(ATC) - Không điện, không nước sinh hoạt, không một ngôi nhà gạch nào, không sóng điện thoại…đó là tất cả những gì về Sài Khao hôm nay (8.2013).
< Sài Khao hôm nay vẫn còn rất nghèo...
“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi…”
Từ ngày còn học phổ thông cho tới bây giờ, tôi vẫn ước ao được đi hết các địa danh trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng, một trong những bài thơ tôi vẫn thuộc lòng và đôi lúc còn lẩm nhẩm một mình.
Từng địa danh, từng từ ngữ miêu tả về núi rừng Tây Bắc, cả cảnh vật lẫn con người đều như một bức tranh tuyệt sắc mời gọi những kẻ hám “phượt” chinh phục. Sau bao lần lỡ hẹn vì trời mưa, vì núi lở, vì bận rộn với công việc cuộc sống. Mãi cho tới một ngày cuối tháng 3, khi mọi điều kiện đã thuận lợi, cộng thêm kêu gọi được những người bạn đồng hành thân thiết. Chúng tôi bắt đầu hành trình, theo dấu đoàn quân Tây Tiến năm xưa.
Mường Hịch – Ngày ấy, bây giờ
< Điểm trường cũng rất sơ sài.
Thời gian cho cuộc chinh phục chặng đường đầu tiên trong cả con đường dài năm xưa chỉ vẻn vẹn có 2,5 ngày, vì thế chúng tôi chỉ đi được phần đầu của con đường, đi ngược theo dòng sông Mã để lên Sài Khao rồi Mường Lát. Chiều thứ 6, từng đoàn người hối hả tan tầm, cuối tuần rồi mà, ai cũng mong về nhà thật nhanh. Trong dòng người đó, có 19 kẻ thật khác biệt, ăn mặc ấm áp, khẩu trang, kính, mũ bảo hiểm đầy đủ, đồ đạc chằng chằng buộc buộc, mười chiếc xe lặng lẽ rời Hà Nội theo hướng Mai Châu thẳng tiến.
Trời tối dần, đã không còn nhìn thấy mặt người nữa, là lúc chúng tôi bắt đầu đến dốc Cun, con dốc hiểm trở nơi cửa ngõ Tây Bắc. Sương bắt đầu dày lên, đã không còn thấy những mái nhà ven đường nữa, đâu đó rất xa dưới thung lũng lập lòe dăm ba ánh đèn rất nhỏ, chúng tôi biết rằng đây đang là đèo Thung Khe.
Dừng chân nơi lưng chừng đèo, chỗ khúc cua đá trắng, đúng chỗ này ban ngày là nơi bà con bán đủ các mặt hàng nông sản của núi rừng. Nào là ngô, lan rừng, cơm lam, mật ong rừng,… ai đi qua đây cũng ghé lại, vừa là để dừng chân nghỉ ngơi sau chặng đường đèo dốc, vừa là để ngắm cảnh thưởng thức các món ăn. Chúng tôi dừng lại, hít căng lồng ngực cái không khí mát lạnh và trong lành của miền sơn cước rồi lại tiếp tục lên đường.
< Cần thận trọng khi đi qua đoạn đường nhỏ, dốc và nhiều sống trâu.
Từ đây lên Mai Châu còn phải đi vượt qua đèo Thung Nhuối nữa, từng góc cua bị bỏ lại, trời quang đãng hơn, chúng tôi vào Bản Lác, nơi có những ngôi nhà sàn đặc trưng để dừng chân đêm nay.
Xưa, Quang Dũng qua đây mà viết nên Tây Tiến, “Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”. Mai Châu bây giờ chắc đã khác ngày xưa, thị trấn nhỏ nằm trọn mình trong một thung lũng, nhiều ngôi nhà ngói, nhà tầng mọc lên, chỉ còn mấy bản làng làm du lịch là còn giữ lại được những ngôi nhà sàn, cùng nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Nhưng có một thứ dường như không bị thay đổi theo thời gian đó là món cơm nếp (xôi) và rượu Mai Hạ nơi đây.
Con đường từ Mai Châu xuôi theo quốc lộ 15A đến Co Lương uốn mình theo dòng sông Mã, sông Mã mùa này không ngầu đỏ như mùa tháng 7 nữa mà trong xanh đến lạ thường. Từ đây chúng tôi rẽ vào đường đi Trung Sơn, cách đây chừng 6 tháng thì đoạn này là một trong những cung đường off-road thú vị, bởi hai bên là những rừng tre xanh mượt, có rất nhiều suối chảy qua. Giờ đây, dự án đường Mường Lát – Co Lương đang được làm nên đoạn này đã được rải nhựa khá bằng phẳng.
Chặng đường nhựa như là mồi nhử cho những kẻ hám phiêu lưu, toàn bộ cung đường phía sau thực sự là một thử thách. Con đường đất với nhiều dốc cao và dài, từng lớp bụi dày đến cả chục cen-ti-mét dưới mặt đường. Từng chiếc xe vẫn bám đuôi nhau tung lên những làn bụi mờ mịt, qua vài con dốc đã có những chiếc xe phải dừng bước, bởi máy quá nóng, bởi không thể tải thêm được nữa. Dừng chân nghỉ bên dòng sông Mã chờ máy nguội chúng tôi lại lên đường. Cứ thế cho đến khi tới Mường Hịch.
< Những đứa trẻ ở Sài Khao.
Mường Hịch xưa là vùng đất đoàn quân Tây Tiến đã đi qua và hoạt động lâu dài, theo lời thơ Quang Dũng là nơi hiểm yếu, rừng rậm nguyên sinh, đêm đêm vẫn có cọp (hổ) ra quấy nhiễu, cả vùng chỉ có vài chục nóc nhà, nhà nào cũng phải làm thật cao, cắm chông bốn phía đề phòng bất trắc, ấy vậy mà thỉnh thoảng vẫn có người bị cọp vồ mất.
Xưa là thế, nhưng hôm nay, Mường Hịch đã không còn có cọp nữa, cuộc sống yên bình của người dân nơi đây đổi thay từng ngày. Dòng suối Sia vẫn chảy đêm ngày để đổ ra dòng sông Mã, sương núi bảng lảng, lẫn trong mùi khói bếp nhà ai là mùi của cơm nếp thơm lừng níu chân chúng tôi.
Dừng lại tại đây, cả đoàn vào một nhà dân ở ven đường. Ngôi nhà khá đơn sơ, mái phên bằng nứa, mái lá bằng tranh, nằm chênh vênh bên dòng sông anh hùng. Cảnh tượng này khiến ai trong đoàn cũng lơ đãng, dăm cô bạn ngồi bên cửa sổ nhìn xuống dòng sông nghĩ ngợi xa xăm, lũ con trai chúng tôi cởi phăng hết quần áo nhảy tủm xuống dòng sông xanh ngắt ấy mà tắm, mà ngụp lặn cho thỏa thích. Sông Mã mùa này đã thôi gầm gào ngầu đục mà hiền hòa như cuộc sống người dân nơi đây vậy.
Sài Khao nghèo khó
Trời về chiều dần, nắng chiều chiếu xiên qua từng rặng tre ven đường chúng tôi qua tạo nên vô vàn lốm đốm trên con đường rộng chỉ chừng 1m. Con đường từ Mường Hịch lên Mường Lý chưa được mở rộng, vì thế vẫn còn nhiều những vòm tre che kín cả lối đi, những vòm tre đan xen nhau tạo nên “đường hầm” mát rượi. Chúng tôi đến trung tâm xã Mường Lý khi đã gần 4 giờ chiều, từ đây lên Sài Khao cũng không còn xa nữa, nhưng đường đi thì khó khăn vô cùng. Cũng may mắn cho chúng tôi lần này đi trời không mưa, chứ chỉ cần vài hạt mưa nhỏ, dù là mưa phùn thôi thì chắc chắn sẽ phải bỏ cuộc tại đây.
< Một thửa ruộng bậc thang hiếm hoi nơi đây.
Sài Khao xưa kia là vùng đất rộng lớn bao gồm cả xã Mường Lý và Tam Chung, nhưng bây giờ chỉ còn lại bản Sài Khao mà thôi. Muốn vào được Sài Khao phải vượt được dốc Pù Hin Hại, là dốc dài và nguy hiểm nhất ở đây, độ dốc khá cao. Từ Hại phía sau tên dốc để nói lên con dốc này có thể làm hại bất cứ ai đi qua đây.
Hầu hết các “ôm” đều phải xuống đi bộ để một mình xế đánh vật với chiếc xe, chật vật mãi, tiến lên lại bị tụt xuống, máy nóng ran, có thể ngửi thấy cả múi cháy khét của côn chiếc Minks “khù khờ”. Vượt lên được con dốc trên cũng là lúc hoàng hôn chiếu xuống cả bản làng. Cả đoàn chúng tôi như sững lại, mọi mệt nhọc đều tan biến, chỉ còn lại niềm vui tột cùng trước cảnh sắc nơi đây mà thôi.
Không điện, không nước sinh hoạt, không thiết bị nghe nhìn, không có ngôi nhà gạch nào (trừ ngôi nhà bộ đội biên phòng để lại), đó là những cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi tới đây. Vào gặp trưởng bản Vàng A Sú để xin phép ngủ lại tại bản. Trong câu chuyện rù rì tâm sự, người trưởng bản gần 40 tuổi này kể về cuộc sống, về phong tục, về những khó khăn nơi đây.
Đêm về, chúng tôi đốt một đống lửa thật to. Kêu gọi toàn bộ thanh thiếu niên của cả bản ra giao lưu. Thanh niên thì đàn hát, nhảy múa xoay tròn quanh đống lửa cháy rực đỏ. Từng phần quà nhỏ bao gồm sách vở, đồ dùng học tập, kẹo bánh được phát cho các em nhỏ.
< Đêm lửa trại giao lưu với thanh thiếu niên.
Trong tiếng ghi-ta bập bùng, dường như không còn khoảng cách giữa những kẻ suốt ngày ngồi máy lạnh làm việc với người dân nơi đây. Chỉ có khoảng 60% học sinh của bản được đi học, số còn lại phải ở nhà lao động giúp gia đình. Đa phần các hộ dân ở đây đều đói quanh năm, chỉ có dăm ba thửa ruộng là có thể canh tác được lúa, còn lại vẫn có những trường hợp vào rừng đào củ để ăn qua ngày. Cuộc sống khốn khó vùng biên viễn này kèm theo vấn nạn thuốc phiện luôn đeo bám những đứa trẻ.
Những đứa trẻ lem luốc bùn đất, mùa đông cũng như mùa hè chỉ manh áo cộc, ngày ngày vẫn lớn lên giữa núi rừng, giữa sự nghèo khó và trắc trở. Chắc cũng bởi con đường vào Sài Khao hiểm trở quá, cũng bởi chưa có điện nên mới thế.
Đêm Sài Khao mang lại cho chúng tôi nhiều xúc cảm bất ngờ. Đầu tiên là món gạo tím, cái thứ gạo chỉ nơi đây có, nhìn hơi giống như gạo lứt ở đồng bằng vậy mà khi nấu lên thơm dẻo vô cùng. Điều thứ 2 là những tình cảm bà con nơi đây dành cho khách, cả bản nhiệt tình cùng chúng tôi. Và tất cả các điểm trường ở xung quanh đây đều lấy tên là Tây Tiến. Dù ngôn ngữ có nhiều cách biệt nhưng không vì thế mà có những khoảng cách.
Đêm Sài Khao là đêm đáng nhớ nhất trong cuộc đời mỗi thành viên của đoàn, ai cũng phải thốt lên điều ấy khi đống lửa đã dần tàn…
Sáng sớm, chúng tôi tạm biệt trưởng bản và bà con để về Mường Lát rồi sau đó ra Hồi Xuân, Cẩm Thủy, theo đường Hồ Chí Minh về Hà Nội. Không khí buổi sớm mai nơi đây thật trong lành, đâu đó tiếng gà gáy sớm, con đường đất bụi đỏ trước mặt chúng tôi dường như đã dễ đi hơn rất nhiều. Mong cho cuộc sống bà con nơi đây đủ no để ấm cái bụng, mong sớm có điện, có nước sinh hoạt cho mọi người. Chúng tôi về, mang theo những tình cảm của người xứ Tây Tiến xưa…
Những chú ý đặc biệt:
Trang bị đầy đủ đồ bảo hộ đi moto, đồ dùng cá nhân, giấy tờ tùy thân. Vào Sài Khao cần báo với trưởng bản hoặc đồn biên phòng, tuyệt đối không đi lại lung tung vì đây là vùng biên giới trọng điểm ma túy, nếu có thể hãy mang một ít đồ từ thiện lên cho trẻ em nơi đây.
Mang theo giấy tờ tùy thân, và cần báo cáo chính quyền địa phương khi đi vào các khu vực biên giới.
Lộ trình:
Ngày 0: Hà Nội – Hòa Bình – Tân Lạc – Mai Châu. Ngủ đêm tại bản Lác.
Ngày 1: Mai Châu – Co Lương – Trung Sơn – Mường Lý – Sài Khao – Mường Lát
Ngày 2: Mường Lát – Hồi Xuân – Cẩm Thủy – Đường Hồ Chí Minh – Hà Nội
Các điểm dừng chân chính:
Đèo Thung Khe, Thung Nhuối, Bản Lác, sông Mã, Mường Lý, Sài Khao, Mường Lát, đường Hồ Chí Minh, Cúc Phương.
Theo Ovuong (AutocarVN)
toimedulich
Theo dấu đoàn quân Tây Tiến 1
Theo dấu đoàn quân Tây Tiến 2
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét