Xét địa danh trong địa bàn Ninh Thuận hiện tại, chúng ta có thể thấy nhiều sự thay đổi qua nhiều lớp thời gian, và nếu nhắc lại chỉ riêng phần tên núi đồi, sông hồ, tên làng xóm thôi thì cũng có nhiều điều thú vị.
< Đường đi Kiền Kiền từ thôn Mỹ Tân, ven biển.
Với một diện tích không lớn, song lại chứa đựng bao truyền thống quý báu, bao tình đất, tình người trong lịch sử. Một trong sự quý báu đó là tên đất, tên làng xa xưa mà đôi khi tìm hiểu, ta lại nhớ các bậc tiền nhân khai sơn, phá thạch, kiến tạo nước non nhà.
< Đi dọc từ Du Long vào Cà Ná, có thể thấy mấy tên xưa nay hoặc còn lưu lại, hoặc đã thay đổi.
+ Kiền Kiền và Du Long: Tên thường gọi chung cả vùng Bắc tỉnh, nguyên xưa nhất là thời Nhà Nguyễn, có tên là Du Lai. Kể thêm tên Kiền Kiền: hiện nay có thôn Kiền Kiền, xã Lợi Hải, ở phía Đông của vùng Bắc tỉnh, liên quan có dãy núi Kiền Kiền, trong có khe nước, từ xưa đặt tên là khe Kiền Kiền. Sách xưa ghi: “Khe Kiền Kiền: ở huyện Yên Phước, nguồn ra từ núi Ba Tiêu, chảy về phía Đông 5 dặm làm suối Du Lai đổ vào đầm làng Đăng“. (Quốc sử quán Triều Nguyễn: Đại Nam nhất thống chí, tập 3, NXB Thuận Hóa – 2006, trang 162).
+ Đầm Nại: Xưa gọi là đầm Hương Cựu (bên cạnh làng Hương Cựu, làng Đăng), cũng gọi là Phương Cựu, thông ra biển bằng sông Tri Thủy, xưa gọi là cửa biển Ma Văn.
+ Kể thêm tên Hòn Thiên: Hiện nay là địa chỉ hấp dẫn các nhà nhiếp ảnh nghệ thuật, nằm ven Đầm Nại. Sách xưa ghi: “Phía Bắc núi kề đầm Hương Cựu, gần đấy có núi Bình Thiên [Hòn Thiên], núi Ni Cô, núi Bà Tu [Cà Đú?], núi Dư Khánh, núi Mậu Trường, núi Dốc Liệt“ Trang 154.
+ Cà Đú: Nay là một địa danh có tiếng trên ngã ba quốc lộ 1A Bắc – Nam đi Ninh Chử, nằm bên núi Cà Đú có độ cao 318m. Cà Đú là gọi trại tiếng Chăm: Chơk Du’, nghĩa là núi có hình giống con vích; quả thật nếu đứng từ Gò Đền nhìn núi, ta thấy như con vích, con rùa đang bò ra phía biển.
+ Thái An: Tên xưa là Lũng Lúa, Bãi Lúa, theo Nguyễn Đình Tư trong Non nước Ninh Thuận thì có 3 sự giải thích. Thứ nhất: “dân chúng ở đây hay làm rẫy và gặt lúa thuê“. Hằng năm cứ đến mùa gặt, họ lên gặt thuê ở các làng dọc quốc lộ 1, “Khi về đến đây thì đã mệt, họ ngồi tụ lại nghỉ chân, chia nhau lúa trước khi về nhà“.
Thứ hai: “Trước kia Thái An có thờ một vỏ lúa rất to, vỏ lúa của thời loài người chưa phải trồng trọt khó nhọc, tự lúa mọc ngoài đồng, khi chín thì tự lăn về... y như truyện cổ tích“.
Quá mơ hồ. Thứ ba: “Xưa có đoàn ghe bầu của Triều đình chở lúa đi dọc biển, đến vùng này chẳng may bị chìm, viên tải lương bèn ra lệnh vớt lúa đem lên bãi phơi. Khi lúa khô và được thu góp lại, một số bị rớt lại trên bãi và sau một trận mưa, lúa mọc lên xanh cả bãi“.
+ Ninh Chữ: Nguyên xưa đặt tên là Ninh Chử là do vùng vịnh biển này đẹp, sóng lặng, yên bình, nghĩa chữ Hán, Ninh: bình yên, thái hòa, Chử: bờ bãi, (lưu ý Chử dấu hỏi ?), như La Chử, Hải Chử, thậm chí cả Minh Chử, được ghi trong Địa bạ Triều Nguyễn 1836.
+ Vũng Tàu: Lại kể ra, nguyên xưa ghe thuyền vào đậu tránh sóng gió, trao đổi, mua bán tại Mỹ Thành, Mỹ Hòa ở phường Đông Hải nên dân gian gọi là Vũng Tàu, cũng như thành phố Vũng Tàu, nguyên xưa cũng thế.
+ Sông Dinh: Sông Cái (Sông Dinh): phát nguồn từ Tô Hạp (Khánh Hòa) chảy qua địa phận Khánh Hòa vào xã Phước Tân huyện Bác Ái tiếp nhận một phụ lưu là sông Ma Lâm, sau đó tiếp nhận thêm các phụ lưu: sông Pha (Krông Pha, sông Ông), sông Ta Mo/Cho Mo, sông Chá tại huyện Ninh Sơn, sau đó chảy vào đồng bằng Phan Rang, cuối sông ra đến biển Đông ở cửa biển phường Đông Hải. Tổng chiều dài 119 km.
Sông Cái có nhiều tên gọi khác nhau qua mỗi đoạn sông và qua mỗi thời kỳ lịch sử: sông Mai Lung ở Đắc Nhơn, Sông Dinh. Trong sách Đại Nam nhất thống chí gọi là sông Phan Rang, ngày xưa tên là sông Mai Lang, Mai Nương, Man Rang, nguồn ra tự 2 núi Tham Lý và Tà Trú, chảy qua thôn Thịnh Mỹ, chảy về phía Nam 14 dặm đến xã Đắc Nhân gọi là sông Mai Lung. Càng về biển, sông Dinh tiếp nhận thêm 2 phụ lưu: sông Quao, sông Lu trước khi ra cửa biển Đông Hải.
+ Sông Quao: Phát nguồn từ núi Tà Mú (còn gọi Tà Trú, Tha Thu) từ 2 suối Nung Tá (còn gọi Tà Cai, Trại Thịt) và suối Ya Hac (hay suối Tầm Ru), cuối sông ra đến Sông Dinh với tổng chiều dài 47 km. Sông chảy qua các địa phận có tên sông Lanh Ra, sông Trí, sông Tà Câu, sông Na Lung. Qua khỏi quốc lộ 1A mới gọi là sông Quao. Trong sách Đại Nam nhất thống chí gọi là sông Ma Nê/ Ma Nãi từ trong núi chảy ra.
+ Sông Lu: Còn gọi là sông Biêu/ Viêu. Trong sách Đại Nam nhất thống chí gọi là sông Ma Bố: “Có sông Ma Bố từ thôn Đại Định chảy về phía Đông Bắc 37 dặm đến hợp vào [sông Dinh] lại chảy về phía Nam 3 dặm mà đổ ra cửa biển Phan Rang“
+ Mũi Dinh: Có ngọn Hải đăng xây thời Pháp, thuộc thôn Sơn Hải là thắng cảnh của tỉnh, mũi dinh nôm na là lớn, ca dao xưa người đi ghe bầu dọc biển có câu:
Mũi Nậy bảy bị còn ba,
Mũi Dinh chín bị không tha bị nào.
Nghĩa là mùa gió chướng, ghe bầu đi qua Mũi Nậy (Phú Yên), bảy bị gạo ăn bốn còn ba mới qua được, đến Mũi Dinh thì ăn cả chín bị chưa chắc đã qua được, do sóng, nước ngầm chảy xiết. Địa danh này hơi khó giải, bởi trong sách Đại Nam nhất thống chí xưa ghi là: Diên/ Diên Chủy. “Núi Mũi Diên: Diên Chủy [nay là núi Mũi Dinh trong phần đất thuộc Ninh Thuận], ở phía Đông Nam huyện Tuy Phong [lúc này phần đất Nam sông Ma Bố trở vào sông Duồng tên huyện là Tuy Phong thuộc phủ Ninh Thuận]. Chân núi có 9 khúc hình như các ngón tay, nằm ngang trên bãi biển, chỗ ấy nước biển chia đường, một đường chảy về Bắc, một đường chảy về Nam, chảy rất xiết, thuyền ghe qua đấy phải cẩn thận.
Phía Nam có đầm Vũng Diên [vịnh bãi Cà Ná], gặp gió Nam thì thuyền có thể đỗ yên được. Năm Tự Đức 13 liệt vào hành danh sơn, ghi vào điển thờ.“ Trang 153-154. Như vậy nếu chúng ta thống nhất theo mô tả của sách xưa thì Diên = Dinh. Hiện nay tra cứu các tên núi có xuất hiện núi Diên nằm giáp ranh hai tỉnh Ninh Thuận - Bình Thuận. Tây Nam tỉnh Ninh Thuận, có một chi núi thuộc Cao Nguyên Di Linh chạy dài ra biển tới Mũi Dinh nhưng phần lớn các ngọn núi này nằm trên địa bàn Bắc tỉnh Bình Thuận, chỉ một ít nằm trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Ngọn cao nhất là núi Hòn Điều (Hòn Diên 1.528m).
+ Núi Chà Bang 432m: Sách xưa gọi hòn Tam Sơn, bởi cả dãy có 3 đỉnh núi nổi bật, còn sách Đại Nam nhất thống chí xưa ghi: “Núi Trà Na: ở phía Đông huyện [Tuy Phong], bên đường có trạm, trong có một đỉnh cao vọt, tả hữu có hai đỉnh như mũi gươm [theo chúng tôi có thể là núi Chà Bang, chùa Trà Cang hiện nay]“. Người Chăm gọi Chơk Chabbang (núi chẻ 2 nhánh), do trên đỉnh chẻ ra 2 nhánh và truyền thuyết Pô Nai yêu Dũng sĩ Kay Kamau kèm theo. Đã có Tam Sơn, trong tỉnh cũng có địa danh núi Thất Sơn (566m) nhưng ở xa, đó là phần núi các xã Phước Trung, Phước Chính huyện Bác Ái và Phước Kháng của huyện Thuận Bắc tạo nên vùng rừng núi rộng lớn.
Chuyện địa danh xưa nay còn quá nhiều điều thú vị, nay xin trình bày vài địa danh nêu trên để mà thêm yêu, thêm mến quê hương.
Địa danh ít người biết ở Ninh Thuận
Theo Báo Ninh Thuận
toimedulich
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét