Chủ Nhật, 10 tháng 8, 2014

Biểu tượng Sài Gòn sau 100 năm

(Zing) - Dù trải qua cả thế kỷ, nhà thờ Đức Bà, Bưu điện hay Nhà hát Thành phố vẫn giữ được dáng vẻ đặc trưng và tạo nên những dấu ấn riêng cho Sài Gòn.

< Nhà thờ Đức Bà xưa...

Nhà thờ Đức Bà được đặt viên đá đầu tiên bởi giám mục Isidore Colombert vào ngày 7/10/1877, khánh thành 3 năm sau (11/4/1880). Ban đầu, công trình có tên gọi là Nhà thờ Nhà nước do Pháp bỏ tiền xây dựng và quản lý. Năm 1895, nhà thờ được xây thêm hai tháp chuông (cao 57,6 m) với 6 chuông đồng lớn nặng gần 29 tấn. Đỉnh tháp có một cây thánh giá cao 3,5 m, ngang 2 m, nặng 600 kg. Năm 1958, Linh mục Giuse Phạm Văn Thiên đã đặt tạc tượng Đức mẹ Hòa Bình bằng đá cẩm thạch trắng Carrara của Ý và chuyển về Sài Gòn 1959.

< ... và ngày nay.

Từ đó, người dân bắt đầu quen với tên gọi là nhà thờ Đức Bà. Ngày 5/12/1959, Tòa thánh cho phép làm lễ "xức dầu", tôn phong Nhà thờ Chính tòa Sài Gòn lên hàng tiểu Vương cung thánh đường (basilique). Từ đó, tên gọi chính thức của thánh đường là Vương cung thánh đường Đức Bà Sài Gòn. Ngày nay, Nhà thờ toạ lạc ngay trung tâm Q.1, là điểm tham quan của rất nhiều du khách trong và ngoài nước. Nó cũng là một trong những công trình kiến trúc cổ tiêu biểu của TP.HCM.

< Cầu Mống thời Pháp thuộc.

Cầu Mống do công ty vận chuyển hàng hải của Pháp - Messageries Maritimes, xây dựng năm 1893 – 1894. Đây là một trong những cây cầu cổ nhất Sài Gòn, dài 128 m, rộng 5,2 m, làm bằng thép kiên cố theo cấu trúc vòm mống.

< Cầu Mống bây giờ.

Khi thi công Đại lộ Đông Tây, cầu được dỡ hoàn toàn để phục vụ thi công, sau đó được lắp ghép lại nguyên bản có gia cố thêm trụ móng và đèn chiếu sáng mỹ thuật.

< Nhà hát Thành phố ngày xưa.

Nhà hát Thành phố được xây dựng năm 1898 tại vị trí Công trường Đồng hồ (Place de I’Horloge) tức quảng trường trước nhà hát hiện nay, đến đầu 1900 thì hoàn thành.

Năm 1954 nơi đây dùng làm điểm tạm trú cho thường dân Pháp di cư từ Bắc vào Nam theo Hiệp định Geneve 1954. Năm 1955 công trình được chuyển thành trụ sở Quốc hội (Hạ nghị viện).

< ... và ngày nay.

Kể từ 1975 Nhà hát trở lại chức năng ban đầu để biểu diễn nghệ thuật và được gọi là Nhà hát Thành phố như hiện nay.

Khách sạn Continental bắt đầu xây vào năm 1878 do ông Pierre Cazeau (một nhà sản xuất vật liệu xây cất và dụng cụ trong nhà) làm chủ đầu tư, với mục đích để tiếp đón các du khách sang trọng từ Pháp đến Sài Gòn.

Năm 1880 khách sạn này trở thành nơi gặp gỡ của giới thượng lưu Pháp ở Đông Dương. Năm 1911 khách sạn được bán cho công tước De Montpensier (người xây Lầu Ông Hoàng – Phan Thiết). Năm 1930, nó tiếp tục được bán lại cho Mathieu Francini, một trùm tội phạm của đảo Corse. Giai đoạn 1960-1970, khách sạn đổi tên thành Đại lục lữ quán.

Hiện nay, Continental đã là một khách sạn sang trọng, toạ lạc tại vị trí đắc địa trên đường Đồng Khởi (Quận 1, TP.HCM).

< Ảnh xưa Bưu điện TP.

Bưu điện trung tâm Sài Gòn được xây dựng năm 1886 đến 1891 theo thiết kế của kiến trúc sư người Pháp Villedieu với lối kiến trúc cổ điển Châu Âu và kiến trúc truyền thống Châu Á. Ở mặt tiền Bưu điện có vinh danh những nhà phát minh ra ngành điện tín và ngành điện nổi tiếng của thế giới.

< ... và ngày nay.

Bưu điện TPHCM nằm bên cạnh nhà thờ Đức Bà tạo nên một cụm công trình kiến trúc thuộc địa đặc biệt tạo dấu ấn khó quên đối với du khách.

< Dinh Thống đốc Nam kỳ xưa.

Tiền thân của Dinh Độc lập là Dinh Thống đốc Nam kỳ tên Norodom, xây dựng ngày 23/2/1868 do kiến trúc sư người Pháp Hermite thiết kế. Ngày 27/2/1962, Dinh bị ném bom sập toàn bộ cánh trái và không thể phục hồi.

< Và Dinh Thống Nhất ngày nay.

Ngày 1/7/1962, Ngô Đình Diệm cho san bằng để xây dựng mới hoàn toàn theo thiết kế của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ và khánh thành ngày 31/10/1966. Dinh được xây dựng cao 26 m, rộng 4.500 m2, diện tích sử dụng 20.000 m2, với 100 phòng gồm 3 tầng chính, 1 sân thượng, 2 gác lửng, tầng nền, 2 tầng hầm và một sân thượng cho máy bay trực thăng đáp xuống. Sau năm 1975, Dinh Độc Lập đổi tên thành Dinh Thống Nhất và đang là địa chỉ tham quan ưa thích của du khách khi đến TP.HCM.

Miếu Nhị Phủ, Nhị Phủ hội quán (hay còn được gọi là chùa ông Bổn) tọa lạc tại 264 đường Hải Thượng Lãn Ông (phường 14, Quận 5, TP.HCM). 

Miếu có tên là Nhị Phủ vì miếu được thành lập do sự đóng góp của người Hoa gốc ở hai phủ Tuyền Châu và Chương Châu (Phúc Kiến, Trung Quốc). Do trong miếu có thờ ông Bổn (tức Phúc Đức chính thần), vị thần bảo hộ đất đai theo tín ngưỡng của người Hoa nên còn được gọi là chùa Ông Bổn.

Trải qua hàng trăm năm thăng trầm, miếu Nhị Phủ đã qua ba lần trùng tu lớn vào những năm 1875, 1901 và 1990.

Đến nay, ngôi miếu vẫn giữ được nét cổ kính qua phong cách kiến trúc và trang trí truyền thống của người Hoa gốc Phúc Kiến.

< Đại lộ Lê Lợi ngày xưa...

Vào cuối thế kỉ 19, đại lộ Lê Lợi ngày nay vốn là con kinh rộng nhất Sài Gòn với tên gọi “Kinh Lớn” hay “Kinh Charner”.

Do kinh này quá ô nhiễm nên kỹ sư, thiếu tá Bovert đề nghị lấp năm 1867 và đặt tên mới là Đại lộ Bornard (Boulevard Bornard).

< ... và ngày nay.

Đại lộ Lê Lợi hiện nay là con đường sang trọng, phồn hoa và nhộn nhịp bậc nhất TP.HCM. Nơi đây cũng đặt bến tàu điện ngầm đầu tiên của thành phố khởi công vào tháng 7 vừa qua, đánh dấu một quá trình phát triển mới của đô thị Sài Gòn sau hơn 300 năm thành lập.

Nguồn Zing News
toimedulich

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét