Thác Pác Hảu thuộc xã Sơn Phú (Nà Hang). Pác Hảu (theo tiếng địa phương là thác quả bứa) gồm 5 tầng, mỗi tầng đều ẩn chứa trong nó một vẻ đẹp riêng để khám phá. Theo lời của các hướng dẫn viên thuộc Ban quản lý du lịch sinh thái Nà Hang thì hầu như rất ít người đã leo được tới cùng của con thác do mùa hè nước chảy rất mạnh, lại không có nhiều phương tiện hỗ trợ.
Nhưng vì sao con thác có tên thác quả bứa? Nhiều người địa phương giải thích, vì trước hết đường lên thác có rất nhiều cây bứa, một loại cây cho trái thường được người dân đem về nấu canh chua. Mặt khác, đồng bào dân tộc thiểu số ở đây thường đặt tên các con thác, ngọn núi dựa vào những đặc điểm chính dễ nhận biết nhất, nên các tên gọi thường ngắn gọn và đơn giản.
Nằm ngay trên tuyến đường từ thị trấn đến xã Sơn Phú, thác Pác Hảu vào mùa hè như một lời mời gọi hấp dẫn khiến khách đi đường không thể không dừng bước nghỉ ngơi, ngắm cảnh.
Rất nhiều du khách bất ngờ khi ngay trên đường vẫn có thể ngắm cảnh, chụp ảnh với con thác này ngay trên cầu Pác Hảu. Chị Vũ Minh Châu, một du khách đến từ Hà Nội không ngớt lời trầm trồ khi được nhìn ngọn thác sừng sững đổ ào từ trên cao xuống như một dải lụa mềm mại, hấp dẫn.
toimedulich
Với những du khách ưa thích các địa điểm du lịch khám phá thì Pác Hảu là một gợi ý lý tưởng. Chưa chịu bất cứ một tác động nào từ con người, thác Pác Hảu lôi cuốn mọi người bởi chính vẻ hoang sơ của nó. Để lên được đến tầng trên cùng, đòi hỏi những người đến khám phá phải có bản lĩnh, vì ngoài dây rừng, không có bất cứ một phương tiện phụ trợ nào giúp họ.
Thêm vào đó, thời gian trước đây những người dân địa phương đến đây khai thác vàng đã để lại một hệ thống hang động nhân tạo nhưng khá kiên cố, đẹp mắt. Thời gian tới, Ban quản lý du lịch sinh thái Nà Hang sẽ khảo sát thêm các hang nằm sâu trong khu vực thác và xây dựng kế hoạch đưa vào chương trình tham quan cho du khách như một điểm du lịch khám phá, để du khách có thể tự tìm hiểu, tự khám phá thêm vẻ đẹp nơi này.
Trong tương lai, Pác Hảu hứa hẹn sẽ là một điểm du lịch hấp dẫn du khách tham quan khi có dịp đặt chân tới đây.
Theo Di Tích Lịch Sử Văn Hóa
Du lịch, GO!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét