(Tiếp theo) - Sinh thời Bác Hồ từng dạy: “Bảo tàng là cuốn sử sống”, và cũng có người bảo khi đến một địa phương mà muốn biết về nơi ấy “đang ở đâu” thì hãy ra chợ và vào bảo tàng. Còn theo tôi nghĩ nên bổ sung thêm là cũng cần đến các cơ quan báo chí địa phương ấy-đọc tờ báo của họ, để thêm sự hiểu biết về họ. Và tôi đã làm những điều như vậy khi đến Ban Mê.
Những cái nhất
Là một trong 10 đô thị của cả nước mới đây được bình chọn là đô thị sạch nhất, thành phố Buôn Ma Thuột dưới sự nhìn nhận của người viết bài này thì sự bình chọn ấy quả là không sai.
Một buổi sáng từ trên tầng cao nhất của một khách sạn “có sao”, tôi lướt nhìn toàn cảnh Ban Mê. Sôi động mà không xô bồ, náo nhiệt mà có trật tự, kỷ cương là cái mà tôi cho không dễ ở đâu cũng có, nhất là các đô thị đang trên đà phát triển nhanh như nơi đây.
Còn nhớ đầu những năm 80 của thế kỷ trước, nhiều người khi đến với Đak Lak, với Ban Mê đều có chung nhận xét-một đô thị bẩn có lẽ nhất khu vực miền Trung-Tây Nguyên, tôi nghĩ nói như thế cũng hơi quá đáng, nhưng vẫn đồng tình khi mà với đặc điểm công việc của mình thời ấy tôi hay qua lại nơi này. Chẳng thể cái gì chưa tốt, chưa hoàn thiện, hay nói cách khác là tiêu cực thì đổ lỗi cho thời bao cấp, nhưng đúng là cái thời ấy nhiều chuyện thấy đấy, biết đấy, muốn làm đấy, muốn sửa đấy mà “quậy” mãi chẳng thể thoát ra được cái vòng lẩn quẩn của không biết bao nhiêu thứ gọi là cơ chế? Thế mà mới mấy mươi năm qua kể từ khi cũng như “mọi người”, Ban Mê bước vào quỹ đạo của đổi mới với những bàn tay, khối óc của những con người nơi đây đổ ra để giờ ta có một đô thị xứng tầm nằm ở vị thế hàng đầu Tây Nguyên về nhiều lĩnh vực.
Từ những người trong cuộc, người viết bài này hiểu và chia sẻ với một niềm tự hào là người “của chúng ta”. Chỉ chừng hơn 370 km2, đã có khoảng 1/3 diện tích đó của Ban Mê đã chững chạc trở thành những khu đô thị hóa bài bản, với một tốc độ phát triển kinh tế “chóng mặt”, bình quân hàng năm trong nhiều năm qua là trên 18%. Đồng nghiệp từ Báo Đak Lak khẳng định với tôi, Ban Mê là một thành phố năng động nhất Tây Nguyên! Tôi tạm thời coi đó là một cái nhất nữa cần bổ sung cho Ban Mê.
Chẳng phải mất thì giờ cho người đọc, tôi nói luôn cái nhất thứ ba là cây xanh, là hoa trong lòng đô thị. Một buổi chiều nắng còn chưa kịp dịu, chúng tôi dạo bộ trên những con đường của phố Ban, thế mà khó tìm được một góc sáng đẹp cho những kiểu ảnh tôi muốn làm minh họa cho bài viết của mình. Rợp mát trên những con phố dài bởi những hàng cây cổ thụ được chăm chút cành lá sum suê. Dulichgo
Về miền quá khứ
Nơi tôi đến thật bất ngờ và phải thốt lên nên để-chỗ-này vào một vị trí xứng đáng trong danh sách những cái nhất của Ban Mê- Bảo tàng Đak Lak. Vẫn những hướng dẫn viên-đồng nghiệp như đã nói đến, chúng tôi có mặt ở bảo tàng vào một chiều chưa nhạt nắng. Theo lệ thường, giờ ấy bảo tàng vẫn là thời điểm mở cửa cho khách vào tham quan, nhưng không may cho chúng tôi là hôm ấy họ có công việc nội bộ, nên đã phải dừng hoạt động sớm hơn thường lệ. Không thể uổng công về một dự định mà tôi muốn biết đến cho dù rất ít về một Ban Mê ở góc khác. Và từ sự cố gắng “năng nỉ ỉ ôi” của các đồng nghiệp với chủ nhà nên tôi đã được bù đắp xứng đáng. Điều tôi hết sức quan tâm là “vùng” trưng bày và thuyết minh về những trận đánh mở đầu cho chiến dịch Tây Nguyên-năm 1975.
Sự lựa chọn cho một trận đánh mang tính chất quyết định mở màn chiến dịch, khởi đầu cho công cuộc giải phóng Tây Nguyên từ xứ Ban Mê này năm ấy, chẳng kể ra thì ai cũng đã biết cả rồi. Nhưng mỗi lần nhớ lại, nghe lại, tôi vẫn muốn nói về nó. Từ xưa, khi đặt chân xâm lược Việt Nam người Pháp đã cho rằng ai chiếm được Tây Nguyên người ấy sẽ chiếm được cả Đông Dương. Không sai tý nào về sự nhận định ấy, cho dù họ là người làm chuyện phi nghĩa. Tầm quan trọng của Tây Nguyên mãi mãi là vậy, có thể nói trong tất cả mọi thời kỳ. Mất Ban Mê Thuột vào hôm 10-3-1975, cả bộ máy chính quyền Sài Gòn rúng động, một kế hoạch rút chạy khỏi Tây Nguyên được vạch ra và vội vã tìm đường “tái chiếm”. Dulichgo
Thế nhưng Ngụy quyền Sài Gòn đã không lường hết sức mạnh của quân dân Đak Lak, của cả Tây Nguyên nên mọi “kế hoạch” đều thất bại. Nói về vấn đề này, người hướng dẫn của bảo tàng cho hay: 2 giờ ngày 10-3-1975, bộ đội chủ lực bắt đầu tấn công Buôn Ma Thuột, đánh vào hàng loạt cứ điểm quân sự và những mục tiêu quan trọng trong thị xã như sân bay, tổng kho Mai Hắc Đế, Sư đoàn Bộ binh 23…
Thị xã Ban Mê Thuột được giải phóng hoàn toàn sau 32 giờ chiến đấu. Kết hợp tiến công với nổi dậy, lực lượng cách mạng đã tiêu diệt và bắt sống 1.342 quân đối phương. Chiến thắng Ban Mê Thuột mở màn cho cuộc tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam! Cái gốc của mọi thành công có lẽ là như lời của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đak Lak đã từng nói đến… “Ở vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên của Việt Nam, Đak Lak là một tỉnh có nhiều dân tộc, có truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời…”. Mới đây nghị quyết của Đảng cũng đã từng xác nhận văn hóa là nền tảng của xã hội. Điều ấy nói thì nghe tưởng chừng giản đơn nhưng khi làm gì để văn hóa luôn là cái đặc biệt, riêng biệt, chỉ có thể có ở đây nhưng không thể có ở nơi khác, có ở dân tộc này nhưng lại không ở dân tộc khác thì lại là vô cùng nan giải, vì thế mà người ta cho rằng nó là nguồn cội của mọi thành công-“là cuốn sử sống” cho muôn đời, vượt qua mọi thời gian…
Trông người mà nghĩ đến ta, chẳng biết nói như thế nào về những chuyện “nghĩ ấy” cho thỏa đáng khi nhớ lại hồi cuối năm 1988, tôi viết một bài báo cho nhà đài của Gia Lai-Kon Tum thuở ấy, nói rằng không thể chấp nhận một thực trạng công tác bảo tồn, bảo tàng của tỉnh nhà. Bài viết được phát đi trên sóng vào “giờ vàng” đã làm cho không ít người trong cuộc phật ý. Sau hơn 20 năm, giờ thì có khá hơn, “cuốn sử sống” đã có một vị thế về hình thức trong tổng thể phát triển của đô thị Pleiku. Nhưng vẫn chưa là gì so với “người láng giềng” của xứ Ban Mê!
Một Ban Mê cho tới ngày nay vẫn là vị trí hàng đầu của khu vực Tây Nguyên trong nhiều sự đổi thay khi bắt tay xây dựng trong hòa bình, ổn định và phát triển kinh tế-xã hội không thể không nói đến sự biết nhìn về quá khứ của một nơi mà ở đó “có truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời…” như vị Chủ tịch UBND tỉnh ở đấy đã nói đến, để phát triển trong tương lai.
Tạm biệt Ban Mê trở về Phố núi sau mấy ngày “mục sở thị” cho tôi nhiều cảm nhận về xứ sở của nhiều cái… nhất ấy, đúng như người xưa đã từng dạy “đi một ngày đàng học một sàng khôn”, chẳng biết có đến “một sàng” không nhưng vỡ ra cho người viết bài này sự hiểu biết của mình thêm nhiều chuyện mới lạ là điều khẳng định.
Tọa lạc tại trung tâm TP. Buôn Ma Thuột, Bảo tàng Đak Lak có chiều dài 130 mét, rộng 65 mét, diện tích sử dụng 9.200 m2, vốn đầu tư trên 80 tỷ đồng, được xây dựng 2 tầng theo phong cách hiện đại kết hợp với truyền thống văn hóa dân tộc Tây Nguyên, với quy mô đó, Bảo tàng Đak Lak là một trong những bảo tàng lớn, hiện đại của cả nước. Với khoảng 1.000 hiện vật và hình ảnh, được tổ chức thành 3 không gian trưng bày chính (đa dạng sinh học, văn hóa dân tộc và lịch sử). Công tác trưng bày trong bảo tàng thể hiện những quan niệm bảo tàng học tiên tiến và phương pháp trưng bày hiện đại.
Theo Bích Hà (Báo Gia Lai)
Còn tiếp
Bài 1 - Bài 2 - Bài 3 - Bài 4
toimedulich
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét