Tây Bắc hấp dẫn du khách bởi núi non hùng vĩ và những cung đường hiểm trở đầy thách thức. Bên cạnh đó chính là thiên nhiên tuyệt sắc và vẻ đẹp nên thơ của những bản làng vắt vẻo trên vùng núi cao. Dù đến Tây Bắc mùa nào trong năm, du khách đều không khỏi ngẩn ngơ động lòng trước vẻ đẹp của vùng đất này.
< Những mái nhà dân tộc đơn sơ trên triền dốc.
Theo kế hoạch đầy ngẫu hứng, chuyến đi Tây Bắc của nhóm chúng tôi kéo dài ba ngày, khởi hành từ Hà Nội đi Mộc Châu, sau đó đi Mường La, qua thị trấn Ít Ong, ngang qua thủy điện Nậm Chiến rồi đến xã Ngọc Chiến thăm bản Lướt. Ngày cuối sẽ ngang qua Nậm Khắt (Mù Cang Chải) đến đèo Khau Phạ rồi đi Tú Lệ, Văn Chấn, Thu Cúc Thanh Sơn thẳng tiến về Hà Nội.
Kể thì dông dài nhưng thực ra điểm chính phải thăm bản Lướt, xã Ngọc Chiến tắm suối nước nóng tự nhiên và bản Lìm Mông, Lìm Thái nổi tiếng nằm giữa lưng chừng trời.
Ngày đầu hành trình, chúng tôi dừng chân và nghỉ đêm ở Mộc Châu. Hôm sau, chuyến đi gian nan bắt đầu. Vượt đoạn đường khoảng 20km từ thành phố Sơn La đến thị trấn Hát Lót, chúng tôi rẽ vào Tà Hộc, xuôi theo đường về Mường Chum, Mường Bú rồi rẽ vào Mường La.
Đường từ Mường Bú vào Mường La là tỉnh lộ đã được tráng nhựa nên khá dễ đi. Hai bên đường là khu vực trồng ngô và lúa hòa mình vào núi đồi trùng điệp.
< Ruộng bậc thang đẹp như tranh vẽ ở Mù Căng Chải.
toimedulich
Đoạn đường từ thủy điện Nậm Chiến vào xã Ngọc Chiến là khó đi nhất, toàn đá và dốc. Một bên là vách núi, một bên là hồ chứa nước đập thủy điện. Khu vực này khá heo hút, chỉ có vài nhà dân rải rác hai bên đường. Nhờ phong cảnh tuyệt đẹp, chúng tôi thong dong nhìn ngắm quên cả đoạn đường khó khăn phía trước.
Qua những con đường gập ghềnh, những thửa ruộng bậc thang bạt ngàn và những con suối trong vắt, chúng tôi đến Ngọc Chiến vào giữa trưa. Là một xã vùng sâu thuộc huyện Mường La, Sơn La, xã Ngọc Chiến nằm ở độ cao trung bình trên 1.800m so với mực nước biển có thời tiết mát mẻ quanh năm được ví như Đà Lạt thứ hai.
< Từ đèo Khau Phạ nhìn xuống bản Lìm Mông, Lìm Thái mờ sương.
Ở đây ngoài nguồn nước khoáng nóng nổi tiếng còn hấp dẫn bởi các đặc sản địa phương như: rượu cần, rượu táo mèo, xôi sắn, cơm lam, thắng cố, thịt nướng, cá nướng, rau cải mèo… Và trên hết, là vẻ đẹp hoang sơ nhưng hùng vĩ khiến người ta phải ngẩn ngơ. Giữa tiết trời mát mẻ, những ngôi nhà sàn đã nhuốm màu thời gian ẩn hiện bên những thửa ruộng lúc vàng, lúc xanh đẹp như tranh vẽ.
toimedulich
Người Ngọc Chiến thường dựng nhà sàn bằng gỗ pơ mu, loại gỗ rừng đặc trưng của địa phương mà nhiều đại gia có tiền cũng không mua nổi. Có những ngôi nhà mới vẫn còn mùi gỗ thơm phưng phức, ánh lên màu vàng của sơn vécni; có những ngôi nhà sàn cổ kính, gỗ nhuộm màu thời gian đã xám sẫm đôi chỗ rêu phong phủ kín. Nhiều phòng tắm khoáng nóng ở đây cũng dựng bằng loại gỗ này.
< Ánh mắt ngây thơ của trẻ em vùng cao.
Theo người dân ở đây gỗ pơ mu đặc biệt ở chỗ chúng tỏa ra mùi thơm đặc trưng có tác dụng xua đuổi muỗi và tốt cho sức khỏe.
Sau chuyến hành trình mệt mỏi, chúng tôi chọn một nhà nghỉ homestay tại bản Lướt để đắm mình trong làn nước khoáng nóng. Nước khoáng nóng ở đây có vẻ nóng hơn những nơi khác, chừng ba mươi phút ngâm mình, tôi bỏ cuộc đi ngắm cảnh. Trên đường đi, dễ dàng bắt gặp những em bé dân tộc má đỏ hồng đang theo cha mẹ ra đồng hay đang chơi đùa trên triền dốc. Một đêm nghỉ và tắm nước nóng ở đây chưa tới 70.000 đồng một người. Nếu chỉ tắm nước nóng mà không nghỉ đêm, bạn chỉ mất 10.000 đồng.
< Đường vào bản Lướt mênh mang sóng lúa.
toimedulich
Sáng hôm sau, chúng tôi rời bản Lướt tiếp tục hành trình đi Mù Căng Chải. Đường đi khá êm ả và phong cảnh núi non tuyệt đẹp khiến ai cũng mê mẩn. Dừng chân ở xã Nậm Khắt, bản làng vẫn đang im ắng trong làn sương mỏng chờ những tia nắng đầu ngày. Đến gần trưa, sương tan, hơi ấm trải đều khắp thung lũng tạo nên một khung cảnh tràn đầy sức sống. Vài chị em phụ nữ người H’Mông đang nhanh tay bên những mảnh vải thổ cẩm rực rỡ, trong khi trẻ con nô đùa cười vang trên những thửa ruộng vàng ươm.
< Dễ dàng bắt gặp những con suối dọc theo các bản làng.
Cung đường tiếp theo đến đèo Khau Phạ cũng đầy thách thức. Nằm ở xã Cao Phạ, huyện Mù Căng Chải, tỉnh Yên Bái, nơi đây nức tiếng bởi đường đi sườn dốc, hiểm trở, hấp dẫn dân phượt chúng tôi chinh phục.
Vượt qua những con đường dốc vắt vẻo quanh sườn núi, đến trưa, đèo Khau Phạ đã hiện ra trước mắt. Đứng trên đèo, cả đoàn thỏa thích ngắm thung lũng bát ngát màu lúa và những dãy núi uy nghi tráng lệ trong gió lồng lộng.
Cái tên Khau Phạ có nghĩa là sừng trời. Chỉ khi đứng trên đèo uy nghi, nhìn ngắm bản Lìm Mông, Lìm Thái chìm trong sương mờ xa xa, mới hiểu cái cảm giác chênh vênh heo hút giữa lưng chừng trời là thế nào.
toimedulich
Từ trên đèo, chúng tôi thấy khá rõ những mái nhà sàn của bản Lìm Thái bên bờ suối uốn mình giữa mênh mang nương lúa. Phía xa xa, bản Lìm Mông hiện ra vắt vẻo bên sườn núi với những gốc mai, gốc đào già cỗi. Bức tranh tuyệt mỹấy được tô điểm bởi những ruộng bậc thang loang loáng nước đan xen cùng màu lúa lúc vàng, lúc xanh.
Khác với bản Lìm Thái ở vùng trũng, Lìm Mông là bản của người Mông, những con người tự do chỉ quen sống nơi núi cao, thế nên khi cư dân đông đúc hơn, họ lại di chuyển lên vị trí cao hơn. Có lẽ vì thế mà người ta nói, đến bản Lìm Mông là đến tận cùng nên sẽ không có đường dân sinh nữa, chỉ là những con đường đi nương đi rừng mà thôi.
Dù hành trình chinh phục đầy khó khăn, những cung đường hiểm trở và những bản làng mộc mạc giữa thiên nhiên kỳ vĩ luôn khiến Tây Bắc thu hút du khách bất kỳ thời điểm nào trong năm. Đến đây để hiểu cảm giác đi giữa biển vàng sóng lúa, giữa ngút ngàn những mùa hoa thơm rực rỡ và để hiểu cảm giác của những con người tự do đầy kiêu hãnh đang sống giữa lưng chừng trời.
Theo KAZE HOA/DNSGCT
Du lịch, GO!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét