Thứ Bảy, 16 tháng 8, 2014

Ven dòng sông mẹ Đạ Đờng (Kỳ 2)

B40, tên của một con đèo

(LĐO) - Dãy núi Bun Trao với ngọn Bun Trao, có người gọi là ngọn Tiou Hoan cao 1.444 m và ngọn Bnom Quanh cao 1.131 m chia đôi cao nguyên Di Linh - B’Lao, cắt vùng người Mạ thành hai phần. Phần phía nam-tây nam là đất của người Mạ B’Lao, phần phía bắc-tây bắc là vùng cư trú của người Mạ Đạ Đờng.

< Đường vào Lộc Bắc.

Từ thị trấn Lộc Thắng đi theo tỉnh lộ ĐT 725 về phía bắc, những cánh rừng ngo tự nhiên trải dài ngút tầm mắt. Buôn Đạ Mbri B’Lá lẩn khuất đâu đó giũa rừng thông tỏa những làn khói nhẹ, cùng với những làn sương mỏng trên các ngọn cây ngo làm thành khói lam chiều của miền núi, khung cảnh như nửa hư nửa thực.

Từ buôn B’Lá, con đường dần thành đường mòn, thành con đường của dân bản địa vượt dãy Bun Trao ở giữa hai ngọn núi Tiou Hoan và B’Nom Quanh, vào vùng mà ngày trước, người Pháp khi khai thác miền cao nguyên này đã ghi trên bản đồ là “vùng chưa được biết đến”. Con đường có khoảng một đêm đường đi giữa rừng ngo, đoạn đường này gần như bằng phẳng, chỉ khi vừa chớm các ngọn đồi của dãy Bun Trao, rừng mới chuyển sang loại hình lá rộng.

Rừng ngo ngày trước, người Mạ không phát làm rẫy bao giờ, một phần vì cây ngo hàng trăm năm tuổi có thân khá lớn, chặt ngã mất khá nhiều công sức, một phần vì lá ngo rụng xuống lâu năm, tinh dầu ngấm vào đất, cây lúa mẹ, lúa con, cả cây bầu cây bí nữa, không thể nào sống được.

Người Mạ vào rừng ngo chỉ để lấy “củi dầu”, cây ngo tích nhựa trong thớ gỗ, trong rễ, khi cây chết, gỗ tẩm nhựa không mục theo thời gian, dù chôn dưới đất, dù ngâm trong lòng suối, khi  lấy lên chẻ nhỏ, củi ngo cháy dễ dàng nhờ có nhiều nhựa trong ấy, nên được gọi là củi dầu. Người Mạ dùng củi dầu thay cho đèn, dùng làm đuốc thắp sáng ban đêm.

Bây giờ, dọc hai bên đường, đồi trà, đồi cà phê bạt ngàn xanh mướt, đó đây, vài khoảnh rừng ngo mới trồng tạo thành một vùng màu xanh nhạt. Tầm mắt không còn bị rừng che khuất, có thể nhìn thấy ngọn Pàng Per với hai đỉnh tròn tròn, thấy cả ngọn Tiou Huoan mờ mờ phía xa. Phía Nam dãy núi là đất của buôn B’Lá, phía bắc dãy núi là phần đất của buôn Hang Kar.

Cạnh hai buôn này có con đường lớn của người Mạ. Con đường khởi nguyên từ đâu đó, cạnh các buôn ven sông mẹ Đạ Đờng, con đường cắt qua dãy núi cao sang vùng Mạ B’Lao rồi từ đó đi xuống Phan Thiết ở ven biển. Người Mạ gọi là “gung Bojai”, là con đường tổ tiên người Mạ đã đi từ núi xuống đồng bằng, mang sản vật từ rừng, mang các tấm ùi đẹp xuống miền biển đổi muối, đổi ché. Gọi là đường lớn không phải vì nó to, rộng, các con đường của cư dân bản địa đều là đường mòn, do bàn chân đi trước nối với bàn chân đi sau, liên tục từ đời này sang đời khác mà thành.

Người Mạ lại có tập quán đi thành hàng một, kẻ trước, người sau lần lượt bước đi, không ai chen lấn ai bao giờ, nên mọi con đường đều vừa một người đi, đó là một lối mòn  hơn là một con đường. Từ nơi ở, có con đường ra rẫy, có con đường xuống nguồn nước, có con đường đi sang buôn bên cạnh, có con đường đi về làng cũ nhưng những con đường mòn ấy không mấy ai sử dụng nữa mỗi khi buôn dời đi nơi khác, rồi cây cỏ lại mọc lên, che kín con đường. Từ rừng, người đi nhiều thành đường, người không đi nữa thì đường lại thành rừng, người Mạ trả lại cho rừng những gì họ đã nhận từ rừng, một cách tự nhiên, vô thức.

Lối mòn cũng thế, các lối đi tồn tại trong thời gian vài năm, khi buôn còn thì đường còn, khi dời buôn thì đường mất dấu, những con đường ấy là đường nhỏ. Còn con đường nối  buôn này với buôn kia, chằng chịt trong khắp vùng người Mạ, là con đường chung, con đường của lữ khách, ai cũng có thể sử dụng. Khi có một chàng thanh niên Mạ nào đó, sau mùa suốt lúa, sau khi đã phát rẫy xong, đang chờ cây cối khô nỏ để đốt rẫy, nổi máu du hành, với xà gạc trên vai, gùi sau lưng, chàng đi sang buôn bên cạnh, đổi tấm ùi vợ mới dệt xong, đổi cái gạc nai chàng mới nhặt được trong rừng, rồi vui bạn vui bè, chàng rủ mọi người xuống chợ miền xuôi, vượt qua những cách rừng đại ngàn đi về miền biển.

Qua mỗi buôn, đoàn người mỗi lúc một đông hơn, lập thành một đoàn người đi xuống chợ ở miền xuôi (lòt dra) mua muối, đổi sắt hay tìm mua những chiếc ché cổ của người Brum. Con đường mà đoàn lữ hành ấy đi qua thường cố định qua nhiều thế hệ, nó gần như không đổi về tổng thể theo thời gian, có đổi chăng là đổi từng đoạn khi có một buôn trên con đường  ấy dời đi nơi khác. Đoạn đường đến và đi khỏi buôn ấy có đổi thay chút ít, nhưng con đường chính vẫn vậy và nó là một con đường lớn. Con đường đi ngang buôn Hang Kar, buôn B’Lá là một con đường lớn như thế.

Con đường vượt qua dãy núi cao Bun Trao ấy, có lẽ là độc đạo, nối liền vùng cư trú của người Mạ B’Lao và Mạ Đạ Đờng, không phải bây giờ mRới có, mà nó đã là lối đi, có cách đây cả ngàn năm, là con đường các buôn Mạ Đạ Đờng đi sang vùng Mạ B’Lao, rồi xuống đồng bằng ven biển mua muối.

Theo Ông K’Lọ, hơn 80 tuổi ở buôn B’ Đưng, cha của ông đã theo đường mòn ấy đi xuống chợ Phan Thiết và trở về hết một con trăng. Con đường của lữ khách ngày xưa trong thời kháng chiến trở thành đường giao liên, là một phần của con đường Trường Sơn huyền thoại. Bây giờ được mở rộng, trải bê tông nhựa phẳng lỳ, là một phần của tỉnh lộ ĐT 725, có đèo B40 ở cây số 33, cắt ngang ngọn Lú Lùng.

Đèo có tên B40 vì khoảng năm 1970, khi mới được trang bị súng phóng hỏa tiễn B40, bộ đội thuộc Tỉnh Đội Lâm Đồng làm hầm cất giấu súng, đạn B40 dưới chân một con dốc, dẫn lên đỉnh Lú Lùng, từ đó con dốc có tên B40.

Nhưng theo ông Hà Thanh Đồng, cựu chiến binh, chuyên viết sử quân đội ở Lâm Đồng kể về tên con đèo này: Tháng 8 năm 1969, C 216 đặc công của Quân khu VI, sau chiến dịch Hoài Đức - Tánh Linh chuyển lên đứng chân tại K1 Lâm Đồng, căn cứ ở quanh quẩn vùng núi Lú Lùng. Đơn vị nhận nhiệm vụ đánh cứ điểm biệt kích tại Tân Rai, là nơi có hệ thống lô cốt, boong ke kiên cố.

Để tạo sự tin tưởng có thể đánh lô cốt cho chiến sĩ trong đơn vị, khoảng tháng 10/1970, Bộ Chỉ huy C216 đã cho bắn thử một quả đạn B40, vào tảng đá to ven đường giao liên, dưới chân dốc núi, để xem sức công phá của đạn, từ đó nơi bắn thử đạn thành tên con dốc. Sau này, tỉnh lộ ĐT 725 mở theo đường giao liên thuở ấy nên con dốc vẫn giữ nguyên tên.

Ngọn Lú Lùng có đèo B40 là một hoành sơn của rặng Bun Trao. Tên Lú Lùng gốc từ tiếng Mạ, có nghĩa là tảng đá hình cái tô.

Chuyện kể của Ông K’Huy -  xã Lộc Bảo:

Ngọn núi gần buôn Hang Kar, trong dãy BunTrao có một tảng đá to trên sườn núi, trên đó có một khoảng hơi bằng, có chỗ lõm hình như cái tô, truyền thuyết ông bà xưa kể rằng: Thuở xưa, người Mạ đã biết dùng chó săn thú, cả đàn chó vây kín con mồi, sủa inh ỏi, xông vào tấn công tứ phía, dồn con thú bị vây xuống chỗ lầy, không còn đường chạy, chỉ còn đợi người đi săn đến bắt, với đàn chó bốn năm con, có thể bắt được cả heo độc.

Truyền thuyết ông bà xưa kể rằng: Ở buôn Hang Kar có người thợ săn với đàn chó rất khôn, con đầu đàn có thể dồn cả gấu vào ngõ cụt, đã đuổi là phải bắt được mồi. Một hôm đàn chó lên núi xua thú, nhưng không được ăn no, con đầu đàn kiệt sức, gục chết cạnh tảng đá ven rừng.

Chỗ đầu chó gối lên, đá lõm xuống thành hình cái tô, từ đó, mỗi khi dẫn đàn chó đi săn, người chủ để cho chó đói từ tối hôm trước, sáng sớm hôm sau, mang thức ăn theo, dẫn chó lên Lú Lùng, đến chỗ cái tô đá, cho chó ăn ở đấy, nếu chó ăn hết thức ăn, ngày đó sẽ săn được thú.

Nghe nói đến những năm 80 thế kỷ XX, Lú Lùng vẫn còn linh nghiệm như thế. Lú Lùng bây giờ vẫn còn, nằm bên trái đường ĐT 725 phía xã B’Lá đi vào, cách đường chừng 50m, từ chân dốc B40 lên khoảng nửa cây số.

Qua con đèo quanh co,với ba khúc cua quay đầu, trời đất đột ngột mở ra một khu lòng chảo rộng, phải hai ba đêm đi đường, lấp ló đâu đó trên các ngọn đồi thấp là các buôn làng của cư dân Mạ bản địa. Khu lòng chảo ấy, bây giờ là hai xã Lộc Bảo và Lộc Bắc của huyện Bảo Lâm.
Còn tiếp

Kỳ I - Kỳ II - Kỳ III - Kỳ IV - Kỳ V

Theo Ninh Thế Hùng (Báo Lâm Đồng)
toimedulich

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét