(TTO) - Với cái tên “dữ dằn”, quần đảo Hải Tặc bây giờ lại là những hòn đảo mang vẻ đẹp hoang sơ gắn với cuộc sống yên ả ở vùng biển Tây Nam. Đây cũng là một điểm du lịch thú vị dành cho những ai thích khám phá.
Những chuyến tàu chợ
“Tàu này về tới Hòn Tre. Sang mấy “hòn” khác của đảo Hải Tặc phải tự mướn ghe. Không có tàu khách đâu!” - chị Ngọc Thu, khách đợi tàu, nói với chúng tôi. Đã quá quen thuộc, chị nói chắc nịch: “Hơn nửa tiếng nữa tàu mới chạy”.
Lúc này là 14g. Cái nắng nóng hổi của miền biển như táp thẳng vào mặt. Trên con tàu gỗ hình dáng như ngôi nhà nhỏ, cánh đàn ông cởi trần hùng hục vác từng thùng hàng, phuy nước, bao gạo... nặng trĩu. Họ lom khom nghiêng mình để lọt vào được khoang tàu. Xe máy, xe đạp, cây giống - hầm bà lằng mọi thứ hàng hóa lần lượt được chuyển lên tàu.
14g30, tàu nổ máy rền rĩ, bắt đầu nhổ neo. Tiếng máy tàu inh tai nhưng không át nổi tiếng trò chuyện rôm rả của hành khách trên tàu. Xen lẫn vào đó là tiếng chó con oăng oẳng, tiếng gà chiêm chiếp đang bị nhốt trong giỏ. Con tàu chuyển mình, dần bỏ lại khung cảnh nhộn nhịp của đất liền.
Phía trước tàu, những dãy ghế khách đã lấp kín. Phần sàn tàu nhẵn bóng phía sau cũng đông đen người ngồi, kẻ nằm. Người đàn ông tầm 40 tuổi kê chiếc cặp táp sau gáy, nói: “Cứ ngủ một giấc là tới nơi. Chừng hơn một tiếng”. Anh cho biết mình tên Tuấn, là cư dân của đảo Hòn Tre Lớn. Lúc này anh mới tiết lộ lý do lúc gặp trên bến tàu, anh cứ nhìn chăm chăm rồi hỏi chúng tôi từ đâu tới: “Đảo này ngót nghét vài trăm nóc nhà. Dân đây quen mặt thuộc tên nhau hết. Nhìn ai lạ biết liền”.
Cạnh chúng tôi là chị Nguyễn Ngọc Liên (50 tuổi) ngồi bó gối thu lu nhìn ra biển. Chị kể gia đình ra đảo đã mấy chục năm. Hồi ở đất liền (thị xã Hà Tiên) kinh tế khó khăn quá. Thấy ở đảo đi ghe, đánh cá... dễ kiếm tiền hơn nên gia đình dọn ra đảo sống.
Chị Liên mới đi chợ về, bên cạnh chị nào là rau củ, trái cây, đồ dùng hằng ngày... Chị bảo ở đảo một lần đi chợ rất gian nan vì mất nguyên ngày. Vì thế đã cất công đi, chị cố gắng mua một lần về nhà xài dần.
toimedulich
Sáng 9g đi tàu từ Hòn Tre vào đất liền (Hà Tiên), chiều 14g30 từ Hà Tiên về lại. Mỗi ngày chỉ có một lượt tàu đi, về. Chị cho biết trước đây ra vô đảo có hai con tàu, nhưng hiện một chiếc đã ngừng chạy để tu sửa.
Cuộc sống của cư dân quần đảo Hải Tặc ở phía Nam đất nước gắn liền với chuyến tàu biển thế này. Tất cả lương thực, thuốc men, vật dụng cần thiết cho cuộc sống đều có mặt khi mỗi chuyến tàu cập đảo.
Đổi thay làng chài
Cuộc sống yên bình nơi đảo Hòn Tre mỗi ngày sôi động hai lần nhờ chuyến tàu rời và cập cảng. Hơn một giờ đi qua, con tàu gỗ chậm chạp ngang qua những hòn đảo nhỏ xanh rì, thẳng hướng hòn đảo lô nhô những nóc nhà bờ biển. Tàu chuẩn bị cập chân cầu cảng. Hành khách ngồi dậy, chuẩn bị đồ đạc lên bờ.
Những chiếc xe gỗ hai bánh chuyên để kéo hàng đã đậu sẵn trên cầu cảng. Xe máy ra đón người nhà cũng chen kín. Rất nhanh chóng, hàng hóa được vác ra, chất lên xe kéo. Cầu cảng huyên náo, nhộn nhịp hẳn.
“Hòn Tre bây giờ đông vui rồi” - ông Tâm Hồng, người sống trên đảo mấy chục năm, nhận xét. Trong ký ức ông vẫn không thể quên: “Những năm bộ đội đánh nhau với Pol Pot, do giáp Campuchia nên người dân trên đảo Hòn Tre Lớn phải sơ tán hết ra đảo Hòn Heo”. Ngày đó rất ác liệt. “Pháo kích tóe sáng trên trời. Nửa đêm tui phải lôi mấy đứa em xuống hầm trú. Bà nội tui bị đạn rớt trúng đùi trái máu chảy ròng ròng” - chị Nguyễn Thị Lệ Thu (50 tuổi), sống ở đảo, kể lại.
Yên bình rồi người dân quay về đây sinh sống. Ông Tâm Hồng vẫn nhớ những năm 1980 cả Hòn Tre Lớn này chỉ có hơn 20 nóc nhà.
Rồi cứ thế, vì dễ làm ăn nên hòn đảo này cư dân dần đông đúc. Chỉ những nóc nhà tụ lại thành một làng chài ven biển, ông Tăng Hồng Phước, chủ tịch UBND xã Tiên Hải, cho biết dân đảo phần lớn làm nghề khai thác, đánh bắt thủy sản. Khi nguồn thủy sản cạn dần, ngư dân chuyển sang nuôi trồng thủy sản.
toimedulich
Ngồi nghỉ trước cửa nhà, anh Nguyễn Văn Trường cho biết: “Tui ít ở nhà, tối ngày ở ngoài lồng bè miết. Lâu lâu mới đảo qua nhà”.
Anh cởi trần, vận mỗi chiếc quần tây cũ mèm, nước da đen bóng. Anh bảo trước đây đi ghe đánh bắt, giờ chuyển qua làm lồng bè nuôi trồng, đêm đêm anh đi lặn biển bắt ốc. “Đi lặn vô chừng lắm, ngày dăm vài chục có, ngày bốn, năm trăm ngàn đồng cũng có” - anh cười hề hà phóng khoáng bảo thế là sống được rồi.
Cuộc sống trên đảo dần thay đổi như lời ông Tâm Hồng: “Trước kia ở đảo toàn nhà lá xu xơ. Giờ đã có nhiều nhà tường”.
Dạo một vòng quanh đảo Hòn Tre Lớn, phần lớn là những căn nhà xây gọn gàng mọc lên ngày càng nhiều. Mấy chục năm đi ghe lăn lộn, giờ về mở một quán tạp hóa nho nhỏ, gia đình ông Tâm Hồng cũng cất được “nhà tường” khang trang hướng ra biển mát rượi.
Bao quanh đảo Hòn Tre Lớn giờ là một con đường bêtông khép kín dài 7km, một bên là núi non xanh hùng vĩ, một bên là biển cả xanh rì. Đảo cũng đã có trường dành cho học sinh cấp I, cấp II khang trang. “Điện sinh hoạt phát từ nguồn máy diesel, thời gian phát điện bảy giờ mỗi ngày: sáng từ 8g-10g, chiều 17g-22g. Nhiều gia đình có điều kiện đã tự trang bị máy phát điện dự phòng” - ông Phước cho biết.
Ngư dân trên đảo nói rằng cuộc sống ở đây yên bình, thanh thản, không có những bon chen. Và cái tình người trên đảo đầy ắp, gắn mọi người như anh em một nhà. Như lời anh Nguyễn Văn Trường: “Sống trên đảo tình người cao hơn những chỗ khác. Có nhiều người đêm hôm bệnh đột xuất. Người có ghe sẵn lòng chở ngay vô đất liền mà không lấy đồng tiền công” - anh nói.
“Homestay” trên đảo Hải Tặc
Cái tên quần đảo “Hải Tặc” tự gợi cho du khách sự tò mò. Thêm thế mạnh của quần đảo này là có những hòn đảo còn nguyên vẻ hoang sơ, bãi biển đẹp, thị xã Hà Tiên đang đẩy mạnh phát triển du lịch ở đây.
toimedulich
Hiện nay có rất nhiều công ty du lịch tổ chức tour du lịch Hà Tiên - quần đảo Hải Tặc với những lời quảng cáo: “Khám phá quần đảo - nơi ẩn náu của những tên cướp biển khét tiếng, nghe kể về huyền thoại những băng cướp, trải nghiệm cảm giác thật khi tham gia “game show” cướp biển” đã thu hút du khách.
Ông Tăng Hồng Phước, chủ tịch xã, cho biết: “Hiện nay lượng khách đến đảo Hải Tặc mỗi năm khoảng 3.000 lượt. Những dịp cuối tuần, lễ tết rất đông. Cả đảo Hòn Tre có ba nhà trọ với 13 phòng trọ nhưng không đủ phục vụ. Nhiều khi khách phải nghỉ lại ở nhà dân, trường học, đồn biên phòng” .
Ông Phước cho biết thêm: “Hiện nay ở đảo đã thử nghiệm mô hình du lịch “homestay” - du khách cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng chơi với người dân bản địa. Du khách đến đây sẽ được ở nhà dân, tìm hiểu cuộc sống người dân, đi tham quan lồng bè nuôi trồng thủy sản, đi ghe đánh cá, câu mực, lặn biển...”.
Theo Minh Phượng, Yến Trinh (Tuổi Trẻ)
Du lịch, GO!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét