Thứ Hai, 19 tháng 1, 2015

Bắt tôm trên đầm Trà Ổ

Đầm Trà Ổ là đầm nước ngọt lớn của huyện Phù Mỹ và tỉnh Bình Định, còn có tên gọi là Đầm Châu Trúc vì phía bắc của Đầm có hai thôn Châu Giang và Trúc Võng. Trước đây đầm nối với biển bằng cửa Hà Ra nhưng hiện nay cửa này chỉ thông biển vào mùa mưa còn mùa khô thì bị bồi lấp.

Mặt nước mênh mông của đầm giáp với các xã: Mỹ Thắng, Mỹ Châu, Mỹ Lợi và Mỹ Đức. Đầm Trà Ổ không chỉ đẹp mà nơi đây còn là môi trường sinh sống của nhiều loài thủy sản mang lại nguồn sống đáng kể cho người dân ven đầm và khi nói đến các loài thủy sản quý, có giá trị dinh dưỡng và kinh tế cao trong Đầm Trà Ổ không thể không nhắc đến con tôm đất bé nhỏ, căng tròn, tươi xanh...

< Để bắt con tôm dưới đầm nước mênh mông, bên cạnh chiếc xuồng làm bằng tôn, hoặc sõng nan người bắt tôm phải có 'dẹp' tôm (rọ).

Con tôm trong đầm Trà Ổ làm ngọt ngào tô bún tôm, dẫu ai đó dù chỉ một lần thưởng thức cũng khó quên hương vị đặc trưng món bún tôm Châu Trúc nói riêng và Phù Mỹ nói chung. Tuy nhiên, nếu có dịp về Phù Mỹ, du khách có thể xem cách bắt tôm của người dân nơi đây cũng không kém phần thú vị như tô bún tôm Châu Trúc nổi tiếng… Dulichgo

< 'Dẹp' được bà con tự đan để dùng, vật liệu chủ yếu nan tre, đan dày, có hình tròn chiều dài thường 4 tấc (40 cm), đường kính 1,5 tấc, toi nhỏ ở 1 đầu. Hầu hết bà con thôn Châu Trúc (xã Mỹ Châu) đan dẹp để thả, còn thừa đem bán, bình quân 4.000đồng/dẹp.

Theo bà con quanh đầm, kể cả mùa nước cạn đến mùa nước lũ, thả dẹp đều có tôm, nhưng từ tháng 3 đến tháng 8 ÂL hàng năm, mùa nước cạn sản lượng tôm đạt cao, bình quân thả mỗi đêm thả 1.000 - 1.500 dẹp, bắt được 3 - 5kg tôm; còn mùa nước nổi thì ít hơn…

< Tuy nhiên để tôm vào dẹp phải dùng mồi. Mồi bỏ vào rọ để nhử tôm được chế biến bằng cám heo và cua (bắt ngay trên đầm) giã nhuyễn, bóp thành viên dài (gần bằng ngón tay cái), đem nướng cho sém khô, tỏa hương thơm.

Hiện nay, lượng tôm có giảm, nên giá tăng cao, bình quân  100.000đồng/kg, người bắt tôm có thể kiếm cả trăm ngàn đồng mỗi ngày. Dulichgo

< Nhiều hộ dân quanh đầm chuyên nghề bắt tôm thả cả ngàn rọ tôm. Một hàng dây dừa giăng thả cả trăm chiếc rọ tôm có phao nổi để biết. Hai đầu dây được cột vào hai trụ cây hay hai hòn đá nặng thả xuống nước. Bỏ mồi xong, rọ được cột trên dây dừa, thả treo lưng chừng mực nước.

Những mùa tôm Đầm Trà Ổ đã góp phần cho bà con có nhà xây, xe máy, điện thắp sáng, tiền cho con ăn học và cả thú vui tao nhã cùng ông mặt trời mỗi sớm tinh sương thức dậy hối hả ra đầm giở dẹp, bắt tôm...
Và cũng nhờ nghề này mà ở Phù Mỹ có món bún tôm Trà Ổ (Châu Trúc) nổi tiếng.

< Mỗi đêm chỉ thả rọ tôm 1 lần, đến sáng tinh sương những đàn ghe hối hả ra đầm kéo dẹp, trút tôm. Trút xong, lại bỏ mồi, lại thả, sáng hôm sau ra trút tiếp. Và cứ vậy, có nước, có thả dẹp, nhất định ít nhiều sẽ có tôm.

Nét đặc trưng của bún tôm Trà Ổ, trước hết là ở cách làm bún. Bún không phải làm sẵn bán ở chợ, hay được mua ở các lò bún nổi tiếng. Người bán bún tôm chế biến sợi bún ngay tại chỗ. Khi có khách vào, chủ quán mới bắt đầu ép bột gạo đã xay sẵn, xong hấp trong nồi nước đang sôi. Sợi bún rất nhỏ, mềm và trắng muốt. Tôm dùng làm bún là những con tôm sinh sản tự nhiên, còn sống, được đánh bắt từ đầm Trà Ổ. Dulichgo

< Hơn 300 hộ quanh đầm sống nhờ vào con tôm tươi hấn, bụ bẩm, săn chắc và ngọt thịt, với sản lượng không ít, khi vừa mới lên bờ đã có đại lý thu mua.

Tô bún tôm Trà Ổ có hương vị rất đặc biệt. Đầu tiên, người ta giã nhuyễn tôm sống đã lột vỏ, nhúng qua vào nồi nước đang sôi rồi cho bún vào tô, chế nước xáo bún vào, rắc một ít tiêu bột, một ít bột ngọt, một ít hành hương. Thế là đã có ngay một tô bún tôm nóng hổi, tỏa hương thơm rất hấp dẫn.

Thường thì bún tôm được ăn kèm với bánh tráng gạo nướng. Nhiều người mới ăn lần đầu chưa thấy thích, nhưng ăn nhiều lần thì nghiện lúc nào không hay. Nghiện vì chất ngọt của nước xáo bún, của mùi hành hương thơm ngát và nghiện luôn cả cái giá rất bình dân.

Đầm Trà Ổ cũng là nơi tổ chức hội đua thuyền truyền thống hàng năm vào dịp xuân về. Đây là giải đấu thường niên và cũng là giải đua lớn nhất Bình Định. Thông thường thì với giải nam, các đội phải trải qua 5 vòng 10 dạo (tổng cộng khoảng 10 km). Về đội nữ với sức lực yếu hơn nên chỉ phải thi đấu 4 vòng 8 dạo (tổng cộng 8 km). Sau hiệu lệnh xuất phát của ban tổ chức, những tiếng hò reo cổ vũ của khán giả vang lên, đầm Trà Ổ bắt đầu dậy sóng.

toimedulich tổng hợp từ báo Bình Định và nhiều nguồn khác.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét