Si Ma Cai là một huyện biên giới phía Bắc, nằm ở phần Đông Bắc của tỉnh Lào Cai, cách thành phố Lào Cai chừng 95 km. Si Ma Cai giáp với huyện Mường Khương (Lào Cai) và huyện Mã Quan (Vân Nam, Trung Quốc) ở phía Bắc, huyện Bắc Hà ở phía Nam, huyện Mường Khương ở phía Tây và huyện Sín Mần (Hà Giang) ở phía Đông.
< Đường vào Si Ma Cai.
Vì đã lỡ hẹn nhiều lần với vùng đất biên cương này, nên ngay khi sắp xếp được thời gian, tôi và một cô bạn đã quyết định lên đường. Chuyến xe đêm đưa chúng tôi từ Hà Nội tới Bắc Hà, sau đó chúng tôi thuê xe máy chạy tiếp sang Si Ma Cai. Cách thị trấn Bắc Hà chưa đầy 10 km , chúng tôi tới chợ Cán Cấu.
< Họp chợ buổi sớm.
Nhắc tới chợ phiên thì ở Lào Cai có rất nhiều: chợ Bắc Hà, chợ Cốc Ly (huyện Bắc Hà), Bản Phiệt (Bảo Thắng), Cao Sơn và Lùng Khẩu Nhin (Mường Khương)... nhưng nổi tiếng nhất vẫn là chợ Cán Cấu. Chợ chỉ là những căn lều dựng tạm nằm trơ trọi trên nền đất bên con đường độc đạo nối thị trấn Bắc Hà với thị trấn biên ải Si Ma Cai. Là chợ của người Mông Hoa và người Giáy nhưng lại thực hiện theo lối buôn bán của người Dao. Chỉ họp chợ vào thứ 7 hàng tuần và các ngày lễ Tết trong năm.
< Cảnh buôn bán ở chợ.
Chợ vui nhất vào lúc mặt trời mọc. Khi mặt đất vẫn con sương và giá, người đeo gùi, người dắt trâu, dắt ngựa, ôm con chó, con gà... ở các nẻo đường bỗng tứa ra từ những quả đồi vắng.
Người dân từ Bản Phố, Hoàng Thu Phố dưới Bắc Hà lên, từ Sán Chải, Si Ma Cai xuống, từ Sín Mần sang bỗng chốc đông kín cả khu chợ.. Người mua ngựa, kẻ tậu trâu, trẻ con thì ngồi ăn hàng quán, các chị tập trung ở mấy hàng quần áo thổ cẩm.
Chợ được chia thành nhiều khu riêng biệt: lợn và trâu ở mé đông, vải vóc, thổ cẩm ở trung tâm và những món ăn đặc sản ở mạn bắc. Những người H'Mông diện những bộ váy áo vừa dày vừa nặng biến cả khu chợt thành núi hoa, chợ hoa với từng đời hoa riêng biệt.
Mỗi người phụ nữ nơi đây, cứ như một nàng công chúa: sống động và lộng lẫy. Chúng tôi nhanh chóng ghi lại những khoảnh khắc nơi đây.
Khi mặt trời đã lên quá đỉnh đầu, chúng tôi mới rời chợ. Với chiếc xe máy, chúng tôi thong dong, lang thang khắp các nẻo đường. Cảnh vật hai bên đường một bên là đồi núi, là đá và hoa mọc xen kẽ. Một bên là những con đường đất nối nhà với nhà dưới thung sâu.
Cái nắng của Lào Cai khiến chúng tôi mệt rất nhanh. Rồi chúng tôi bắt gặp một hội người lớn chơi cù bên đường. Thấy lạ chúng tôi tấp vào xem, vì trò này tuổi thơ ai chẳng biết, nhưng ở đây lại toàn người lớn chơi. Không lâu sau, cả hai chúng tôi đều bị cuốn vào trận đấu. Cùng reo vang khi có bên ăn điểm. Bất chợt, tôi tìm thấy mình đang cười thật to ở một nơi xa lạ. Khi trận đấu kết thúc, một anh tiến lại phía cô bạn tôi và trách: “Tại em hướng cái máy đấy vào anh nên anh mới bị thua đấy.” Rồi tất cả cùng cười.
Sau trận đấu cù đầy kịch tính đấy thì chúng tôi đã tỉnh ngủ hẳn. Tiếp tục lên đường, rồi lại dừng xe, leo lên một quả đồi. Xa xa là những người dân đang dọn cỏ, chuẩn bị cho một mùa vụ mới. Những đứa bé H’Mông nô đùa bên tán mận. Cuộc sống bình yên đến lạ. Gió cứ mơn man như muốn xua tan đi hết những lo lắng, tất bật đời thường. Chúng tôi ngồi lại khá lâu trên quả đồi chờ hoàng hôn buông xuống.
Truyền thuyết kể rằng, Sa Pa và Si Ma Cai là hai chị em sinh đôi. Cả hai lớn lên đều mang vẻ đẹp thuần khiết của núi rừng. Nhưng Sa Pa may mắn hơn, 100 năm trước nàng gặp được hoàng tử Tây (người Pháp), được chàng lấy làm vợ (trở thành khu du lịch nổi tiếng) và trở nên rực rỡ được muôn người biết đến và ngưỡng mộ...
Si Ma Cai ngược lại, kém may mắn hơn vẫn thiếp ngủ trong rừng cấm, cheo leo, chênh vênh trên vùng núi đá hiểm trở. Nhờ vậy mà Si vẫn giữ được những nét hoang sơ tự thuở nào. Bất chấp sự thay đổi đến chóng mặt của cuộc sống hiện đại, Si vẫn bình thản với những giá trị chân sơ, mộc mạc của riêng mình.
Mãi miên man với những suy nghĩ, mặt trời đã chuyển sang màu đỏ từ lúc nào. Hoàng hôn phố núi, khung cảnh đẹp đến mê hồn. Như một món quà, dành tặng cho những lữ khách phương xa.
Theo VietBao.vn (VB-Theo Yume)
toimedulich
Một thoáng Si Ma Cai
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét