Thứ Hai, 31 tháng 8, 2015

Những vùng đất không dành cho người "yếu tim"

Đẹp lạ lùng - nguy hiểm khủng - cảnh giới tối cao... là những gì những tay phượt, tay máy chuyên nghiệp gan dạ mô tả về những cảnh đẹp mà người "yếu tim" khó lòng mò tới.

Với những người ưa khám phá, yêu cuộc sống xê dịch hẳn đều nằm lòng câu nói của Samuel Johnson “Ích lợi của việc đi là để điều chỉnh trí tưởng tượng với thực tế, thay vì ngồi hình dung ra mọi chuyện, cứ đi để xem nó thực sự thế nào” như một tâm niệm quý.
Thế nên với người phượt thủ, hễ có thời gian, đôi chân lại tiếp bước hành trình đến những nơi địa đàng, cùng cốc để tự do vẫy vùng với mây trời chứ chẳng chịu an nhàn trong các khu nghĩ dưỡng.

Dọc miền đất nước Việt Nam, nơi nào cũng có cảnh đẹp, nhưng không phải nơi nào cũng dễ dàng để đến được, chỉ có những phượt thủ mang trong mình một trái tim đủ gan dạ, một đôi chân đủ mạnh mẽ mới có thể chinh phục thử thách ấy.

CHINH PHỤC NÓC NHÀ CỦA MỘC CHÂU – PHA LUÔNG

Những câu thơ của Quang Dũng trong Tây Tiến hình như đã khắc họa một cách thật chân thực và rõ nét về một Pha Luông xa xôi, cách trở nhưng cũng thật đẹp đẽ quá chừng.

“Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”.

Đỉnh Pha Luông hun hút cách Mộc Châu chừng 40 km, thuộc xã Tân Xuân, huyện Chiềng Xuân nằm trong vùng núi cùng tên tiếp giáp biên giới Việt - Lào về phía đông Mộc Châu, Sơn La. Có độ cao hơn 2.000m so với mực nước biển, con đường chinh phục Pha Luông chẳng hề dễ dàng chút nào từ con đường dốc lên trắc trở đến đường rừng lối hẹp hiểm trở. Chỉ có dân phượt “chính hiệu” mới đủ dũng cảm để làm điều này.
Dulichgo
Nhưng tất cả mọi gian nan dường như chẳng hề là gi khi ta chạm chân lên đỉnh Pha Luông – Nóc nhà của Mộc Châu. Toàn bộ núi rừng Tây Bắc như nhỏ lại trong tầm mắt, làn sương mờ trắng mỏng bay bay từ phía dưới đồi hững hờ ngang qua khiến ta có cảm tưởng như mình đang ở chốn tiên cảnh. Đẹp đến nao lòng!

HÙNG VĨ CÙNG BẠCH MỘC LƯƠNG TỬ

Qua rồi cái thời người người đi phượt thèm khát được chỉnh phục Fanxipan, nơi được mệnh danh là nóc nhà của Đông Dương. Bởi từ khi có cáp treo, Fanxipan không còn là nơi chứa đựng những thử thách mà chỉ dân phượt mới có thể làm được. Chính vì thế, ngọn núi cao thứ 4 tai Việt Nam, Bạch Mộc Lương Tử, như nàng công chúa đẹp ma mị đã được dân phượt khám phá và tìm đến. Nhiều người rỉ tai rằng đã là dân phượt, nhất định phải đến Bạch Mộc Lương Tử một lần, trước khi nó có cáp treo.

Bạch Mộc Lương Tử nằm giữa hai tỉnh Lai Châu và Lào Cai có độ cao lên đến 3.046m so với mực nước biển, nơi đây có địa hình khá hiểm trở nên chắc chắn không phải là điểm đến dành cho những ai thích nghỉ dưỡng.
Dulichgo
Để chinh phục được chốn thần tiên này, bạn cần sự quả cảm cũng như sức lực dẻo dai vì phải đi bộ hơn 30km đường rừng, vượt qua nhiều kiểu địa hình khác nhau từ đồi trọc, rừng trúc, rừng gỗ và cả vách đá cheo leo chỉ được phủ lên bằng một lớp áo màu rêu xanh cũ kỹ.

Lững lờ giữa làn sương mây trắng muốt, người phượt thủ thỏa thích tác nghiệp để ghi lại những bức ảnh độc đáo, hiếm có và thỏa thuê chìm đắm vào xứ sở của thần thiên, không còn gì bằng.

Cảnh đẹp nhất mà người đi phượt nên nắm bắt chính là bình minh và hoàng hôn trên núi Muối- nơi từ lâu đã trở thành “thương hiệu” cho công cuộc chinh phục Bạch Mộc Lương Tử.

KỲ BÍ NƠI NÓC NHÀ PHÍA ĐÔNG BẮC

Không chỉ có Tây Bắc với những dãy núi trùng điệp và dải ruộng bậc thang ngút ngàn ẩn hiện trong rừng xanh mà cả người anh em Đông Bắc cũng chẳng hề kém cạnh. Nơi đó có một Tây Côn Lĩnh mà mỗi khi băng tuyết kéo về, ta miên man một khung trời chẳng khác nào đang lạc bước châu Âu thơ mộng.

Nơi đó có một Tây Côn Lĩnh hùng vĩ ngửa mặt lên trời hít trọn mọi tinh hoa, thấm dần vào lòng đất tạo thành thiên đường vùng Đông Bắc mà bất kỳ phượt thủ nào cũng thèm muốn một lần được đặt chân.

Tây Côn Lĩnh nằm ở phía tây tỉnh Hà Giang của huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang, và cách thị xã này chừng 46km. Mang trong mình độ cao 2419m, Tây Côn Lĩnh là ngọn núi cao nhất Đông Bắc và là một trong những điểm đến “khó nhằn” nhất của phượt thủ.

Đường lên Tây Côn Lĩnh trắc trở, khó khăn hơn bao giờ hết, vì nơi đây chưa có tuyến đường mở rộng cũng như tour du lịch cũng còn là “ẩn số”. Vách ngăn cheo leo, đường mòn hiểm trở, cây cối, rừng rậm bao quanh chứa đựng nhiều hiểm nguy chính là thách thức mà Tây Côn Lĩnh đưa ra để chỉ những ai đủ gan dạ mới có thể chinh phục được mảnh đất thiêng nhất của người La Chí.
Dulichgo
Để rồi trên đường đến điểm đích, hương chè shan tuyết quấn quýt bước chân như tiếp thêm sức mạnh, để rồi khi đối mặt với dãy núi sừng sững cao nhất Đông Bắc, ta không khỏi tự hào về chặng đường đã qua.

CHINH PHỤC ĐÈO CẢ, KHÚC RUỘT MIỀN TRUNG

Rời xa vùng đất Bắc trùng điệp núi rừng, người phượt thủ nên dừng chân một chút tại con đèo Cả dài nhất Việt Nam nơi khúc ruột miền Trung, chiêm ngưỡng thắng cảnh biển rừng tuyệt vời ở đây.

Đèo Cả nằm giữa hai sườn núi Hảo Sơn và núi Đá Bia có độ cao hơn 330m, có tổng chiều dài 12km nối tỉnh Khánh Hòa với Phú Yên. Con đường đèo ngoằn nghèo trên núi uốn lượn như một con rắn khổng lồ thách thức sự gan dạ của những ai thích khám phá, thích chinh phục.

Đi qua đèo cả, bức tranh sơn thủy một bên là núi rừng ruộng nương lấp ló sau màu xanh cây cỏ, một bên là ánh biển trong xanh với vô số chiếc thuyền neo đậu như một lực hút khó cưỡng làm người đi phượt phải dừng chân, chụp vài bức hình kỷ niệm.
Dulichgo
Đứng ở đèo Cả, người đi phượt có cơ hội ôm trọn cả vịnh Vũng Rô, cảng Đại Lãnh lẫn Hòn Nưa xa tít tầm mắt vào lòng, mênh mang một khoảng trời lộng gió cho căn tràn lồng ngực, thích thú trên từng đoạn đèo quanh co, uốn lượn.

NGỦ GIỮA RỪNG THÔNG VÀ ĐÁNH THỨC CƠN MỘNG CỦA BIDOUP

Nếu Đà Lạt an yên trong cơn gió lạnh nhẹ nhàng là điểm đến nghĩ dưỡng cho nhiều tour du lịch thì cách đó không xa chừng 50km về hướng Đông Bắc là đỉnh Bidoup thuộc xã Đa Chais, huyện Lạc Dương lại là điểm đến hấp dẫn cho những ai thích phượt, ưa chinh phục.

Con đường chinh phục nóc nhà của tỉnh Lâm Đồng chẳng hề dễ dàng vì người phượt thủ phải vượt qua nhiều con đường rừng, vách đá cheo leo, cả dòng sông lưng chừng núi lẫn sương mờ che mất lối đi mới có thể đứng ở độ cao 2.287m mà tận hưởng cảm giác tuyệt vời ùa về.

Thế nhưng hành trình ấy chẳng phải chỉ có gian nan mà còn chứa đựng nhiều khoảnh khắc tuyệt đẹp từ rừng thông réo rắt trong tiếng gió, cánh đồng lau mềm mại quyến luyến bước chân người lữ hành, và cả rừng nguyên sinh xanh ngát thi thoảng được tô điểm bởi những cánh lan rừng tinh khôi như thiếu nữ.
Dulichgo
Để khi đứng trên nơi cao nhất, thu nhỏ một Đà Lạt vào tầm nhìn, nghe tiếng vọng hào sảng của chính giọng nói của mình, ta mới nở một nụ cười mãn nguyện. Và dĩ nhiên, đã đến tận đây rồi, hãy thưởng cho mình một đêm ngủ lại trong rừng thông, ngắm sao trời rực rỡ trên cao.

THỬ THÁCH VỚI BÀU SẤU NAM CÁT TIÊN

Tham quan Vườn quốc gia Nam Cát Tiên không còn là điều xa lạ với nhiều người, thế nhưng thử lòng dũng cảm với bàu Sấu nơi đây thì không phải ai cũng làm được. Vì để đến được bàu Sấu, người lữ hành cần phải vượt qua quãng đường rừng cách trở mới có thể chiêm ngưỡng được toàn cảnh của bàu Sấu.

Không chỉ thế, còn có một thử thách cần độ “liều” nhiều hơn của người tham quan đó chính là ngồi trên chiếc thuyền độc mộc trôi theo dòng nước bàu Sấu lặng nhìn cảnh quan tuyệt đẹp như lòng hồ nơi tiên cảnh mà lòng phập phồng lo sợ “bị cá sấu đớp”. Bởi dưới lòng bàu Sấu có đến hàng trăm con cá sấu đang ẩn mình dưới dòng nước bạc. Ấy vậy nhưng với người đi “phượt” chính hiệu thì nỗi lo ấy đã vơi đi rất nhiều vì luôn có người nuôi sấu đi cùng và cả một trái tim gan lì đã trải qua bao nhiêu mối nguy trong cuộc đời đi phượt rồi.

Khắp nước mình, nơi nào cũng từng in dấu chân của người đi phượt trước khi nơi đó trở thành điềm du lịch hấp dẫn và dễ dàng cho nhiều người. Vì chỉ có người đi phượt mới đủ nhiệt huyết và gan dạ để biến những vùng đất tưởng chừng đã ngủ yên được thức giấc cùng chung nhịp sống với thế giới bên ngoài. Nếu là người thích phượt, thích khám phá, thích mạo hiểm, tức là bạn đã sẵn sàng cho hành trình đến những nơi này rồi đấy. Nào, cùng nhau đi thôi!

Nào, cùng nhau đi thôi!
Đôi chân chẳng ngại đường dài
Chẳng sợ khó nhọc, chông gai đang chờ
Vì lòng mang một ước mơ
Chinh phục thử thách khắp nơi nước mình.

Theo Mytour.vn
Du lịch, GO!

Măng ớt Đồng Mỏ xứ Lạng

(VNE) - Ai từng ghé đến xứ Lạng, thưởng thức những món đặc sản nơi đây chắc chắn không thể quên được vị cay, hương thơm đậm đà đặc trưng trong mỗi lọ măng ớt Đồng Mỏ.

< Măng ớt Đồng Mỏ nổi tiếng xứ Lạng.

Đến Lạng Sơn, đặt chân vào bất cứ quán ăn nào thực khách cũng đều thấy một lọ măng ớt nhỏ đặt trên bàn. Trong mỗi gia đình, măng ớt là món ăn, thứ nước chấm không thể thiếu của người dân. Măng ớt rất “đưa” cơm, có khi vì vị cay cay thơm thơm của măng và mắc mật mà người ta sẵn sàng ăn thêm chút cơm nữa.

Ven tuyến quốc lộ 1A qua địa phận Lạng Sơn, những lọ măng ớt đỏ bày bán đầy trên sạp. Măng ớt giữ được lâu ngày nên bạn có thể thoải mái mua lấy vài lọ về làm quà hoặc để ăn dần.

Măng ớt Đồng Mỏ đặc biệt bởi hương vị, màu sắc hấp dẫn, mùi thơm hòa quyện đặc trưng của măng, mắc mật, tỏi, ớt. Có thể chế biến từ nhiều loại măng nhưng ngon nhất vẫn là thứ măng tre gai để tạo độ giòn, thơm. Sau khi bóc măng, thái lát mỏng hoặc khúc nhỏ thì phải ủ chua để măng không còn hăng và ngái.

Tỏi và ớt xay nhuyễn, mắc mật ngâm riêng cùng muối, măng đã ngâm, sau vài ngày vớt lên rửa sạch và cho tất cả nguyên liệu vào lọ, đậy kín. Khoảng một tuần sau là đã có thể ăn được.

Các công đoạn làm măng ớt tưởng chừng đơn giản nhưng không phải ai cũng làm được. Chỉ một sơ suất nhỏ trong quá trình ủ chua, ngâm măng cũng rất dễ khiến măng bị hỏng phải đổ đi làm mẻ khác.
Dulichgo
Măng ớt có thể ăn kèm với nhiều món khác nhau, nó làm giảm vị ngấy, béo đối với món xào, rán, tăng thêm phần ngon miệng cho các món luộc, tạo vị cay nóng cho nồi lẩu mùa đông... Khi dùng hãy sử dụng đũa sạch, thìa sạch múc măng trong lọ ra bát. Sau khi mở nắp lọ măng ớt, bạn nhớ đóng kĩ, chặt để tránh không khí bên ngoài vào khiến măng bị đen.

Bạn có thể mua những lọ măng ớt thơm ngon này ở bất cứ nơi đâu tại Lạng Sơn, giá mỗi lọ khoảng 25.000 - 30.000 đồng.

Theo Hồng Vân (Vnexpress)
Du lịch, GO!

​Những ngọn gió Hua Tát

(TTO) - Cứ đến dịp Quốc khánh, đồng bào người Mông ở Mộc Châu lại tổ chức Tết cờ đỏ sao vàng rất lớn, đến mức người Kinh phải bỏ phố lên rừng để được đắm mình trong không gian tưng bừng, rực rỡ này.
Tháng 9. Em không biết Mộc Châu có tết cho đến khi gặp anh, xem những bức hình chụp nam thanh nữ tú nô nức đi chơi hội, bọn trẻ con thay váy mới chạy chân trần trong vườn nhà, đu đưa mình trên những vòm cây.

Tết độc lập trên non cao

Nhắc đến tết là lập tức nghĩ đến... Tết (nguyên đán). Nhưng với dân đi miền Bắc, nói Tết độc lập là lập tức nghĩ đến Mộc Châu.

< Nào chúng mình cùng đi hội. Các bà, các mẹ cũng mặc quần áo đẹp để ra đường.

Từ ngày 1 đến hết 2-9, ngoài các hoạt động do chính quyền đứng ra tổ chức như liên hoan văn nghệ, hội chợ, thi đấu thể thao, có lẽ chính “tinh thần Mộc Châu” với điểm nhấn là những hoạt động vui chơi đêm 1-9 đã làm nên một Tết độc lập hoành tráng.

Em vẫn hay khoe với bạn rằng mùa Tết độc lập ở Mộc Châu là mùa thay áo mới. Để chuẩn bị cho lễ hội, nhất là cánh đàn bà, con gái, đặc biệt là bọn trẻ, ai cũng thấy có quần áo mới, thắt lưng quấn bụng, giày dép mới, khăn quàng, mũ đội đầu lấp lánh.

< Các em nhỏ luôn là người nô nức nhất.

Giữa một biển người tụ tập tại khu trung tâm của làng, bản, thị trấn, mới nhìn thôi đã thấy mùi quần áo mới sặc sỡ, tinh tươm. Và người lãng khách lây trọn niềm vui lễ hội rộn ràng.
Dulichgo
Loóng Luông - cái lý của người Mông

Em đứng một mình ở sân bóng Loóng Luông, xung quanh là những gương mặt người háo hức. Có gương mặt nào em đã từng quen, cô gái xinh đẹp nào từng xuất hiện trong khuôn hình của bạn, cô ở đâu, hôm nay sẽ bị bắt về làm vợ hay đã là bà mẹ của mấy đứa con. Em không biết nữa.

< Đợi chờ.

Chàng trai người Mông ngồi trên mô đất bảo không thích vợ trẻ đâu, có người còn thích bắt vợ là bà mẹ bốn con nữa kìa. Hỏi vì sao lại thích lấy vợ hơn tuổi, anh thủng thẳng trả lời lấy vợ bằng tuổi sau này chết thì ai sống nuôi con.

Cái lý của người Mông thoạt tiên khiến em bật cười, mà sao có điều gì nhoi nhói. Cái lý của tình yêu thương dành lại cho con cái, vì con cái, sau này khi một người trong gia đình già yếu, vẫn còn người ở lại khỏe mạnh hơn gánh vác trách nhiệm với gia đình.

< Hớn hở hòa trong niềm vui ngày hội lớn.

Chiều Loóng Luông lặng lẽ. Em khuỵu gối trên thảm cỏ, hối hả nhưng cẩn trọng thay ống kính trong chuyến “đi săn” của một kẻ độc hành. Em đã không thể biết Mộc Châu là nơi mình đã gặp và rời xa...
Dulichgo
Anh không còn ở cạnh em như mùa xuân, mùa hạ hay mùa đông năm ấy. Mùa thu đến rồi, anh từng đến Mộc Châu một mình và hôm nay em đang ở Loóng Luông một mình. Có đỉnh núi nào trên mảnh đất này còn nhớ đến tên em?

Những ngọn gió Hua Tát

Em trèo lên mỏm đá nằm trơ trọi bên góc ngã ba đèo Hua Tát. Gió hun hút thổi trên con đường cong cong nghiêng mình đi về phương bắc. Xe máy lướt dưới tầm mắt. Những chàng trai đi xe Win, những cô gái mặc váy áo màu tím. Những cô bé con hớn hở với chùm bóng bay màu.

Hình như anh đang chống chân vào cột cây số, đốt một điếu thuốc trong chiều hoang mang gió. Em ngơ ngác trên triền đá lạnh, có giọt nước mắt nào vừa rơi xuống làm tan loãng bóng hình xưa. Em muốn trèo lên bờ rào tre với đám con gái, trông chúng như những nốt nhạc xinh lắc lư khi bổng khi trầm.

< Đồ chơi quý bé vừa tậu được.

Muốn leo cao hơn thì lên ngồi vắt vẻo trên cọc gôn, từ đây quan sát hội diễn văn nghệ đang múa ô xoay tròn mới thật là đã mắt, không mắc công kiễng chân dòm trên đầu người khác hay nhìn xiên qua khe hở hẹp giữa vai người.
Dulichgo
Em lại muốn trèo lên đứng nhờ trên yên xe máy nhưng chú bé người Mông nhất định không đồng ý bằng ánh mắt lạnh lẽo và ngờ vực. Em đành ngồi xuống trên bờ cỏ, cạnh một chị đang cho con bú, chăm chú ngắm nhìn từng cặp, từng nhóm bạn đang đi lại tung tăng và lắng mình trong tiếng nhạc réo rắt phát ra từ chiếc loa rè. “Kìa mưa tràn đỉnh đồi, hoa buồn vì mưa rơi”...

< Hội đã tan rồi chia tay ta về thôi.

Em gọi đám trẻ con ở Loóng Luông là những ngọn gió Hua Tát. Chúng thổi vào em một giấc mơ trong trẻo và mơ hồ. Những ngọn gió Hua Tát khúc khích cười, giai điệu âm vang và ngân nga bay theo em suốt chặng đường dài chìm đắm trong sương mù. Liệu phía trước có mặt trời?

Anh sẽ ở đâu trong đêm náo nhiệt Tết độc lập mùa thu năm tới, có còn cầm máy ảnh đợi em?

Theo Giang Nguyên (Tuổi Trẻ)
Du lịch, GO!

Chủ Nhật, 30 tháng 8, 2015

Ra biển săn "cua tiểu huỳnh đế"

(DVO) - Từ chỗ chỉ là món ăn dân dã, hiện "tiểu huỳnh đế" được nhiều nhà hàng đặc sản ở Quảng Ngãi đặt mua không hạn chế số lượng, với giá 200.000 đồng/kg.

< Cận cảnh con "tiểu huỳnh đế".

Vài năm trở lại đây, vào mỗi lúc triều xuống, nhiều người dân Sa Huỳnh (Quảng Ngãi) lại í ới gọi nhau đi dọc theo mép biển để săn "tiểu huỳnh đế".

Người dân nơi đây cho biết: Do có hình dáng giống như con cua huỳnh đế thu nhỏ nên các nhà hàng đặt tên là "tiểu huỳnh đế" cho sang, chứ người ta thường gọi nó là con rù rì.

< "Tiểu huỳnh đế" dùng đôi càng để bới cát trú ẩn.

Kích cỡ của "tiểu huỳnh đế" phổ biến nhất là bằng ngón chân cái của người lớn. Cũng là loài sống ở biển, thế nhưng "tiểu huỳnh đế" không ở hẳn dưới nước như cua, ghẹ... hay đào hang trên cát như còng, mà ở khu vực cát ẩm gần mép nước.

< Khu vực cát gần mép nước mà "tiểu huỳnh đế"  trú ẩn.
Dulichgo
Gọi là đi săn cho "oách", chứ thật ra việc bắt "tiểu huỳnh đế" vô cùng đơn giản. "Ngoài vật dụng mang theo để đựng là thùng, xô nhựa; chỉ cần được hướng dẫn và đi theo quan sát vài mươi phút thì bất cứ người nào cũng có thể bắt được con vật này" - anh Lê Văn Trung (38 tuổi), ở Sa Huỳnh, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) - một "cao thủ" trong nghề giải thích.

< Chỉ cần chỉ dẫn vài phút, trẻ em cũng có thể bắt được.

Cứ mỗi khi sóng tràn vào bờ và rút xuống, "tiểu huỳnh đế" không theo nước ra biển mà ở lại dùng càng bới cát ướt chui xuống ẩn nấp. Để lại dấu vết trên mặt cát là một lỗ nhỏ kèm theo ít bọt phì lên. Do vậy, khi phát hiện được chỉ cần dùng tay, hoặc xẻng nhỏ mang theo thọc, xúc chặn xuyên ngang xuống là bắt được.

< "Tiểu huỳnh đế" hiện có giá mua 200.000 đồng/kg.

Tuy nhiên để tránh con sóng kế tiếp ập vào dẫn đến "xôi hỏng bỏng không", đòi hỏi người đi bắt phải có sự quan sát và thao tác xúc nhanh. Và đây cũng chính là yếu tố quyết định đến số lượng bắt được "tiểu huỳnh đế" trong cùng một thời gian của mỗi người nhiều, ít khác nhau.
Dulichgo
Với dân chuyên nghiệp thì cứ 2-3 giờ đi bắt, đào nếu "trúng mánh" thì được khoảng 2kg, bình thường thì 1-1,5kg; còn "tay ngang" thì được 300-600 gram.

Tuy phân bố rộng rãi, thế nhưng theo ngư dân Quảng Ngãi thì rù rì chỉ có ở những vùng biển có bãi cát trài, còn vùng biển bãi ngang gần như không thấy. Trong đó, loại này có nhiều nhất là ở bãi biển Sa Huỳnh.

Rù rì sau khi bắt được thì đem về rửa sạch, cắt đuôi, sau đó ướp muối, đường. Đổ dầu vào chảo, phi hành cho thơm rồi thả vào. Vặn nhỏ ngọn lửa và chờ cho rù rì ngả màu nâu sậm thì đưa xuống, cho vào đĩa và thưởng thức. Mùi thơm của thịt, sự giòn rụm của vỏ....tạo nên cảm giác rất riêng biệt của "tiểu huỳnh đế" ở vùng quê biển xứ Quảng.

< Bãi biển Sa Huỳnh - một trong những nơi có "tiểu huỳnh đế" nhiều nhất ở Quảng ngãi.

Dù "tiểu huỳnh đế" bắt được được bán với giá khá cao 200.000 đồng/kg, thế nhưng người dân Sa Huỳnh và các vùng biển nơi khác ở Quảng Ngãi không ai xem việc săn "tiểu huỳnh đế" là một nghề. Bởi lẽ việc bắt rù rì gần như chỉ bằng biện pháp thủ công và không phải thời điểm nào trong năm cũng bắt được. Vì vậy, săn "tiểu huỳnh đế" chỉ là việc làm thêm mà thôi.

Theo Công Xuân (Dân Việt)
Du lịch, GO!

Cù Lao Dài - dải đất phù sa

(DNSG) - Dọc theo con sông chảy giữa ba tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh này là rất nhiều làng mạc trù phú, xinh đẹp đậm chất miền Tây Nam bộ. Trong đó, cù lao Dài (thuộc huyện Vũng Liêm, Vĩnh Long), dải đất dài hai chục cây số như một viên ngọc xanh nằm giữa dòng sông nặng phù sa đã thu hút những đoàn khách theo tour chuyên nghiệp đầu tiên.

Để đến được cù lao Dài, du khách có thể đi đò ở bến Vũng Liêm hoặc qua phà Quới An – Quới Thiện, bến phà nhỏ trông hiền lành, người đi phà cũng dễ thương, không có sự gấp gáp, chen lấn, hối hả như ở các bến phà khác.

Từ khi cầu Cổ Chiên nối liền hai tỉnh Bến Tre – Trà Vinh được khánh thành, sông Cổ Chiên bỗng được giới du lịch chú ý. Trong nhiều năm, dòng Cổ Chiên nước lớn đã giữ cho cù lao còn nguyên vẻ mộc mạc thôn quê với những vườn trái cây trĩu quả và giai điệu đờn ca tài tử văng vẳng xóm làng.
Dulichgo
Đặt chân đến xã Thanh Bình, mùi mít và mùi sầu riêng thoang thoảng giữa không khí ẩm ướt của miệt vườn mùa mưa. Du khách thong thả đi dọc con đường nhỏ và nếu thích thì có thể xin vào thăm vườn trái cây của người dân địa phương.

< Sầu riêng vào mùa.

Chủ vườn đa phần ai cũng rất mến khách. Họ sẽ chọn trái ngay từ trên cây, cắt xuống và bổ ra cho mọi người cùng thưởng thức giữa không gian xanh mát. Ngoài đặc sản sầu riêng và mít vị đậm đà thì chôm chôm, bưởi, măng cụt… cũng không kém phần hấp dẫn.

Trước đây, cù lao thường xuyên bị ngập nước nên chỉ thuận tiện trồng lúa nước hay trồng lát. Ngày nay, nhờ có sự đầu tư xây dựng hệ thống đê bao, cù lao Dài trở thành vùng sản xuất nông nghiệp trù phú của huyện Vũng Liêm với những mặt hàng nông sản như trái cây ngon, cá da trơn, tôm nước ngọt…

< Vườn bưởi sai trái.

Riêng một số ấp ở đuôi cù lao thuộc xã Thanh Bình (như Bình Thủy, Thông Lưu), bà con vẫn còn giữ cây trồng truyền thống là cây lát. Cùng với trồng lát, từ lâu, người dân nơi đây đã biết đến nghề dệt chiếu, se lõi lát…

Ở Bình Thủy, Thông Lưu, hầu hết các hộ gia đình đều có máy se lõi lát. Ấp Bình Thủy đã được tỉnh Vĩnh Long công nhận là làng nghề truyền thống.
Dulichgo
Theo lịch sử tỉnh Vĩnh Long, nơi đây là một trong những làng điển hình về khai hoang lập ấp trên địa bàn trấn Vĩnh Thanh dưới triều vua Gia Long.

< Đường lên cầu Cổ Chiên.

Từ giữa thế kỷ thứ XIX, cù lao này được xem là một mô hình đẹp về làng mới, ruộng vườn liền mạch, đình chùa phong phú, nổi tiếng là nơi đông đúc, no đủ. Ở xã Thanh Bình hiện nay còn lại hai khu lăng mộ lớn được xây dựng cách nay khoảng 180 năm.

Đó là khu lăng mộ bà Nguyễn Thị Tuyết (mẹ Thoại Ngọc Hầu) và lăng mộ của cha mẹ vợ ông (là ông Châu Vĩnh Huy và bà Đỗ Thị Toán) đã được ông xây dựng vào những năm ông làm trấn thủ Vĩnh Thanh.

< Trái bần nấu canh chua cá.

Hai khu lăng mộ này là chứng tích góp phần xác định cù lao Dài chính là quê hương thứ hai của Nguyễn Văn Thoại, tức Thoại Ngọc Hầu khi ông cùng gia quyến chạy loạn từ Quảng Nam vào đây.

Thăm thú cù lao xong, du khách thường ghé quán lá Vườn Dừa, nơi phục vụ những món ăn đặc sản dân dã mà thơm ngon. Khai vị thường là món bánh xèo.

Bánh xèo ở đây có loại bột rất thơm và dẻo. Bí quyết là người dân dầm ngò gai lấy nước, đổ vào bột bánh xèo và bỏ lên chảo chiên, dùng rất ít dầu nên không ngấy.

< Thiếu nữ địa phương hướng dẫn du khách đổ bánh xèo.

Nhân bánh cũng khá lạ miệng với nguyên liệu là con hến. Hến sông Cổ Chiên mang vị ngọt thanh và có màu rất trắng, quyện với vị béo của nước dừa trong bột bánh, vị bùi bùi chua chua của lá cát lồi, mùi nhẫn nhẫn của lá cách ăn thật hợp vị.
Dulichgo
Quán dân dã nên cách phục vụ cũng rất thân tình. Các cô, các chị đầu bếp sẵn sàng kiên nhẫn hướng dẫn du khách đổ từng chiếc bánh sao cho giòn rụm.

< Ban nhạc đàn ca tài tử.

Xong món bánh thì đến gỏi gà hấp rượu. Gà thả vườn thịt săn chắc trộn cùng lõi cây chuối non xắt nhỏ, vị tươi ngon ăn hoài không ngán. Rồi đến món canh chua cá nấu trái bần. Trái bần xinh xinh vị chua làm tô canh cá ngọt mà thanh, quyện thêm vị bùi của chuối thật khó quên.

Xế trưa, miệt vườn yên tĩnh rộn lên tiếng đàn ca của ban nhạc tài tử. Du khách dù không nhiều máu văn nghệ vẫn cứ bị cuốn vào lời ca tiếng hát trữ tình thấm đẫm chất miền Tây…

Theo Bảo Thu (DNSGCT)
Du lịch, GO!

Về miệt Cù lao Dài
Kỷ niệm khó quên ở cù lao Dài

Hang Bó Ngoặng - điểm du lịch sinh thái hấp dẫn

Không chỉ được nhiều người biết đến là xã nằm trong vùng trọng điểm trồng lạc hàng hoá của huyện Chiêm Hoá mà Phúc Sơn còn tạo ra dấu ấn riêng của mình bởi những danh thắng, cảnh quan thiên tạo với vẻ đẹp kỳ thú, sẽ là điểm dừng chân lý tưởng của nhiều du khách muốn khám phá vẻ đẹp của mảnh đất và con người nơi đây.

< Hang Bó Ngoặng tại xã Phúc Sơn.

Cách thị trấn Chiêm Hoá 25 km du khách sẽ đến với hang Bó Ngoặng, xã Phúc Sơn. Hang được phân bố ở chân núi đá vôi, nhìn từ xa, toàn bộ cửa hang được bao phủ một màu xanh của cây rừng. Phía trên hang, rễ cây cổ thụ vươn dài, bám chặt vào vách đá tạo nên nét nguyên sơ, bí ẩn.

Trước hang là dòng suối Bó Ngoặng trong vắt, dưới đáy là thảm rêu xanh mượt, mặt nước phẳng lặng như một tấm gương lớn phản chiếu lên cửa hang cùng ánh nắng mặt trời tạo nên hình ảnh lung linh, huyền ảo trên vách hang.
Dulichgo
Điều đặc biệt ở hang Bó Ngoặng khi du khách khám phá đó là ở ngay cửa hang có vùng nước rộng, mùa hè trở nên mát lạnh, mang lại cảm giác thoải mái còn mùa đông, dòng nước trong hang trở nên ấm nóng lạ kỳ, nhiệt độ có thể lên đến 40 độ C.

Trải qua hàng triệu năm, thiên nhiên đã dày công gọt dũa để Bó Ngoặng trở thành một tác phẩm nghệ thuật kỳ thú với những nhũ đá rủ xuống tạo nên hình thù sinh động, lạ mắt. Hai bên vách hang, những lớp nhũ màu trắng trông như những tảng băng xen lẫn những mảng nhũ màu xanh rêu xếp tầng tầng, lớp lớp lộng lẫy… sẽ thoả mãn trí tưởng tượng phong phú của du khách.

Trong chuyến hành trình đến với xã Phúc Sơn, huyện Chiêm Hoá, du khách còn tham quan khám phá nhiều hang động kỳ thú như hang Thẳm Hốc, Thẳm Vài, rừng nguyên sinh trên núi đá Tầng, Biến… các hang động đã được xếp hạng là danh thắng cấp tỉnh.

< Hồ nước trong vắt trong hang Bó Ngoặng.

Các hang động này đều những thắng cảnh thiên nhiên đẹp và thơ mộng mà tạo hoá đã ban tặng cho vùng đất này.
Dulichgo
Hơn nữa, tất cả các hang động nơi đây cách nhau chưa đến 1km, lại có đường giao thông đi lại tương đối thuận lợi, sẽ là điều kiện để xã hình thành tuyến du lịch sinh thái hấp dẫn từ Chiêm Hoá - Phúc Sơn - Minh Quang - Lâm Bình - Na Hang … sẽ là điểm đừng chân lý tưởng của nhiều du khách gần xa trong tương lai.

Với những cảnh quan thiên nhiên đẹp, hấp dẫn, còn giữ được những nét nguyên sơ, hang Bó Ngoặng và các danh thắng đẹp ở Phúc Sơn đang được chính quyền xã, huyện Chiêm Hoá phối hợp với các cơ quan chức năng nghiên cứu, khảo sát lập hồ sơ khoa học, làm cơ sở pháp lý để bảo vệ và tôn tạo danh thắng lâu dài.

Đây cũng là một trong những hướng phát triển mà Chiêm Hoá đang hướng tới để từng bước khai thác các tiềm năng, thế mạnh về các loại hình du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của huyện trong tương lai.

Theo Tài Tùng - Vi Cường (Tuyên Quang TV)
Du lịch, GO!

Thứ Bảy, 29 tháng 8, 2015

Trải nghiệm để đời cùng hành trình xuyên hang Tối

(Zing) - Tôi như lạc vào một thế giới khác, vừa lạ lẫm vừa quen thuộc, xen lẫn nỗi sợ hãi khi nhìn về phía trước, để rồi vỡ oà niềm vui khi nhìn thấy ánh sáng cuối hành trình.

< Bắt đầu cuộc hành trình vào Thung lũng Sinh Tồn.

Trở lại Thung lũng sinh Tồn thuộc Vườn quốc gia (VQG) Phong Nha - Kẻ Bàng để tham gia vào đoàn famtrip khám phá hành trình 6 km xuyên hang Tối, tôi lại bước chân trên những ghềnh đá, khe suối và hang động quen thuộc của rừng Phong Nha. Hành trình 2 ngày một đêm này là những giây phút không thể quên trong đời.

Thung lũng Sinh Tồn, đi để nhớ

< Tour guide Trần Quốc Tài đang giới thiệu về sự đa dạng sinh học của rừng Phong Nha - Kẻ Bàng khi đoàn nghỉ chân dưới gốc cây gỗ táu hàng trăm tuổi.

Xe để chúng tôi lại bìa rừng tại Km 19 đường mòn Hồ Chí Minh Tây để cho 23 người (12 khách và 11 người gồm tour guide, trưởng đoàn cùng 9 porter) bắt đầu khám phá Thung lũng Sinh Tồn trước khi đến cửa sau hang Tối.

Thung lũng Sinh Tồn là một dải rừng nguyên sinh thuộc phân khu trung tâm Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Chúng tôi lần lượt qua những dải rừng thưa, leo qua nhiều vách đá cheo leo. Nắng nóng cuối tháng 8 cùng với nhiều trở ngại trên đường rừng như thử thách bước chân của những người quen sống ở thành phố đi trên đường phủ nhựa láng bóng. Đi được chừng gần 2 km, chị Tạ Thị Hạnh (27 tuổi, ở Đông Anh, Hà Nội) đề nghị dừng chân nghỉ lại.

"Mọi người tạm nghỉ 5 phút thôi nhé. Hành trình còn dài và khá vất vả, chúng ta phải đi nhanh để đến nghỉ trưa, vui chơi tại hang E", tiếng tour guide Trần Quốc Tài (30 tuổi) vang lên giữa núi rừng.
Dulichgo
Đoàn tiếp tục hành trình đi dưới tán rừng, lội qua nhiều khe suối. Thi thoảng, anh Tài đề nghị mọi người dừng lại dưới gốc cổ thụ hàng trăm tuổi hoặc những vách đá đẹp để mọi người cùng thưởng ngoạn. Chất giọng to, vang xa của người hướng dẫn viên nhiệt tình đem lại cảm giác quen thuộc cho khách, xua tan những mỏi mệt trước mắt.

Dẫn đường là anh Phạm Hải Thoại, porter có gần 20 năm biên chế của Trung tâm du lịch Phong Nha có nhiều kinh nghiệm đi rừng. Anh Thoại nhẹ nhàng dặn mọi người đeo bao tay vào để tránh loại lá có tên "nàng Hai", bởi nếu chạm vào da, loại cây rất độc này có thể gây ngứa ngáy suốt cả tuần.

< Tắm mát tại hồ bơi tự nhiên trước cửa hang Thuỷ Cung.

Trên hành trình, chị Alaysia Danielle (26 tuổi, đến từ Vancouver, Canada) liên tục được anh Tài giải thích về các loại cây rừng, vấn đề bảo vệ rừng. Cô gái da trắng ngắm những tàng cây, vách đá một cách lạ lẫm, đầy say mê.

"Tôi đến Việt Nam làm việc 3 năm nhưng chỉ đến Phong Nha được 3 lần. Đi bộ dưới rừng nguyên sinh đầy những cây cổ thụ ở Phong Nha thật thú vị. Tôi rất thích cảm giác này", Alaysia nói.

Khoảng 10h, đoàn đến trước hang E, hay còn có tên là hang Thuỷ Cung. Alaysia hét lên đầy thích thú "đẹp quá, đẹp quá". Hang E nằm trên một hành trình tự nhiên với hang Tối, bởi nước ngầm chảy ra từ hang động này sẽ chảy vào cửa sau của hang Tối để hoà mình và sông Chày, một nhánh của sông Son.

< Những porter là những đầu bếp không chuyên, nhưng lại rất sành trong chế biến món ăn, đang nướng thịt chuẩn bị cho bữa tối thịnh soạn trước cửa hang Nước Lặn.

Anh Thọ trưởng đoàn thông báo cho mọi người nghỉ trưa trước cửa hang E trong khi những porter nhanh chóng chuẩn bị nhóm lửa để xua loài bọ có tên mò tró luôn vây quanh mọi người để hút mồ hôi. Trước cửa hang E là những tảng đá to xếp chồng liền nhau thành một dãy non bộ tự nhiên. Chính tại nơi đây, tôi và vợ mình từng ngồi bên nhau ngắm trời đất trong chuyến đi lần trước đến Thung lũng Sinh Tồn.
Dulichgo
Theo sự hướng dẫn của anh Thọ và anh Tài, mọi người mang áo phao vào để khám phá hang E, nơi có hồ bơi tự nhiên với dòng nước trong vắt nên được gọi là Thuỷ Cung. Cả đoàn được dẫn bơi ngược dòng nước, vào khám phá gần 300 m lòng hang cùng với đèn chiếu sáng chuyên dụng.

Ai cũng phấn khích vùng vẫy dưới dòng nước mát lạnh của hang Thuỷ Cung, tạm thời xua tan những mỏi mệt. Bữa trưa cho mỗi người là bánh bao cùng với xôi hộp và sữa tươi được các porter khuân vào. Ai cũng ăn hết sạch sau khi bơi lội, vùng vẫy khám phá.

13h, đoàn tiếp tục hành trình vượt hết Thung lũng Sinh Tồn dài 8 km đường rừng sau khi đã bổ sung và tích trữ năng lượng trong bữa trưa. Chặng đường đến cửa sau hang Tối còn khoảng 4 km dễ đi hơn, khi mọi người chỉ men theo dòng nước nối từ hang Thuỷ Cung. Đoạn khó đi nhất là khi phải vượt qua con suối sâu ngang thắt lưng người bình thường, nhưng mọi người sẽ được đền đáp bằng những bức hình ghi lại tại "cổng Trời thu nhỏ" của Thung lũng Sinh Tồn.

16h30, vượt qua những con dốc, những con đường trơn trượt, chúng tôi chính thức đặt chân đến hang Nước Lặn, cửa sau của hang Tối nằm thu mình dưới vách núi khổng lồ cao hàng chục mét.

Trải nghiệm không thể quên

Trước khi đi xuyên hang Tối, đoàn hạ trại, nghỉ qua đêm trước cửa hang Nước Lặn. Những porter đã nhanh chóng đến trước, nấu cơm, nướng thịt. Những vị khách đầu tiên trong hành trình famtrip xuyên hang Tối được hướng dẫn thay quần áo, cởi giày dép, vớ bảo hộ, tắm suối trước khi thưởng thức bữa tối.

< Trò chơi đánh cờ tú lơ khơ quẹt nhọ nồi hoặc son môi lên mặt rất ăn khách trong đêm hạ trại trước cửa hang Nước Lặn.

Thức ăn cho bữa tối của mọi người là cơm nấu củi cùng gà nướng, thịt heo nướng, canh hầm, rau cuốn bánh. Xong bữa tối, những ly rượu vơi dần cũng là lúc bóng tối bao phủ xuống khắp núi rừng. Đàn chim yến hàng trăm con bay về hang sau một ngày kiếm ăn bên ngoài tạo nên một khung cảnh ngoạn mục, khiến những vị khách của núi rừng không khỏi trầm trồ.

Bữa tiệc đêm ở nơi không có điện, không có sóng di động còn kéo dài cùng những trò chơi hấp dẫn do tour guide Trần Quốc Tài bày ra. Ở nơi tách biệt với thế giới hiện đại, chị Nguyễn Thị Mai Trang (39 tuổi, trú tại TP Huế) nằm trên chiếc võng thả hồn theo những suy tưởng về gia đình, bạn bè. Chị Trang nói rằng, mỗi người cần những lúc tách biệt khỏi môi trường mình đang sống một khoảng thời gian để suy ngẫm về quá khứ, hiện tại và tương lai, xác định cho mình những hướng đi công việc phía trước.

< Đi dưới những vách đá đen ngòm, hình thù kỳ dị trong hang Tối.
Dulichgo
21h, dưới cửa hang trong rừng núi Phong Nha, những porter đã đi ngủ sớm sau hành trình mỏi mệt. Những vị khách đến từ thành thị không khỏi thích thú với không gian thiếu ánh sáng, y hệt thời kỳ khan hiếm điện. Dưới ánh nến le lói, vẫn còn 10 người trong đoàn quây quần bên trò chơi cờ tú lơ khơ, người thua bị vẽ lên mặt bằng những vệt nhọ nồi hoặc son môi.  Trò chơi mãn cuộc lúc 23h, khi mọi người đều thấm mệt sau quãng đường dài cần ngủ lấy sức cho ngày mai vượt 6 km xuyên hang Tối.

Buổi sáng bắt đầu bằng những tiếng nói chuyện, tiếng leng keng của nồi chảo do porter dậy sớm chuẩn bị bữa sáng cho đoàn. Ăn xong, 9 porter theo đường bộ quay về. 12 du khách được tháp tùng bởi trưởng đoàn, tour guide, porter Thoại dẫn đường và chuyên gia leo núi Võ Thiên Bảo đến từ công ty Everest Việt. Vừa bước chân vào hang Nước Lặn, đoàn đã phải bơi chừng 100 m đầu tiên. Máy ảnh, áo quần được cất vào túi chống nước do porter hoặc tour guide mang trên lưng. Cùng với đai an toàn mang trên hông, áo dài tay cùng mũ bảo hiểm gắn đèn chuyên dụng, chúng tôi lặng lẽ đi trong bóng đêm của hang Tối.

Đoàn đi qua những lối đi dễ nhất trong lòng hang cao hàng chục mét nhưng không hề dễ dàng. Vật cản thông dụng nhất đối với chúng tôi là những vách đá. Để xuyên hang Tối, bắt buộc người tham gia phải tự mình bơi qua nhiều đoạn nước sâu và lạnh với tổng chiều dài khoảng hơn 2 km. Dù được trang bị áo phao trên người, đó vẫn là thử thách thực sự đối với cả những người bơi giỏi chứ chưa nói đến những người không biết bơi như tôi.

Anh Thoại dẫn đường, luôn khuyến khích tôi thực hiện những động tác với tay, đạp chân để đẩy mình về phía trước dưới làn nước lạnh trong hang. Những lúc mệt quá dừng lại giữa dòng nước, tôi luôn nghĩ về cuộc sống bên ngoài, về gia đình, bạn bè và những công việc gắn với nghiệp mưu sinh của mình.

Những điểm nghỉ chân của cuộc hành trình đều được gọi bằng những cái tên mỹ miều, mang nhiều ý nghĩa. Bãi cát Tiên rộng lớn với những khối thạch nhũ nhỏ đều như những nàng tiên đang vui đùa trong bóng tối. Dừng chân bên bãi đá Tình nhân, mỗi người chọn sự im lặng cho riêng mình dưới màn đêm.
Dulichgo
Có đoạn như cả thế trận đá nhọn ngổn ngang ngâm mình dưới dòng nước như trận Bạch Đằng giang chực chờ nuốt gọn những ai lọt vào. Một đoạn khác, cung điện rộng rãi với vô khối thạch nhũ rũ xuống như hàng trăm chiếc đèn chùm xuất hiện, tạo cảm giác như đứng dưới một cung điện thân quen. Đi trong hang Tối, tôi như lạc vào một thế giới vừa lạ lẫm vừa quen thuộc xen lẫn nỗi sợ hãi khi nhìn về phía trước, bởi không thể quay lại khi đã tham gia cuộc hành trình.

Sau những lời động viên của trưởng đoàn cùng chuyên gia leo núi, mọi người bước vào chặng khó nhất, được cho là thử thách sự sống và cái chết của mọi người trong hang Tối, leo qua những vách đá cao hàng trăm mét để vượt Dốc tử thần. Anh Thoại dẫn đường, cách 5 phút từng người một leo lên để tránh người đi trước đạp phải đá rời leo xuống. Anh Bảo, chuyên gia leo núi, lần lượt hướng dẫn từng người leo lên đỉnh dốc. Phần thưởng cho mọi người là nhìn thấy bãi thạch nhũ non mang tên Bãi hoa đá trên đỉnh tử thần cao hàng trăm mét. Vào mùa lũ, nước có thể dâng cao đến chỗ chúng tôi đang đứng.

Leo lên đã khó, nhưng tuột xuống khỏi vách đá còn khó hơn. Từng người một được anh Bảo đeo dây an toàn để bám xuống dưới. Đích thân chuyên gia leo núi này cầm dây an toàn hạ từng người xuống. Xuống khỏi đỉnh dốc tử thần là tảng đá được đánh dấu bằng dòng chữ tiếng Anh "OK! You win" dành cho những người chiến thắng, bởi chỉ còn vài trăm mét đi bộ và lội suối đơn giản là đến cửa chính hang Tối.

Đoàn dừng lại để rẽ vào khu tắm bùn. Đắm mình dưới hồ chứa đầy bùn khoáng cũng sẽ là một trải nghiệm không thể quên. Bạn không bao giờ bị chìm, bởi bùn ở đây có khối lượng riêng rất lớn, luôn đẩy cơ thể chúng ta nổi lên.

Sau khi tắm bùn thoả thích, mọi người sẽ bơi thêm một đoạn chừng 100 m để ra cửa hàng Tối. Ánh sáng hiện lên từ phía xa như đưa mọi người từ cõi tử thần trở về. Niềm vui như vỡ oà trong mỗi người sau 6 giờ đi trong bóng đêm đen ngòm, vượt qua nhiều thử thách giới hạn của con người.

Trở về sau chuyến đi Hang Tối, với tôi và tất cả những ai đã từng đi xuyên qua quãng đường 6 km, đây chính là trải nghiệm để đời.

Theo Văn Được (Zing News)
Du lịch, GO!