Thứ Hai, 23 tháng 6, 2014

Phố đồ cổ giữa lòng Sàigòn

Nằm khuất sau đường Hàm Nghi, phố đồ cổ Lê Công Kiều bao đời nay vẫn bình yên lặng lẽ dù ở ngay trung tâm Tp. Hồ Chí Minh. Con đường này trở thành một nét đặc biệt vì đây là con phố duy nhất của thành phố bán tập trung các loại đồ cổ.

Đường Lê Công Kiều nằm một góc khuất ở quận I và có thể tin rằng nhiều người sinh ra ở Sài Gòn vẫn chưa từng đến, dù nó rất gần chợ Bến Thành – một chợ rất nổi tiếng ở Sài Gòn. Con đường nhỏ, có lề không lớn, êm đềm vì không có mấy xe cộ. Những người sống ở con phố này vẫn nhớ, hơn 10 năm trước, vị tổng thống tóc vàng ở đất nước hùng mạnh nhất thế giới đi dọc con phố này để xem chợ đồ cổ bày dọc vỉa hè và trong các tiệm nhỏ. Chuyến đi dạo ngắn ngủi của ông Clinton đã góp phần tạo nên thương hiệu cho con phố nhỏ này.

< Một cửa hàng bán đồ cổ trên phố Lê Công Kiều.

Ngày xưa, phố Lê Công Kiều chỉ là một con hẻm. Năm 1920, chính quyền Pháp mở rộng và đặt tên là đường Reims. Năm 1955, chính quyền Sài Gòn đổi thành Lê Công Kiều, tên của một đốc binh thời phong trào Cần Vương chống Pháp.

Phố này chỉ dài hơn 200m, vài chục năm nay diện mạo hầu như không thay đổi nhiều. Các cửa hàng đều được đánh số mà không cần bảng hiệu gì. Người mua muốn kiếm loại nào thì cứ nhìn vào số là tìm đến.

< Nhiều người đam mê thú chơi đồ cổ có thể tìm thấy ở con phố này những cổ vật có giá trị.

Ví dụ, khách muốn kiếm các mặt hàng gốm sứ thì cứ vào các cửa hàng số 19, 21, 23. Muốn kiếm chiêng cổ, đầu tượng Khmer thì vào các cửa hàng số 34, 36, 38, 40. Muốn kiếm các loại bàn ghế, tủ, trường kỷ thì vào các cửa hàng số 15 và 36. Phía cuối đường lại có rất nhiều cửa hàng bán đồ sơn mài, đồ gỗ, hoành phi, câu đối… Vì vậy mà phố Lê Công Kiều được người ta gọi là con phố xưa nhất Sài Gòn, vì ở đây người ta đang mua bán “thời gian”. Thời gian ở đây là đồ cổ, càng lâu năm càng giá trị.

“Phố đồ cổ mở cửa từ lúc 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều hàng ngày. Giới chơi cổ vật thường xem đây là nơi có thể mua được những đồ vật quý. Nếu là người sành về đồ cổ và gặp may, họ có thể sở hữu được những món đồ rất giá trị mua với giá rẻ”.

Cho dù có nhiều bài báo nói rằng 80% tiệm ở phố Lê Công Kiều bán những món gốm sứ hay tranh pháo mới được sản xuất rồi làm cho cổ đi, giới sưu tầm cổ vật và yêu thích mỹ thuật vẫn xem đây chính là thiên đường của họ. Cổ vật luôn thu hút mãnh liệt vì vẻ đa dạng và tinh xảo của nó. Có thể thấy dấu ấn văn hóa khắp thế giới trên đồ bày bán ở đây.

Đồ cổ Trung Hoa luôn ngự trị như một ông vua không ngai – dù nhiều nhất vẫn là dòng đồ non đầu thế kỷ 20 thời Mạt Thanh – đặc biệt là sứ xanh trắng vì vẻ đẹp trong trẻo lộng lẫy nhưng chân phương. Gốm, sứ phương Tây lạ mắt, có khi gặp những món tuyệt đẹp như đồ Wedgwood xanh lam nhạt với những chi tiết chạm khắc tinh xảo hay gốm Nhật Bản Imari, Satsuma đầy màu sắc. Đồ gỗ xưa ở đây không bày ngồn ngộn như khu bán đồ gỗ trên đường Pasteur đối diện café Terrace.

< Một du khách người Trung Quốc tình cờ tìm thấy bức tượng Phật Bà Quan Âm có niên đại từ thời nhà Thanh tại một cửa hàng bán đồ cổ trên phố Lê Công Kiều.

Ở đây có những món tinh hoa nhất, được cẩn ốc xà cừ đẹp nhất. Tủ Huế vừa chạm lộng vừa cẩn xà cừ, có giá hàng trăm triệu. Bộ bàn ghế Louis đầu thế kỷ 20 với những chi tiết chạm khắc đậm chất Nam bộ với trái điều, khổ qua, mít hay sầu riêng… lưu lạc từ những ngôi nhà xưa cùng niên đại với Huỳnh Phủ ở Bến Tre hay nhà cổ Bình Thủy.

Tôi đi ngang qua phố Lê Công Kiều từ những năm 80 để sửa máy ảnh ở tiệm Phạm Thê rất nổi tiếng ở đây. Lúc đó đồ cổ không bán rầm rộ.

Những năm cuối 1990, đầu năm 2000 có thể là thời hoàng kim của Lê Công Kiều khi kinh tế khấm khá, khách du lịch đến nhiều và các cuộc triển lãm cổ vật ở các bảo tàng đã kích thích người ta tìm về cổ vật như một thú chơi cao cấp. Bây giờ Lê Công Kiều im ắng hơn, ngồi trong quán cà phê ngó ra đường phố, tôi mới nhìn sâu con phố nhỏ này.

Dãy phố vẫn còn một ít nhà xây kiểu Tây từ thời đường mang tên Reims trước 1945. Đâu rồi nhà in Thạnh Thị Mậu, nơi học nghề của danh ca Sáu Thoòng chuyên trị vọng cổ thời đó? Và đâu là tòa soạn báo Đại Việt ở nhà số 5 của cụ Hồ Biểu Chánh những năm 1940, nơi cụ làm việc hằng ngày và có lần hứng chí mời anh em tòa soạn đi ăn ở đường Pellerin (Pasteur) gần đó. Thấp thoáng đâu đó hình bóng cụ Phan Khôi lúc làm báo ở Sài Gòn xưa năm 1924, tay cắp cặp, lơn tơn ghé vô nhà người quen rủ đi uống trà Bạch Mao hay Kỳ Chưởng.

< Hai vị du khách người Nhật tỏ rất thú vị với những món đồ cổ được bày bán ở đây.

Một thế giới xưa cũ ngồn ngộn phơi bày, kích thích những người hoài cổ từng chìm đắm trong những trang sách về văn hóa hay có một quá khứ huy hoàng. Lê Công Kiều, một con phố độc đáo và có khi là độc nhất ở Việt Nam, luôn bị nghi ngờ, có khi dè bỉu mà vẫn luôn hấp dẫn như một huyền thoại, không ngừng làm gạch nối từ quá khứ đến hiện tại trong mắt khách vãng lai. Dù sao, nó vẫn là một trong những con phố đậm chất Sài Gòn nhất để nhớ về, cho những ai từng biết nó khi đã xa Sài Gòn.

Tổng hợp từ Vietnam.vnanet, Một Thế Giới
toimedulich

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét