Thứ Sáu, 29 tháng 8, 2014

Về Hòn đá Bạc mà chơi...

Hòn Đá Bạc cách thành phố Cà Mau khoảng 50km đường thủy, 42km đường bộ. Đây là một cụm đảo đẹp và kỳ thú với nhiều nét hoang sơ.

< Không ảnh Hòn Đá Bạc.

Hòn Đá Bạc thuộc xóm Kinh Hòn, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, cách Tp. Cà Mau 50km đường thủy. Đây là một cụm hòn nằm nhô cao khoảng 50m so với mặt nước biển, gồm các hòn liền nhau: hòn Trọi, hòn Ông Ngộ và hòn Đá Bạc với tổng diện tích khoảng 6,5ha.

Ngoại trừ Hòn Trọi nhỏ bé nằm giữa hai Hòn Ông Ngộ và Hòn Đá Bạc, chỉ toàn đá là đá, còn lại hai hòn kia đều được phủ rợp bóng cây rừng xanh mướt, cây cối mọc um tùm. Với bóng cây bàng, bồ đề che rợp, hòn Đá Bạc lúc nào cũng rì rào tiếng gió biển xa ru. Điểm đặc biệt là bao quanh toàn bộ khu Hòn Đá Bạc đều là bờ đá granit chồng chất lên nhau. Tất cả như được bàn tay huyền bí nào đó nhào nặn thành những hình thù kỳ lạ, đẹp mắt, sắp xếp thành dãy, thành bãi trải dài vây tròn quanh bờ biển càng tăng thêm vẻ thần tiên của đảo.

Đến với Hòn Đá Bạc, điều đầu tiên mà du khách nhìn thấy khung cảnh vẫn còn đậm nét hoang sơ. Đây là hình thù kỳ thú của cụm ba hòn, kia lại có vô số những viên đá granit xếp chồng lên nhau tạo thành những hình thù hết sức độc đáo. Với những hình thù này, du khách có thể tưởng tượng ra: sân tiên, giếng nước tiên, bàn chân tiên, bàn tay tiên… Trên đỉnh phía đông của hòn Đá Bạc có các mảng đá to và bề ngang khá rộng. Khoảng giữa hai mảng đá có khuyết một dấu giống như hình bàn chân. Tương truyền rằng, dấu bàn chân ấy là bàn chân tiên, còn mảng đá này là sân tiên. Vì vậy, nơi đây được người dân ví như chốn bồng lai tiên cảnh.

Trên đỉnh cao nhất của hòn Đá Bạc là đền thờ Ông Nam Hải, nơi thờ bộ xương cá Ông dài 13m. Cá Ông cứu người, dạt vào Kinh Chùa (Sông Đốc) ngày 20-5-1995. Được khoảng 3 ngày sau, Ông lụy (chết), mọi người đem chôn và đến năm 1996 đưa về hòn Đá Bạc bộ xương để thờ. Ngư dân vùng này đi biển gặp bão, được cá Ông cứu giúp. Vì thế, họ thầm cảm ơn Ông và đem thờ Ông như một vị thần cứu nhân độ thế. Tương truyền, đền thờ Ông Nam Hải rất thiêng. Ngày nay, không chỉ ngư dân gần đó tới viếng Ông, mà du khách thập phương nghe tiếng Ông linh thiêng đều kéo về thăm viếng và cầu mong Ông phù hộ độ trì cho gia đạo bình an, không gặp sóng gió, trắc trở.

Hòn Đá Bạc cũng có cả một hệ sinh thái rừng với các mảng rừng và thảm thực vật nguyên sinh quý hiếm. Đây chính là nét chấm phá kỳ diệu mà thiên nhiên đã ban tặng cho riêng tỉnh Cà Mau.

Ngoài tham quan cảnh đẹp, tắm biển, du khách còn được tìm hiểu và khám phá cuộc sống của người dân xứ biển nơi đây. Du khách có thể xem hoặc tham gia cùng người dân nơi đây cạy hàu, câu cá nâu, câu cá ngát, câu mực… Nếu du khách có nhu cầu thưởng thức hải sản vừa được đánh bắt, những bếp lò than hồng của ngư dân sẵn sàng phục vụ.

Nhâm nhi những con mực, tôm tích, hàu, cá đối... cùng mấy chai rượu mỏ quạ - đặc sản rừng U Minh - ngắm nhìn trời mây biển cả đang chìm dần trong bóng hoàng hôn, cảnh mặt trời đỏ rực dần chìm xuống biển Tây. Trời càng về đêm, sương xuống càng lạnh, trong ngọn gió biển ào ạt, ly rượu càng thêm nồng ấm.

Với cảnh quan thơ mộng, hùng vĩ lại gần bờ, Hòn Đá Bạc ngày càng thu hút nhiều khách tham quan. Hiện nay, một hệ thống cầu nối giữa ba hòn đảo giúp du khách rút ngắn thời gian đi lại. Con đường đi quanh các hòn cũng đã được bê tông hóa (giả cây gỗ) nhưng không phá vỡ cảnh quan thơ mộng và hùng vĩ nơi đây.

Đến Cà Mau, du khách hãy một lần ghé thăm hòn Đá Bạc để nghe sóng biển rì rào kể chuyện để thêm yêu vùng đất Cà Mau – nơi cuối trời tổ quốc. Giữa biển trời mênh mông, du khách sẽ nghe lòng mình lắng đọng hơn sau những bộn bề, lo toan của cuộc sống.

Theo Bảo Anh (TTVN)
toimedulich

Ai về ghé thăm hòn Đá Bạc...
Thiên đường ở hòn Đá Bạc, Cà Mau

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét