Đình làng An Vĩnh, xã An Vinh, huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã được Bộ VHTT&DL công nhận là di tích lịch sử Quốc gia. Đây không chỉ là nơi bảo tồn các hoạt động văn hóa phi vật thể liên quan đến lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa cũng như các lễ tế đình, các lễ hội truyền thống của người Việt trên đảo Lý Sơn, mà nơi đây còn có giá trị đặc biệt trong việc bảo tồn các tài liệu văn bản cổ, khẳng định chủ quyền biển đảo của nước Việt Nam.
Lịch sử đình làng An Vĩnh
Đảo Lý Sơn ngày nay là đảo Cù Lao Ré ngày xưa có chiều sâu xa về lịch sử văn hóa, con người thời tiền sử đã sinh sống trên hòn đảo này, các nhà khảo cổ đã phát hiện văn hóa Sa Huỳnh trên đảo Lý Sơn cách nay trên dưới 2.500 năm kéo dài đến thế kỷ đầu sau công nguyên.
Người Việt đến khai chiếm đảo Cù Lao Ré vào thế kỷ 16, với cuộc di cư các dòng họ tiền hiền ở hai xã An Hải, An Vĩnh nằm hai bên cửa biển Sa Kỳ. Từ khi người Việt mở mang bờ cõi trên đảo Cù lao Ré đã đặt thành hai phường An Hải và An Vĩnh. Theo tài liệu gia phả để lại đã có 13 vị tiền hiền dòng họ khai chiếm phường An Hải, An Vĩnh.
Căn cứ theo tài liệu chữ Hán đơn xin tách phường An Vĩnh khỏi xã An Vĩnh (trong đất liền) được viết năm Gia Long thứ 3 (1804) còn lưu ở dòng họ Phạm Quang phường An Vĩnh, nay là xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, thì từ năm Quý Tỵ (1773), phường An vĩnh đã tách riêng biệt lập đơn bằng sưu thuế, không thờ cúng ở chùa, đình, miếu với dân xã An Vĩnh trong đất liền.
Năm Giáp Tý niên hiệu Gia Long thứ 3 (1804), triều đình Nguyễn Gia Long cho phép tách phường An Vĩnh đảo Cù Lao Ré ra khỏi xã An Vĩnh ở đất liền. Qua hai văn bản chữ Hán đã cho thấy niên đại đình An Vĩnh được xây dựng vào cuối thế kỷ 18, tức trong khoảng thời gian sau năm 1773 đến đầu triều Gia Long.
Theo bản văn truyền thống của đình làng An Vĩnh, đình làng An Vĩnh lúc đầu xây dựng bằng tranh, cột bằng gỗ tra bể, cây bàng, vách đất. Đến năm Mậu Ngọ (1798), Cảnh Thịnh thứ 7, đình An Vĩnh được tu bổ xây mới. Năm Nhâm Dần (1842), Thiệu Trị thứ 2, đình An Vĩnh bị giặc Tàu cướp đốt phá. Năm Canh Thân (1920), Khải Định thứ 5, đình làng An Vĩnh khôi phục quy mô hoành tráng theo kiến trúc hình chữ tam gồm đình thượng, đình trung và đình hạ.
Năm 1922, đình làng An Vĩnh bị bão lớn làm hư hại nặng. Năm 1946, Ủy ban Hành chính Kháng chiến xã Lý Sơn đặt trụ sở làm việc tại đình An Vĩnh. Năm 1953, đình An Vĩnh bị Pháp thả bom làm sập mái trước, sắc phong bị cháy. Năm 1957, đình làng An Vĩnh bị hư hại quá nặng, dân làng tu bổ nhà thờ tiền hiền để thờ các vị tiên công.
Năm 2009, đình An Vĩnh được Nhà nước đầu tư kinh phí nghiên cứu trùng tu phục dựng lại như cũ, nhưng không còn giữ được dấu tích và hiện vật liên quan đến Đội Hoàng Sa trước đây. Chỉ có hàng năm tại đình làng vào tiết thanh minh tháng ba âm lịch làm lễ cầu siêu vong độ cho hương hồn lính Hoàng Sa bỏ mình trên biển.
Kiến trúc đình làng An Vĩnh có kết cấu kiến trúc hình chữ Tam, gồm đình hạ, đình trung và đình thượng được liên kết với nhau bằng máng xối dài. Các bộ vì kèo giống các bộ vì kèo nhà rường miền Trung. Mô thức trang trí tứ linh, ngũ phúc thể hiện quan niệm âm dương cầu mong mọi sự bình an cho dân làng.
Địa danh ghi dấu lịch sử nước nhà:
Theo những tài liệu lịch sử, cách đây khoảng 3 đến 4 thế kỷ trước, các chúa Nguyễn đã bắt đầu ý thức đến nguồn tài nguyên vô tận, cũng như sớm xác lập chủ quyền lãnh thổ trên vùng biển Đông của Tổ quốc.
Đội Hoàng Sa được lập nên gồm 70 người, lấy người An Vĩnh luân phiên sung vào, định kỳ vào tháng 3 mỗi năm nhận chỉ thị công việc thi hành, đem lương thực 6 tháng, đi 5 chiếc thuyền nhỏ ra biển 3 ngày 3 đêm mới đến đảo Hoàng Sa. Hầu như các họ tộc tiền hiền trên đảo Lý Sơn ít nhiều đều có đi lính Hoàng Sa, nhưng đi lính Hoàng Sa nhiều nhất phải kể đến các dòng họ Võ Văn, Nguyễn, Phạm Quang, Phạm Văn, Lê, Võ Xuân, Đặng của phường An Vĩnh (nay là xã An Vĩnh).
Trước khi xuất quân, tất cả binh lính tập hợp tại sân đình An Vĩnh để làm lễ cáo thần linh, cầu mong vạn sự bình an. Lễ cáo tế thần linh ở đình do ông Cả làng làm chủ tế. Tên tuổi của người đi lính Hoàng Sa viết trên thẻ bài đều được cáo với thần linh tổ tiên.
Sau lễ tế, những người lính Hoàng Sa theo sự chỉ huy của Cai đội lên các chiếc ghe câu neo đậu nơi Bến Đình khởi hành ra đi. Đình làng An Vĩnh là nơi lính Hoàng Sa, các chức sắc trong làng tổ chức lễ cáo tế thần linh, tổ tiên trước khi xuất binh ra đi đến quần đảo Hoàng Sa và cả khi Đội Hoàng Sa hoàn thành xong nhiệm vụ trở về.
TS. Nguyễn Đăng Vũ - Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Đình làng An Vĩnh xây dựng vào cuối thế kỷ 18, là một trong những ngôi đình có niên đại xây dựng sớm ở tỉnh Quảng Ngãi. Do nhiều nguyên nhân khác nhau như điều kiện thời tiết, chiến tranh nên đình này đã bị tháo dỡ. Đến năm 2009, đình đã được phục dựng lại với kết cấu kiến trúc giống như ngôi đình cổ đã từng được xây dựng trước đây.
Hàng năm, đình làng An Vĩnh là nơi tổ chức các lễ tế như: Lễ tế Xuân Thu nhị kỳ vào các ngày 20/2 và 20/8 (âm lịch); Lễ giỗ lục tộc tiền hiền vào ngày 16/7 (âm lịch); lễ khao tế cầu siêu vong hồn lính Hoàng Sa vào ngày 16/3 (âm lịch). Ngoài ra, đây còn là nơi diễn ra các hội hè dân gian…
TS. Đoàn Ngọc Khôi - Phó giám đốc Bảo tàng tỉnh Quảng Ngãi cho biết : Về mặt giá trị kiến trúc thì hiện đình làng An Vĩnh không còn nhiều do chiến tranh tàn phá. Nhưng về mặt giá trị lịch sử thì đình có một ý nghĩa rất lớn, là nơi thờ tự các dòng họ đi lính Hoàng Sa, hầu hết những người đi lính Hoàng Sa thời chúa Nguyễn đều là người ở làng An Vĩnh.
Đình làng An Vĩnh không chỉ là nơi hun đúc tinh thần, tín ngưỡng cho người dân trên đảo Lý Sơn, mà nơi đây còn là một di tích lịch sử có giá trị trong việc minh chứng chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đình làng An Vĩnh là nơi bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa, nhằm giáo dục cho thế hệ hôm nay và mai sau về lòng yêu nước, ý chí bảo vệ độc lập chủ quyền của Tổ quốc Việt Nam.
Đinh Thị Hương - TTXVN
toimedulich
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét