Thứ Bảy, 31 tháng 1, 2015

Lạc giữa đồng hoa cải bên sông Đuống

(PNO) - Nương theo câu thơ "sông Đuống trôi đi một dòng lấp lánh- Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ..." của nhà thơ Hoàng Cầm, tôi đã về thăm sông Đuống để được ngỡ ngàng với mùa hoa cải bên sông...

Từ TP Hà Nội chúng tôi theo hướng Gia Lâm, qua cầu Vĩnh Tuy đi một đoạn đường khoảng hơn 30km là đến địa phận giáp ranh Hà Nội-Bắc Ninh, bắt đầu rẽ vào con đê bao quanh sông Đuống. Gió thổi lồng lộng trên cung đường "xanh xanh bãi mía bờ dâu- ngô khoai biêng biếc". Văng vẳng trong tâm thức những câu thơ tuyệt tác của thi sĩ Hoàng Cầm: "Ai về bên kia sông Đuống- Có nhớ từng khuôn mặt búp sen- Những cô hàng xén răng đen- Cười như mùa thu tỏa nắng...". 

Có về thăm mới cảm nhận rõ nhất, sâu sắc nhất từng lời thơ trong bài thơ Bên kia sông Đuống. Thi sĩ Hoàng Cầm như đã gom hết những nét đẹp đặc trưng, giá trị văn hóa của đất và người Kinh Bắc; của hồn quê hương, đất nước và cả sự thinh lặng mênh mông trong tan thương của mảnh đất này trong những cuộc chuyển dời bãi bề nương nương dâu. Dulichgo

< "Xanh xanh bãi mía bờ dâu- ngô khoai biêng biếc..."

Sông Đuống bây giờ đã thanh bình, hiền hòa và nên thơ với những cánh đồng hoa cải vàng bên bến sông. Một vẻ đẹp dễ khiến lòng người mê say, ngơ ngẩn. Chúng tôi cứ chạy mãi trên con đê dài uốn khúc, nhìn ngắm không biết chán những những nương ngô, những đồng hoa cải vàng rực trong nắng mai.

Sông Đuống bắt đầu từ ngã ba Dâu (xã Xuân Canh, huyện Xuân Canh,TP Hà Nội) và kết thúc ở ngã ba Mỹ Lộc( xã Trung Kênh, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh). Đây không phải là địa điểm khai thác du lịch nhưng lại thu hút giới trẻ Hà Thành và những "kẻ lãng du" tìm đến. Lê Thu Lượng, người bạn Hà Nội của tôi nói rằng cứ mỗi mùa hoa cải, cô lại cùng bạn bè đèo nhau ra sông Đuống chụp ảnh.

Trước đây, đồng cải vàng ở cầu Thanh Trì vẫn là điểm hẹn rỉ tai cho giới trẻ, nhưng sự mênh mông và thanh bình của những cánh đồng hoa cải bên sông Đuống ngày càng thu hút hơn. Bởi ở đây, những cánh đồng hoa cải không phải được trồng để phục vụ du khách. Cái sắc vàng cứ trải dài khắp cung đường, du khách có thể dừng lại bất cứ đâu để có thể "không để lại gì ngoài dấu chân và không mang theo gì ngoài những bức ảnh đẹp".

< Hoa cải vàng rực bên sông Đuống.

Nếu ai đã từng đến Tây Bắc mùa xuân, có thể đã tìm thấy cánh đồng hoa cải trắng, cải vàng đẹp như những bức tranh. Thì "bên kia sông Đuống" cũng gần như vậy. Không chỉ được thỏa thuê ngắm hoa, chụp ảnh, bạn cũng có thể đến thăm chùa Bút Tháp- di tích quốc gia đặc biệt, chùa Dâu rất đẹp nằm trên địa phận huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) và rất nhiều đền chùa nằm dọc theo con đê bao quanh sông Đuống. Dulichgo

< Chùa Bút Tháp.

Con sông đi vào những câu thơ bất hủ của "Quê hương ta lúa nếp thơm nồng- Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong- Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp..." đã trở thành địa danh trong thao thức của những tâm hồn muốn tìm về.

Sông Đuống cũng là nơi làm cảm hứng sáng tác cho nhà văn Nguyễn Quang Thiều hơn 20 năm trước -  truyện ngắn "Mùa hoa cải bên sông đã được ĐD Khải Hưng chuyển thể thành phim Lời nguyền của dòng sông, những phận đời buồn mãi mãi ở lại trong những tác phẩm nghệ thuật, và cũng mãi mãi ở lại trong lòng người.

< Gánh hàng rong của mẹ.

Tôi về đứng bên bờ sông Đuống, gặp người mẹ Kinh Bắc với gánh hàng rau ở chùa Bút Tháp, bỗng nhớ "Mẹ già lại quẩy gánh hàng rong- Bước cao thấp trên bờ tre hun hút-Có con cò trắng bay vùn vụt - Lướt ngang dòng sông Đuống về đâu?..."

Theo Tiểu Quyên (Báo Phụ Nữ)
toimedulich

Chuyện lạ ở đường biên giới các nước

(Giải trí) -  Người dân hai quốc gia vui vẻ chơi bóng chuyền bên hàng rào biên giới của nhau hay ấn hai chuông trên cánh cửa giữa hai quốc gia là những câu chuyện kỳ quặc lạ lùng về biên giới các nước trên thế giới.

- Chơi bóng truyền đường biên Mỹ-Mexico

Hàng năm, người dân vùng Naco bang Arizona cùng người dân Naco thuộc đất nước Mexico cùng tụ tập thi đấu bóng chuyền mang tên Fiesta  Bi-Nacional tại hàng rào biên giới giữa Hoa Kỳ và Mexico.

Người dân thuộc hai cộng đồng dân cư ở đây từng có thể đi lại tự do. Tuy nhiên mọi thứ đã thay đổi khi nhiều năm trước một hàng rào biên giới cao quá đầu đã phân cách vùng Naco của Mỹ và Mexico làm hai.

- Lái xe mô tô trượt tuyết ở Na Uy và Thụy Điển

Tại biên giới hai nước Bắc Âu là Na Uy và Thụy Điển tồn tại tuyến đường tuyết độc đáo và hiểm trở, lằn ranh phân chia biên giới hai quốc gia này với nhau.

< Lái xe mô tô trượt tuyết trên tuyến đường biên giới ở Thụy Điển - Na Uy.

Tuyến đường này cũng là địa điểm thử thách tuyệt vời cho các tay đua mô tô trượt tuyết yêu thích phiêu lưu mạo hiểm. Tuy vậy, thú tiêu khiển này lại bị ngăn cấm bên phía Na Uy nhưng Thụy Điển lại hoàn toàn được phép. Dulichgo

- Cây cầu chuyển tay phải sang tay trái giữa Ma Cao và Trung Quốc

< Cây cầu chuyển tay lái thuận nghịch ở Ma Cao và Trung Quốc đại lục.

Điều gì xảy ra khi hai con đường dành cho người lái tay trái (nghịch) giao nhau với đường dành cho người lái tay phải (thuận)? Vốn dĩ người dân thuộc đặc khu hành chính Ma Cao vẫn duy trì thói quen lái xe về phía tay trái tương tự như ở Hồng Kông dù luật Trung Quốc quy định người dân nước này điều khiển phương tiện giao thông về phía tay phải.

Điều này có nghĩa hành khách tới vùng giáp ranh giữa Ma Cao và vùng phụ cận của Trung Quốc sẽ phải đi qua một cây cầu chuyển đổi đường mà không bị coi là rời khỏi lãnh thổ của nhau.

Cây cầu có tên Liên Hoa giữa địa phận Ma Cao và đảo Hoành Cầm thuộc khu kinh tế Chu Hải, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc đại lục). Xe chạy trên tuyến đường vòng của phía Trung Quốc sẽ phải chạy vòng phía dưới cầu theo phần vòng cung bất đối xứng để đổi làn.

- Lỗ chơi golf trên biên giới hai nước Thụy Điển và Phần Lan

< Chơi golf ở biên giới hai nước Thụy Điển và Phần Lan.

Sân golf Green Zone Or Tornio Golf Club được biết đến là một sân golf độc đáo có một không hai với 9 lỗ nằm trên lãnh thổ Phần Lan, 9 lỗ còn lại trên địa phận Thụy Điển.

Đường biên giới hai nước phân chia dựa theo dòng chảy của sông Tornio, chạy qua sân golf.  Du khách tới đây có thể chơi golf vào bất kỳ thời gian nào dù ngày hay đêm vào mùa golf.

- Chạy tự do trên sân bóng chày giữa Mỹ, Mexico và Canada

Craig Robinson, blogger nổi tiếng của Flip Flop Fly Ball và tác giả cuốn sách đồ họa thông tin về bóng chày đã nhận thấy một điều khá thú vị.

< Hình ảnh cho thấy những sân bóng chạy có thể giúp mọi người đi qua lại giữa Mexico, Mỹ và Canada dễ dàng.

Đó là có nhiều sân bóng chày ở Canada và Mexico có thể khiến một cầu thủ sau khi thực hiện cú đánh mạnh khiến bóng bay ra ngoài sân, được ăn điểm trực tiếp, người đánh được quyền chạy một vòng quanh sân qua cả biên giới Mỹ và chạy ngược lại quốc gia của mình.

Có hai sân bóng như vậy để bạn có thể từ Canada vào lãnh thổ Mỹ, một sân từ Mỹ vào lãnh thổ Mexico và 6 sân từ Mexico để vào lãnh thổ Mỹ.

- "Chuyến đò" du ngoạn ngã ba biên giới

< Ngã ba sông giữa ba quốc gia (ảnh trên) và thác Iguazu.

Chuyến du ngoạn trên tàu thủy tại ngã ba biên giới sông Iguazu kéo dài 2 giờ đồng hồ, đưa du khách thăm vùng tam giác biên giới giữa 3 quốc gia Nam Mỹ là Argentina, Brazil và Paraguay.

Khi tàu quay lại, du khách có cơ hội ngắm dòng thác Iguazu hùng vĩ, một trong những con thác lớn nhất trên thế giới nằm trên địa phận hai quốc gia là Brazil và Argentina.

- Gặp tượng khủng long hôn nhau tại biên giới Trung Quốc - Mông Cổ

Tại vùng cực Bắc của Trung Quốc, nơi giáp ranh biên giới với quốc gia láng giềng Mông Cổ, du khách sẽ bắt gặp cặp tượng hai chú khủng lo ăn cỏ khổng lồ "khóa môi" nhau khi vươn chiếc cổ dài bắc ngang tuyến đường cao tốc nối hai quốc gia. Dulichgo

Thực ra đây là chiếc cổng chào giữa biên giới hai nước, được xây dựng từ năm 2007 nhằm giới thiệu tới du khách về "đặc sản" của vùng là hóa thạch loài khủng long.

Vùng lãnh thổ này có tên gọi Thành phố khủng long, nằm cạnh khu vực Erenhot, quê hương của loài khủng long xưa kia. Nơi đây các nhà khảo cổ từng phát hiện ra rất nhiều hóa thạch loài khủng long vẫn còn được bảo tồn khá tốt, được coi là địa điểm chứa đựng hóa thạch khủng long lớn nhất và tốt nhất ở châu Á.

- Hình vẽ bằng cây tại biên giới giữa Ba Lan - Ukraine

Trên cánh đồng giữa hai địa phận Horodyszcze thuộc Ba Lan và Warez của Ukraine, họa sĩ Jaroslaw Koziara đã cho trồng thảm cây được cắt tỉa hình một chú cá khổng lồ nhân dịp Festival nghệ thuật 2011 diễn ra tại đây.

Với tác phẩm này, Koziara muốn thể hiện lịch sử đoàn kết và giao thương của người dân biên giới hai quốc gia. Từ đó thể hiện cho thấy tự nhiên và văn hóa vẫn tồn tại vượt ra ngoài yếu tố địa chính trị do con người đặt ra.

Tác phẩm trên được người họa sĩ sử dụng 23 loại thực vật dọc theo biên giới hai nước và tạo ra hai nửa của một chú cá.

- Cánh cửa hai chuông trên biên giới Bỉ và Hà Lan

Một ngôi nhà thuộc thị trấn tự trị Baarle-Nassau của nước Bỉ và Baarle-Hertog thuộc Hà Lan. Điều đặc biệt là ngôi nhà có hai địa chỉ tại hai quốc gia và có hai chuông cửa.

Bạn có thể ấn chuông ở cả hai bên cánh cửa và chạy qua lại giữa hai quốc gia. Vì đường biên giới được phân chia bằng các vạch chữ thập màu trắng vẽ trên mặt đất, chạy theo hình zíc zắc khắp phố phường, xuyên qua cả nhà cửa, vườn tược. Vì vậy có những ngôi nhà bị phân chia làm đôi, một nửa nằm ở Hà Lan, nửa còn lại nằm trên đất Bỉ.

Theo Long Hy (Dân Việt)
toimedulich

Bài 4: Tôi về nơi ấy, Kon Tum

(Tiếp theo) - Nói Măng Đen là “xứ ngàn thông” cũng đúng lắm. Người nơi đây tự hào bảo rằng quê hương của họ giờ là “Đà Lạt hai” cũng chẳng sai tý nào. Đến Măng Đen (Kon Plông-Kon Tum) vào những ngày này, những ngày đầu tháng Ba Tây Nguyên lịch sử, du khách có thể tự mình khám phá bao điều chung quanh xứ “Đà Lạt hai” này…

Lên xứ ngàn thông- Dĩ vãng “ruồi vàng, bọ chó, gió Măng Đen…”

Mấy cái món “đặc sản” này của Măng Đen đã có thời làm nản lòng những cán bộ, nhân viên được phân công đi công tác và về làm việc ở Kon Plông những năm đầu thập kỷ 80, 90 của thế kỷ trước khi mà nó còn chung tỉnh Gia Lai-Kon Tum. Lưu trú lại nơi ấy trong một chuyến công tác đâu chừng 10 ngày, tôi đã kịp “làm” một ghi chép nhỏ để nói về sự khắc nghiệt của vùng đất nắng, gió và bọ… này.

Còn nhớ cái thời mà thịnh hành của sự “đem rừng về biển”, ở đâu mà thật nhiều những doanh nghiệp đủ loại to nhỏ, lớn bé, cứ ùn ùn xe máy kéo đến khắp rừng Gia Lai-Kon Tum, trong đó có Kon Plông-Măng Đen.

Đó là một trong những nơi có những “miếng mồi” ngon nhất. Ở đây còn có cả một “Xí nghiệp Nông-Lâm nghiệp Kon Plông”. Nói là “nông-lâm” nhưng nhiệm vụ chủ yếu gần như chỉ lo việc khai thác và vận chuyển gỗ. Bạt ngàn những cánh rừng già, rừng nguyên sinh với không biết bao loại động thực vật quý hiếm nơi đây, dần dần biến mất.

Chẳng biết thế nào mà rừng càng lùi sâu lên núi thì các món “đặc sản” càng “lộng hành” có thể nói là quanh năm. Gió ngày đêm gào thét, cuốn tung bụi mịt mù rồi ập xuống bất cứ nơi nào có thể. Những căn nhà tạm bợ của một số cơ quan huyện và mấy cái lán của “ban quản lý” các lâm trường, xí nghiệp được bố trí dọc theo hai bên con đường hẹp không đủ sức chống chọi với gió. Nhiều đêm tôi và mọi người thức trắng với những cuộc rượu triền miên quanh những đống lửa được đốt bởi củi rừng vừa cho đỡ lạnh lại tránh được ruồi vàng, bọ chó… Dulichgo

Mấy lần theo chân Bí thư Tỉnh ủy lúc bấy giờ-chú Ksor Krơn xuống một số làng mà thời kháng chiến chống Mỹ chú đã được bà con cưu mang, chăm sóc. Cái nghĩa cái tình giữa dân với Đảng mà tôi chứng kiến từ những lần về làng này của Bí thư thật là ý nghĩa. Hồi ấy, tính ra sau ngày giải phóng cũng đã ngót 15 năm, nhưng vùng sâu, vùng xa đồng bào còn rất khổ, đôi làng còn đói giáp hạt, còn thiếu cả muối ăn, thuốc chữa bệnh, và nhất là mù chữ… thế mà nói chuyện với Bí thư Tỉnh ủy cứ như chỉ là một lời trách khéo, nhẹ tênh thôi, chẳng giận, chẳng kêu ca phàn nàn chi cả. Khai hoang, xây dựng cánh đồng, làm thủy lợi, định canh định cư… là những chủ trương nói đến nhiều trong thời ấy, nhưng thực tế vô cùng khó khăn.

Từ chỗ bà con chỉ biết canh tác theo kiểu nương rẫy bao đời và làng tất nhiên cũng… theo từng mùa rẫy mà di chuyển. Bảo định cư nhưng chẳng có ruộng vườn thì làm sao định canh. Những cái khó ấy cứ bó lấy cái khôn. Đôi lần tôi chứng kiến Bí thư cùng các già làng trắng đêm với những câu chuyện làm gì để bà con vùng căn cứ xưa của cách mạng vượt qua đói, đau, mù chữ. Thế mà, ngoài kia, rừng mỗi ngày mỗi bị thu hẹp, bao thứ quý của rừng cứ ùn ùn theo những đoàn xe tải về xuôi, ngẫm mà đau…

Trở lại xứ ngàn thông

Trong “làn sóng” của công cuộc “chinh phục” rừng như đã nói ở trên hồi ấy, tôi chú ý đến một cô gái trẻ. Tốt nghiệp đại học lại chẳng ở những nơi thị thành đô hội mà theo chân những người “phá rừng” lên núi chung nỗi khổ của… ruồi vàng, bọ chó, gió Măng Đen. Cô kế toán Lưu Thị Nga ấy sau mấy mươi năm lăn lộn với thương trường giờ đã là chủ một doanh nghiệp có tiếng khắp từ TP. Hồ Chí Minh đến Gia Lai và Kon Tum.

Nói về Măng Đen, cô kế toán ngày xưa cứ như nói chuyện về nhà mình. Biết ở đấy chính quyền địa phương có những chủ trương chính sách mở cửa kêu gọi người có tiền đem vào đầu tư sản xuất kinh doanh sẽ là gì, đã vậy Nga còn kêu gọi cả bạn bè mình từ xa về với Măng Đen. Khác với Nga, dự định đem đến với Măng Đen bằng tiền bằng của, Ngọc Tường lại đem đến cho Măng Đen một bản tình ca mà bạn bè chúng tôi thường bảo nó là… “huyện ca” nhưng có tầm lan tỏa và đã qua thời gian khẳng định nó thật sự không chỉ là “huyện ca” theo nghĩa nào đó của những người ngoài cuộc, mà nó như là người đưa lối dẫn đường cho bao người về với Măng Đen: Anh lên với Măng Đen/nơi lắm mưa nhiều gió/mang theo nắng đồng bằng… Và rồi sẽ là… Anh trả lời em anh ở lại Măng Đen/anh chẳng về đâu… anh ở lại cùng em! Thế đấy, Ngọc Tường đã nói thay lời cho biết bao chàng trai cô gái khi giờ đây đã có lần đến với Măng Đen, chẳng phải như xưa, khi nghe nói đến xứ của ruồi vàng, bọ chó là bao người tỏ ra ái ngại. Dulichgo

Có thể nói từng bước Măng Đen đã hồi sinh, bạt ngàn những đồi thông, xen với đó đã có những căn biệt thự xây dựng theo một quy ước bài bản, một tương lai gần sẽ là một thành phố trong rừng theo đúng nghĩa của cụm từ ấy.

Quanh vùng, những làng xưa tôi đến giờ nghe Phó Bí thư Huyện ủy A Dăm bảo “bà con cũng đã khá hơn rồi, không còn đói giáp hạt”. Bệnh tật, mù chữ là những “căn bệnh” xưa giờ đã thuộc về những câu chuyện buồn của quá khứ. Vùng đất lạnh này bây giờ đâm ra hữu ích vô cùng, nhiều người đã thử nghiệm nuôi trồng những loài động thực vật xuất xứ từ Âu, Mỹ và họ đã thành công. Rừng được hồi sinh đồng nghĩa với nhiều loài động vật cũng được hồi sinh. Theo một số người, rừng Kon Plông giờ đã thấy xuất hiện lại khá nhiều những loài thú quý như nai, hoẵng, beo, gấu… Mừng thay!

Cùng dự một cuộc gặp mặt mới đây giữa doanh nghiệp với chính quyền và cấp ủy Kon Plông, tôi thật sự tự hào về một đội ngũ cán bộ chủ chốt của huyện mới ở tầm của thời 7X, 8X, mà đại diện là Bí thư Huyện ủy Nguyễn Đức Tuy-tại diễn đàn này họ đối thoại một cách thoải mái và trả lời những câu hỏi khó của các nhà doanh nghiệp một cách như… những chuyện làm ăn ấy đã sắp sẵn nằm lòng. Con đường 24 nối giữa Kon Tum và Quảng Ngãi cho dù đang khó khăn về vốn nhưng dọc tuyến từ Măng Đen về TP. Kon Tum đang gấp rút thi công, nhiều đoạn đã hoàn thành; cây cầu lớn như Kon Rẫy cũng đã sắp xong, nhiều đoạn quanh co được “uốn” cho thẳng, với máy móc thiết bị và sự cố sức của những người làm cầu, làm đường, tôi nghĩ có lẽ cũng chẳng bao lâu con đường sẽ xong. Và khi ấy một Kon Plông, một Măng Đen sẽ được nối gần với TP. Kon Tum và xuôi về xứ Quảng, một Đà Lạt 2, một xứ ngàn thông với những thế mạnh của mình nhất định sẽ được khai thác và làm giàu…

Đưa tôi dạo quanh một vòng thị trấn, Giám đốc Nga “vẽ” ra một viễn cảnh cho Măng Đen trong tương lai và chị chỉ tôi ngay dưới chân nơi mình đang đứng rợp mát trong rừng thông cổ thụ với tầng tầng lớp lớp là thông và trước mặt là hồ nước trong veo rồi bảo với tôi: “Nơi đây doanh nghiệp bọn em đang dự định phối hợp cùng địa phương xây dựng một không gian làng văn nghệ đấy ạ”; không quên vai trò của khách, Nga còn “láy” lại: “Báo chí các anh phải ủng hộ các doanh nghiệp cho thật nhiều vào đấy nhé!”. Có nghĩa là những gì vị nữ giám đốc nói với tôi nó chẳng phải “một viễn cảnh” mà là đang hiện hữu đấy, tôi hiểu Nga muốn truyền thông điệp ấy cho tôi. Vâng, tôi tin!

Măng Đen là một địa danh thuộc huyện Kon Plông (được chia tách và thành lập vào năm 2002) của tỉnh Kon Tum. Nằm ở độ cao 1.100 mét, so với mặt nước biển, với rừng nguyên sinh còn khá nhiều, rừng thông đỏ cùng hàng chục hồ và thác nước. Măng Đen hiện đang được định hướng quy hoạch thành khu du lịch quốc gia, được mệnh danh là Đà Lạt thứ hai hay Đà Lạt của Kon Tum. Nay địa danh này là huyện lỵ của huyện Kon Plông.

Theo Bích Hà (Báo Gia Lai)

Hết
Bài 1 - Bài 2 - Bài 3 - Bài 4

toimedulich

Thứ Sáu, 30 tháng 1, 2015

Nhắn gửi trời mây trên cửa khẩu Săm Pun

Trở lại Hà Giang, tôi đến Săm Pun, thuộc xã Xín Cái, huyện Mèo Vạc, nơi được biết đến là một mảnh đất nghèo khó với điều kiện thời tiết và thổ nhưỡng khắc nghiệt.

Săm Pun cách trung tâm huyện Mèo Vạc khoảng hơn 30 km. Rời Mèo Vạc vào một buổi sớm tinh mơ khi sương còn chưa tan, chúng tôi chạy về hướng đèo Mã Pì Lèng trứ danh. Đến chân đèo sẽ có một ngã rẽ hướng đi Xin Cái, chính là đường dẫn đến cửa khẩu Săm Pun. Sau vài chục khúc cua ngoằn nghèo chừng hơn 6 km, đến một quãng cứ đổ dốc xuống mãi xuống mãi, cho đến khi nhìn sông Nho Quê hiện ra thật gần với màu xanh ngọc lục bảo kỳ lạ vốn có của nó. Tại đây có một cây cầu tên Tràng Hương. Theo vành đai biên giới rồi lại men theo các triền núi bên tay trái là đường lên cửa khẩu.

Đường lên cửa khẩu Săm Pun tuyệt đẹp với những khúc cua cong vút thách thức bất kỳ tay lái nào. Mây trời trên các đỉnh núi nhiều đến độ cho người ta cảm giác chỉ cần với tay là có thể chạm tới. Có những quãng, hai bên đường đi lại rợp những hàng lau cao ngang người tạo thành một khung cảnh vừa kỳ vĩ vừa thơ mộng. Cứ lên mãi qua hết ngọn núi này đến ngọn núi khác. Nhiều quãng như thể đi trong mơ. Khi ấy là gần 9h sáng nhưng trời vẫn ngậm ngụa trong mây và sương. Đường lên Săm Pun cứ lên cao mãi như thể sẽ lên đến tận trời. Nhiều khi nhìn xuống dưới chẳng thấy gì chỉ ngoài một màn trắng xoá của tầng tầng lớp lớp mây, thỉnh thoảng mây bay đi một chút mới thấy mờ mờ sông Nho Quế và con đường phía dưới nhỏ xíu như một sợi chỉ và uốn lượn ngoằn nghèo như hàng trăm con giun đang quặn mình.

Chúng tôi đi trên những sống núi, vắt từ sống núi này đến sống núi kia. Thời tiết mỗi lúc lại thay đổi nhanh chóng. Vừa đến quãng này trời hửng nắng do mây bay đi, thì lại đến một quãng sương mù sà cả xuống đường, lại có quãng gió to thổi mây bay là là ngay trước mặt và lạnh tê tái. Lại có chỗ nhìn ra phía xa như một biển mây, nhìn xuống dưới như một đại dương trắng xoá. Dulichgo

Con đường lên cửa khẩu càng lúc càng heo hút. Suốt dọc chặng đường hơn 30 km, tôi không nhớ nổi mình đã qua bao nhiêu quả núi, bao nhiêu khúc cua tay áo, bao nhiều đường viền tạo thành chữ M rồi chữ W cheo leo trên các sống núi. Thứ cảm xúc khi vừa chui ra khỏi mây được bắt gặp những tia nắng trong trẻo rồi chưa kịp chạm vào thì lại cuống quýt rúc vào mây, tuyệt đối không có một tiếng động nào khác ngoài tiếng máy xe và tiếng gió thổi ù ù bên tai thật là thú vị.

Thi thoảng chúng tôi dừng chân để nhìn lại con đường mình vừa đi qua với một bên là những vách núi thẳng đứng, một bên là vực sâu và những dải núi như hình những cánh quạt đủ kích cỡ. Thứ cảm xúc ấy hòa trộn với dòng tưởng tượng về con đường lên Săm Pun vài năm trước khi chưa làm đường với toàn đất đá lồi lõm, lổn nhổn đi lại vô cùng khó khăn tạo nên trong tôi một kỷ niệm tâm tưởng khó có thể diễn tả được.

Đến trạm gác cửa khẩu Săm Pun lúc 11h trưa, ấn tượng đầu tiên của tôi về nơi này là sự yên bình và tĩnh lặng đến ngạc nhiên cho cảm giác xa xôi, heo hắt của miền biên ải rất rõ rệt. Đồn biên phòng nằm lọt thỏm giữa hai quả đồi, trong một khung cảnh vắng vẻ. Đồn làm nhiệm vụ bảo vệ từ Sơn Vĩ vòng lên Xín Cái đến xã Thượng Phùng. Chúng tôi vào Đồn biên phòng để trình báo và xin phép đi thăm cột mốc 476.

Chúng tôi vào báo cáo tình hình, các chú, các anh bộ đội biên phòng nghe thấy hai đứa con gái đi xe máy từ Hải Phòng đến Bắc Hà rồi mò đến tận đây lại còn xin phép đi cột mốc thì mắt tròn mắt dẹt, hết lời dặn dò rồi thêm chút dọa dẫm, nào là đi cẩn thận vì khu vực biên giới này đặc biệt nhạy cảm và nguy hiểm, hay bắt cóc lắm, có nhiều ngã rẽ nhỏ, rẽ nhầm là sang Trung Quốc ngay và nhất định không được đi tầm chiều tối. Sau khi được phép vào mốc, chúng tôi được anh Lùng, cán bộ đồn kiểm soát dẫn đi.

Từ đồn biên phòng đi xe máy qua con dốc bên kia khoảng hơn 1km mới đến trạm gác cuối, có một thanh barrie và từ đây phải đi một đoạn đường đất nữa mới đến được cột mốc. Qua thanh chắn là danh giới vô cùng nhạy cảm, chỉ có cán bộ tuần tra làm nhiệm vụ và dân vùng biên hai nước đi qua đi lại giao thương.

Ở đây có một khu chợ chung để hợp chợ phiên của hai nước, gọi là chợ lùi. Chẳng hạn, mình họp chợ hôm thứ 7 thì tuần sau Trung Quốc sẽ lùi lại một hôm, cứ như thế. Cũng theo như cán bộ nói thì từ điểm Mèo Vạc rẽ theo hướng Xín Cái, chúng tôi đã qua 37 khúc cua mới đến được đây. Đồn biên phòng Săm Pun nằm trên độ cao hơn 2.000 m, cao hơn cả Mã Pì Lèng. Ở đây cái khắc nghiệt và giá lạnh của mùa đông có lẽ khó nơi nào bì, quanh năm sương mù, mặt trời chỉ xuất hiện trên đầu ngón tay. Hầu như năm nào cũng có băng tuyết vào mùa đông, cây cối hoa màu có khi chết sạch, chỉ còn thông, tùng, sa mộc ở lại, bà con dân tộc và cán bộ biên phòng chân tay cước sưng vù, nứt toác chảy máu. Kể cả khi dưới xuôi là mùa hè thì trên này vẫn là mùa đông. Dulichgo

Tôi rời Săm Pun với đa chiều cảm xúc. Một mặt vừa chưa hết cảm giác đã đời khi đi qua một cung đường tuyệt đẹp “vời vợi mây trời”, núi non hùng vĩ, vừa là niềm hân hoan, sung sướng khi thực hiện được nguyện vọng đến thăm cột cốc 476.

Hòa trong đó là niềm trăn trở suy nghĩ về cái khổ cực, nghèo đói của đồng bào dân tộc  trong cái khắc nghiệt của thời tiết, nhưng đâu đó lại là cảm giác ấm áp tình đồng bào trong những câu chuyện của một kẻ lữ khách người Kinh với bà con miền ngược, trong những cái bắt tay thật chặt của những chiến sĩ bộ đội biên phòng nơi biên cương tổ quốc.

Theo Sunflower Pham (Ngôi Sao)
toimedulich

Măng Đen - thị trấn ma

Bạn có tin vào sự tồn tại của những thị trấn ma hay không? Chắc điều này chỉ có trên phim ảnh. Tôi cũng đã nghĩ vậy, cho tới khi đặt chân tới Măng Đen... dù ý nghĩ này khá cường điệu.

Được nghe nói về nơi này với nhiều thú vị, lãng mạn như là một Đà Lạt thứ hai trên vùng đất cao nguyên dễ thương. Chuyến đi chơi xa rộng dài thời gian cộng với một chút tò mò, tôi ghé thăm nơi này một ngày mưa, thật lạnh và thật vắng. Tôi theo đường xương cá nối Quảng Ngãi - Kon Tum, đúng hơn là đường nối quốc lộ 1 ven biển với đường 14 dọc Tây Nguyên... cũng là con đường 24. Từ hai phía đi tới đều vượt qua một con đèo be bé để tới một thị trấn hẻo lánh có tên Măng Đen.

Đây chính là một thị trấn nhỏ thuộc huyện Kon Plông - tỉnh Kon Tum, nằm ở độ cao 1.000 mét so với mực nước biển.

Đây cũng là nơi có hàng chục biệt thự, tòa nhà được xây dựng hoành tráng, nguy nga… nhưng không một bóng người ở. Nhiều căn biệt thự có vẻ như mới xây nhưng cửa đóng kín, vườn hoang thưa mấy bụi hoa đỗ quyên hay đồng tiền như là trồng cho có với người ta. Dulichgo

Đâu đó vài ngôi nhà xây thô đã lâu, gạch đã ố như là người ta dựng lên để giữ đất. Nghe đâu trên này người ta cấp đất cho xây dựng rất dễ nhưng phải xây ngay biệt thự. Có lẽ do những mong mỏi nơi này mau chóng hình thành một thị trấn mới với ước mơ du lịch và nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, chắc sẽ còn lâu lắm.

Sáng, trưa, chiều tối: lúc nào thị trấn im lìm hiếm tiếng người, vắng tiếng xe; bao quanh chỉ có tiếng gió, sương mù, hơi lạnh và mây mù chập chùng. Khi hoàng hôn buông xuống, lang thang trên những con đường vắng vẻ, những lối mòn ngập cỏ càng cảm nhận rõ bầu không khí lạnh lẽo, liêu trai.

Càng buồn thảm hơn nữa, khi nhìn vào tượng Đức Mẹ Măng Đen. Đây có lẽ là tượng Đức Mẹ khắc khổ, buồn thảm nhất mà tôi từng biết.

Người ta kể rằng, trước kia những chiếc xe chở gỗ, chở hàng hóa qua khu vực này thường bị tắt máy nhưng không biết nguyên nhân. Đến khi thành lập huyện, nâng cấp con đường bao quanh thị trấn thì lộ ra pho tượng Đức Mẹ này, bị mất 1 tay. Sau đó, pho tượng được dựng tạm trên ngọn đồi thấp bên đường. Không rõ chuyện linh ứng như thế nào nhưng đến nay thì tại nơi đặt tượng đã có đến hàng trăm chiếc ghế đá và dưới bệ tượng xếp hàng trăm chiếc bảng đá nhỏ khắc chữ tạ ơn.

Có thể Măng Đen giống với Đà Lạt với khí hậu rất dễ thương bởi thị trấn hẻo lánh nằm ở độ cao trên ngàn mét nên thiên nhiên cho được thời tiết mát mẻ quanh năm. Có chăng nơi này sẽ là vùng đất gây trồng nên những loài hoa đẹp, những trang trại trồng thêm nhiều rau xanh hay nông trại nuôi dưỡng các giống cá nước lạnh hiếm và có giá trị như cá hồi cá tằm. Dulichgo

Được ví như “Đà Lạt thứ hai của Tây Nguyên”, khoảng vài năm trở lại đây, Măng Đen được đầu tư để thành một địa chỉ du lịch mới. Tuy nhiên, với cảm nhận của riêng tôi – một người hơi yếu bóng vía - thì nơi này buồn thảm và u ám quá. Nhưng có lẽ những người yêu thích thiên nhiên, sự tĩnh lặng thì đây có lẽ là một điểm đến tuyệt vời.
Mong rằng rồi cũng đến một ngày, Măng Đen sẽ nhộn nhịp đông vui, se lạnh, màu sắc và riêng tư của một thị trấn vùng cao, điểm dừng chân thú vị trên đường đi về giữa núi rừng với biển cả.

Nguồn từ Người Lao Động, blog Anhdo90
toimedulich

Bài 3: Nhiều chuyện lạ xứ Ban

(Tiếp theo) - Sinh thời Bác Hồ từng dạy: “Bảo tàng là cuốn sử sống”, và cũng có người bảo khi đến một địa phương mà muốn biết về nơi ấy “đang ở đâu” thì hãy ra chợ và vào bảo tàng. Còn theo tôi nghĩ nên bổ sung thêm là cũng cần đến các cơ quan báo chí địa phương ấy-đọc tờ báo của họ, để thêm sự hiểu biết về họ. Và tôi đã làm những điều như vậy khi đến Ban Mê.

Những cái nhất

Là một trong 10 đô thị của cả nước mới đây được bình chọn là đô thị sạch nhất, thành phố Buôn Ma Thuột dưới sự nhìn nhận của người viết bài này thì sự bình chọn ấy quả là không sai.
Một buổi sáng từ trên tầng cao nhất của một khách sạn “có sao”, tôi lướt nhìn toàn cảnh Ban Mê. Sôi động mà không xô bồ, náo nhiệt mà có trật tự, kỷ cương là cái mà tôi cho không dễ ở đâu cũng có, nhất là các đô thị đang trên đà phát triển nhanh như nơi đây.

Còn nhớ đầu những năm 80 của thế kỷ trước, nhiều người khi đến với Đak Lak, với Ban Mê đều có chung nhận xét-một đô thị bẩn có lẽ nhất khu vực miền Trung-Tây Nguyên, tôi nghĩ nói như thế cũng hơi quá đáng, nhưng vẫn đồng tình khi mà với đặc điểm công việc của mình thời ấy tôi hay qua lại nơi này. Chẳng thể cái gì chưa tốt, chưa hoàn thiện, hay nói cách khác là tiêu cực thì đổ lỗi cho thời bao cấp, nhưng đúng là cái thời ấy nhiều chuyện thấy đấy, biết đấy, muốn làm đấy, muốn sửa đấy mà “quậy” mãi chẳng thể thoát ra được cái vòng lẩn quẩn của không biết bao nhiêu thứ gọi là cơ chế? Thế mà mới mấy mươi năm qua kể từ khi cũng như “mọi người”, Ban Mê bước vào quỹ đạo của đổi mới với những bàn tay, khối óc của những con người nơi đây đổ ra để giờ ta có một đô thị xứng tầm nằm ở vị thế hàng đầu Tây Nguyên về nhiều lĩnh vực.

Từ những người trong cuộc, người viết bài này hiểu và chia sẻ với một niềm tự hào là người “của chúng ta”. Chỉ chừng hơn 370 km2, đã có khoảng 1/3 diện tích đó của Ban Mê đã chững chạc trở thành những khu đô thị hóa bài bản, với một tốc độ phát triển kinh tế “chóng mặt”, bình quân hàng năm trong nhiều năm qua là trên 18%. Đồng nghiệp từ Báo Đak Lak khẳng định với tôi, Ban Mê là một thành phố năng động nhất Tây Nguyên! Tôi tạm thời coi đó là một cái nhất nữa cần bổ sung cho Ban Mê.

Chẳng phải mất thì giờ cho người đọc, tôi nói luôn cái nhất thứ ba là cây xanh, là hoa trong lòng đô thị. Một buổi chiều nắng còn chưa kịp dịu, chúng tôi dạo bộ trên những con đường của phố Ban, thế mà khó tìm được một góc sáng đẹp cho những kiểu ảnh tôi muốn làm minh họa cho bài viết của mình. Rợp mát trên những con phố dài bởi những hàng cây cổ thụ được chăm chút cành lá sum suê. Dulichgo

Về miền quá khứ

Nơi tôi đến thật bất ngờ và phải thốt lên nên để-chỗ-này vào một vị trí xứng đáng trong danh sách những cái nhất của Ban Mê- Bảo tàng Đak Lak. Vẫn những hướng dẫn viên-đồng nghiệp như đã nói đến, chúng tôi có mặt ở bảo tàng vào một chiều chưa nhạt nắng. Theo lệ thường, giờ ấy bảo tàng vẫn là thời điểm mở cửa cho khách vào tham quan, nhưng không may cho chúng tôi là hôm ấy họ có công việc nội bộ, nên đã phải dừng hoạt động sớm hơn thường lệ. Không thể uổng công về một dự định mà tôi muốn biết đến cho dù rất ít về một Ban Mê ở góc khác. Và từ sự cố gắng “năng nỉ ỉ ôi” của các đồng nghiệp với chủ nhà nên tôi đã được bù đắp xứng đáng. Điều tôi hết sức quan tâm là “vùng” trưng bày và thuyết minh về những trận đánh mở đầu cho chiến dịch Tây Nguyên-năm 1975.

Sự lựa chọn cho một trận đánh mang tính chất quyết định mở màn chiến dịch, khởi đầu cho công cuộc giải phóng Tây Nguyên từ xứ Ban Mê này năm ấy, chẳng kể ra thì ai cũng đã biết cả rồi. Nhưng mỗi lần nhớ lại, nghe lại, tôi vẫn muốn nói về nó. Từ xưa, khi đặt chân xâm lược Việt Nam người Pháp đã cho rằng ai chiếm được Tây Nguyên người ấy sẽ chiếm được cả Đông Dương. Không sai tý nào về sự nhận định ấy, cho dù họ là người làm chuyện phi nghĩa. Tầm quan trọng của Tây Nguyên mãi mãi là vậy, có thể nói trong tất cả mọi thời kỳ. Mất Ban Mê Thuột vào hôm 10-3-1975, cả bộ máy chính quyền Sài Gòn rúng động, một kế hoạch rút chạy khỏi Tây Nguyên được vạch ra và vội vã tìm đường “tái chiếm”. Dulichgo

Thế nhưng Ngụy quyền Sài Gòn đã không lường hết sức mạnh của quân dân Đak Lak, của cả Tây Nguyên nên mọi “kế hoạch” đều thất bại. Nói về vấn đề này, người hướng dẫn của bảo tàng cho hay: 2 giờ ngày 10-3-1975, bộ đội chủ lực bắt đầu tấn công Buôn Ma Thuột, đánh vào hàng loạt cứ điểm quân sự và những mục tiêu quan trọng trong thị xã như sân bay, tổng kho Mai Hắc Đế, Sư đoàn Bộ binh 23…

Thị xã Ban Mê Thuột được giải phóng hoàn toàn sau 32 giờ chiến đấu. Kết hợp tiến công với nổi dậy, lực lượng cách mạng đã tiêu diệt và bắt sống 1.342 quân đối phương. Chiến thắng Ban Mê Thuột mở màn cho cuộc tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam! Cái gốc của mọi thành công có lẽ là như lời của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đak Lak đã từng nói đến… “Ở vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên của Việt Nam, Đak Lak là một tỉnh có nhiều dân tộc, có truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời…”. Mới đây nghị quyết của Đảng cũng đã từng xác nhận văn hóa là nền tảng của xã hội. Điều ấy nói thì nghe tưởng chừng giản đơn nhưng khi làm gì để văn hóa luôn là cái đặc biệt, riêng biệt, chỉ có thể có ở đây nhưng không thể có ở nơi khác, có ở dân tộc này nhưng lại không ở dân tộc khác thì lại là vô cùng nan giải, vì thế mà người ta cho rằng nó là nguồn cội của mọi thành công-“là cuốn sử sống” cho muôn đời, vượt qua mọi thời gian…

Trông người mà nghĩ đến ta, chẳng biết nói như thế nào về những chuyện “nghĩ ấy” cho thỏa đáng khi nhớ lại hồi cuối năm 1988, tôi viết một bài báo cho nhà đài của Gia Lai-Kon Tum thuở ấy, nói rằng không thể chấp nhận một thực trạng công tác bảo tồn, bảo tàng của tỉnh nhà. Bài viết được phát đi trên sóng vào “giờ vàng” đã làm cho không ít người trong cuộc phật ý. Sau hơn 20 năm, giờ thì có khá hơn, “cuốn sử sống” đã có một vị thế về hình thức trong tổng thể phát triển của đô thị Pleiku. Nhưng vẫn chưa là gì so với “người láng giềng” của xứ Ban Mê!

Một Ban Mê cho tới ngày nay vẫn là vị trí hàng đầu của khu vực Tây Nguyên trong nhiều sự đổi thay khi bắt tay xây dựng trong hòa bình, ổn định và phát triển kinh tế-xã hội không thể không nói đến sự biết nhìn về quá khứ của một nơi mà ở đó “có truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời…” như vị Chủ tịch UBND tỉnh ở đấy đã nói đến, để phát triển trong tương lai.

Tạm biệt Ban Mê trở về Phố núi sau mấy ngày “mục sở thị” cho tôi nhiều cảm nhận về xứ sở của nhiều cái… nhất ấy, đúng như người xưa đã từng dạy “đi một ngày đàng học một sàng khôn”, chẳng biết có đến “một sàng” không nhưng vỡ ra cho người viết bài này sự hiểu biết của mình thêm nhiều chuyện mới lạ là điều khẳng định.

Tọa lạc tại trung tâm TP. Buôn Ma Thuột, Bảo tàng Đak Lak có chiều dài 130 mét, rộng 65 mét, diện tích sử dụng 9.200 m2, vốn đầu tư trên 80 tỷ đồng, được xây dựng 2 tầng theo phong cách hiện đại kết hợp với truyền thống văn hóa dân tộc Tây Nguyên, với quy mô đó, Bảo tàng Đak Lak là một trong những bảo tàng lớn, hiện đại của cả nước. Với khoảng 1.000 hiện vật và hình ảnh, được tổ chức thành 3 không gian trưng bày chính (đa dạng sinh học, văn hóa dân tộc và lịch sử). Công tác trưng bày trong bảo tàng thể hiện những quan niệm bảo tàng học tiên tiến và phương pháp trưng bày hiện đại.

Theo Bích Hà (Báo Gia Lai)

Còn tiếp
Bài 1 - Bài 2 - Bài 3 - Bài 4

toimedulich

Thiên đường trắng ở Mộc Châu

(DTO) - Ngày xưa, người ta chỉ biết đến Mộc Châu là nơi “thâm sơn, cùng cốc”, nhưng ở đó từ bao đời nay cứ mỗi độ xuân chuẩn bị về cả vùng đất hoa mận lại bung nở trắng rừng. Cho đến nay, Mộc Châu vẫn thế…

Vào dịp cuối đông, đầu xuân, khách du lịch từ khắp nơi lại cùng đến với Mộc Châu để được hòa mình vào thiên nhiên, được cùng thưởng lãm những rừng hoa bạt ngàn mầu sắc, giữa trắng bạt ngàn của những rừng mận. Cảm giác nhẹ nhõm, yên bình, tâm trạng thư thái là cảm nhận chung của những ai từng được đứng trước sắc hoa Mộc Châu. Dulichgo

Mùa này hoa mận lại đua nhau khoe sắc khắp các sườn đồi. Cùng với đó, những loài hoa khách cũng khoe sắc, sắc hồng của hoa đào tạo điểm nhấn độc đáo giữa rừng hoa trắng ngút ngàn. Sau những ngày đông, tiết trời ấm áp, khi nắng lên là khoảng thời gian hoa mận Mộc Châu bắt đầu nở.

Những ngày này đặt chân đến Mộc Châu, Sơn La nhiều người không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp như tranh vẽ của nơi “thâm sơn cùng cốc” này. Những cánh rừng mận đã bắt đầu đua nhau nở hoa, khiến các ngọn đồi được phủ kín bởi một màu trắng muốt của những cánh hoa mận.

Hoa mận nở rất nhanh, chỉ rực rỡ trong khoảng 2-3 tuần rồi tàn đi để thay vào đó là những quả mận non xinh xắn. Nếu bạn muốn chiêm ngưỡng những vẻ đẹp của loài hoa này, bạn nên lên kế hoạch tới Mộc Châu ngay từ bây giờ.

Hoa mận nở rất nhanh, chỉ tưng bừng trong khoảng 2-3 tuần rồi tàn đi để thay vào đó là những quả mận non xinh xắn.Thế nên, mùa xuân tới, bạn đừng bỏ lỡ cơ hội dạo trên thảm mây hoa mận Mộc Châu. Giống như những cô sơn nữ chốn núi rừng, mang một vẻ đẹp tròn đầy, với đôi má ửng hồng khiến ai ngắm nhìn cũng say đắm.

Cung đường ngắm hoa mận đẹp nhất chính là cung đường Tân Lập. Trên những thân cây xù xì, mốc thếch, những bông hoa mận mập mạp viên mãn bám cành trắng xóa, như hàm ơn tạo hóa ban tặng vẻ đẹp nguyên sơ, tinh khiết của núi rừng Tây Bắc. Đến Mộc Châu lúc này, bạn sẽ được thỏa thích nhìn ngắm những ngọn đồi trồng toàn mận đang nở hoa trắng muốt pha sắc lá xanh non. Hoa mận đẹp không chỉ bởi vẻ mong manh, tinh khiết mà còn bởi khi đã nở, hoa sẽ bung ra ồ ạt. Những bông hoa như ban tặng một vẻ đẹp nguyên sơ như chốn thiên đường.

Mộc Châu mùa này đẹp lạ. Những bông hoa mỏng manh rực rỡ trắng cả một vùng trời tựa như người ta được choàng một chiếc khăn dày ấm áp, nổi bật giữa tiết trời lạnh buốt. Dulichgo

Mỗi mùa hoa mận nở, Mộc Châu tựa chốn thiên đường làm đắm say, đê mê, sống dậy khoảng lặng trong lòng du khách lạc bước tới đây.Men say tình rải khắp "thiên đường trắng" chắc chắn sẽ níu chân du khách muôn phương khi phải lòng mà lạc bước tới đây! Một cảm giác bồng bềnh, lâng lâng, mê đắm.

Ở Mộc Châu đang hình thành lên nhiều nhiều trang trại hoa. Đất trời Mộc Châu luôn ưu ái cho các loài hoa. Cùng với Mận, Mơ mùa này những trang trại lan ở Mộc Châu cũng đang đua nhau khoe sắc chuẩn bị đón một mùa xuân sang.

Đẹp nhất là những cây mơ, cây mận cao chỉ qúa đầu người, cành cây đan xen vào nhau tạo thành một tấm lưới được dệt từ hàng vạn bông hoa, rồi nắng miền cao chầm chậm rơi xuống, tràn qua tấm lưới lọc từ cánh hoa màu phớt, tạo thành một khung cảnh mà chúng ta chỉ cần đi dưới đó cũng đã thấy cuộc đời này đáng sống.

Mộc Châu thu hút, hấp dẫn du khách bởi những mùa hoa mộc mạc, đơn sơ, nhưng phong phú, mới lạ. Cũng ngắm sự thay đổi của Mộc Châu, qua mỗi mùa hoa. Phải lên Mộc Châu vào những ngày này bạn mới cảm nhận hết được vẻ đẹp của những tán mận phủ đầy hoa sáng bừng dưới núi rừng Mộc Châu.

Theo Minh Phan (Dân Trí)
toimedulich

Thứ Năm, 29 tháng 1, 2015

Trở về Viettel...

Vừa cắt cụp đường truyền MegaVNN của VNPT sau một thời gian sử dụng khá dài: 4 năm. Thuở ấy: đăng ký nhà mạng này dạng khuyến mãi, mình nhận xét rằng giá cước tương đối (vì hưởng KM), ổn định (ít hư hỏng vặt như Viettel).

Vậy nhưng sau một năm, mình nhận thấy xài mạng này thì modem thường phải reset lại do rớt mạng, Facebook thường xuyên bị chặn, thậm chí cả Blogspot tức là ngay cái blog Dulichgo của chính mình... đến nỗi mình liên tục phải dùng DnsJumper mới có thể vào nhanh chóng. Đã vậy, chỉ sau hơn 1 năm thì giá cước không còn khuyến mãi nên tự tăng lên 275k/tháng - hết rẻ!

Cho tới khi những lần đứt cáp biển (AAG) hà rầm thì Điền này chịu thua: VNPT đứt cáp này thì thê thảm lắm vì phần lớn lưu lượng kết nối đi Mỹ của họ qua đường cáp này (FPT cũng vậy), chỉ duy có Viettel ít bị ảnh hưởng do họ chủ động điều chỉnh dung lượng kết nối trên các hướng quốc tế đi qua cáp quang biển liên Á (IA), cáp quang đất đất liền đi ChinaTelecom và ChinaUnicom.

Vậy nên mình đăng ký gói N+ của Viettel và sau đó cắt cụp gói MegaVNN cũ. Trả trước 1.800k, mình được miễn phí lắp đặt gói N+, được cái modem có wifi và được trừ luôn trong vòng 13 tháng không phải trả đồng nào với mức phí hàng tháng là 150k - giá dễ chịu!

Cái được lớn hơn là dù dùng gói hạng bét của Viettel nhưng load trang khá nhanh (chẹp, so với cái cũ có lẽ còn nhỉnh hơn!), không hề bị chặn; lại được luôn cái wifi để xài netbook. Ngoài ra, cái vụ gọi hỗ trợ thì Viettel nhanh chóng số 1 rồi.

Hơn 16 năm vi vu trên net, từng trải qua thời kỳ đằng đẳng xài dial-up, sử dụng qua nhiều nhà mạng từ FPT, Viettel, VNPT... cuối cùng thì lại quay về ISP của các ông nhà binh.
Thôi thì, cũng có cái mà xem, mà post tầm phào các thứ linh tinh lên mạng coi như chút hòa nhập cùng cộng đồng. Riêng phượt: khi khỏe thì dĩ nhiên vẫn sẽ lên đường như khi xưa mà thôi.
Vài dòng lăn tăng, chúc pà kon dồi dào sức khỏe.

Điền Gia Dũng - toimedulich