Những ngày cận Tết Bính Thân, làng nghề se nhang xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh (TP.HCM) lại nhộn nhịp, đông vui khi có rất nhiều các nghệ nhân và những phụ nữ, trẻ em,... tất bật “chạy đua” với thời gian để kịp đưa ra những bó nhang cho thị trường ngày Tết.
Đến làng nghề se nhang Lê Minh Xuân, từ đầu hẻm, chúng tôi đã cảm nhận được hương thơm từ trầm, quế,... được phát ra từ những bó nhang phơi giữa trời xuân. Ghé vào nhà một hộ dân, các bà, các chị tất bật se nhang, các anh thì khẩn trương bưng vác nhang đi phơi, không khí nhộn nhịp trong tiếng cười nói rôm rả một góc trời.
Theo các cụ trong làng, nghề làm hương tại đây đã tồn tại hơn 80 năm, trải qua nhiều thăng trầm, sóng gió vẫn quyết giữ nghề.
Đây được coi là nghề chính của nhiều hộ gia đình nhưng cũng có không ít hộ xem việc làm hương như việc tranh thủ lúc rảnh rỗi, nông nhàn, để lưu giữ nét văn hóa truyền thống của nghề mà cha ông để lại. Từ đứa trẻ cho đến những cụ già, ai ai cũng thuộc nằm lòng quy trình sản xuất các loại hương mang mùi thơm đặc trưng.
toimedulich
Anh Nguyễn Xuân Long (45 tuổi, ngụ xã Lê Minh Xuân, H. Bình Chánh) cho biết: “Từ lúc bé, tôi đã được cha mẹ dạy cách làm nhang. Thủa ấy, trên mọi con đường vào làng, đi đâu cũng thấy sắc vàng và đỏ của nhang. Rồi không biết từ khi nào, mùi hương của nhang đã “ăn sâu” vào tim tôi. Lớn lên, tôi được ông bà truyền lại và gắn bó với nghề se nhang đến hiện nay”.
Được biết, toàn bộ nhang được sản xuất từ xã Lê Minh Xuân, đều được làm bằng phương pháp thủ công. Cung cấp cho thị trường trong nước với giá từ 20.000 – 40.000 đồng/ bó, tùy thuộc vào loại hương nhang mà phân loại.
Để làm ra một bó nhang phải trải nhiều công đoạn như: chuẩn bị bột nhang được làm từ bọt gỗ, trấu xay nhuyễn sau đó phơi khô. Công đoạn trộn bột nhang là bước quan trọng nhất nó quyết định sự thành công của bó nhang.
Bột nhang phải mịn, độ ẩm phải đạt yêu cầu, màu sắc và hương thơm của nhang phải hài hòa. Tiếp đó là công đoạn se nhang, đòi hỏi người se phải khéo tay, mà khi đưa nhang đi phơi khô không bị vỡ. Cuối cùng là khâu đếm số lượng nhang và đóng gói.
toimedulich
Theo Cụ Năm (68 tuổi), ngày xưa máy móc chưa có, người se nhang đều làm bằng tay. Giờ thì rất ít người se nhang bằng tay, thường người ta dùng máy se cho nhang, mà các cây nhang cũng đều và đẹp hơn, tiết kiệm được rất nhiều thời gian.
Nét đặc trưng sản phẩm của làng nghề Lê Minh Xuân là bột hương được làm từ 2 hỗn hợp chính: Bột quế, trấu và mùn cưa.
Tùy vào phương pháp tinh chế, nhào trộn của từng hộ gia đình mà người làm hương tạo nên các loại hương đặc hiệu cho riêng mình như hương trầm, hương quế... Điểm chung của các loại hương tại đây đều có mùi thơm dễ chịu, tốc độ cháy chậm và không gây hại tới sức khỏe nên rất chuộng khách hàng.
Mùa xuân về, cây cối đâm chồi, nẩy lộc, trong không khí ấm áp của mùa xuân, làng nghề se nhang Lê Minh Xuân đã mang đến cho thị trường Tết những sản phẩm tươi mới hơn, những mẫu mã kiểu dáng đẹp hơn.
Theo Khám Phá, ảnh Dân Việt
Du lịch, GO!
Nghề làm nhang truyền thống tại đây có từ lâu đời theo hình thức kinh tế hộ gia đình. Nghề tuy không mang lại cuộc sống giàu sang cho người dân nhưng cũng giúp nhiều người tại đây thoát nghèo. Đối với những người lao động là phụ nữ, người già yếu thì vẫn có thể se nhang được. Đó cũng chính là lý do tại sao làng nghề se nhang tại xã Lê Minh Xuân tồn tại được suốt mấy chục năm qua.
Theo Hội Nông dân xã Lê Minh Xuân, làng nghề se nhang tại xã được thành phố công nhận là làng nghề truyền thống từ năm 2012. Hiện tại xã đã hình thành được 3 tổ hợp tác se nhang, với số lượng hơn 150 hộ. Ngoài ra, tại đây còn có nhiều hộ tự mở cơ sở, đầu tư máy móc để lưu giữ và phát triển nghề.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét