Thứ Tư, 6 tháng 1, 2016

Mùa mật ong bạc hà

(TTO) - Khi gió mùa đông bắc thổi mạnh khiến cái lạnh đến cắt da cắt thịt bao trùm lên những dãy núi đá tai mèo lởm chởm ở đất Mèo Vạc (Hà Giang) thì cũng là lúc hoa bạc hà nở rộ khoe sắc tím ngắt: báo hiệu tràn trề mật. Và đã từ nhiều năm nay mùa mật ong bạc hà trở thành một nghề mang lại cơm áo, gạo tiền cho bà con nơi đây.

Nuôi ong du mục

Những ngày này dọc con đường Hạnh Phúc, đường từ trung tâm huyện đi vào các xã Cán Chu Phìn, Lủng Pù, Khâu Vai (Mèo Vạc) dễ bắt gặp cảnh những lều lán được người dân dựng lên để nuôi ong quay mật hoa bạc hà.
Dân nuôi ong coi việc du mục, chọn được vị trí tốt sẽ quyết định đến bội thu hoặc thất thu mật. Hoa bạc hà nở đến đâu thì lều lán lại được dựng lên ở đó và hoa tàn nơi này, thợ mật lại tìm đến khu vực khác.

Thời tiết nắng ấm hoa cũng rất nhanh tàn nên công việc du mục theo hoa thường diễn ra rất nhanh...

Người lâu năm trong nghề chia sẻ nuôi ong bạc hà nhanh thu hồi vốn, lãi cao nhưng cũng lắm rủi ro vì ong bị bệnh hoặc thối ấu trùng sẽ chết cả đàn. Ngoài chọn vị trí đặt cầu (thùng làm nơi trú, nhả mật cho ong) người nuôi phải biết cách làm “mũ chúa” để dụ ong ở lại không bay đi.

< Người dân ở xã Lủng Pù dựng lều bạt du mục ngay cạnh con đường liên xã để nuôi ong bạc hà.
toimedulich
Với kinh nghiệm gần 30 năm nuôi ong lấy mật, ông Hà Trọng Nghiệp (63 tuổi, người Tuyên Quang) nói rằng để thu được mật thắng lợi người nuôi ong phải chọn “vị trí vàng” đặt đàn ong. “Không phải cứ nhiều hoa là ong cho nhiều mật” - ông Nghiệp nói.

Một khoảnh đất rộng khoảng vài hecta, cạnh đường liên xã (ở thôn Chó Do, xã Cán Chu Phìn) là nơi ông Nghiệp đặt khoảng 100 đàn ong. Đây là vị trí đắc địa nên mấy năm gần đây cứ đến mùa hoa bạc hà ông lại tới đây thuê đất.

Theo kinh nghiệm, nơi đặt cầu ong phải phù hợp với việc ong đi lấy mật sau đó vừa cất cánh là có thể về tổ nhả mật. Đặt xa quá ong bay mệt nên khi về đến tổ sẽ không còn mật, còn nếu đặt cạnh nơi có nhiều hoa thì ong không chịu đi làm.

Năm nay ong bạc hà được mùa nên ông Nghiệp thuê thêm hai nhân công để trông coi, những ngày vắt mật ông còn phải thuê thêm 3-4 người nữa để phụ giúp. Dự kiến ông sẽ cung cấp ra thị trường khoảng 700 lít mật, trừ mọi chi phí chỉ sau khoảng hai tháng ông thu lãi 150.000.000 đồng.

< Anh Thào Mí Chá (22 tuổi, người dân tộc Mông) ở Mèo Vạc kiểm tra cầu ong giữa đồng hoa bạc hà.

Đoạn đường từ xã Lủng Pù vào xã Khâu Vai nhiều người dân địa phương, thầy cô giáo cắm bản cũng kiếm thêm thu nhập bằng nghề nuôi ong du mục, vị trí đặt cầu là nơi hoa bạc hà đang bung nở.

Anh Trao (27 tuổi, người nuôi ong) chia sẻ mùa ong năm trước gia đình anh có hơn 10 đàn, nhưng do đặt vị trí không phù hợp, gió thổi mạnh nên ong lười bay “đi làm” khiến lượng mật thu được không nhiều.

Rút kinh nghiệm năm nay anh đặt ở một vị trí khuất gió và cách nơi để cầu khoảng 500m đến 1km có rất nhiều hoa.

“Thời tiết thuận lợi trừ mọi chi phí gia đình mình sau vụ ong thu về khoảng 30 triệu đồng. Vợ mình bảo tiền dư được mua thêm con bê nuôi lấy sức kéo...” - anh Trao vui mừng nói.
toimedulich
Sau khi hoa bạc hà ở xã Pải Lủng tàn, hai thanh niên người dân tộc Mông là anh Thào Mí Chá (22 tuổi) và Mùng Mí Tính (20 tuổi, cùng ở huyện Mèo Vạc) tức tốc ra trung tâm huyện thuê xe tải di chuyển hơn 50 đàn ong tới nương ngô vừa thu hoạch, có hoa bạc hà đang chớm nở ở xã Pả Vi.

< Hai thanh niên trẻ người dân tộc Mông là anh Thào Mí Chá (22 tuổi) và anh Mùng Mí Tính (20 tuổi, cùng ở huyện Mèo Vạc) quay mật luôn tại nơi đặt cầu ong.

Không chỉ mang chăn màn hai thanh niên còn mang theo cả đồ dùng cá nhân từ cái bát, đôi đũa đến bếp gas và dựng lều ngay tại nơi đặt cầu để tiện cho việc sinh hoạt.

Anh Chá bảo do chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc nuôi ong nên trước khi đặt cầu phải thay nhau đi “dò la” kỹ vì nếu đặt “nhầm” thì có thể sẽ trắng tay...

Xóa đói nghèo từ ong

Trên đường qua các sườn núi dốc thẳng đứng vào thôn Há Súng (xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc) cán bộ trẻ Mùng Mí Xá, hiện đang là chủ tịch Hội Nông dân xã Pả Vi, tâm sự: “Cứ vào mùa khô là đồng nghĩa với việc bà con phải chắt chiu từng giọt nước do hạn hán. Nhưng bù lại từ những dãy núi, nương ngô đã thu hoạch hoa bạc hà bắt đầu mọc và trổ bông.

Nếu không đến tận nơi nuôi ong thì khó tưởng tượng được những lít mật thơm mát, bổ dưỡng, có vị ngọt thanh tự nhiên lại được lấy ra từ những bông hoa tím mọc ở nơi thời tiết vô cùng khắc nghiệt...”.

< Ông Hà Trọng Nghiệp (bìa phải, quê Tuyên Quang) đang nhờ xe gửi mật ong về Hà Nội.

Thôn Há Súng vẫn chưa có điện do nằm cách biệt bởi nhiều quả núi lớn chắn ngang nhưng đến nay kinh tế của thôn đã khá lên nhiều từ việc mạnh dạn đầu tư vào ong.
toimedulich
Anh Sùng Mí Chía (30 tuổi, bí thư chi bộ thôn) kể trước đây cuộc sống người dân thiếu thốn cả năm cái ăn, cái mặc dựa hết vào một vụ ngô trên nương. Một vài năm gần đây dân bản mới hết đói, có vốn để ra là nhờ vào nuôi ong bạc hà.

Gia đình anh năm nay nuôi 25 đàn là ong rừng tại địa phương được tách từ đàn lớn để nhân giống. Tuy chưa hết mùa nhưng đã cho hơn 60 lít mật, mỗi lít bán tại nhà giá 350.000 đồng. Có tiền, anh sửa lại ngôi nhà dột nát trước đây và mở rộng thêm mái hiên để đổ bêtông, lợp fibrô ximăng kiên cố.

“Ngày trước chưa có tiền hai đứa nhỏ đi học lo lắm nhưng bây giờ thì lại động viên cho chúng nó đến lớp đều đặn để kiếm lấy cái chữ” - anh Chía cười tươi khoe.

< Hoa bạc hà.

Cách nhà anh Chía không xa là gia đình bà Giàng Thị Vàng (56 tuổi, thâm niêm 12 năm nuôi ong) có 56 đàn ong. Cũng nhờ nuôi ong nên vợ chồng ông bà đã “dựng vợ, gả chồng” cho con. “Nghề này làm ăn có tiền nên bọn mình còn bảo mấy đứa con nuôi ong phát triển kinh tế” - bà Vàng nói.

Trong lúc quay mật, chị Giàng Thị Lu nhớ lại: “Mình về đây làm con dâu thời gian đầu cũng được bố mẹ tập cho nuôi ong, nhưng do thiếu kinh nghiệm vậy là mất đàn ong làm vốn không hiểu vì lý do gì bay đi hết. Lúc đó vợ chồng chỉ biết khóc thôi nhưng rồi cứ tự động viên nhau. Năm nay từ tiền nuôi ong vợ chồng mình đã mua thêm được bò để vỗ béo”.

Là cán bộ trẻ đang giữ chức phó chủ tịch UBND xã Cán Chu Phìn, Sùng Mí Chả cũng mạnh dạn góp vốn với người thân để đầu tư vốn nuôi 40 đàn. Theo anh Chả, năm nay là năm được mùa ong bởi thời tiết rất thuận lợi. Giá bán tại nhà đang dao động ở mức 400.000 đồng/lít.

“Mật không có mà bán vì được lít nào là có thương lái đến tận bản để lấy. Mình là cán bộ ở địa phương nên bản thân có phát triển kinh tế hiệu quả thì bà con dân bản sẽ học theo...” - anh Chả nói.

< Mật ong bạc hà được chế biến thủ công và tỉ mẩn.

Ông Cao Huy Chương, bí thư xã Pả Vi, cũng cho biết trước đây ông cũng là người nuôi ong. Theo ông, không chỉ riêng xã Pả Vi mà ở huyện vùng cao Mèo Vạc nuôi ong phát triển kinh tế nhanh nhất, bởi ong không phải chăm sóc mà chỉ mất tiền vốn đầu tư mỗi đàn khoảng 600.000 đồng. Hiện trên địa bàn xã Pả Vi có khoảng 431 đàn, thu 5-6 lít mật/đàn.

Theo chỉ đạo của huyện Mèo Vạc, sang năm 2016 dự kiến có những hỗ trợ cho vay vốn không lãi suất cho người dân nuôi ong, đồng thời thành lập nhóm “Sở thích nuôi ong” để cán bộ có chuyên môn hướng dẫn cách nuôi cũng như phòng bệnh, phát triển đàn ong bản địa.

Cây bạc hà huyền bí
toimedulich
Người dân bản địa nói rằng chỉ biết hoa bạc hà cho mật dồi dào chứ không ai biết nguồn gốc về loài cây mọc tự nhiên này. Theo tiếng của người dân bản địa - dân tộc Mông - hoa bạc hà có tên pả rau rì và có ba loại: trắng thân vuông, tím thân tròn (chiếm diện tích nhiều nhất), một má.

Hoa mọc tự nhiên vào thời điểm gieo trồng vụ ngô thứ hai và nở hoa khoảng tháng 11 đến hết tháng 1 dương lịch năm sau. Phòng NN&PTNT huyện Mèo Vạc cho biết đơn vị này đang tham mưu với UBND huyện Mèo Vạc để phát triển loại hoa bạc hà bằng cách xóa diện tích trồng ngô vụ hai kém hiệu quả để nhường đất phát triển hoa.

Ông Lý Xuân Rắng - trưởng Phòng NN&PTNT huyện Mèo Vạc - cho biết nuôi ong du mục từ nguồn hoa bạc hà được du khách đón nhận như một trong những sản phẩm đặc sắc nhất của vùng cao nguyên đá và mật ong đã được tiêu thụ tại nhiều tỉnh thành lớn trong cả nước như Hà Nội, TP.HCM.

Mật ong bạc hà đang được nhiều đơn vị mua để phục vụ mục đích làm thuốc chữa bệnh như: bệnh đau dạ dày, ho, dinh dưỡng cho người muốn tăng cân... Hiện nay trên địa bàn huyện có 853 hộ nuôi ong trên tổng số 8.533 đàn.

Theo QUANG THẾ (Báo Tuổi Trẻ)
Du lịch, GO!

Mùa ong trên miền cao nguyên đá
Mật ong bạc hà nơi cực Bắc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét