Thứ Năm, 22 tháng 1, 2015

Qua miền biên viễn...

(GLO) - Đó là Hà Giang, nơi địa đầu Tổ quốc, tưởng như cuốn phim quay chậm lần lượt hiện về trong tôi. Một miền quê yên bình, đẹp như trong tranh với ký ức trải nghiệm, chinh phục những cung đường hiểm trở. Nơi ấy, con người và cảnh vật như níu kéo, gọi mời từng bước chân du khách...

Đường lên "cổng trời"...

Từ TP. Hà Giang lên Quản Bạ, chúng tôi đã nhiều lần kiểm chứng lời anh Tầm-Chánh Văn phòng Hội Nhà báo tỉnh Hà Giang-là đúng. Đây là cung đường có thể nói là đệ nhất hiểm trở, nơi dốc cao đến mức ngựa đi qua phải bạt vía, lạc hơi.

Ở trên này, các tài xế đều nhường đường cho nhau, đôi khi không tuân theo Luật Giao thông Đường bộ, lúc nguy hiểm quá anh có thể lấn trái đường, xe trước sẽ khắc lùi lại ưu tiên vì họ biết là tài xế người miền xuôi. Nhường đường nhau sau đó tài xế “cò” (còi ba tiếng gọi là cảm ơn!), rồi lại vui vẻ “bò” tiếp. Vượt dốc Bắc Sum, chúng tôi lên đến cổng trời Quản Bạ. Tại đây tôi có anh bạn hồi học cùng Đại học Báo chí-anh Lệnh Thế Nghĩa (hiện nay là Trưởng đài Truyền thanh-Truyền hình Quản Bạ). Anh tiếp chúng tôi bằng đúng tình cảm của người bạn lâu ngày gặp lại, đúng chất miền núi. Anh bảo: Lên đây phải ăn được món mực núi.

Chúng tôi đi xa vợ, xa nhà lâu ngày lại nghĩ từ “mực” theo hướng khác, nhưng đến nơi, một mâm cơm tươm tất đã được dọn, món đầu tiên anh chỉ: Mực núi đây, làm tý xem sao? Bấy giờ chúng tôi mới té ngửa, nhấm thử, đúng vị của mực, nhưng anh giải thích trên này chỉ có đá và đá làm gì có mực, hàng từ biển lên thì đắt lắm. Trên này thèm vị mực miền xuôi nên họ đã dùng bao tử (dạ dày) của con lợn đen nuôi trong bản, làm sạch, thái lát như mực tẩm ướt gia vị tự nhiên, bột và vừng hong khô chiên lên ăn như mực thật, uống với rượu ngô nấu bằng men lá, cả đoàn chếnh choáng men say trong nghĩa ân tình. Anh Nghĩa bảo, đường đi còn xa lắm, không ép rượu khác đâu, ở trên này “muốn đi nhanh thì phải từ từ”, khắc đi khắc đến, đừng “đi tắt đón đầu” mà khổ đấy, rồi anh cười sảng khoái. Dulichgo

Chia tay anh Nghĩa, chúng tôi lên thị trấn Mèo Vạc (nơi nổi tiếng với chợ tình Khâu Vai) giữa cơn giá rét. Cái lạnh miền núi bắt đầu thấm vào da thịt. Người chủ một quán cơm mà chúng tôi dừng chân, nhắc nhở: “Cái lạnh trên này không như cái lạnh miền xuôi đâu, nó buốt như kim châm, các chú phải giữ ấm không cảm lạnh đấy!”. Nhưng vài chén rượu ngô của quán đã giúp chúng tôi ấm lòng hơn.

Không khí thị trấn miền núi thật trong lành, tôi hít căng lồng ngực và chìm vào một giấc ngủ ngon lấy lại sức lực để ngày mai lên Mã Pì Lèng. Mã Pì Lèng nằm trên con đường Hạnh Phúc nối liền Đồng Văn với Mèo Vạc, có chiều dài khoảng 20 km uốn lượn qua những vách núi, dưới chân là vực sâu với dòng Nho Quế ngọc bích mềm mại như một dải lụa dài. Đỉnh núi Mã Pì Lèng có độ cao khoảng 1.200 mét và được mệnh danh là một trong “tứ đại đỉnh đèo” tại vùng núi phía Bắc Việt Nam. Con đường này được hàng vạn thanh niên xung phong thuộc 16 dân tộc của 8 tỉnh miền Bắc làm trong 6 năm (1959-1965); riêng đoạn đèo vượt Mã Pì Lèng được các thanh niên trong đội cảm tử treo mình trên vách núi lấn từng centimet để làm trong 11 tháng. Nghe nói, những người mở đường ở đây đều được làm lễ truy điệu trước khi treo mình trên vách núi đá dựng đứng để đục đá mở đường. Đi trên đèo Mã Pì Lèng nhìn xuống vực sâu, con sông Nho Quế chỉ bé như một con đường mòn. “Nhìn thế thôi, mà muốn xuống đến bờ sông, muốn vẫy vùng trong nước sông Nho Quế phải mất đến hơn một ngày đường đấy”-anh Tầm chỉ tay về phía sông Nho Quế và nói. Dulichgo

Cuối cùng, vượt những cung đường hiểm trở, chúng tôi đã đến thị trấn Đồng Văn. Nằm lọt thỏm giữa thung lũng với bốn bề núi đá bao bọc, khu phố cổ vẻn vẹn 40 nóc nhà nằm xếp vào nhau dưới núi đá. Buổi sớm, bức tranh phố cổ là sự pha trộn đến tài tình của hai tông màu: Màu vàng rực của nắng và màu xám của những ngôi nhà cổ. Ngồi trong quán cà phê phố cổ, nhâm nhi hơi lạnh len lỏi trong từng thớ thịt là thú vui của hầu hết các du khách khi đặt chân đến đây. Nhà báo Trần Quỳnh-Báo điện tử Đảng Cộng sản-gửi cho tôi một tin nhắn: “Đều là những nơi tôi đã từng cùng ăn, cùng uống, cùng ở, cùng làm việc... Đấy gọi là miền biên viễn, nơi phên giậu của Tổ quốc. Ở nơi ấy mọi thứ đều thiếu, chỉ có tình người là không thiếu. Những ký ức đẹp đẽ và hùng tráng không thể nào quên”.

Ngắm cờ Tổ quốc trên đỉnh núi rồng...

Rời Đồng Văn, chúng tôi tiếp tục lên cao hơn. Đi qua những vùng miền mới thấy hết sự vất vả của bà con nơi đây, thấu hiểu câu nói của nhà báo Trần Quỳnh. Ở đây, đất còn quý hơn cả kim cương vì thỉnh thoảng chúng tôi lại thấy người dân gùi từng nắm đất bỏ vào hốc đá để trồng ngô làm mèn mén (một món ăn độc đáo của người H’Mông, làm từ bột ngô-P.V), cây thì là chất đốt và thức ăn cho gia súc.

Trên đường chúng tôi cũng không thấy gia súc thả rông. Bò và dê được người dân nuôi nhốt, thức ăn chủ yếu là cỏ voi. Lạ thật, giữa cao nguyên đá khô cằn mà cây cỏ voi lại sinh sống được, cứ chỗ nào hở là người dân trồng cỏ voi, vừa làm chất đốt sưởi ấm mùa đông lạnh cắt da cắt thịt, vừa làm thức ăn cho gia súc.
Càng đi càng thấy chỉ một màu đá xám xịt trước mặt, anh Tầm bảo: Ở trên này ngành điện lực mà đi thu tiền điện thì khổ lắm, bởi có khi trèo lên tới đỉnh núi nhưng có nhà chỉ dùng chưa hết một số điện, mất công nên có khi chả thu. Nước, thứ mà vùng này coi là xa xỉ, có khi vào mùa khô thì cả tuần chẳng được tắm. Vì thế, Nhà nước đã đầu tư làm những hồ treo trên núi để chứa nước mưa cho bà con dùng. Ngồi trên xe, chúng tôi nhìn thấy những chiếc hồ treo khá lớn xanh rì chứa nước mưa. Dulichg o

Đường lên cột cờ Lũng Cú hôm ấy có sương mù. Xe chạy thật chậm trên cung đường đã hiểm trở lại còn bị sương mù bao vây. Thỉnh thoảng tôi nhắc khéo bác tài: Cò, cò (còi)..., cả đoàn lại cười vang như muốn xóa tan nỗi sợ đang lặng lẽ chiếm ngự. Câu chuyện của anh Tầm làm đoạn đường dài như ngắn lại: Lũng Cú còn bảo lưu được những hiện vật lịch sử, văn hóa quý giá tiêu biểu từ thời Hùng Vương. Theo sử sách ghi lại, vào thời Tây Sơn, Hoàng đế Quang Trung đã cho đặt ở nơi biên ải này một chiếc trống đồng lớn, thời đó tiếng trống là phương tiện thông tin nhanh nhất, vị trí đặt trống của nhà vua là Trạm Biên phòng tiền tiêu Lũng Cú bây giờ. Chính vì vậy, người Lô Lô ở Lũng Cú bây giờ sử dụng thành thạo trống đồng có nguồn gốc từ trống đồng Đông Sơn.

Rồi thì, cột cờ Lũng Cú cao hơn 1.700 mét so với mặt nước biển-cột mốc nơi địa đầu Tổ quốc-dần hiện ra. Đó là cột cờ hình bát giác với độ cao trên 30 mét, dưới chân cột khắc phù điêu mang rõ nét hoa văn của trống đồng Đông Sơn, trên cao là lá cờ Tổ quốc. Chúng tôi phải trải qua cuộc hành trình chinh phục 389 bậc thang đá, và hơn 140 bậc trong lòng cột cờ xoáy trôn ốc mới có thể đặt chân đến đỉnh cột cờ.

Tôi và một số đồng nghiệp cùng lần từng bậc thang xoắn ốc còn bám những hạt nước trong như sương. Hôm nay gió nhẹ, lá cờ như phủ xuống che chở chúng tôi. Mọi người đều nén xúc động, trong mắt ai cũng rưng rưng. Tôi chợt nghĩ có lẽ đây là giây phút thiêng liêng nhất trong cuộc đời làm báo của mình...

Tôi dang tay ôm cờ Tổ quốc vào lòng, thấy tự hào khôn xiết. Lá cờ Tổ quốc có chiều ngang 9 mét, chiều cao 6 mét, diện tích 54 mét vuông tượng trưng cho 54 dân tộc anh em. Đứng trên cao tôi nhìn xuống bên phải và bên trái là hai hồ nước Lô Lô nằm gần như đối xứng nhau, quanh năm không bao giờ cạn, nước màu xanh ngăn ngắt, là nguồn nước cho đồng bào dân tộc trong vùng sử dụng, vốn được người dân nơi đây gọi là “mắt rồng”. Tôi gặp một du khách người Đức lên đây tham quan, anh tấm tắc: “Quê hương các bạn tuyệt lắm!”.

Trên đỉnh cao này, tôi bỗng nhớ đến một đoạn thơ trong bài thơ “Tổ Quốc” của nhà thơ Thanh Thảo: “... Anh xạ thủ H’Mông mười tám tuổi/ Khi lũ giặc đang điên cuồng lao tới/ Một chấm nhỏ trên bản đồ, một chấm nhỏ thiêng liêng/ Phút người lính đứng bật lên cắm chặt chân vào đất/ Phút ấy, đất dưới chân anh là Tổ quốc...”.

Theo Mai Chí Vũ (Báo Gia Lai)
toimedulich

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét