Thứ Hai, 25 tháng 8, 2014

Rừng quế Giàng Cài

Tới đầu thôn Giàng Cài đã thoang thoảng mùi tinh dầu quế. Một cây quế, vỏ bóc bán vỏ. Thân cây bán cho nhà máy xẻ. Cành bán cho người nấu tinh dầu. Lá cũng vét hết để bán... “Cả 87 héc ta này là một quỹ lớn của thôn đấy, là một cái ngân hàng ở trong rừng đấy”!

Càng vào sâu rừng quế Giàng Cài, cây quế càng to, càng cao. Cây quế tổ có đường kính tới nửa mét. Dưới gốc quế to, thường có nhiều cây nhỏ đua nhau đâm chồi, trổ lá. Phó chủ tịch UBND xã Nậm Lành, chị Bàn Thị Náy, ngược thời gian về 20 năm trước:  “Thời điểm đó bà con mới tiếp cận với cây quế. Công nhân lâm trường về hướng dẫn kỹ thuật cho bà con, từ đó hình thành rừng cộng đồng.

Rừng quế cộng đồng của thôn Giàng Cài (Nậm Lành, Văn Chấn, Yên Bái) hiện có gần 90 héc ta. 160 hộ người Dao cùng chăm sóc, bảo vệ và cùng khai thác. Quy ước của thôn quy định cụ thể điều này.

Tới đầu thôn Giàng Cài đã thoang thoảng mùi tinh dầu quế. Bên chái bếp, chị Triệu Thị Lưu vừa tiếp thêm củi vào bếp vừa trò chuyện: “ Hôm qua đi chăm sóc quế, thu được ít lá, nay tranh thủ đun để lấy tinh dầu;  “Ai cũng đi bảo vệ, chăm sóc, phát quế. Đi thì được chấm công. Mai kia bóc quế thì có tiền”.

< Cây quế cổ thụ.

Anh Phùng Sinh Xương, trưởng thôn Giàng Cài trực tiếp lên lịch phân công từng nhóm đi bảo vệ, chăm sóc rừng quế: “Đi canh gác thì phân công ba bốn người một tốp.

Chia theo gia đình. Hôm nay gia đình này đi thì ngày mai gia đình khác đi. Khi nào quế róc, bóc được thì mới đi bảo vệ. Bình thường như mùa đông bóc không ra thì cũng không cần bảo vệ. Ra tết, cuối tháng 2 là bắt đầu phải bảo vệ rồi, cho tới hết tháng 9.

Một cây quế, vỏ bóc bán vỏ. Thân cây bán cho nhà máy xẻ. Cành bán cho người nấu tinh dầu. Lá cũng lấy bao đi vét hết, bán cho người nấu tinh dầu quế.

Người Dao ở Giàng Cài chỉ khai thác quế theo kiểu tỉa thưa để đảm bảo đất không bị xói mòn và có thu nhập đều mỗi năm. Người có kinh nghiệm, thanh niên khỏe mạnh xung phong đi lựa chọn những cây quế đủ tuổi khai thác. Khi bóc hết phần vỏ dưới gốc đến ngang đầu người, là bắt đầu hạ cây. Hạ cây phải đúng hướng, hạn chế dập nát cây nhỏ. Một cây quế đến tuổi khai thác thì lại có mấy cây con khác được trồng dặm. Chính bởi vậy, rừng quế Giàng Cài mỗi ngày một xanh. Năm 2013, cả thôn Giàng Cài đuợc thu ngót tỷ đồng tiền quế.

Trưởng thôn Giàng Cài bảo: “Bà con ào ào đi trồng quế. Các cụ cũng đi trồng. Bây giờ trồng, mai kia già không đi bóc được thì còn con, còn cháu. Thế hệ này để cho thế hệ kia, cứ giữ lại cái rừng này. Mấy chục năm rồi, chưa một lần nghe tiếng phàn nàn về chuyện chia cây, chia rừng quản lý; chưa ai eo xèo chuyện công ít, công nhiều”.

Quế được khai thác và bán cho một công ty. Công ty này năm nào cũng trích lại cho thôn chút ít để khi thì làm đoạn cống, khi thì làm con đường. Quỹ của thôn cũng được trích lập từ tiền bán quế. “Cả 87 ha này là một quỹ lớn của thôn đấy, là một cái ngân hàng ở trong rừng đấy” – anh Xương kết luận.

Theo Thanh Tâm/VOV4
toimedulich

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét