Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng vừa ký ban hành Thông tư số 91/2015/TT-BGTVT cho phép tăng đáng kể tốc độ tối đa khi chạy ôtô và xe máy trên nhiều loại đường nội đô và ngoài khu dân cư so với quy định hiện hành.
Sau một thời gian lấy ý kiến và nhận được sự ủng hộ đông đảo của người dân cũng như các chuyên gia, Thông tư số 91/2015/TT-BGTVT ngày 31/12/2015 quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ đã chính thức được ban hành và sẽ có hiệu lực từ ngày 1.3.2016.
Thông tư này đưa ra một số quy định mới về tốc độ và khoảng cách của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng khi tham gia giao thông đường bộ, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định của pháp luật và có giá trị thay thế Thông tư số 13/2009/TT/BGTVT ngày 17/7/2009 của Bộ trưởng Bộ GTVT quy định về tốc độ và khoảng cách của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ.
Theo đó, tốc độ tối đa cho phép xe cơ giới tham gia giao thông trên đường bộ trong khu vực đông dân cư được chia theo hai loại đường, không phân biệt theo nhóm xe như trước và tăng thêm 10km/h tương ứng với mỗi loại đường.
Cụ thể, trong khu vực đông dân cư với đường đôi (có dải phân cách giữa); đường một chiều có từ 2 làn xe cơ giới cho phép xe cơ giới (gồm xe ô tô; máy kéo; rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo; xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh trở lên) chạy với tốc độ tối đa là 60km/h; Với đường hai chiều không có dải phân cách giữa; đường một chiều có 1 làn xe cơ giới, các xe cơ giới được chạy với tốc độ 50km/h.
Với đường bộ ngoài khu vực đông dân cư (trừ đường cao tốc), thông tư 91 vẫn chia tốc độ theo 4 loại xe như thông tư số 13/2009/TT-BGTVT hiện hành nhưng tăng tốc độ tối đa cho phép lên 10km/h cho xe cơ giới chạy trên đường đôi có dải phân cách giữa và giữ nguyên mức hiện hành với đường không có dải phân cách giữa, đường một chiều có 1 làn xe.
Với xe máy chuyên dùng, xe gắn máy (xe 2, 3 bánh có lắp động cơ đốt trong có dung tích xy lanh không lớn hơn 50cm3 và tốc độ thiết kế lớn nhất không quá 50km/h), kể cả xe máy điện và các loại xe tương tự khi tham gia giao thông trên đường bộ (trừ đường cao tốc) thông tư 91 quy định tốc độ tối đa được xác định theo báo hiệu đường bộ và không quá 40 km/h.
Về khoảng cách an toàn giữa hai xe khi tham gia giao thông trên đường, thông tư 91 quy định khoảng cách khi mặt đường khô ráo như sau:
Khi điều khiển xe chạy với tốc độ từ 60 km/h trở xuống, trong khu vực đô thị, đông dân cư, người lái xe phải chủ động giữ khoảng cách an toàn phù hợp với xe chạy liền trước xe của mình; khoảng cách này tùy thuộc vào mật độ phương tiện, tình hình giao thông thực tế để đảm bảo an toàn.
Khi trời mưa, có sương mù, mặt đường trơn trượt, đường có địa hình quanh co, đèo dốc, người lái xe phải điều chỉnh khoảng cách an toàn thích hợp lớn hơn khoảng cách an toàn ghi trên biển báo hoặc lớn hơn khoảng cách khi đường khô ráo.
Thông tư 91 cũng đưa ra các quy định cụ thể về tốc độ trên các đường nhánh ra, vào đường cao tốc, trường hợp đặt các biển cảnh báo hoặc biển hạn chế tốc độ. Theo đó, ở những điểm này, giá trị tốc độ ghi trên biển cảnh báo, biển hạn chế tốc độ không được dưới 50 km/h.
Việc đặt biển báo hiệu "Bắt đầu khu đông dân cư" và biển báo hiệu "Hết khu đông dân cư" thực hiện theo quy định của pháp luật về báo hiệu đường bộ và phải căn cứ vào tình hình dân cư thực tế hai bên đường bộ và thông tư quy định không đặt biển báo hiệu khu đông dân cư đối với các đoạn tuyến chưa đô thị hóa, dân cư thưa thớt và tầm nhìn không bị hạn chế.
Thông tư 91 cũng bổ sung quy định về trọng tải nhằm thống nhất cách hiểu còn khác nhau, gây nhiều tranh luận giữa lái xe và cảnh sát giao thông trong thời gian qua.
Theo đó, trọng tải được thông tư giải thích là khối lượng hàng hóa cho phép chuyên chở được xác định theo Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
Những điều chỉnh quan trọng này được đánh giá là phù hợp với sự phát triển của hệ thống đường xá cũng như phương tiện cơ giới tại Việt Nam. Trước đó, trong cuộc họp tổng kết Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng từng khẳng định việc đường xá tốt hơn, mới hơn, phương tiện hiện đại hơn mà vẫn duy trì mức tốc độ hạn chế cũ là không hợp lý. Ông cũng yêu cầu Tổng cục Đường bộ và các Sở GTVT phải xử lý những biển báo bất hợp lý để giảm bức xúc của người dân.
Theo Báo Lao Động
Du lịch, GO!
Điền Gia Dũng: Vậy là một số tỉnh lộ ở Đồng Nai hồi trước bọn mình đi phượt bị tuýt còi vì chạy 50km/h thì nay không bị phạt nữa. Đây là điều rất đúng vì nhiều tuyến đường mới, vắng xe lại rộng rãi nhưng cứ rề rề 40km thì biết bao giờ mới tới? Rốt cuộc ráng 'bò' hết địa phận Đồng Nai thì tăng tốc 'chút đỉnh' để bù vào. Tin vui cho dân phượt đấy nhé!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét