(ANTĐ) - Đường lên đỉnh Chông Páo Mùa uốn lượn qua những nương chè. Những cội trà San Tuyết cổ thụ ngả bóng xuống khoảng đất rộng quanh gốc xù xì, nơi những đứa trẻ người Mông vịn cành, đu nhánh nô đùa hồn nhiên như sắc hoa chè đã mấy trăm năm vẫn trắng một màu thuần khiết.
Tôi đến Suối Trời, bản Suối Giàng, Văn Chấn, Yên Bái khi sắc hoa chè San Tuyết cổ thụ nở trắng từng thửa ruộng bậc thang. Cuối xuân đầu hạ nên sương mù lẫn vào mây bay phủ kín núi non, làng bản. Đường lên đỉnh Chông Páo Mùa như dải lụa nhỏ vắt ngang lưng trời, chông chênh, mơ ảo xuyên qua màn sương lên đến đỉnh trời.
< Bản Suối Trời nằm giữa lưng chừng núi.
Bản Suối Trời nằm ở cao độ gần 1.400m nên quanh năm chìm trong sương mây. Những mái nhà của người Mông lợp bằng gỗ Pơmu phủ lên mình lớp rêu phong năm tháng và một màu xanh xám, mốc meo. Bãi đất trống trước bản cũng là khoảng sân chơi của điểm trường tiểu học cắm bản chỉ với hai phòng học nhỏ. Những đứa trẻ đang giờ giải lao từng tốp, từng tốp nô đùa. Lẫn trong tiếng cười con trẻ, hương chè cổ thụ nao nao thoảng một mùi riêng chỉ có ở Suối Trời.
Ở ngang trời, Suối Trời quanh năm se lạnh, không khí lúc giữa trưa vẫn còn đượm hơi sương. Người xứ Suối Trời bảo rằng nơi đây quanh năm mây phủ, khó có ngày trời đất đều khô. Có lẽ cũng bởi vậy mà cây chè nơi đây lúc nào cũng tươi non ngậm đẫm hơi sương. Nếu trời quang mây, đứng ở Suối Trời có thể thấy rõ thị trấn Văn Chấn nhỏ bé, tĩnh lặng bên Quốc lộ 32 lượn thẳng lên phía Bắc, nơi thung lũng Mường Lò nối những cánh đồng lúa rộng lớn liền trời, liền núi. Nhìn về phía xa ngang tầm mắt sẽ thấy con đường nối từ Quốc lộ 32 đi Làng Nhì, Phình Hồ, Bản Mù, Háng Tề Chơ… chỉ như một nét bút mảnh mai trên tấm toan xanh lúc mờ, lúc tỏ.
Những cây chè San Tuyết cổ thụ ở Suối Trời còn đến ngày nay đều đã có 300-400 năm tuổi, hấp thụ tinh túy của đất trời thêm xanh tươi. Nói đến cây chè, người già ở bản Suối Trời kể lại rằng: “Hơn 500 năm trước, trên đỉnh Suối Trời xuất hiện 2 vị đạo sĩ đến đây đánh cờ. Hai ông say mê chơi cờ suốt mấy ngày liền, mặc cho trời giá rét. Thấy vậy, một cô gái trong bản đã cất công đi hái những búp non chè mọc trên đỉnh núi, pha trà mời các ông uống giải khát. Vị trà quá ngon, càng uống, càng thấy tinh thần minh mẫn, ngồi chơi cờ suốt mấy ngày liền cũng không thấy mệt.
Cô gái cho hai vị tiên biết, do cô nấu trà bằng nước suối Tập Lang tinh khiết từ trong lòng núi đá, trên đỉnh Chông Páo Mùa, còn lá trà được hấp thụ khí trời thuần khiết của mây mù gió núi, tạo nên hương vị độc đáo.
< Hết giờ học, đám trẻ con lại đánh đu trên những gốc chè cổ thụ.
Từ đó, hai vị đạo sĩ thường xuyên lên đỉnh Suối Giàng chơi cờ và thưởng thức hương vị khó quên của chè Suối Giàng.
Lên đỉnh Suối Trời, dừng lại bên ngôi nhà sàn đầu bản, cùng thưởng thức vị chè San Tuyết trong không gian yên tĩnh, chỉ có hương trà quyện vào hương núi hương mây, ngắm nhìn những dáng váy Mông nặng bước gùi trà lên dốc, nhìn những đứa trẻ hồn nhiên vịn cành chè cổ thụ nô đùa sẽ thấy không thể nào quên một hương vị, một địa danh mang tên Suối Trời ở giữa lưng trời.
Theo Vũ Thanh (An Ninh Thủ Đô)
toimedulich
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét