(TPO) - Thôn Măng Đen ở tỉnh Kon Tum hiện có hơn 200 biệt thự, trong đó nhiều căn sắp được khai thác du lịch. Nơi đây còn có nhiều công trình tôn giáo ấn tượng, đặc sản nổi tiếng, kỳ hoa dị thảo giá vài triệu đồng/kilogram…
Măng Đen - công chúa vùng sương lạnh
Cách thành phố Kon Tum hơn 50 km theo quốc lộ 24 về phía Bắc, qua thị trấn Đak Rve và cung đèo mới khánh thành quanh co giữa đại ngàn hùng vĩ, Măng Đen nằm ở độ cao 1.200-1.800 mét. Đến đây, ai cũng có cảm giác như lạc vào nơi an dưỡng, yên tĩnh và thơ mộng. Không thị tứ vùng cao nào trên cả nước sau năm 1975 được đón đầu quy hoạch theo hướng hiện đại như Măng Đen, với mạng lưới đường nhựa rộng rãi xuyên qua các dãy phố toàn biệt thự trang nhã, bốn mùa rợp bóng thông xanh.
Chị Y Thị, người Cadong, Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông, cho biết, Măng Đen hiện có hơn 200 biệt thự được xây dựng trong gần 10 năm trở lại đây, có siêu thị, hệ thống công sở và 2 làng định cư lâu đời của đồng bào Mơ Nâm. Tuy nhiên, về đơn vị hành chính, Măng Đen vẫn chỉ là một thôn thuộc xã Đắk Long - trung tâm huyện Kon Plông.
Ông Nguyễn Đức Tuy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, giải thích, sau khi Chính phủ phê duyệt quy hoạch khu du lịch sinh thái Măng Đen và đô thị Kon Plông năm 2012, Bộ Nội vụ trình đề án, nhưng Quốc hội đang tạm đình việc chia tách, nâng cấp các đơn vị hành chính. Ông Tuy từng công tác gần chục năm tại Kon Plông, nguyên Bí thư Huyện ủy, nhớ rõ thời doanh nhân từ TPHCM lũ lượt vác tiền (thắng lớn khi thị trường chứng khoán mới mở) lên Măng Đen xây biệt thự theo lời kêu gọi đổi đất lấy hạ tầng. Hồi đó, quanh đây toàn rừng nên chỉ phải di dời có 3 hộ dân...
toimedulich
Vì sao nơi hoang vắng này đã và đang thu hút hàng trăm nhà đầu tư nhiều quốc tịch? Du khách đến theo tour đôi ba ngày chỉ kịp ghé thăm vườn trăm tượng gỗ ở đầu chuỗi thác Pa Sỹ, Đăk Ke, Lô Ba, đạp vịt, câu cá ở hồ Đắk Ke, tham quan điểm nuôi cá hồi, cá tầm ở xã Măng Cành, mua sắm ở siêu thị Hoàng Vũ, uống rượu cần, níu nhau điệu xoang trong tiếng cồng chiêng quanh đống lửa hồng rực dưới bầu trời đầy sao...
Tôi tách khỏi đoàn quan khách vội vã, ở lại Măng Đen, đêm lạnh quấn mình trong chăn ấm chìm vào giấc ngủ thật sâu. Sáng mai thức dậy bằng tiếng chim líu lo trong vắt, nhấp ngụm cà phê đậm vị bản xứ, tìm gặp những con người đang say mê cống hiến trên cao nguyên này.
Ba đặc sản
Năm 2015, trong 4 đặc sản và món ăn nổi tiếng của tỉnh Kon Tum được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam vinh danh, có 3 đặc sản thuộc về Măng Đen là vang sim, tiêu rừng và măng nứa khô. Cả 3 mặt hàng này, vài năm trước, tôi đã thưởng thức từ quầy hàng của Cty TNHH MTV Sim Thiên Sơn. Điều thú vị, hạt tiêu rừng vị rất lạ ở đây mọc quả từ thân cây, chứ không phải dây leo như tiêu nhà. Sim trên bình độ nghìn mét này không thấp thoáng trên đồi như trong thơ ca nhạc họa, mà mọc ken dày tự nhiên cả nghìn hécta dưới tán rừng thông.
Người đã kỳ công nghiên cứu ra công thức chế tạo vang sim Măng Đen và vì nó mà rời đồng bằng lên núi định cư là một nữ trí thức quê Cần Thơ - chị Nguyễn Thị Nhiệm - Giám đốc Cty Sim Thiên Sơn. Nhà máy vang sim Măng Đen khi chính thức vận hành không chỉ mang lại lợi nhuận cho công ty, mà còn xác lập cho tỉnh Kon Tum một thương hiệu mạnh về công nghệ thực phẩm, bảo đảm nguồn thu nhập đáng kể cho hàng nghìn hộ đồng bào nghèo ở các thôn làng bắc Tây Nguyên. Vì điều đó, chị Nhiệm đành lòng xa chồng con mỗi năm đến bảy, tám tháng để bám trụ trên cao nguyên lạnh giá, vừa sản xuất vang vừa tìm tòi nghiên cứu tạo ra những giống sim cao sản mới.
toimedulich
Kỳ hoa dị thảo
Đến Vườn thực nghiệm của Sở KH&CN tỉnh Kon Tum đặt giữa rừng Măng Đen vào tháng giáp Tết này, ai cũng tranh thủ chụp ảnh với hàng mimôza nở hoa vàng thắm dọc lối vào. Chăm Vườn và làm việc nghiêm cẩn trong phòng nuôi cấy mô hiện đại có cả một đội ngũ trí thức tuổi mới ngoài đôi mươi. Rời phòng ươm cấy mô sạch tinh không một hạt bụi, nơi cả chục giống cây quý nẩy chồi non tơ trong hàng nghìn chiếc bình thủy tinh, chúng tôi ra Vườn, bước vào khu nhà lồng vòm cao thoáng đãng.
Thấy tôi mải ngắm những chậu hoa thấp bé mà trổ bông to đẹp lộng lẫy, kỹ sư Nguyễn Văn Hoàng bảo đây là hoa phú quý hoặc chuông tình yêu. “Nhưng cây tùng thơm này mới đặc biệt, nó đuổi ruồi muỗi rất hay”, vừa nói, anh Hoàng vừa lắc nhẹ, lập tức cây tùng chỉ cao hơn một gang tay tỏa hương thơm ngát. Trong vườn, đắt giá nhất là cây kim cương, còn gọi là lan kim tuyến, giá thị trường tùy thời điểm dao động tới vài ba triệu đồng một ký cây tươi, hoặc gấp 3 lần giá đó mỗi ký sấy khô, với lời đồn ăn sống hoặc ngâm rượu uống đều đại bổ.
Thạc sĩ sinh học Chu Đình Liệu, chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu, nhân giống và trồng khảo nghiệm cây lan kim tuyến”, cho biết, ngân sách tỉnh chi 580 triệu đồng để triển khai đề tài trong 3 năm. Từ tháng 4/2014, nhóm vào rừng điều tra, khảo sát, tìm cây về vào mẫu, nhân giống trong phòng thí nghiệm. Bằng công nghệ nuôi cấy mô, từ vài gốc ban đầu, tới nay nhóm đã nhân được hơn 2 vạn cây thuộc 3 giống khác nhau.
Trồng ra vườn hơn 1 năm, lan kim tuyến mới nẩy ra được vài lá, loại lá tím gân kẻ sọc như mạng lưới được thị trường chuộng nhất vừa nở hoa trắng. Anh đã gửi mẫu ra Viện Dược liệu ở Hà Nội nhờ phân tích các thành phần hoạt chất và dược tính của loài lan quý này, xem giá trị thực của nó đến đâu. Tôi ngắt một chiếc lá óng ánh nhấm thử. Bổ thế nào chưa rõ, nhưng xem như rau sống thì cũng giòn ngọt, khá ngon.
Trưởng trại thực nghiệm, anh Lê Duy Hùng, cho biết, Vườn rộng 5,5 hécta, thường xuyên trồng khảo nghiệm 40-50 loài hoa, rau, dược liệu cao cấp xứ lạnh, cung ứng giống cho dân. Tết 2015, Vườn bán được 7 nghìn cành hoa ly, 4 nghìn chậu lan hồ điệp. Tết 2016 sắp tới, lan hồ điệp vẫn chừng đó, còn hoa ly tăng lên 8 nghìn cành. Hoa đẹp, tươi lâu, được giá, bán đắt hàng khắp Kon Tum, Gia Lai, Quảng Ngãi…
Tại “Vườn hoa Thanh Niên” có hàng trăm giống cây đẹp, lạ gần đó, tôi lạc vào một vạt atisô tốt bời bời cao tận cổ, những đóa hoa to như cái đĩa nở xòe tím biếc. Chị Sợi quê Kiên Giang kể mẹ con chị lên đây chăm khu vườn này cho hợp tác xã, rồi gắn bó luôn với xứ lạnh. Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Lân, Phó Chủ tịch huyện Đặng Thanh Nam cho biết, nhiều doanh nghiệp đang triển khai các dự án rau sạch cung ứng cho đồng bằng. Ông Trần Quốc Cường, Phó Ban chỉ đạo Tây Nguyên, vừa nhận quyết định chuyển sang làm Phó Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, cũng lạc quan khi kể về dự án trồng cây chột nưa xuất sang Nhật Bản.
toimedulich
Chốn linh thiêng
Gần quốc lộ 24 có tượng đài Đức Mẹ cao hơn 1 mét, nét mặt khác thường và đôi tay bị cụt, được gọi là tượng Đức Mẹ Sầu Bi hay Đức Mẹ Măng Đen. Theo tài liệu của Tòa Giám mục Kon Tum, khoảng năm 1970, một linh mục đặt tạc tượng theo mẫu Đức Mẹ Fatima, gương mặt xinh đẹp dịu hiền. Thời chiến tranh, tượng bị quên lãng giữa rừng sâu rồi gãy đổ, mất đầu, mất tay. Một giáo dân phát hiện, cố gắng phục chế theo cách của mình khiến khuôn mặt khác đi, còn đôi tay không hiểu sao cứ gắn lên lại rơi xuống. Từ đó, tượng Đức Mẹ cụt tay cho tới bây giờ.
Sau lần Tổng Giám mục Leopoldo Girelli, sứ thần Tòa thánh Vatican, đến viếng tượng đài Đức Mẹ Măng Đen năm 2011, lãnh đạo tỉnh Kon Tum đã có văn bản đồng ý cho giáo dân hằng năm tổ chức hành hương đến nơi này. Từ đó đến nay, mỗi năm có vài vạn người đến viếng, hiến tặng hàng trăm ghế đá đặt quanh chân tượng. Đặc biệt, thành phần hành hương và dâng hoa mỗi ngày không chỉ tín đồ Công giáo, mà còn khá nhiều người thuộc các tôn giáo khác nhau.
Đã gần 9 năm, bà Lê Thị Cúc (sinh năm 1947, quê Hà Nam) rời nhà ở Thủ Đức, TPHCM lên đây, mua hẳn căn biệt thự lô 12 ở thôn Măng Đen định cư lâu dài, tự nấu ăn, chỉ để ngày ngày quét dọn, lau chùi, thay hoa quanh tượng đài Đức Mẹ. Bà Cúc kể rằng, dịp lễ Tạ ơn vào giữa tháng cuối năm 2015, khoảng 12 nghìn người kéo về dự lễ; bà và hàng chục tình nguyện viên khác dọn dẹp cả ngày không ngơi tay. Phục vụ nơi này, bà luôn cảm thấy tâm hồn bình an, hạnh phúc nên những đứa con thành đạt của bà cũng dần yên tâm, đồng thuận để mẹ vui sống một mình trên cao nguyên xa vắng.
Cách tượng Đức Mẹ không xa, chùa Khánh Lâm tọa lạc trên đồi đã được đầu tư hàng trăm tỷ đồng để trở thành một điểm du lịch tâm linh bề thế. Thượng tọa Thích Nhuận Bảo trụ trì cho biết, từ khi khởi công tháng 9/2012, chùa đã xây xong 7 công trình lớn gồm chính điện, đông tây lan, tượng Quan Âm, tháp chuông, tháp trống, nhà ăn đủ cho hàng nghìn Phật tử…
toimedulich
Khu du lịch sinh thái Măng Đen nằm ở thôn Măng Đen, xã Đak Long, huyện Konplong, Tp Kon Tum. Giá vé xe đò từ Tp Hồ Chí Minh lên thành phố Kon Tum khoảng 140.000 đồng. Bạn có thể tìm đến các xe Đăng Khoa, Minh Quốc, Việt Tân.
Từ thành phố Kon Tum, bạn có thể thuê xe ôm hoặc xe mười sáu chỗ ngồi đi Măng Đen, tùy thuộc vào lượng người đi cùng. Măng Đen có hai mùa, mùa lạnh kéo dài từ giữa tháng mười đến tháng hai âm lịch, thời điểm này rất thích hợp cho những chuyến đi. Giá phòng biệt thự tại khu du lịch: từ 370.000 đến 400.000 đồng.
Theo Hoàng Thiên Nga (Báo Tiền Phong)
Du lịch, GO!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét