Thứ Ba, 20 tháng 5, 2014

Vừ Già Pó lạc sang Pakistan: Trở về quê hương

(VTC) - Lúc xe dừng lại ở Khâu Vai, Pó nhảy xuống, nhìn ngắm cảnh vật xung quanh, thấy các con chạy đến đón, vẫn ngỡ như là một giấc mơ.

< Hành trình từ Việt Nam sang Pakistan của Vừ Già Pó xa xôi hơn ta nghĩ.

Kỳ 7 (Kỳ cuối): Giây phút bồi hồi ở Khâu Vai

Ở đồn cảnh sát, người ta xác minh “thánh phượt” Vừ Già Pó chỉ là người vô tình đi lạc và bị bắt, chứ không hề có bất cứ một ý định nào xấu. Bởi vậy, họ cũng đối xử khá thoải mái với anh. Pó được cảnh sát đưa đi chợ chơi, được mua nước uống, mua quần áo mới, ngày ăn 3 bữa đầy đủ.

Hàng ngày, Pó phải tiếp đón một lượng khách đến thăm khá dày đặc. Có những người mang theo cả đồ ăn, áo ấm đến cho anh, cũng có những người đến chụp ảnh, ghi chép một lúc rồi thở dài bỏ về. Mỗi người đều sử dụng một ngôn ngữ khác nhau để hỏi, nhưng Pó không thể hiểu, vì không ai có thể nói tiếng H’Mông được cả.

< Sau mấy tháng ở Pakistan và được đối xử tử tế, Pó đã mập lên trông thấy.

Cho đến lúc anh bập bẹ được một vài từ ngữ địa phương, thì ông trưởng đồn có lần đùa vui, ra hiệu là sẽ cưới vợ hai cho và lưu giữ lại Pakistan. Pó hoảng sợ chối đây đẩy, rồi anh òa khóc.

Hy vọng tìm về với vợ con tưởng chừng đã tắt ngấm, lại lóe lên khi 3 tháng sau, anh được gặp một người đàn ông có thái độ rất thân thiện. Ông ta mở máy tính, lần lượt chỉ cho anh xem những lá cờ, khi đến hình ảnh lá cờ Việt Nam, Pó nhận ra và rất phấn khích, anh lấy tay chỉ vào lá cờ, rồi lại chỉ vào mình. Người đàn ông có vẻ đã hiểu rõ câu chuyện, vỗ vai Pó và lặng lẽ rời khỏi buồng giam.

Nỗi xúc động dâng trào sau mấy năm xa cách, nay lại được nhìn thấy những hình ảnh của quê hương, nỗi nhớ gia đình, vợ con ùa về khiến Pó nghẹn lòng, anh ôm mặt khóc nức nở mấy ngày liền, chả thiết ăn cơm.

Rồi có một hôm, lại có mấy người lạ mặt đến thăm, họ chĩa máy quay vào anh, ra hiệu cho anh nói. Pó cũng chỉ biết nói bằng tiếng H’Mông: “Tôi là Vừ Già Pó ở Khâu Vai, Mèo Vạc, Hà Giang. Tôi không phải là người xấu, người buôn bán hay trộm cắp. Tôi bị bắt giam được 3 tháng rồi, giờ mong các bạn đưa tôi về biên giới Việt Nam để tôi trở về nuôi con cái và gia đình...”.

< Giây phút trở về quê hương.

Qua rất nhiều nỗ lực xác minh, cuối cùng tung tích “thánh phượt” cũng xác định rõ. Tháng 1/2014, Đại sứ quán Việt Nam đã có công hàm gửi Bộ ngoại giao Pakistan khẳng định người đang bị giam giữ tại đồn cảnh sát Zila Neelum là Vừ Già Pó, công dân Việt Nam, và sau đó tiến hành các thủ tục để đưa anh về nước.

Pó vẫn chưa hề biết tin là mình sắp được trở về quê hương, cho đến một ngày đầu tháng 5, vừa ăn sáng xong, thì anh được 2 cảnh sát vào giúp thu dọn đồ đạc, rồi họ đưa anh ra xe ô tô đi một mạch đến sân bay. Đó cũng là lần đầu tiên và duy nhất “thánh phượt” được đi máy bay.

Lúc quá cảnh ở Thái Lan, Vừ Già Pó vẫn không rõ mọi người đang đưa mình đi đâu. Trưa hôm sau, khi máy bay hạ cánh xuống sân bay Nội Bài, bước ra khỏi cửa, Pó thấy 2 đồng chí an ninh sân bay đang chờ sẵn. Trông sắc phục, anh biết đó là những người Việt Nam. Biết mình đã được trở về quê hương, Pó xúc động gần như ngã quỵ.

< Vợ chồng anh đã được gặp lại nhau sau bao năm xa cách.

Mọi người dìu anh ra xe ô tô, chạy được một đoạn nữa, Pó thấy Ly Thị Lía đang đứng chờ mình. Người vợ hiền đã bỏ hết công việc đồng áng để xuống tận Hà Nội đón chồng trở về sau bao năm xa cách. Hai vợ chồng ôm chặt lấy nhau mừng mừng tủi tủi.

Lúc xe dừng lại ở Khâu Vai, Pó nhảy xuống, nhìn ngắm cảnh vật xung quanh mình, thấy các con chạy đến đón, vẫn ngỡ như là một giấc mơ. Anh ôm chầm lấy vợ con rồi kêu lên: “Đúng là vợ con của tôi đây rồi, quê hương của tôi đây rồi, nhà của tôi đây rồi”.

Nhiều người chứng kiến vì quá xúc động nên cũng òa khóc theo. Ai nấy đều chúc mừng cho sự trở về của anh sau cuộc hành trình đằng đẵng.


< Xúc động gặp lại những người thân thuộc.

Qua một ngày ở nhà, người đàn ông được mệnh danh là “thánh phượt” đã trở nên bình tĩnh hơn. Tuy nhiên, những lúc bạn bè, hàng xóm đến thăm hỏi, Pó vẫn chạy ra ôm chầm lấy họ khóc lớn, rồi thổn thức nhắc lại những kỷ niệm cũ của mình.

Trở về sau hành trình phiêu bạt gần 6000km, cả gia đình Pó đã được sum họp cùng nhau, ăn một bữa cơm ấm cúng. Ly Thị Lía sang nhà hàng xóm vay gạo, bắt thêm con gà về nấu cơm đãi chồng.

Được biết, vợ anh đã bán sạch gia tài để làm lộ phí đưa chồng trở về. Trong nhà không còn tài sản gì đáng giá, ruộng nương, bò đã bán hết, trước mắt anh sẽ phải đi làm thuê kiếm sống. Theo Pó, anh sẽ vay mượn, xoay xở bằng mọi cách để có tiền chuộc lại những tài sản mà vợ đã bán, để còn tính kế lâu dài.

< Vừ Già Pó: "Tôi sợ lắm rồi, giờ có cho vàng cũng không dám đi".

“Tôi cũng rất mong được chính quyền tạo mọi điều kiện cho tôi được làm việc, hỗ trợ cho tôi thóc cho tôi trồng trọt, con giống để tôi nuôi, để tôi được ổn định lại cuộc sống”, Pó nêu mong muốn của mình. Trước khi phóng viên chào tạm biệt anh để trở về Hà Nội, “thánh phượt” Vừ Già Pó chia sẻ thêm: “Tôi sợ lắm rồi, giờ có cho vàng cũng không bao giờ dám đi. May mà còn được gặp lại vợ con. Nhân đây tôi cũng muốn gửi lời cảnh báo tới tất cả những ai đang còn có ý định vượt biên sang Trung Quốc lao động chui. Ở đây dù có nghèo khổ vẫn là quê hương mình, nhà của mình”.

Câu chuyện phiêu lưu kỳ lạ của Vừ Già Pó quả thực đầy tình tiết ly kỳ, tưởng chừng như hoang đường. Biết bao khó khăn vất vả, gian nan, nhiều lúc ngã gục, anh vẫn tiếp tục đứng lên, chiến thắng mọi thử thách với một niềm tin sắt đá, rằng mình sẽ được đoàn tụ với vợ con, gia đình.

Hết
Kỳ 1 - Kỳ 2 - Kỳ 3 - Kỳ 4 - Kỳ 5 - Kỳ 6 - Kỳ 7
Theo Hải Minh - VTC New

toimedulich

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét