(VNE) - Vùng đất này được ví như miền Tây Bắc thu nhỏ trong lòng xứ Thanh, cảnh đẹp hùng vĩ hiện lên như khúc độc hành của riêng sông Mã.
Hà Nội bắt đầu chuyển sang thu, đứa con gái 25 tuổi ngồi bó gối trong thành phố, cảm giác "nhớ rừng" quay quắt về một miền xa vắng ít nắng, nhiều mưa. Vậy là nó lên kế hoạch, sửa sang lại xe cộ để về với miền Tây Thanh Hóa. Với nó, những cái tên quen thuộc như Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa... đủ núi cao, sông sâu, ruộng bậc thang, món ăn khó lẫn như một miền Tây Bắc thu nhỏ trong lòng xứ Thanh chứa những bí mật không bao giờ khám phá hết.
Dọc cung đường này không có hoa cải trắng, tam giác mạch nên thơ, chỉ có cái ầm ào, dữ dội của dòng sông Mã và sự gập ghềnh của đường đi kích thích máu "liều". Dân du lịch bụi thường đi theo quốc lộ 6, từ bản Lác (Mai Châu, Hòa Bình) tới Trung Sơn, Trung Lý (Mường Lát) rồi xuôi Hồi Xuân (Quan Hóa), Cành Nàng (Bá Thước), chạy dọc sông Mã rồi lại ngược Cẩm Thủy, đi đường mòn Hồ Chí Minh về tạo thành một vòng tròn thú vị.
Mường Lát kỳ vĩ và nên thơ là nơi đầu tiên trong hành trình con sông Mã trở về đất Việt sau khi uốn lượn cả trăm cây số trên đất Thượng Lào. Trong tiếng Thái, Mường Lát nghĩa là "nơi nước tràn qua", và mùa mưa chính là lúc nước từ hàng trăm con suối tràn qua bản để về sông Mã.
Đường từ Co Lương về trung tâm Mường Lát đi qua vài chục con suối lớn nhỏ, có đá chắn ngang lòng. Sông Mã như con ngựa bất kham nên những dòng suối đổ về đó cũng không có dáng vẻ hiền lành thường thấy.
Con đường không dài nhưng đủ nhớ với dốc cao vừa lầy vừa trơn, thử thách bản lĩnh người cầm lái bằng những cú trượt dốc, bùn đất cuốn chặt hai bánh xe. Gặp đoạn này, xế phải vững tay lái, còn ôm thì sẵn sàng xuống xách giầy và lội bộ qua.
Từng dải lúa, nương ngô trải dài từ sườn đồi nọ đến sườn đồi kia, dập dềnh trong nắng sớm. Tén Tằn, Tam Chung... được coi là vựa lúa của vùng biên.
Vào mùa gặt, từng lớp sóng lúa màu xanh chen lẫn màu vàng, đem no ấm về trong mùi cơm nếp mới hòa cùng màu khói tỏa trên những mái tranh. Cuối tháng 8 là thời điểm các thiếu nữ Mông ngồi dệt sợi, may váy bên bờ suối để chuẩn bị ăn Tết độc lập. Nơi thượng nguồn sông Mã, cuộc sống gắn liền nương rẫy còn xiết bao vất vả.
Ấn tượng vào Mường Lát là đi qua nhiều cầu đủ loại như cầu tre, cầu gỗ, lớn nhất là cầu treo bắc qua sông Mã ngay trung tâm thị trấn Mường Lát. Nghỉ qua đêm ở đây giá chỉ 200.000 đồng đến 250.000 đồng. Từ ban công nhà nghỉ nhìn xuống, mây bay là là phủ kín những dãy núi bên sông.
Mải mê ngắm núi rừng mà chưa kịp đến thị trấn, bạn có thể xin ở lại nhà dân trong bản. Họ rất nhiệt tình, sẵn sàng cho ngủ lại qua đêm không lấy tiền nhưng có thể bạn sẽ phải uống với gia chủ vài chén rượu ngô trước khi đi nằm. Nếu may mắn, bạn còn được họ mời thưởng thức món sâu măng xào lá chanh, đặc sản của núi rừng chỉ có vào độ tháng 9, tháng 10.
Đường từ Mường Lát về thị trấn Hồi Xuân (Quan Hóa) vẫn là núi cao, sông rộng nhưng không còn cái hiểm trở của trời Tây Tiến nữa. Hai bên bờ sông Mã rợp bóng mát của những rừng luồng. Mùa nước cạn, sông Mã hiện ra nhiều bãi sỏi, ghềnh đẹp mắt. Từ thị trấn Hồi Xuân chạy thẳng đường xuống Nam Xuân thăm hang Ma, nơi nghĩa địa chứa những quan tài bằng gỗ của người Thái. Những vách đá khổng lồ như tạc xuống dòng sông. Cửa hang nằm khuất sau những tán cây rừng rậm rạp bên sườn Pa Cáng.
Dưới sông, những bè, mảng của đồng bào dân tộc xuôi dòng, tập kết thành từng điểm. Họ khỏe mạnh, lên thác xuống ghềnh cự phách như những con cá lăng. Dòng nước dữ dội đi vào trong câu ca: Nhất Chiếng, nhì Cả, ba Long/ Lòng còn ái ngại Ngốc Cùng mà thôi. Cuộc sống nay đây mai đó, nhiều người bị thủy thần cướp đi cũng không khiến họ bỏ nghề, vẫn vượt sóng cuộn, thác ghềnh để mưu sinh.
Không nhiều kỳ bí như Mường Lát, Quan Hóa, Pù Luông giống cô gái Thái hiền hậu, đẹp rạng ngời còn say ngủ giữa núi rừng hoang vu.
Kho Mường, bản Nủa, bản Hin, phố Đòn là những cái tên gợi nhớ khi đến nơi này. Bản Hiêu (xã Cổ Lũng) bình yên với ruộng bậc thang, những nếp nhà sàn dựa lưng vào núi và chuyện kỳ bí về những báu vật của rừng khiến cho ta có cảm giác được về nhà. Thác Hiêu nước ầm ào chảy suốt ngày đêm, với lượng đá vôi lớn trong nước nên có thể biến cây thành đá.
Trải nghiệm đã qua trong các cuộc hành trình đến và trở về khiến nhiều người muốn quay lại những cung đường đầy bùn lầy, để ngắm nhìn ruộng bậc thang lúa chín vàng trong nắng chiều yên ả, cùng con người chân chất. Năm tháng trôi, những chuyến đi dài bồi đắp tâm hồn dày thêm mãi. Từ lúc trót yêu những cung đường, đứa con gái từng độc hành lên biên giới, có khi thêm người bầu bạn lọ mọ vào bản xa. Miền Tây Thanh Hóa vẫn là nỗi nhớ chơi vơi giữa cuộc sống bộn bề.
Theo Hoàng Phương (Vnexpress)
toimedulich
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét