Thứ Ba, 5 tháng 1, 2016

Mùa quách chín

(TTO) - Quậy ly nước màu nâu sền sệt tỏa mùi hương thơm ngát mà những câu chuyện ngày xưa cứ ập về. Đúng rồi, tháng chạp, tháng giêng là mùa quách chín.

Tôi ngừng xe ở vạch chắn dừng tại một điểm dành ưu tiên cho xe lửa chạy. Đó là một con đường nhỏ ở khu vực Phú Nhuận, TP.HCM. Không phải giờ cao điểm nên không có quá nhiều xe. Bỗng tôi nghe một mùi hương trái chín quen phảng phất.
Đang nhìn quanh quất thì bà xã phía sau đập vai, chỉ vào một căn nhà ven đường. Mảnh hè hẹp bày cái rổ nhỏ để trên ghế, kèm theo tấm giấy viết tay gió đang thổi lay lắt: "Trái quách chính hiệu Cầu Kè".

Tôi có nhiều bà con người quê gốc Trà Vinh nên không lạ gì quách (có nơi còn gọi là gáo), một loại cây được người dân vùng Trà Vinh, Sóc Trăng và thường là người gốc Khmer trồng quanh nhà, lấy trái ăn chơi hoặc làm bánh. Trong ký ức tuổi thơ xưa, mỗi dịp giáp tết theo cha về quê nội, tôi hay được gởi tới nhà chú Út, vì chỉ có nhà chú là sàn sàn con nít cỡ tuổi tôi để thím Út dễ trông coi và nấu cơm.

Thím người Khmer nên tính tình rất chân chất, việc thím ưa làm nhất là “mần đại” một món gì đó cho con cháu, khách khứa từ việc tận dụng cây quả trong vườn.

Một món mà thím hay đãi tôi là quách chín dầm nước đá đường. Đầu tiên, thím đảo ra vườn coi có trái quách chín rụng nào còn tươi. Giống như trái sầu riêng, trái quách khi chín tự nhiên sẽ rụng vào ban đêm. Nếu siêng thì sáng ra vườn chỉ việc đến gốc cây lượm, còn không cứ bỏ thí vì có mang ra chợ bán cũng ít ai mua rồi lựa mang vô. Tuyệt đối không hái trên cây vì quách chín hườm hay mới chín bẻ xuống vú ép, trái sẽ hư, cơm không ngon.
toimedulich
Lấy con dao khõ bể vỏ, rồi nạo ruột cho vào ly hay tô tán nhừ. Lúc này mấy chị em chạy u đi mua nước đá với đường trắng. Cho đường và nước đá đập nhuyễn vào, tôi và đám con chú thím sẽ có nguyên một ly cối nước giải nhiệt tuyệt ngon. Thường có hai giống quách, ngọt và chua. Quách chua nhiều xơ, ít bột, ăn chát như ổi non. Quách ngọt chua chua ngọt ngọt, ít hạt.

Cho đến giờ tôi vẫn còn nhớ cảm giác thọt cái muỗng nhôm vào ly, múc một muỗng vun ruột quách kèm đá đưa vào miệng nhai. Muỗng nước mát lạnh có vị chua chua, ngọt ngọt, beo béo của cơm quách, giòn giòn của hạt quách, và nhất là mùi thơm đặc trưng của trái quách chín cứ từ từ lan tỏa vào cuống họng.

Má tôi người Vĩnh Long, bà không thích trái quách, mà lại thích cái vị chua ngọt thanh của mãng cầu xiêm dầm đá đường và sữa đặc. Nhưng khi tiễn tôi theo cha về quê, bà cũng hay bỏ vào cái giỏ đệm của tôi hai hộp sữa đặc, nói là gởi chú thím Út uống cà phê. Dĩ nhiên, nếu có thêm hộp sữa, cái ly quách dầm đá đường của tôi sẽ có thêm nguyên một muỗng sữa to. Một đặc ân mà mấy đứa con của chú thím không hề có.

Ngoài quách tươi dầm đá đường, thím Út tôi còn lấy trái quách làm bánh (đến giờ tôi cũng không biết nó tên gì), hay tán nhuyễn cơm quách như nước mắm me để ăn với rau và mắm cũng như tận dụng trong rất nhiều món ăn khác.

Sau này vật đổi sao dời, thím Út cùng bầy con đông đảo trôi dạt tứ phương. Không còn ba tôi, không còn chú Út, tôi cũng không có dịp về Trà Vinh nữa. Để một lần vô tình đi ngang huyện Cầu Kè (Trà Vinh), bất chợt thấy những cái chòi ven lộ, ngoài bàn bán trái cây như mận, mít, chuối, còn có trái quách. Hỏi thăm mới biết trái quách đang là đặc sản của đất Trà Vinh nên quách giờ được trồng nhiều trên đất giồng ở Cầu Kè, cũng là nơi sản sinh ra trái quách thơm nhất và ngon nhất.

Lại nhớ về ngày xưa, tháng chạp, tháng giêng là mùa trái quách chín. Buổi sáng sớm ra vườn cứ nghe mùi thơm nức. Khi đó tôi đã ghé vào một quán giải khát, quan sát chị hàng nước bửa trái quách chín mùi, da mốc trắng, rồi quậy ly nước màu nâu sền sệt tỏa mùi hương thơm ngát, nhìn ngon hơn me chín.

Như mọi chị chủ hàng Nam bộ lởi xởi, chị nói tuy không nổi tiếng bằng nước thốt nốt nhưng nước trái quách có tác dụng giúp điều hòa tiêu hóa. Gần đây thì ngâm rượu. Tỉ mỉ thì dùng muỗng cạo lấy cơm trái quách đem ngâm trong hũ rượu nếp, rượu gạo. Còn không chẻ trái làm hai ba miếng đem ngâm rượu. Cũng có người khẽ vỏ cho nứt đều rồi ngâm, cách này làm rượu trong hơn.
toimedulich
Bây giờ với cái rổ chất mấy trái quách ở Phú Nhuận, bà chủ lớn tuổi cũng bước ra lởi xởi: "Dưới quê gởi lên, tui bày ra bán chơi đó chú. Thành phố ít người biết ăn, thấy chú thích tui bán rẻ 15.000 đồng/trái".

Ôm ba trái mang về nhà, ngồi quậy đá đường tự uống. Vì con trẻ trong nhà nhìn ly nước nâu nâu, nghe mùi cứ lắc đầu nghi ngại về cái món gọi là "sinh tố trái quách”.

Theo Cao Cát (Dulich.Tuoitre)
Du lịch, GO!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét