Vùng ven sông qua các thời kỳ
(LĐO) - Cho đến ngày nay, chưa ai biết chính xác người Mạ đã đến định cư ở vùng ven sông Đạ Đờng khi nào, họ theo hướng nào đi tới, từ phía hạ nguồn sông Đồng Nai đi lên hay từ phía sông Đạ Rgna đi sang? Thời kỳ xa xưa ấy chỉ còn lưu lại rất mờ nhạt trong các chuyện kể truyền miệng ở các buôn làng, mà những người có thể kể lại ngày càng ít đi. Bụi thời gian đã xóa gần hết dấu vết của thời xưa ấy, chúng ta chỉ biết về vùng đất ven sông Đồng Nai này trong khoảng một trăm năm trở lại đây.
Hồi cuối thế kỷ XIX, khi các đoàn thám hiểm của người Pháp từ Đông Nam Bộ đi lên, có đoàn của bác sĩ hải quân Pháp Paul Néis đã đi dọc sông Đạ Đờng, nhưng chuyến đi ấy có mục đích thám sát, tìm hiểu ban đầu về một vùng đất mới, còn hoang vu, mà người Pháp chưa có hiểu biết gì về nó.
Đầu thế kỷ XX, Henri Maitre đã khảo sát vùng ven sông Đạ Đờng kỹ hơn, ông đã ghi lại một số hình ảnh ở buôn Hang Kar và tìm hiểu khá kỹ lưỡng vùng sông Đồng Nai. Năm 1912, ông bị Nơ Trang Lơn giết chết, nên công trình nghiên cứu bị gián đoạn và người Pháp cũng không có nỗ lực lớn nào để kiểm soát vùng sinh sống của người Mạ.
Cho đến đầu thế kỷ XX, khi người Pháp lập tỉnh Haut- Donnai, vùng ven sông Đạ Đờng, họ chưa quản lý được, dù trên bản đồ thời ấy, có ghi khu vực đó là tổng Đạ Đờng, thuộc đại lý hành chánh B’Lao. Mãi cho đến khi làm quốc lộ 20, ở thập niên 30 thế kỷ XX, người Pháp mới thông qua chánh tổng Đạ Đờng bắt các buôn thay phiên nhau cử người đi xâu. Trên thực tế người Pháp gần như không đặt chân đến các buôn Mạ trong vùng.
Từ năm 1945 đến năm 1954, Lộc Bắc gần như không có cơ sở kháng chiến, cả vùng tuy không có quân Pháp chiếm đóng, song chúng dùng hàng ngũ tổng, lý các buôn làng để bắt phu phen, bắt đi xâu, bắt thuế. Các chủ đồn điền của người Pháp ở ven quốc lộ 20 cũng thông qua tổng lý để mộ phu khai khẩn đồn điền trong các buôn vùng ven sông Đạ Đờng. Cuối năm 1949, Ban Cán sự Đảng tỉnh Đồng Nai Thượng thành lập đội vũ trang tuyên truyền vận động đồng bào Mạ, Stiêng ở phía bắc B’Lao dọc theo sông Đồng Nai, nhưng bị địch phục kích. Đến năm 1951, Đội vũ trang tuyên truyền 3 thuộc Khoa quốc dân thiểu số khu 7 lại đến vùng ven sông Đồng Nai làm nhiệm vụ, vận động đồng bào thiểu số ủng hộ kháng chiến chống thực dân Pháp, nhưng cũng bị thất bại.
Từ năm 1958, khu vực này thuộc về hai xã: Xã Tân Đồn ở phía hạ nguồn sông bao gồm một phần huyện Bảo Lâm, huyện Đạ Tẻh, một phần huyện Cát Tiên bây giờ; xã Tân Rai ở phía thượng nguồn bao gồm cả vùng Lộc Lâm, Lộc Phú ra đến thị trấn Lộc Thắng ngày nay. Cả hai xã này đều thuộc tổng Tân Mạ, quận Bảo Lộc.
Đến năm 1960, khu vực ven sông Đạ Đờng trở thành vùng căn cứ cách mạng, là điểm nối hành lang chiến lược Bắc - Nam, nối đường Trường Sơn Đông với Chiến khu Đ miền Đông Nam Bộ và các tỉnh Cực Nam Trung bộ, cả vùng trở thành căn cứ Bắc đường 20 của tỉnh Lâm Đồng.
Năm 1963, căn cứ Bắc đổi thành K1, là đơn vị hành chánh - quân sự tương đương cấp huyện thời kháng chiến, gồm các xã 1,2,3,4,6,7.
Xã 1 có các buôn B’Lạch A, B’Lạch B, Hang Kar, B’Lơng, B’Lá, B’Tạch.
Xã 2 có các buôn B’Nao, B’Trou đăng, B’Trou đạ, Đăng Nar, B’Đạ.
Xã 3 có các buôn B’Đưng, B’sar Niar, B’Sar Đạ R’Yal, Đinh Xiết, Bru.
Xã 7 có các buôn Đing Giê, B’Kuất đạ, B’Kuất đăng, B’Lút, Ghi Đê, Châu Mọn, Đinh Gia Ri.
Từ năm 1976 các xã này trở thành xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lộc và các buôn được gom về định cư ở vùng đất vốn thuộc các buôn Hang Kar, B’Lơng, B’Trou và B’ Tạch.
Năm 1994 khi thành lập huyện Bảo Lâm, xã Lộc Bắc được chia thành hai xã Lộc Bắc và Lộc Bảo.
Lộc Bắc, Lộc Bảo bây giờ đã khác xa ngày xưa. Từ một miền rừng núi hoang vu, chỉ có đường mòn quanh co giữa các hẻm núi, mỗi buôn cách nhau cả nửa đêm đường và bệnh sốt rét kinh niên hoành hành, giờ đã thành làng mạc. Vườn chè, vườn cà phê phủ xanh các sườn đồi. Ở xã Lộc Bắc, diện tích cây trà lên đến gần 500 ha, cây cà phê cũng đến gần 600 ha… Điện đã vào tận các thôn xóm xa xôi, tối đến cả vùng lập lòe ánh điện, nhiều nhà có xe máy, có ti vi, có Internet. Trạm xá xây khang trang, có bác sĩ, y sĩ thường trực. Đã từ lâu, Lộc Bắc không còn dịch sốt rét, dịch tả là những loại dịch đã tàn phá vùng Mạ, là nỗi ám ảnh ăn sâu vào tiềm thức của những người lớn tuổi, đã từng là nguyên nhân của việc các buôn làng phải đi tìm nơi ở mới, đã từng làm cho cả vùng bị coi là nơi lam sơn chướng khí.
Người Mạ vốn chỉ quen làm rẫy, nhưng gần 10 năm trước, già làng K’Rền ở thôn 2 và trưởng thôn K’Sra đã bắt đầu trồng lúa nước. Từ đó đến nay có gần 50 ha lúa nước trong toàn xã, năng suất cao hơn hẳn lúa rẫy. Tập quán du cư, du canh ngày trước gần như không còn lưu lại chút dấu vết nào. Thói quen đi thăm nhau nhân ngày nông nhàn vẫn còn đó, không phải “gùi trên vai và giáo trong tay” nữa, người Mạ Lộc Bắc giờ dùng xe máy đi Đạ Tẻh, Cát Tiên, xuống Đồng Nai, Phan Thiết thăm bạn bè, anh em, ra Lộc Thắng, Bảo Lộc mua hàng… Mùa lữ hành không còn, nhưng tính chất lãng mạn của nó vẫn âm thầm tồn tại, có điều, những chuyến đi chỉ vài ngày, không còn kéo dài cả con trăng như ngày xưa nữa.
Tỉnh lộ ĐT 725 một đầu ở thị trấn Đạ Tẻh vượt đèo Kon Oh lên Lộc Bắc, Lộc Bảo, qua đèo B 40 ra thị trấn Lộc Thắng và từ đó ra đến thành phố Bảo Lộc, một nhánh qua Lộc Bảo vượt sông Đạ Đờng sang tỉnh Đắc Nông kế cận. Con đường mở gần trùng với đường giao liên qua căn cứ Bắc Lâm Đồng ngày xưa, nay đang giúp cả vùng phá thế đường vào độc đạo và mở thêm cơ hội phát triển nông, lâm nghiệp và thủy điện.
Vùng ven sông Đạ Đờng bây giờ không còn bao nhiêu dấu tích của những ngày xưa gian khó, có chăng là những căn nhà sàn ngắn ngủn còn sót lại, ẩn sau những căn nhà xây kiểu mới và những nhịp chiêng ngân dài mỗi đêm, gợi nhớ lại một giai đoạn mà bụi thời gian đã gần phủ kín. Nhưng từ đó một nhịp sống mới, non trẻ và năng động đang lớn lên từng ngày trên vùng đất vốn giàu truyền thống ấy.
Tài liệu tham khảo:
- Miền đất huyền ảo- Dam Bo - bản ebook - Nguyên Ngọc dịch.
- Về vùng đất cổ miền Đông Nam bộ - Vương Liêm - NXB Lao Động 2005.
- Truyền thống đấu tranh cách mạng xã Lộc Bắc anh hùng (1945-2010) - Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Bảo Lâm - tháng 7 năm 2010.
- Địa Chí Lâm Đồng, NXB Văn hóa Dân tộc, HN 2001.
- Địa phương chí tỉnh Lâm Đồng, Tòa Hành chánh Lâm Đồng 1963.
- Rừng người Thượng, Henri Maitre, NXB Tri thức - 2008, Lưu Đình Tuân dịch, Nguyên Ngọc hiệu đính.
- Người Mạ - Dấu ấn rừng thiêng - Bản đánh máy - Trần Quang Ngân.
- Người Thượng trên cao nguyên Việt Nam - Bản ebook - Nguyễn Văn Huy.
Kỳ I - Kỳ II - Kỳ III - Kỳ IV - Kỳ V - Kỳ VI
Theo Ninh Thế Hùng (Báo Lâm Đồng)
toimedulich
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét