Những buôn ở ven sông Đạ Dâng
(LĐO) - Người Mạ sống trong những buôn làng rải rác, dọc các con nước nhỏ, ở hữu ngạn sông Đồng Nai, được coi là người Mạ gốc, Mạ chính dòng. Họ tự gọi mình là Mạ Đạ Đờng, người Mạ vùng sông lớn.
Cho đến cuối thập niên 50 của thế kỷ XX, người Mạ Đạ Đờng vẫn gần như sống cô lập trong một vùng đất hiểm trở, chỉ có các con đường mòn nhỏ, lẩn khuất quanh co giữa những hẻm núi, nối buôn này với buôn khác, giúp người Mạ liên hệ với nhau mỗi khi nông nhàn. Vì vậy, vẫn giữ được nét nguyên sơ, hoang dã, vốn làm nên đặc trưng tộc người của họ.
Ngay sát chân Lú Lùng ra đến ngọn suối Đạ Tẻh là đất của buôn Hang Kar; Kar là cây nứa, Hang Kar là buôn ở rừng nứa. Hồi đầu thế kỷ XX, khi nhà thám hiểm Henri Maitre đến, buôn này có 8 nhà dài, nhưng khoảng năm 1960 khi ông Ba Đen, một thành viên của tổ công tác thuộc đoàn B90 đi vận động phong trào cách mạng ở đây, ông chỉ còn thấy có 4 nhà dài và hai nhà ngắn, có lẽ dịch sốt rét đã làm người của Hang Kar dần ít đi.
Ngày nay, buôn Hang Kar vẫn còn quanh quẩn ở chân dãy núi Bun Trao, nghe nói trên đỉnh núi có cái hồ lớn, từ đó bảy con nước chảy ra, tỏa về các hướng. Đó là con nước Đạ Mri, Đạ Rgna chảy về phía nam, Đạ Lai, Đạ Tẻh xuôi hướng tây, còn Đạ Siat, Đạ Piêng, Đạ Bru chảy về sông mẹ Đạ Đờng ở phía bắc.
Từ Hang Kar đi cắt ngang dãy Đăng Kon Cung là phần phát rẫy của buôn B’Lưng. Đất buôn này có khu rừng thiêng lớn trên đỉnh Đăng Kon Cung, khu rừng đó là nơi cả buôn đến cúng Giàng trước mỗi mùa phát rẫy. Cách buôn B’Lưng khoảng một tầm xà gạc là buôn B’Đưng, buôn này ngày trước nuôi nhiều ngựa, người B’Đưng hay dùng ngựa thồ ché, muối từ miền biển về vùng Mạ đổi chác lấy sừng tê giác, sừng nai. Cứ theo đường mòn đi dần về hướng bắc, hướng có sông mẹ Đạ Đờng là sang buôn Bru, buôn này gần núi có những hang đá lớn, có hang cọp ở. Ngày kháng chiến, buôn Bru đã chuyển về sống trong vùng hang đá nên tránh được bom đạn.
Qua đất buôn Bru một tầm xà gạc, chếch về phía mặt trời lặn có các buôn B’Sar. B’Sar có bốn buôn cùng chung một gốc, sở dĩ buôn có tên như thế vì họ sống ở vùng rừng chồi, rừng non lúp xúp. Trên dãy Dor Mu là B’Sar A và B’Sar B. Sát sông là đất của buôn B’Sar Niar - Buôn ở rừng chồi cây Bình Linh và B’Sar Đạ R’Yal - Buôn ở rừng chồi suối R’Yal. Chếch về phía mặt trời lặn hai tầm xà gạc, khoảng nửa đêm đi đường từ B’Sar Đạ Ryal là buôn B’Sar Lu Siên. Buôn B’Sar có tảng đá thần tên Siên, buôn này là vùng đất của hòa bình, trong tầm một xà gạc, không ai được đánh giết nhau, không được gây đổ máu, ai vi phạm sẽ bị mọi người xa lánh, không có ai giao tiếp, giúp đỡ.
Truyền thuyết của người Mạ kể rằng:
Ngày xưa, tổ tiên người Mạ chui ra từ một hang ở núi Odang Ndroe cạnh dòng Đạ Đờng. Người chui ra đầu tiên đi về phía thượng nguồn thành Mạ Tô, người chui ra thứ hai đi về hạ nguồn thành Mạ Coop, người chui ra cuối cùng là Mạ Đạ Đờng được Giàng Bnom Odang Ndroe cho đến sinh sống ở B’Sar Lu Siên, ở ngay cạnh chân núi ấy. B’Sar Lu Siên tiếng Mạ có nghĩa là buôn ở vùng rừng chồi có tảng đá thiêng tên Siên.
Được sinh ra sau cùng nên người Mạ Đạ Đờng có thời gian chải chuốt, tô điểm, trang sức, trở thành đẹp nhất, trong các nhóm người Mạ. Vì ở gần nơi Giàng ở, nên trong vùng đó, con người không được chém giết nhau, không được săn bắt muông thú, chỉ được bắt cá ở sông Đạ Đờng để ăn. Giàng còn chỉ cách cho người Mạ dùng rìu, đẽo thân cây làm thuyền để đi lại trên sông.
Từ đó với người Mạ vùng sông Đạ Đờng, B’Sar Lu Siên trở thành vùng đất của hòa bình, quanh buôn trong tầm một vai xà gạc về mọi hướng, vào khoảng nửa đêm đi đường, không ai được giết người, không được đánh nhau đổ máu. Vì vậy, trong các cuộc chiến tranh giữa các bộ tộc, người chạy trốn chiến tranh từ khắp nơi đổ về sinh sống ở đó, có khi vài chục năm sau mới trở về làng cũ.
Giữa buôn, tảng đá Siên đen bóng, to bằng cái chòi lúa vẫn đứng đó từ thưở khai thiên lập địa. Mỗi khi trong buôn có người bị ốm, gia đình có người chết phải kiêng cữ, khi có người bất hòa với nhau muốn giải hòa, người không có chồng muốn được chồng bắt… thì đến cạnh tảng đá, cúng Giàng một con gà nhỏ bằng nắm tay. Sau khi cúng gọi Giàng và nói điều mình muốn xong, lấy gậy tre đập bảy lần lên tảng đá. Sẽ có dòng nước nhỏ từ khe đá chảy ra, dùng quả bầu khô hứng nước ấy uống, người ốm sẽ khỏi bệnh, người phải kiêng cữ được giải, không phải kiêng nữa, người bất hòa nhau sẽ giải hòa được, người muốn được bắt về làm vợ sẽ như ý…
Tảng đá Siên vẫn ở cạnh buôn trải qua nhiều đời già làng, nhưng một lần, người Stiêng từ bên kia sông Đạ Đờng kéo sang, định bắt người Mạ đem về bán cho người Kur làm nô lệ, định cướp tảng đá thiêng. Giàng núi Odang Ndroe tức giận, làm cho người Stiêng bị phong hủi hết, phải bỏ trốn vào rừng. Giàng cũng đem tảng đá thiêng vào hang núi nơi đã sinh ra người Mạ, giao cho lũ cá sấu sông Đạ Đờng canh giữ, giao cho giống dơi báo tin cho Giàng khi có người vào hang. Từ đó hang được gọi là hang Dơi. Nghe nói hang có mấy ngách thông ra đến sông Đạ Đờng.
Tảng đá Siên rất thiêng, nhưng mỗi khi, người Mạ muốn vào hang xin nước từ tảng đá, phải vào với lòng thành thật, muốn làm điều tốt đẹp, vì con cá sấu canh giữ tảng đá thiêng biết lòng mỗi người, Giàng đã cho nó quyền năng ấy. Ai bước vào hang với ác tâm, con cá sấu lập tức xoay đầu về phía người ấy, mắt đỏ lừ, há miệng to, nhanh như chớp cắn đuổi kẻ xấu ra khỏi hang. Người vào hang với lòng thành, con cá sấu quay đi, giả đò ngủ quên, thở phì phò mát lạnh cả hang. Nghe nói đến bây giờ tảng đá Siên vẫn còn thiêng như thế và con cá sấu sông Đạ Đờng vẫn canh giữ cửa hang.
Buôn B’Sar Lu Siên giờ vẫn còn ở cạnh sông mẹ Đạ Đờng, thành một buôn lớn của xã Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên. Con đường chính vào B’Sar Lu Siên đi từ xã Tiên Hoàng, huyện Cát Tiên vốn là một nhánh của con đường đi từ buôn Kon Oh Mạ vào. Còn con đường lớn của cư dân Mạ từ B’Sar Lu Siên vượt qua sườn đồi Đăng Truum Kliu sang buôn Bordee rồi vượt qua Đăng Yaang về buôn B’Kuất là con đường vốn có từ nhiều đời trước. Thời kháng chiến, cuối năm 1960, tại buôn B’Sar Đạ R’Yal đã diễn ra cuộc họp của đội công tác của đoàn B90 từ Bắc vào và đội công tác miền Đông Nam Bộ cử ra để nối thông đường liên lạc từ Đắc Lắc qua Lâm Đồng về chiến khu Đ miền Đông Nam Bộ, là một nhánh của đường Trường Sơn Đông. Đến nay, một tấm bia ghi nhớ địa điểm hai đội công tác gặp nhau đã được xây dựng ở phần đất thuộc buôn B’Sar Đạ R’Yal.
Các buôn B’Sar nổi tiếng về tài thiện xạ, họ làm nỏ bằng gỗ cẩm lai, dây nỏ bằng ruột con mèo rừng phơi khô. Mũi tên bằng cây lồ ô già ngâm nhựa cây si Crao, loại cây này có nhiều trên dãy đồi trong vùng, nhựa màu trắng. Khi cần tẩm tên, người Mạ mang ống tre lên rừng, tìm một cây si Crao già, chặt vào thân, hứng nhựa chảy vào ống tre, chỉ nửa buổi là đủ, đem về dùng nước tiểu trẻ nam ngâm trong bảy ngày, là có thể tẩm vào mũi tên. Tẩm tên độc cũng rất công phu, phải ngâm mũi tên vào thuốc tẩm ba ngày, sau đó đem phơi khô, tên tẩm một lần có thể bắn chết con heo rừng bốn tay, muốn bắn con cọp, con beo phải tẩm tên bốn lần mới đủ liều lượng làm cọp beo chết.
Chuyện cổ ở buôn B’Sar B truyền lại rằng, thuở xa xưa, có một lần người Stiêng và người Pu Nông vượt sông Đạ Đờng sang vùng người Mạ, định đánh các buôn, bắt người đem về bán sang Miên, sang Lào. Người B’Sar ở ngay sát sông đã chặn đánh lũ cướp, họ di chuyển trong rừng, dùng tên tẩm thuốc độc bắn tỉa dần bọn cướp, khiến chúng chỉ còn số ít, phải bỏ chạy về bờ bên kia.
Nghe nói người B‘Sar còn có thể chuyền mũi tên cho nhau bằng cách bắn tên ghim búi tóc của bạn. Chẳng biết hư thực thế nào nhưng cho đến ngày nay, người các buôn B’Sar vẫn có nỏ trong nhà.
Từ buôn B’Sar Lu Siên, đi về hướng đông nam khoảng nửa đêm đường, vượt qua ba dãy đồi thấp là đến buôn Brodee. Dọc bờ sông về phía thượng nguồn là buôn Đing Xiết, nghe nói hồi đầu thập niên 60 thế kỷ trước, buôn này chỉ có một nhà dài trên ngọn đồi thấp. Chung quanh buôn là mấy ngọn đồi liền nhau chỉ toàn cỏ sậy, lá sắc như cật tre. Đi trong rừng cỏ sậy, chỉ một lát, người đã bị không biết bao nhiêu vết cắt, đau nhức vô cùng. Vì vậy buôn có tên Đing Xiết, buôn ở vùng cỏ sắc như cật tre.
Còn tiếp
Kỳ I - Kỳ II - Kỳ III - Kỳ IV - Kỳ V
Theo Ninh Thế Hùng (Báo Lâm Đồng)
toimedulich
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét