Thứ Bảy, 16 tháng 8, 2014

6 ngày rong ruổi với đoàn hành hương La Vang (P4)

(Tiếp theo) - Ngày thứ 3 của chuyến đi, 23-07-2014. Rời La Vang với nhiều lưu luyến, oàn bắt đầu chuyến quay về với điểm về là Huế. Huế mình không xa lạ gì vì đã 3 lẩn ghé Huế rồi. Huế bây giờ đông hơn, nhộn nhịp hơn ngày trước ,xuất hiện nhiều cửa hàng ăn nhanh, siêu thị... khiến cho Huế bớt phần cổ kính.

< Đường này chạy đến chùa Thiên Mụ ,sẽ không có chuyến đi này đâu, hehe.

Theo chương trình, đoàn sẽ viếng Chủng Viện Huế trên đường Kim Long nhưng giờ chót: Cha bề trên Chủng Viện đi vắng nên Cha xứ quyết định cho Đoàn viếng Đan Viện Thiên An. Nhưng truóc tiên, nhà xe cho Đoàn ghé một lò mứt gần đó. Mình không có thiện cảm với mấy lò mứt loại này, các bạn đi nhiều chắc cũng biết vì sao? Tranh thủ sang bên kia đường chụp ảnh cho mình và cho các bạn đồng hành khác.

< Con đò, sông Hương và núi -không biết có phải núi Ngự không?

< Cầu Dã Viên? hình như là vậy!

Sau khi mua sắm nhẹ túi rồi, đoàn sau vài lần đi lạc đường. Đã đến Đan Viện Thiên An nằm trên QL 49 (không biết phải QL không? đường nhỏ xíu) cách Lăng Khải Định không xa lắm.

< Đường lên Viện nằm trên ngọn đồi rừng thông đẹp và yên tĩnh.

< Xây toàn bằng đá.

Theo Cha chánh xứ cho biết Đan viện Thiên An do các đan sĩ người Pháp thuộc dòng tu khổ hạnh khai phá và đặt tên, Thiên An nghĩa là bình an của trời.

< Nhà nguyện của Đan viện có tháp chuông 7 tầng theo kiến trúc Á Đông.


< Vườn cây cảnh trong viện, các Đan sĩ khéo tay và giỏi thiệt.

Các đan sĩ này sống khổ hạnh trong nội vi của đan viện ít có hoạt động bên ngoài, hạn chế nói chuyện, chỉ chuyên tâm lao động và cầu nguyện. Hèn chi mình đi vòng vòng không  thấy ông Đan sĩ nào hết, muốn có 1 tấm hình mà không được.

< Sông An Cựu, nắng đục mưa trong.

Sau khi rời Đan viện, theo chương trình Đoàn sẽ viếng nhà thờ Phủ Cam. Toạ lạc cuối đường Nguyễn Trường Tộ,nhưng đoàn xe phải dừng lại bên đường Phan Đình Phùng, đi bộ qua một cây cầu bắc qua sông An Cựu.

< Đi bộ đến vì đường cấm xe lớn lưu thông.

Sông An Cựu là 1 chi nhánh của sông Hương, vua Gia Long cho đào dẫn nước tưới hàng vạn mẫu đất phía nam sông Hương.

< Nhà thờ Phủ Cam với kiến trúc khá ấn tượng, 2 bên là tượng thánh Phêrô và Paulô.

Sông An Cựu là 1 chi nhánh của sông Hương, vua Gia Long cho đào dẫn nước tưới hàng vạn mẫu đất phía nam sông Hương.

< Thánh Phêrô và chiếc chìa khoá cửa Thiên đàng, mong là sau này được Thánh mở cửa cho.

Nằm trên bờ sông An Cựu có cung An Định là một toà nhà kiến trúc tân cổ giao duyên, xe có đi ngang nhưng không chụp được ảnh, khá tiếc!

Qua cầu đến cuối đường là nhà thờ Phủ Cam sừng sững vươn lên giữa bầu trời xanh ngát.

< Tượng Đức Mẹ theo phong cách La Vang.

Nhà thờ Chính toà Phủ Cam là nhà thờ lớn ,nổi tiếng và lâu đời nhất Huế. Kiến trúc hiện nay là do KTS tài hoa Ngô Viết Thụ thiết kế, năm 1960 theo kiến trúc hiện đại nhưng trang trí vẫn theo nghệ thuật cổ điển phương tây.

< Cha xứ Phủ Cam giới thiệu lịch sử nhà thờ cho Đoàn.

< Chánh điện với bàn thờ bằng đá cẩm thạch nguyên khối, bên trong nhà thờ với kiến trúc lạ mắt.

Nhà thờ Phủ Cam được xây rồi phá bỏ nhiều lần. Lần cuối cùng, năm 1960 - TGM Ngô Đình Thục cho dỡ bỏ và xây lại mới.

< Bàn thờ thánh tử đạo Việt Nam Tống Viết Bường, người gốc Phủ Cam.

Trải qua bao thăng trầm, sau 40 năm xây dựng, vào tháng 06 - 2000 thì hoàn tất. Ngày nay ,với kiến trúc độc đáo vừa uy nghiêm vừa thanh thoát ,nhà thờ góp phần tô điểm cho Huế cổ kính một nét hiện đại.

< Cồng trước nhà lưu niệm Cố Hồng Y.

Sau khi tham qua nhà thờ, LM xứ có nhã ý mời Đoàn ghé thăm nhà riêng của Cố Hồng Y Nguyễn văn Thuận - người được Giáo hội Roma  đề cử phong chân phước phong Thánh. Nhà riêng của Ngài nằm cách nhà thờ Phủ Cam vài trăm mét. Đoàn nhiệt tình đi ngay vì đây cũng là dịp hiếm có.

< Toàn cảnh nhà lưu niệm.

Đây là nơi cư ngụ của Ngài lúc ở Việt Nam, kiến trúc kiểu biệt thự Pháp, nhỏ, có 2 tầng gác gỗ.

< Tủ thờ cố Hồng Y, cần nói thêm mẹ của Ngài là bà Ngô Đình thị Hiệp, em của ông Ngô Đình Diệm.

Phải nói là mình hết sức xúc động khi có dịp đến ngôi nhà này, cầu xin ơn trên hộ phù cho Ngài sớm được phong Chân phước.

< Ngôi nhà nguyện nhỏ ,nằm trong nhà lưu niệm.

Sau khi tham quan và chụp ảnh lưu niệm, đoàn trở về xe, đi bộ dưới ánh nắng gay gắt của Huế làm mọi người mệt lữ. Đây là điều mình nhớ nhất về Huế, cái nóng của tháng 7, tháng 8 thật khó chịu, lần nào mình đến Huế cũng vào các tháng này. Không biết các tháng khác thế nào?

< Gánh bún bò mình ngồi ăn, cô chủ không chịu cho chụp hình chạy mất tiêu!


Theo chương trình, đoàn ghé chợ Đông Ba tự do khoảng 2 tiếng. Ăn trưa, mua sắm tuỳ ý. Trong Đoàn có nhiều người chưa từng đến Huế, đến Huế mà không biết thành Huế thì coi như chưa đến Huế nên mình đổng ý hướng dẫn vài người đến cho biết kinh thành.

< Gặp 1 phượt thủ trẻ ,đi từ SG ra HN rồi về bằng xe đạp, mãi nói chuyện quên chụp hình chiếc xe đạp, tiếc thật!

Ăn trưa bằng tô bún bò trước cửa chợ 30 ngàn 1 tô, khá chát anh Dũng hỉ.

< Kỳ đài có 3 tầng ,và cột cờ nghe nói là từ dưới đất lên tới đỉnh là 55m.

Đón xe ôm với giá 10 ngàn /1 người chở ra thành Nội, đi bộ cũng được vì Thành chỉ cách chợ Đông Ba không xa lắm nhưng sợ không kịp và nắng qua đi không nỗi. Đến nơi chỉ đứng phía ngoài Hoàng thành chụp hình thôi, không mua vé vào Thành vì không có thì giờ và nhất là giá vé 75 ngàn he he, em xin thôi.

< Cổng chính vào thành, đang trang trí gì đó cho festival gì đó.

< Không vô thì đứng ngoài nắng ngắm sen, sen cũng không có!

< Hào nước tường thành.

< Cửa thành không biết tên gì, đi vào là gặp mấy khẩu thần công.

Chụp hình chán rồi ,bọn mình đi bộ về phía mấy khẩu súng thần công. Súng to thiệt mà không biết có bắn được lần nào không? Có chín khẩu tất cả đặt 2 bên Ngọ Môn ,đúc từ thời Gia Long. Đặt tên là Xuân, Hạ, Thu, Đông và Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ.

< Thần oai vô địch đại tướng quân đây, nặng 10 tấn, nòng 230 li.

Vua phong cho chức ''Thần oai vô địch đại tướng quân" nghe oai phong thiệt.

< Bên này có 4 khẩu ,chắc có tên là Xuân, Hạ,Thu, Đông... cuối tấm ảnh có Công an đứng, sợ bị trộm bán ve chai chăng?

< Biển Thuận An: bãi cát vàng, rộng.

Sau đó bọn mình về chợ Đông Ba, kịp giờ xe đưa về KS Phố Huế đường Võ thị Sáu, nhận phòng, nghỉ ngơi. Đến 2g30 thì tập hợp để xe đưa ra biển Thuận An. Cách Huế 12 km, biển Thuận An là nơi dân Huế thường đến tắm biển. Thuận An là do vua Minh Mạng đặt tên, thông với phá Tam Giang ra biển, nước biển trong xanh và ấm, rất ấm...
< Lúc nào cũng có cứu hộ canh chừng vì sóng rất mạnh và bất thường.

Tuy nhiên đây là bãi tắm khá nguy hiểm, sóng rất mạnh, bất thường khó mà lường được sóng lúc nào mạnh lúc nào yếu. Tắm khoảng 1 tiếng, mình xin thua vì sóng ngày càng lớn, tắm nước ngọt ở đây có giá là 5 ngàn. Mình rất muốn tham quan cho biết phá Tam Giang lừng danh nằm ở kế bên cửa biển nhưng điệp khúc không có thì giờ lập lại, thật là tiếc.

< Cầu Tràng Tiền ban đêm, đi bộ ngắm cảnh rất mát.

Về lại KS ăn tối tại đó rồi tự do tham quan thành phố. Mình và vài người chọn đi bộ qua cầu Tràng Tiền ăn chè hẻm, tham quan chợ đêm...

< Khu chợ đêm dưới chân cầu Tràng Tiền bán đủ thứ.

Trong khi đó nhóm khác đi nghe ca Huế trên ghe với giá 50 ngàn/người. Hôm sau gặp lại nhóm đó cho biết muốn nhảy xuống sông lội vô cho rồi vì nghe không hiểu gì hết và buồn, xin lỗi các bạn Huế nhé, thực sự họ nói vậy, mình không thêm bớt gì! Có lẽ họ không có cảm nhận được ca Huế, chỉ đi vì tò mò thôi!

Kết thúc ngày thứ 3 của hành trình, như vậy là được nữa lộ trình rồi.

Còn tiếp...
Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần cuối

Phương Nguyên
toimedulich

Những bài cùng tác giả:
- Sau 20 năm, chúng tôi tái ngộ Hà Tiên.
- Đà Nẵng, một chuyến đi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét