(TTO) - TS Lê Thị Liên, nhà khảo cổ hàng chục năm gắn bó với những công trình nghiên cứu bãi cọc Bạch Đằng ngay từ khi mới ra trường, đang khai quật một hố đất giữa mặt đầm ngập nước rộng mênh mông ở Yên Giang (huyện Yên Hưng, Quảng Ninh).
< TS Lê Thị Liên nghiên cứu khảo cổ học bãi cọc Bạch Đằng ở Yên Giang tháng 5-2014.
Gạt bùn sình lấm lem đầy trên mặt, TS Liên trầm ngâm tâm sự: “Ngày xưa ở vùng cửa sông này, quân dân nhà Trần không chỉ giao chiến với giặc Nguyên Mông dưới nước mà còn có cả nhiều trận đánh kết hợp trên bộ. Bãi chiến địa trải rộng từ địa hình sông nước đến bãi bồi, sơn cước. Các công trình khảo cổ nghiên cứu từ năm 1958 đến giờ mới chỉ hé lộ được phần nào bí ẩn của tổ tiên”.
Khám phá đầu tiên
Chỉ vào mấy đầu cọc gỗ vừa lộ lên sau nhiều ngày khai quật dưới bùn lầy, TS Liên nói đây chỉ là một vài chiếc cọc trong nhiều bãi cọc mà người xưa đã cắm làm trận địa giăng bẫy quân thù. Thế trận rất phức tạp, chằng chịt, không chỉ như hình dung đơn giản là cắm cọc ngang sông để chặn tàu giặc. Năm 1958, nhóm khảo cổ đầu tiên ngoài sàng lọc được những bãi cọc dân sinh cũng tìm thấy nhiều trận địa cọc quân sự. Ở bãi đầm xã Yên Giang, bên tả ngạn sông Chanh cách ngã ba sông Bạch Đằng và sông Chanh khoảng 414m, họ đã phát hiện bãi cọc dài 118m, rộng 20m. Các nhà khảo cổ cứ đào xuống là tìm thấy cọc trong diện tích bãi ấy. Địa chất tự nhiên rất rõ ràng với đất phù sa cổ. Hầu hết cọc đều là gỗ lim bền cứng được ưa dùng ở miền Bắc. Một số ít là gỗ táu còn nguyên cả vỏ. Các nhà khảo cổ đo chiều dài của chiếc cọc ở hố đào thứ nhất dài 1,75m, cọc ở hố thứ hai dài 2,65m với đường kính 31cm. Ở hố đào thứ ba họ còn tìm thấy cây cọc dài 2,8m. Tất cả đều được đẽo nhọn một đầu để cắm sâu xuống đất 0,5-1m với thế hơi nghiêng về hướng sông Bạch Đằng.
Hai nhà khảo cổ Phan Đại Doãn và Diệp Đình Hoa nghiên cứu đợt khảo cổ này căn cứ vào thư tịch xưa, những di tích lịch sử quanh vùng có liên quan đến trận đánh của Trần Hưng Đạo và vị trí, độ sâu bãi cọc, cách cắm... đã đưa ra nhiều cơ sở để cho rằng có thể đây không phải là cọc chiến sự từ thời Ngô Quyền hay Lê Hoàn hoặc muộn hơn thời Hồ Quý Ly, Tự Đức, mà đó chính là cọc bẫy giặc của Trần Hưng Đạo. Tuy nhiên, nó mới chỉ là một bộ phận nhỏ của bãi chiến trường oanh liệt đã tiêu diệt toàn bộ cánh thủy quân của Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp ngày 8-3 năm Mậu Tý (1288).
< Cọc gỗ trưng bày ở Bảo tàng Quảng Yên.
Vào năm 1969, các nhà khảo cổ ở Hà Nội và Quảng Ninh lại tiếp tục nỗ lực giải mã bí ẩn bãi cọc Bạch Đằng. Lần này, khu vực khảo cổ ở bãi Yên Giang được mở rộng đến 520m với bảy hố đào lớn. Các nhà khảo cổ nhắm đến hai mục tiêu cơ bản là nghiên cứu tầng địa chất và cách bố trí bãi cọc. Năm lớp địa tầng đã được nghiên cứu cẩn thận. Trong đó lớp thứ năm ở độ sâu hơn 1m gồm bùn sét pha lẫn cát mịn màu hồng được cho rằng có thể đó chính là lớp lòng sông năm 1288. Những lớp mặt bên trên có xác thực vật, vỏ hàu được bồi trải theo thời gian. Đặc biệt, đợt khảo cổ quy mô này cũng tìm thấy nhiều cọc gỗ lim có độ nhỏ to 0,2-0,29m. Tất cả 32 cọc đã được tìm thấy dưới bảy hố đào chạy dài 113m và rộng 13m ngang qua sông Chanh, một nhánh của hệ thống cửa sông Bạch Đằng đổ ra biển Đông.
Tại sao nhiều bãi cọc được tìm thấy lại nằm rải rác trên bãi đầm mà không thuộc lòng sông Bạch Đằng hiện trạng, các nhà khảo cổ và địa chất, môi trường học đã khảo sát, nghiên cứu kỹ địa hình và địa mạo khu vực bãi chiến trường xưa. Các nhà khảo cổ nhận định sông Bạch Đằng xưa khi chưa có đê bao bao gồm cả một vùng rộng lớn, hiểm trở gồm sông Chanh, các dòng chảy băng qua đảo Hà Nam, sông Rút và cả sông Bạch Đằng hiện trạng. Luồng lạch phức tạp với nhiều bãi đá ngầm, bãi nổi cùng mực thủy triều rất mạnh.
Thiên tài quân sự Trần Hưng Đạo đã nghiên cứu rất kỹ các yếu tố tự nhiên này, bố trí cắm cọc, dẫn dụ đoàn chiến thuyền Nguyên Mông vào đúng vị trí thuận lợi nhất để quyết chiến khi triều xuống. Đời sau đến thăm vùng cửa sông lịch sử, Nguyễn Trãi cũng nhìn thấy rõ thế hiểm này: “Cửa sông hiểm, hai người chọi trăm người do trời xếp đặt/ Hào kiệt công danh, đất ấy từng là một nơi”.
Kỹ thuật cắm cọc
< Thám sát tại bãi cọc Đồng Má Ngựa.
Sau đó các đợt khảo cổ năm 1976, 1984 lại được tiếp tục thực hiện ở khu vực này và củng cố thêm nhiều bằng chứng đó là bãi cọc chiến thuật của quân dân Trần Hưng Đạo. Trong những lần khai quật này, các nhà khảo cổ còn tìm thấy hai loại vồ đóng cọc lớn nhỏ khác nhau. Vồ nhỏ dài 1,2-1,3m, rộng 0,2m, đẽo đầu to đầu nhỏ, mặt gỗ đóng vào cọc được vát phẳng để không bị trượt. Loại vồ lớn hơn có chiều ngang 0,25m và dài 1,5m, đủ trọng lượng để người xưa đóng được cọc xuống đáy sông. Các nhà khảo cổ nghiên cứu người xưa có thể đã biết sử dụng kỹ thuật ròng rọc như chiếc búa máy để kéo chiếc vồ này lên cao và thả dộng xuống đầu cọc. Một đầu vồ vát nhỏ là để họ cầm điều chỉnh cho vồ đóng chính xác vị trí. Ngoài ra, các nghiên cứu khác cũng cho thấy còn có kỹ thuật đóng cọc đơn giản bằng cách cầm cọc dộng lắc xuống đáy sông. Đây là kỹ thuật đóng cọc vào đất bùn không cứng lắm mà dân gian đã có nhiều kinh nghiệm truyền đời.
Đặc biệt, TS Lê Thị Liên kể năm 1988 các nhà khảo cổ còn mở rộng nghiên cứu sang bãi đầm ở đồng Vạn Muối, đảo Hà Nam, xã Nam Hòa, huyện Yên Hưng. Việc phát hiện cọc ở khu vực này cũng bắt đầu từ nông dân canh tác, đào ao nuôi cá. Nhiều cọc được phát lộ một cách không chủ ý và trong tình trạng rất tốt vì lâu nay được dìm ngập trong bùn nước. Người dân đã lấy một số cọc về làm nhà cửa, cây rơm, chuồng heo. Ngoài tìm được nhiều cọc có tình trạng còn nguyên vỏ như bãi Yên Giang, đoàn khảo cổ còn tìm được cả những cây gỗ đã được đẽo gọt để sử dụng trong sinh hoạt, canh tác. Nó chứng tỏ nhân dân vùng Bạch Đằng ngày xưa đã góp cả đồ đạc trong nhà mình vào trận địa chống ngoại xâm.
< Bùn đất không phải là môi trường lý tưởng của các cọc gỗ. Một góc bãi cọc Yên Giang.
Không dừng lại ở những phát hiện này, TS Lê Thị Liên và các nhóm khảo cổ với sự tham gia của người Nhật vẫn tiếp tục lần tìm các bí ẩn dưới lòng đất những năm 2005, 2009 và 2010. Trong các bãi khảo sát, khai quật khu vực đồng Vạn Muối, Má Ngựa trên đảo Hà Nam, họ phát hiện thêm hàng chục chiếc cọc, hầu hết đều được gìn giữ đúng vị trí và cho ngập trong nước để bảo tồn. Một số mẫu cọc tìm thấy năm 2009 ở bãi đồng Má Ngựa đã được đem phân tích đồng vị phóng xạ C14 để xác định niên đại và đã cho kết quả ở thế kỷ 13 cùng biên độ thời gian. Điều này trùng hợp với mốc thời gian diễn ra trận thủy chiến lịch sử giữa quân dân Trần Hưng Đạo và đội quân thủy xâm lược của Ô Mã Nhi diễn ra ở vùng Bạch Đằng này.
Còn hầu hết cọc gỗ đều thuộc nhóm tứ thiết như dân gian quen gọi (ý nói cứng bền như sắt thép) là đinh, lim, sến, táu. Ký ức truyền đời của người già và thư tịch xưa cũng ghi chép đây là vùng rừng rậm, có nhiều gỗ quý phủ đến tận bờ sông. Ngày nay, bên phố Ngô Quyền giữa thị xã Quảng Yên vẫn còn hai cây lim cổ có chu vi gốc lên đến gần 8m. Người dân quen gọi “cụ” lim Giếng Rừng, hai hậu duệ hiếm hoi còn sót lại từ đại ngàn đã góp gỗ quý cho trận đánh năm xưa.
Còn tiếp
Kỳ 1 - Kỳ 2 - Kỳ 3 - Kỳ 4 - Kỳ 5
Theo Quốc Việt (báo Tuổi Trẻ)
toimedulich
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét