quang Hòa để tạo thêm cảnh quan đẹp. Để đáp ứng nhu cầu cư dân quy hoạch trên đảo, cần một diện tích trồng trọt khoảng 7.000a (1a= 100m2). Vấn đề khó khăn nhất là vận chuyển gạo đảm bảo nhu cầu dự trữ từ mùa này sang mùa khác cho người dân trên đảo.

Sau cùng về phòng tránh bão, vì quần đảo Hoàng Sa hứng chịu nhiều cơn bão từ Philippines nên nhà trên đảo cần được xây vững chắc và phải nằm ở vị trí trũng. Để bảo vệ khu dân cư trên đảo cần trồng một vành đai rừng phòng hộ rộng khoảng 20m.

< Ảnh chụp 2 người làm việc trên đảo Hoàng Sa.

Việc đưa dân định cư ra đảo sau đó được tiến hành nhưng Chiến tranh thế giới thứ hai xảy ra những năm sau đó khiến kế hoạch này dở dang.

Tìm nơi đáp thủy phi cơ và làm sân bay

Khảo nghiệm ngày 25-10-1937, hai chiếc thủy phi cơ từ Sài Gòn và Đà Nẵng đã đáp xuống vùng nước phía nam của đảo Hoàng Sa, trong giữa đầm nơi có các tàu neo đậu tránh gió, để tiếp nhiên liệu mà không gặp một trở ngại nào. Ngoài ra, theo thuyền trưởng tàu Kaufman, đầm rộng giữa rạn Hải Sâm là nơi đáp thủy phi cơ tuyệt vời.

Về sân bay, chuẩn đô đốc tàu Estiva cuối tháng 2-1937 đặc biệt chú ý đến mặt bằng trên đảo Hữu Nhật. Theo ông, mặt bằng đảo Hữu Nhật lý tưởng hơn, mặc dù vị trí dự định cho sân bay trên đảo Hoàng Sa ít phải đầu tư (Báo cáo của ông R. Sérène 1953 trong tài liệu lưu trữ tại Viện Hải dương học).

Hết
Kỳ 1 - Kỳ 2 - Kỳ 3 - Kỳ 4 - Kỳ 5 - Kỳ 6 ...

Theo Huỳnh Hiếu (báo Tuổi Trẻ)
toimedulich

Sự thật hải dương học: Hoàng Sa - Kỳ 5

Ngọn hải đăng chủ quyền

(TTO) - Ngày 26-10-1937, ngọn hải đăng đầu tiên được xây dựng trên quần đảo Hoàng Sa. Để thực hiện được công trình này, việc khảo sát được tiến hành rất công phu trước đó với sự tham gia của các nhà khoa học ở Viện Hải dương học.

Theo báo cáo chuyến khảo sát quần đảo Hoàng Sa (tháng 10-1937) do ông Gauthier soạn thảo, lịch sử hàng hải ở biển Đông ghi nhận nhiều vụ tai nạn trong quần đảo Hoàng Sa. Năm 1895, tàu hơi nước Le Bellona của Đức bị đắm. Năm tiếp theo, tàu Imezi Maru của Nhật bị đắm. Năm 1910, tàu Colombo mắc cạn trong rạn san hô. “Cũng phải kể đến thời gian gần đây, tàu For Afric của Anh bị đâm thủng, nước vào hầm tàu, trong rạn Bạch Quy, may mắn là biển êm nên có thể đánh tín hiệu SOS chờ được tàu cứu hộ đến từ Hong Kong nhưng vẫn bị từ chối, cuối cùng tàu La Marne phải lai dắt tàu này về Đà Nẵng” - báo cáo viết.

Việc xây dựng hải đăng trên quần đảo Hoàng Sa đã được tính đến từ năm 1899. Trong báo cáo của toàn quyền Đông Dương gửi bộ trưởng Bộ Thuộc địa ngày 20-3-1930 viết: “Tôi cũng nói thêm rằng Đông Dương còn có một lợi ích khác về việc làm chủ các đảo đó (quần đảo Hoàng Sa). Vị trí địa lý của đảo buộc các tàu từ Sài Gòn đi Hong Kong phải vòng ra xa để tránh những vùng có nhiều đá ngầm. Như ông De Monzie nêu trong bức thư mà ông đã vui lòng chuyển cho tôi, một trạm TSF (điện báo vô tuyến), dự báo những trận bão đặt trên các đảo đó, sẽ rất có ích cho hàng hải trong vùng nước Đông Dương.

Về vấn đề này, có lẽ không phải là vô ích nếu nhắc lại ngay từ đầu năm 1899, ông toàn quyền Đông Dương Paul Doumer đã yêu cầu các sở kỹ thuật của thuộc địa nghiên cứu việc xây dựng một ngọn hải đăng trên một trong các hòn đảo. Chỉ vì các lý do ngân sách đã gây cản trở cho việc thực hiện dự án này”.

Chọn địa điểm

< Bia chủ quyền của Việt Nam trên đảo Hoàng Sa, trên bia có khắc dòng chữ tiếng Pháp có nghĩa "Cộng hóa Pháp - Vương quốc An Nam, quần đảo Hoàng Sa 1816, đảo Hoàng Sa 1838.

Để khảo sát xây dựng hải đăng, tháng 10-1937, tàu La Marne tới quần đảo Hoàng Sa đã đánh dấu trên bản đồ những vị trí nguy hiểm, các lòng chảo và nơi các tàu bị đắm ở đảo Rạn Bắc, đảo Bông Bay và mũi góc đông nam của quần đảo. Báo cáo của ông Gauthier tường trình: “Nếu chiếu theo bản đồ có thể thấy được những tuyến đường hàng hải lớn đi qua quần đảo Hoàng Sa. Đó là tuyến Singapore - Hong Kong: nếu đi qua phía đông hoặc phía tây của quần đảo Hoàng Sa sẽ giảm được khoảng 20 hải lý trên tổng số chiều dài đoạn đường 1.440 hải lý.

Tuyến Sài Gòn - Hong Kong: nếu đi qua phía tây quần đảo Hoàng Sa sẽ giảm được 25 hải lý trên chiều dài đoạn đường 960 hải lý. Tuyến Hải Phòng - Manila: đi ra ngoài hành lang của đảo Hải Nam và đi bọc theo phía bắc hoặc phía nam của quần đảo Hoàng Sa, ví dụ như đi bọc ở phía nam quần đảo Hoàng Sa có thể giảm được 60 dặm trong số 900 dặm. Để hành trình không bị gián đoạn, chú ý đến các tuyến đường chính nơi có hai vị trí rạn ngầm nguy hiểm, nên cần thiết chỉ đặt hai đèn biển trong tổng số bốn cái ở Rạn Bắc và đảo Bông Bay”.

Ông Gauthier đề nghị cây đèn biển hình tháp dự kiến làm bằng kim loại, các phần sẽ được làm trước ở đất liền và phải tính đến khả năng vận chuyển từ đất liền ra, cần thiết phải sử dụng một tàu trọng tải lớn và đi hai chuyến vào thời gian từ tháng 11 đến tháng 6 (đây là thời kỳ gió mùa đông bắc và thời kỳ giữa hai đợt gió mùa nên biển lặng). Giai đoạn đầu sẽ tổ chức sắp xếp công trường xây dựng và xây dựng đê quai xung quanh để thi công phần móng công trình, giai đoạn hai là vận chuyển lắp ráp tháp kim loại, đặt đèn và vận hành thử. “Kiến trúc của ngọn hải đăng này có thể sẽ giống với ngọn hải đăng ở Cù Lao Ré (Poulo Canton), xây trên một bãi cát, độ cao của hải đăng là 50m, chiếu sáng đến 26 hải lý. Ngọn đèn sẽ là đèn tự động sử dụng năng lượng gas” - báo cáo của ông Gauthier viết.

< Trạm thu phát sóng đài radio và trạm khí tượng trên đảo Hoàng Sa (ảnh chụp năm 1940).

Việc lựa chọn địa điểm đặt hải đăng cuối cùng được cân nhắc giữa hai đảo Tri Tôn và Hoàng Sa. Việc đặt ngọn hải đăng trên đảo Tri Tôn, nơi có vị trí gần với bờ Đông Dương nhất, sẽ thuận lợi cho các tàu của Pháp. Thế nhưng, địa hình đảo Tri Tôn không ổn bởi đây là một đảo tròn, nổi đơn độc và cao, sóng lừng tấn công bốn mặt của đảo, các cơn sóng có thể ập vào phá hủy các tập đoàn san hô quanh đảo. Mặt khác, khi thủy triều xuống chậm, đầm ở giữa lộ ra và bên giữa đầm có các độ sâu không dưới 100m, vấn đề này sẽ cản trở tàu neo đậu tại bến Paul Bert cũng như việc bốc dỡ hàng hóa.

Các khảo sát về sau được thực hiện ở đảo Hoàng Sa. Đảo Hoàng Sa hoàn toàn có thể tiếp cận do hai con lạch dẫn vào ở mặt phía nam của đảo. Đảo này còn được thiên nhiên bảo vệ sự tấn công của sóng lừng phía đông bắc do rạn bảo vệ bao quanh rất rộng và tạo thành nơi trú ẩn trong gió mùa tây nam. Vị trí dự định đặt hải đăng nằm ẩn sâu ở trung tâm mặt phía tây của quần đảo.

Trong khi phía bắc được hạn chế bởi một eo biển sâu ngăn cách với đảo Hữu Nhật, đây là tuyến đường mà các tàu đến từ Đông Dương dễ dàng đi vào quần đảo. “Tóm lại, đặt một ngọn đèn biển ở góc phía nam của mũi tây quần đảo đôi khi sẽ điều khiển cả con lạch giữa các đảo Quang Hòa, Duy Mộng và con lạch ngăn đảo Quang Hòa với rạn Hải Sâm. Trong đêm tối, tàu thuyền có thể đi vào quần đảo dễ dàng từ các hướng” - ông Gauthier đề xuất.

< Trạm khí tượng thủy văn trên đảo Hoàng Sa thời Pháp thuộc.

Vì những lý do nêu trên, đoàn khảo sát thống nhất đệ trình lên toàn quyền Đông Dương việc xây dựng ngọn hải đăng ở đảo Hoàng Sa thay vì tại đảo Tri Tôn trong quần đảo Hoàng Sa.

Hoàn thành

Theo báo cáo của ông Raoul Sérène (1953) trong tài liệu lưu trữ tại Viện Hải dương học, vào ngày 26-10-1937, tàu Paul Bert và tàu Astrolabe đã vận chuyển người và vật liệu phục vụ công trình xây dựng đèn biển. Công việc lắp đặt đèn, các cọc hoa tiêu do kỹ sư Martinet chỉ huy và mọi việc giám sát do ông Don Carli - trưởng máy tàu Paul Bert - đảm nhiệm. Sau bốn ngày làm việc cật lực cả ngày lẫn đêm, thủy thủ đoàn tàu La Marne kết thúc công việc lắp đặt. Để phục vụ công trình, 70 tấn vật liệu đã được vận chuyển ra quần đảo Hoàng Sa, trong đó có 6 tấn kim loại.

Cột hải đăng được đúc bằng bêtông đứng trên một dải cát san hô, đã được tính toán chịu được gió lốc xoáy (300 kg/m2). Ngọn đèn sẽ cháy thường xuyên liên tục trong sáu tháng bằng gas xúc tác, nhiên liệu chứa trong một bộ gồm mười ống kim loại được thiết kế bên trong cột tháp. Độ chiếu sáng của hải đăng là 12 hải lý trong điều kiện thời tiết bình thường. Với kích cỡ của tháp, nếu cần thiết có thể chiếu xa thêm 2 hải lý bằng cách thêm nhiên liệu sử dụng. Khi ngọn hải đăng được thắp sáng, tàu bè dễ dàng đi lại giữa các rạn trong nhóm đảo Lưỡi Liềm.

Bằng radio Kienan, thuyền trưởng tàu La Marne đã thông tin cho Service Maritime và các nhà hàng hải về việc đã đặt ngọn hải đăng trên đảo Hoàng Sa.

Trạm TSF và trạm khí tượng

Theo ông Raoul Sérène, sau chuyến khảo sát Hoàng Sa trở về, ông Bonnaire đã có thảo luận với đại tá Galin - giám đốc Sở Vô tuyến Đông Dương và ông Galin kết luận rằng cần thiết đặt một trạm sóng ngắn nối thông tin giữa đảo Hoàng Sa và đất liền. Ông Galin cũng đề xuất sơ đồ xây dựng trạm vô tuyến phục vụ một phần cho công tác của trạm khí tượng. Liên quan đến vấn đề này, ông Bruzon - giám đốc Trạm quan trắc Phù Liễu - khẳng định việc thành lập trạm khí tượng rất quan trọng vì sẽ cung cấp thông tin thường xuyên về thời tiết, bão ở biển Đông. Dự kiến hai viên chức được tuyển dụng với chế độ ưu đãi, một về radio và một về khí tượng, sẽ đảm nhiệm các công việc này trên đảo, đồng thời kiêm nhiệm việc bảo dưỡng ngọn hải đăng.

Còn tiếp
Kỳ 1 - Kỳ 2 - Kỳ 3 - Kỳ 4 - Kỳ 5 - Kỳ 6

Theo Huỳnh Hiếu (báo Tuổi Trẻ)
toimedulich

Thứ Sáu, 30 tháng 5, 2014

Công viên Văn hóa Tao Đàn.

Công viên Tao Đàn (hay công viên Văn hóa Tao Đàn), là một công viên tại quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.

Nguyên khu đất này thuộc khuôn viên Dinh Toàn quyền của Pháp. Năm 1869, người Pháp cho xây con đường Miss Clavell tách khu vườn khỏi Dinh. Ba mặt còn lại là rue Chasseloup-Laubat phía bắc, rue Verdun phía tây, và rue Taberd phía nam. Khu vườn chính thức mang tên Jardin de la Ville nhưng người Việt quen gọi đó là Vườn Ông Thượng hay Vườn Bờ-rô, có lẽ là phiên âm theo préau (tiếng Pháp, nghĩa là "sân lát gạch").
Năm 1896, thành phố xây dựng thêm cơ sở trong khu vườn cho Hội Hiếu nhạc (Société philharmonique), xây thêm Hội Tam Điểm (Franc-maçonnerie) năm 1897 rồi đến Câu lạc bộ Thể thao Sài Gòn (Cercle Sportif Saigonnais) năm 1902 gồm sân đá bóng (túc cầu hay bóng đá), hồ bơi, và sân quần vợt.

< Một tháp Chăm nhỏ được dựng trong công viên Tao Đàn.

Sân đá bóng đó thuở bấy giờ là sân duy nhất đủ tiêu chuẩn đón những đội bóng ngoại quốc đến đấu.
Năm 1926, ở góc đường Chasseloup-Laubat và Verdun chính phủ lại xây thêm Viện Dục nhi (Institut de puériculture) để giáo dục trẻ em.

< Một góc vườn dưới những tán dây leo mát rượi.

Sau khi người Pháp rút đi, Dinh Toàn quyền trở thành phủ Tổng thống và tên vườn đổi là "Vườn Tao Đàn".

Bốn con đường chung quanh cũng đổi tên thành đường Huyền Trân Công chúa, Hồng Thập tự, Lê Văn Duyệt, và Nguyễn Du. Viện Dục nhi thì được dùng làm Bộ Y tế thời Việt Nam Cộng hoà. Vườn trở thành công viên chính của thành phố.

< Đền Tưởng niệm các vua Hùng.

Sau năm 1975, vườn Tao Đàn đổi tên là "Công viên Văn hoá Tao Đàn" và có khu dành riêng cho trẻ em chơi. Câu lạc bộ Thể thao Sài Gòn cũng đổi tên là Câu lạc bộ Văn hóa, với một số cửa hàng buôn bán và Cung Văn hóa Lao động Thành phố Hồ Chí Minh. Công ty Lương thực Sài Gòn cũng mở trụ sở ở đây. Tuy nhiên, vườn vẫn được biết đến với đặc trưng là có nhiều cây xanh.

Công viên còn là nơi trưng bày triển lãm hoa xuân mỗi dịp trước Tết Nguyên Đán. Đường Trương Định chạy giữa công viên, chia công viên làm hai phần. Hiện đang có dự án bãi đậu xe và trung tâm thương mại ngầm bên dưới công viên do một công ty trong nước đầu tư. Năm 1992, Đền tưởng niệm các vua Hùng được xây dựng trong công viên, và được trùng tu vào cuối năm 2011.

Ngày nay, công viên Văn hóa Tao Đàn nơi rợp bóng mát, không khí trong lành ngay giữa lòng thành phố. Đây cũng là nơi tổ chức các lễ hội, hội chợ triển lãm và các sự kiện văn hóa của thành phố. Ngoài ra công viên còn có các trò chơi, sinh hoạt, vui chơi giải trí công cộng mang tính giáo dục, đồng thời cũng là nơi tập thể dục dưỡng sinh cho người cao tuổi.

Theo Wikipedia
toimedulich

Đình Mỹ Khê

(ĐNO) - Đình Mỹ Khê tọa lạc tại phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà. Nằm về phìa hữu ngạn sông Hàn, sát biển, làng Mỹ Khê là một trong những làng được hình thành khá sớm, theo tài liệu văn bia, sắc phong, gia phả...
Có thể xác định làng Mỹ Khê ra đời vào những năm nửa cuối thế kỷ XVI.

Các họ tộc có công khai phá  đất đai lập làng Mỹ Khê gồm có tộc Đàm đến đầu tiên, ngày nay là tiền hiền của làng, về sau có thêm các tộc Nguyễn, Hồ, Huỳnh, Đinh, Trần, Lê, Dương và tộc Võ…là hậu hiền của làng.

Đình Mỹ Khê ban đầu xây dựng gần bờ biển bằng tranh, tre, nhưng chỉ được thời gian ngắn đình đã bị hư hại.

Sau nhiều lần xây dựng đình Mỹ Khê dược dịch chuyển về xây dựng tại trung tâm của làng (địa điểm hiện nay) bằng vật liệu chắc chắn hơn như xi măng, gạch, ngói, và kiến trúc gồm có hậu tẩm, tiền đường.

Đến năm 1948, 1954 và gần đây là năm 1995 đình làng Mỹ Khê có trùng tu, sửa chữa lại, nhưng vẫn giữ được nét kiến trúc ban đầu.

Đình Mỹ Khê hiện toạ lạc tại trung tâm làng trong một khụôn viên rộng, thoáng đãng. Đình Mỹ Khê mặc dầu được sữa chữa nhiều lần nhưng vãn còn mang nét kiến trúc cổ, thể hiện theo lối kiến trúc nhà rường ba gian, hai chái,có tiền đường, hậu tẩm, mái đình được lợp ngói âm dương, trên đỉnh nóc trang trí hình ”lưỡng long triều nguyệt”.

Cổng đình xây dựng theo kiểu tam quan, gồm một cổng chính và hai cổng phụ, trên hai trụ cổng có hai câu đối nói về làng Mỹ Khê.

Sân đình có chiều dài 24,7m, chiều rộng 12m. Phần hiên của tiền đường hai bên có hai lầu chiêng gác trống, trên các trụ hiên có đề hai câu đối.

Từ tiền đường đến hậu tẩm dài 27,9m và rộng 8,2m, tường xây bằng gạch, cửa ra vào được làm bằng gỗ. Phần chính điện các cột gỗ được thay bằng các trụ bê tông hình tròn , được đắp nổi hình rồng uốn lượn trông bề thế.

Chính giữa chính điện là bàn thờ thần Thần Hoàng, hai bên có hai bàn thờ thờ Quang tiền và Dũ hậu. Phần hậu tẩm có đặt khám thờ các bậc tiền hiền và hậu hiền của làng.

Một sự kiện quan trọng đã diễn ra tại đình làng Mỹ Khê trong những ngày Cách mạng tháng Tám năm 1945, đó là cuộc khởi nghĩa giành chính quyền của nhân dân địa phương vào ngày 22 tháng 8. Có thể nói, việc lật đổ chính quyền hào lý, thiết lập chính quyền nhân dân là một việc vô cùng mới mẻ, chưa có tiền lệ và những người lãnh đạo chủu chốt của Mỹ Khê lúc bấy giờ

Hiện nay đình làng Mỹ Khê còn lưu giữ lại được các di vật sau:

1. Sắc phong : Có 16 sắc phong có niên đại từ thời vua Minh Mạng đến vua Duy Tân, những sắc phong được bảo quản tốt, còn nguyên vẹn

- 03 sắc có niên đại Minh Mạng năm thứ 7 (1826).
- 03 sắc có niên đại Thiệu Trị năm thứ 3 (1842).
- 03 sắc  có niên đại Tự Đức năm thứ 3 (1850).

- 01 sắc  có niên đại Tự Đức năm thứ 5 (1852).
- 02 sắc  có niên đại Tự Đức năm thứ  30 (1877).
- 02 sắc  có niên đại  Đồng Khánh năm thứ 2 (1886).
- 02 sắc phong có niên đại Duy Tân năm thứ 3 (1909).

2. Văn bia : Có ba văn bia, trong đó có một văn bia ghi lại việc xây dựng đình làng.

Ngày 24 tháng giêng âm lịch hàng năm đình làng tổ chức lễ Xuân Thu, thành kính tưởng niệm công đức của các bậc tiền nhân, anh hùng liệt sĩ đã có công lập làng.
UBND thành phố đã công nhận đình làng Mỹ Khê là di tích lịch sử văn hoá  ngày 11/3/2005

Theo web Danang.gov
toimedulich

55 năm con đường mang tên Bác

KỶ NIỆM 55 NĂM NGÀY MỞ ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH (19/5/1959- 19/5/2014)

Năm mươi lăm năm trước đây, tháng 5 năm 1959; trong khi cách mạng miền Nam còn gặp nhiều khó khăn, nhất là về giao thông liên lạc. Để chi viện cho Cách mạng miền Nam: ngày 19 tháng 5 năm 1959, một tuyến vận tải chiến lược được thành lập để chi viện từ miền Bắc vào miễn Nam.

Ông Võ Bẩm được giao nhiệm vụ tổ chức và phụ trách đoàn vận tải lấy tên là Đoàn 559, sau một thời gian nắm tình hình, đoàn đã tổ chức được tuyến vận chuyển gùi, thồ để đưa vũ khí, lương thực chi viện cho mặt trận… Làng Ho, Phong Nha là địa điểm tập kết lương thực, vũ khí, phương tiện vận chuyển gồm hàng ngàn chiếc xe đạp Phượng Hoàng.

Tháng 8/1964, do sự kiện vịnh Bắc Bộ, Mỹ điên cuồng leo thang đánh phá miền Bắc, việc vận chuyển hàng hóa đạn dược càng khẩn trương.

Trung ương Đảng và Bác Hồ đã giao cho Bộ Quốc phòng và Bộ Giao thông vận tải (GTVT) nghiên cứu khẩn trương mở tuyến vận tải bằng cơ giới, để đáp ứng với tình hình. Đây là một nhiệm vụ có tính chiến lược.

Đồng chí Thiếu tướng Phạn Trọng Tuệ- Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GTVT, được giao nhiệm vụ Tư lệnh kiêm Chính ủy Đoàn 559. Ngoài đồng chí Phan Trọng Tuệ còn có đồng chí Nguyễn Tường Lân và nhiều đồng chí ở cục, vụ, viện… cùng hàng ngàn cán bộ công nhân và xe máy, thiết bị đổ bộ vào Trường Sơn.

Quyết tâm mở tuyến độc phá để vận chuyển hàng hóa vũ khí cho chiến trường miền Nam. Việc mở con đường từ Đông sang Tây nhằm giải quyết ách tắc khi mùa mưa đến. Vì vậy khu vực Phong Nha, Ta Lê được coi là tầm ngắm, tuy nhiên mở ở khu vực này gặp phải dãy núi đá tai mèo sắc nhọn, gặp không ít khó khăn. Với trí thông minh và lòng quả cảm, ta đã quyết định mở đường 20 Quyết thắng với chiến dịch “Chọc thủng Trường Sơn, mở đường thắng lợi”. Một sự kiện chưa từng có trong lịch sử mở đường, trong khi vừa thiết kế vừa thi công.

< Đường HCM nhánh Tây tại Vít Thù Lù, tại đây đường HCM giao với đường thống nhất 16A.

Kết hợp thủ công và cơ giới, ta đã dùng mìn, bộc phá, kết hợp bộ đội công binh, bộ binh, thanh niên xung phong (TNXP), công nhân viên giao thông làm đến đâu mở kho đến đó. Chỉ trong 77 ngày đêm đường đã thông xe.
Từ thực tế mở đường 20 Quyết thắng, nhiều bài học về chiến tranh nhân dân được rút ra, để rồi sau đó chúng ta mở một loạt các tuyến đường vận tải khác như: Đường 10 (còn có tên là đường 20/7), đường 12A, 16A, 16E, 18…

Đường 10 là con đường sinh sau đẻ muộn thuộc hệ thống đường Trường Sơn trên đất Quảng Bình. Nhưng đường 10 trở thành con đường ác liệt gian khổ. Tháng 4/1967, Trung ương Đoàn và Bộ GTVT đã huy động 6.000 TNXP ở các tỉnh phía Bắc để tham gia mở đường 10.

Tốc độ mở đường 10 đạt kỷ lục, cứ một ngày mở được 1km, đường xuyên dưới tán lá rừng Trường Sơn. Đường mở đến đâu ta ngụy trang đến đấy. Khi hoàn thành con đường, có tới 200 cán bộ, chiến sĩ hy sinh và 700 người bị thương tật.

Mặc dù con đường được giữ bí mật đến phút cuối nhưng đến giữa năm 1968 địch đã phát hiện được và chúng dùng các loại bom đạn và thiết bị kỹ thuật để phong tỏa đường 10. Vì thế càng đi sâu vào phía trong càng ác liệt, nhiều cung đường địch dùng máy bay B52 rải thảm.
Khi đó lực lượng TNXP đa phần là nữ, tuổi đời 19- 20, lại phải sống trong thời tiết núi rừng khắc nghiệt, muỗi vắt, sốt rét, ghẻ lở. Họ lao động với cường độ cao, ăn uống thiếu thốn. Khẩu phần ăn cứ giảm dần từ 24kg gạo/tháng, còn 15kg, 10kg rồi 5kg/tháng.


< Cầu Sê Păng Hiêng.

Cuối cùng thì gạo hết. Trước tình hình đó, lãnh đạo Cục Công binh 1 và Bộ GTVT huy động tất cả xăng còn lại tập trung cho 5 chiếc xe mở đường máu trở về hậu cứ xin tiếp tế lương thực. Khi các xe chở đầy gạo trở lại đường 10, mọi người nín thở chờ đợi.

Xe qua ngầm Dân Chủ (còn gọi là ngầm Âm Phủ), máy bay Mỹ phát hiện, ném bom bắn phá, các chiến sĩ lái xe hy sinh, lương thực bị cháy hoàn toàn, vì vậy mới có câu “Chưa đi chưa biết đường 10, đi rồi mới biết sức người, sức ta”.

Sau đó Bộ GTVT quyết định thành lập Ban Xây dựng 67 với nhiệm vụ đảm bảo giao thông từ Đông sang Tây Trường Sơn. Ban Xây dựng 67 đã được tăng cường hàng vạn cán bộ chiến sĩ TNXP, công nhân viên giao thông bám cầu, bám đường đảm bảo giao thông thông suốt trong suốt cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.

Phải nói rằng Ban Xây dựng 67 là lực lượng chủ yếu của Bộ GTVT, có mặt trên khắp các nẻo đường Trường Sơn. Nói đến đường Trường Sơn phải kể đến các trọng điểm ác liệt như: cua chữ A, ngầm Ta Lê, đèo Phu La Nhích, đèo đá Đẽo, ngã ba Dân Chủ…

Kết thúc chiến tranh Ban Xây dựng 67 có hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ hy sinh và hàng ngàn chiến sĩ bị thương tật. Ban Xây dựng 67, Bộ GTVT và quân dân ta đã viết nên bản anh hùng ca bất tử. Sau chiến tranh cũng chính những con người ấy lại bắt tay vào xây dựng con đường mới, cây cầu mới, con đường Hồ Chí Minh.

20 năm sau chiến tranh, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã ký quyết định xây dựng con đường Trường Sơn công nghiệp hóa, con đường mở ra tiềm năng kinh tế, hành lang phía Tây đất nước.


< Di tích lịch sử quốc gia đường Hồ Chí Minh.

Tháng 4/2000, Thủ tướng Phan Văn khải đã ra lệnh khởi công con đường mang tên Bác Hồ kính yêu. Đến nay, con đường Hồ Chí Minh hai nhánh Đông và Tây Trường Sơn đã rộng mở. Dọc hai bên đường, các làng bản, các khu dân cư đã từng ngày thay da đổi thịt.

Hơi thở cuộc sống hiện đại đã tràn về dọc theo tuyến đường Hồ Chí Minh, tới các bản làng xa xôi của bà con dân tộc Vân kiều, Pa Kô dọc theo tuyến đường.

Con đường Hồ Chí Minh hiện đại hóa cũng là tiền đề cho sự phát triển nguồn lực của từng địa phương, để phát huy nguồn lực ấy một cách có hiệu quả thì các làng thanh niên lập nghiệp đã đang được hình thành.

< Một đoạn của đường HCM ngày nay.

Đặc biệt khi con đường mở ra thì tài nguyên khoáng sản, thủy điện, thủy lợi dọc miền Tây Tổ quốc sẽ biến thành của cải vật chất cho đồng bào các dân tộc Việt Nam dọc Trường Sơn.

Gần 40 năm kể từ khi đất nước được thống nhất, đường mòn Hồ Chí Minh năm xưa nay đã thành xa lộ nối Đông với Tây Trường Sơn. Con đường huyền thoại đã và đang cùng đất nước vươn tới đỉnh cao của thời đại, thời đại Hồ Chí Minh.

Bài của anh Bùi Hoằng
Hà Bình - Hà Trung - Thanh Hóa
toimedulich trân trọng cảm ơn anh.

Ký sự đường 10 - Kỳ 1: Con đường thủy chung
Còn mãi những con đường...
Ký ức về con đường ra trận

Sự thật hải dương học: Hoàng Sa - Kỳ 4

(TTO) - Dưới đây là những trang nhật ký viết từ các đảo ở Hoàng Sa, được trích trong báo cáo “Chim biển ở quần đảo Hoàng Sa” của hai nhà nghiên cứu Jean Delacour và Pierre Jabouille (công bố năm 1928-1929), cùng ghi chép của ông Raoul Sérène về cảnh quan trên các đảo (soạn thảo năm 1937).

Ông Delacour là nhà nghiên cứu của Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Pháp, được cử sang nghiên cứu Đông Dương những năm 1925-1930. Ông Jabouille là công chức quản lý của Sở Công chánh Đông Dương, cộng tác viên của Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Pháp và ông Sérène là nhà nghiên cứu của Viện Hải dương học những năm 1930-1952.

Nhật ký của J. Delacour và P. Jabouille

“Đảo Tri Tôn, ngày 29-6.

Chúng tôi đã thu thập được một chim mái và hai chim trống loài nhàn nâu... Nhóm chim nhàn được tìm thấy ở vùng biển nhiệt đới, cận nhiệt đới và đôi khi cũng bắt gặp ở ven biển châu Âu. Nhàn nâu được phân biệt với các loài nhàn khác bởi đuôi rất dài, chẻ hai rất sâu, lông cánh và đuôi có hai màu khác nhau. Chúng bơi kém, đi khó khăn do chân ngắn, nhưng cũng giống như các loài nhàn khác, chúng bay rất nhanh và mạnh”.

“Đảo Phú Lâm, những ngày đầu tháng 7.

Đảo được bao phủ bởi tổ của loài nhàn trắng. Chúng ở trên những cây có lá rộng rất phổ biến ở đảo này, ở độ cao khoảng 4-5 m, đa số là chim non. Chúng tôi rất dễ dàng bắt được năm con chim trưởng thành vì chúng không có tỏ vẻ gì sợ hãi con người. Một nhà khoa học trong chuyến khảo sát là ông Chevey đã lấy một tổ để trên tay và chụp hình.

Loài nhàn trắng này có tên niais, có thể phân biệt với các loài nhàn khác nhờ màu sắc đậm, cánh thấp và nặng. Chúng sống giữa biển, nằm trên mặt nước, ăn những loại động vật thân mềm hay xác cá chết trôi”.

“Nhóm đảo An Vĩnh và Tri Tôn, những ngày đầu tháng 7.

Chúng tôi đã thu thập được ba con chim mái và một chim trống loài nhàn mào. Khi trưởng thành loài chim này có lông đầu toàn màu đen, ngược lại chim mái khi còn nhỏ có những chấm màu trắng phần trước trán. Loài này được biết đến bởi ông Tirant, vào năm 1875. Ông cho rằng không tìm ra loài chim này ở Vũng Tàu. Thế nhưng ở Nha Trang, người dân địa phương nói rằng loài chim này xuất hiện vào những thời điểm trùng hợp với sự xuất hiện của những đàn cá cơm, rất phổ biến ở vùng biển ven bờ VN, thường dùng làm nước mắm”.

“Đảo Phú Lâm, các ngày 2, 3 và 4-7.

Vào thời điểm mà tàu De Lanessan cập đảo, các loài chim điên chân đỏ làm tổ trên những cành cây thấp khoảng ngang đầu người, trên tổ có rất nhiều chim non. Những con chim nhàn cùng làm tổ trên đảo này, tránh ở gần loài chim điên chân đỏ và luôn giữ một khoảng cách an toàn. Vả lại cũng nên biết rằng một số loài chim biển rất giống nhau trong việc bảo tồn giống nòi, biết lợi dụng ưu thế để sống ký sinh gây hại cho loài khác kém khỏe mạnh hơn. Như các loài nhàn bị theo đuổi bởi các loài niais (Anous). Chúng thường nôn ra những con cá mà nó vừa nuốt, như vậy các loài niais tự nó là nạn nhân cho những con chim điên chân đỏ. Và đến lượt, những con chim điên chân đỏ này lại bị hành hạ bởi những con cốc biển. Có một con chim điên chân đỏ già và bị mù - những thành viên trên tàu De Lanessan đã chụp hình - luôn ở gần biển nơi mà đồng loại sẽ giúp nó thức ăn.

Chim điên chân đỏ được ghi nhận lần đầu ở Đông Dương vào năm 1925, khi được các ngư dân Cửa Việt (Quảng Trị), sau một cơn bão, đã cung cấp một con chim mái còn nhỏ”.

“Đảo Lin Côn, ngày 2-7.

Một thợ săn trong đoàn thám hiểm đã bắt được con cốc đực biển còn non, chiều dài cánh đo được 510mm. Nó có mống mắt màu nâu, mỏ màu sừng sáng, chót đen và chân có màu sừng trắng. Chúng thường xuất hiện nhiều và bay lượn trên các đảo. Đây là loài chim bay rất mạnh. Chúng bay lượn trên không thành một vòng rộng, đôi cánh rất ít chuyển động. Sự linh hoạt trong cách bay cho phép chúng đuổi theo các con chim điên chân đỏ, chim mòng biển, bắt những con này phải nôn ra những con cá hay những con mồi vừa bắt được. Mỏ chúng quặp lại làm cho chúng có vẻ tham mồi. Chúng sống ký sinh, dù rằng cũng bắt được cá chuồn bay, một loại cá mà chúng rất ưa thích. Ngược lại với phần đông chim biển khác, những con cốc biển ít khi nằm trên nước và không lặn được. Chúng chỉ bắt cá trên bề mặt nước và các loài hải sản khác, đôi khi là những con rùa non”.

Qua khảo sát của hai nhà nghiên cứu J. Delacour và P. Jabouille, ở quần đảo Hoàng Sa có tám loài chim, gồm bảy loài chim biển: nhàn nâu, nhàn mào, nhàn Sumatra, nhàn trắng, chim điên chân đỏ, chim điên chân đỏ bụng trắng, cốc biển đen và một loài chim đất liền là vành khuyên.

Ghi chép của R. Sérène

“Từ bờ biển Đông Dương có thể thực hiện chuyến du lịch tuyệt vời hai đến ba ngày đến quần đảo Hoàng Sa. Trái ngược với quang cảnh hùng vĩ của những khối đá ở vịnh Hạ Long, ở đây có những rạn san hô chìm quý hiếm và kỳ thú, cũng hấp dẫn bởi nguồn gốc của sự tạo thành và địa hình đa dạng của chúng, cũng như vẻ đẹp lạ lùng của làn nước biển bao quanh và phủ lên chúng.

Vả lại, chỉ cần làm một chuyến đến đảo Lưỡi Liềm, cập vào bãi trong, một trong các đảo và đi dọc các đảo Rạn Bắc, để có một ý tưởng chính xác về khu vực kỳ lạ này, nơi các con quỷ dữ vật lộn không mỏi mệt chống lại bức tường khổng lồ, chìm dưới làn nước trong suốt là những bồn hoa đẹp nhất mà ta có thể tưởng tượng được.

Ấn tượng càng sống động hơn khi đến quần đảo Hoàng Sa, không như người ta đoán từ xa, cũng như dự báo của những vệt hiện lên từ đường chân trời. Vì vậy, sự bất ngờ xuất hiện giữa mênh mông một màu tím ngắt - đảo Phú Lâm - với đường viền chìm sáng chói và vành đai xanh nhạt của đầm nước. Tiếp theo là các rạn vòng, không có chỗ nổi lên ở bên trong, một hàng rào tuyết bọt biển trắng xóa bao quanh các hồ nước yên tĩnh và lấp lánh màu xanh ngọc làm người ta mơ mộng đến các làn sóng nhấp nhô trên cánh đồng lúa mênh mông. Cuối cùng, các khối đá chìm hùng vĩ, dường như thẳng đứng từ độ sâu hàng trăm mét, được các con sóng ào ạt đổ ụp vào thềm lục địa được bao phủ bởi làn nước màu xanh lục.

Nếu chúng ta rời tàu và lên một trong những hòn đảo của quần đảo ở phía bờ biển khuất gió bằng thuyền, người ta còn ngạc nhiên hơn nữa. Ta nhận thấy xuyên qua lớp nước trong xanh như pha lê, từng chi tiết các san hô sống mà sự đa dạng về màu sắc và hình thái làm ta liên tưởng đến các khu vườn ở thiên đường, nơi hội tụ những kỳ hoa dị thảo đẹp nhất trên Trái đất. Khi neo thuyền bên các rạn san hô, ta có thể thấy hàng đàn cá màu sắc sặc sỡ mà các vạch sọc làm ta có cảm tưởng như có hàng bó dải lụa dài màu vàng lộng lẫy trôi theo dòng nước biển.

Vào trong đầm nước với các cảm xúc thể thao khi di chuyển qua các khối đá nâu của các con lạch khúc khuỷu, ta còn bắt gặp nhiều sự ngạc nhiên khác. Quả nhiên, có thể thu lượm được rất nhiều loại san hô. Trên mặt đất, bộ sưu tập của ta có thể được hoàn chỉnh thêm bằng cách lựa chọn những vỏ ốc bị sóng biển ném lên bờ, mà những loại này không thể tìm thấy ở ven biển lục địa.

Thêm vào những điều ngạc nhiên trên, những bãi biển kỳ thú là nơi những con rùa biển khổng lồ để lại dấu vết khắp nơi trên cát và vô số chim biển đến nghỉ ngơi sau khi bắt cá”.
Một ngọn hải đăng trên quần đảo Hoàng Sa được tính đến từ năm 1899, vừa giúp an toàn hàng hải vừa hướng đến mục tiêu xác định chủ quyền.

“Sự gần gũi của quần đảo Hoàng Sa với bờ biển Đông Dương bắt buộc chúng ta phải thận trọng và chúng ta không thể chấp nhận sự có mặt ở đây của các thế lực nước ngoài, mà chương trình bành trướng của họ có thể gây nguy hại đến thuộc địa Đông Dương của chúng ta” (Trích báo cáo của ông R.Sérène, quyền viện trưởng Viện Hải dương học, gửi toàn quyền Đông Dương năm 1953)

Còn tiếp
Kỳ 1 - Kỳ 2 - Kỳ 3 - Kỳ 4 - Kỳ 5 - Kỳ 6

Theo Huỳnh Hiếu (báo Tuổi Trẻ)
toimedulich