(VTC) - Xã Hữu Kiên (Chi Lăng, Lạng Sơn), là xứ sở gần như của riêng người Tày, cũng chính là "vương quốc ngựa bạch".
Núi đồi hoang hoải, từng đàn ngựa trắng sải vó, thỉnh thoảng hí vang trời, hệt như cảnh thảo nguyên trong những bộ phim ngoại quốc. Ít ai ngờ, “cảnh trong phim” ấy lại có thể tìm thấy ở xã vùng cao Hữu Kiên, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn.
Xã Hữu Kiên là nơi cao nhất, xa nhất, địa hình khó khăn nhất của huyện Chi Lăng. Một xứ sở gần như của riêng người Tày. Những dải núi xếp cao, nối dài, gối lên nhau biến nơi này trở thành một cao nguyên ngút ngàn tầm mắt. Cuộc sống vì thế mà còn trăm thứ khó, nhưng nếu nói về nuôi ngựa giỏi, nuôi ngựa nhiều thì người Tày ở đây chẳng thua kém bất cứ ai.
Lãnh đạo xã cũng chăn ngựa
< Bạch mã ở vùng cao Hữu Kiên.
Ông Mai Xuân Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Hữu Kiên, nửa đùa nửa thật rằng: Vùng cao Hữu Kiên dường như chỉ có người và ngựa mà thôi. “Hầu như nhà nào cũng nuôi ngựa. Cả xã có khoảng gần 2.000 con. Diện tích đất chủ yếu nằm trên đồi núi. Ruộng chỉ tầm 170 ha, lại chỉ cấy được có một vụ nên chỉ có nghề nuôi ngựa là khả dĩ. Ngày xưa giáp hạt còn đói ăn, bây giờ chỉ cần có một hai con ngựa, thóc lúa có người tự mang đến tận nhà”, ông Minh bảo thế.
Không ai còn nhớ ngựa ở Hữu Kiên nhiều từ bao giờ, chỉ biết trong cộng đồng người Tày ở đây, loài vật này quan trọng lắm. Ban đầu chỉ đơn thuần là ngựa kéo, trải qua thời gian, ngựa Hữu Kiên dần trở thành một thương hiệu. Ngựa to, khỏe, sải vó dài. Có lẽ đồi núi ở nơi cao nhất huyện Chi Lăng chính là yếu tố sản sinh ra những con ngựa tuyệt vời như vậy.
< Chủ tịch xã Hữu Kiên Nông Quang Đảm bên con ngựa bạch của gia đình mình.
Để minh chứng rằng Hữu Kiên thực sự là vương quốc ngựa có một không hai, ông Minh liệt kê hàng loạt cán bộ xã, những người mà ông bảo là “sau những ngày làm việc đều trở thành những người chăn ngựa”. Ông Nông Quang Đàm, Chủ tịch UBND xã, có hơn chục con ngựa; ông Nông Quốc Mao, xã đội trưởng, có gần hai chục con. Bản thân ông Minh cũng sở hữu 7 con ngựa...
Hết giờ công sở, tôi theo ông Minh lên Khau Hương, Kểnh Cung, những ngọn núi cao nhất ở Hữu Kiên. Từng đàn ngựa lóc cóc gặm cỏ gianh. Ông Minh đưa tay lên miệng làm động tác hoét hoét. Đàn ngựa đang ăn đột nhiên ngửa cổ hí vang rồi sải vó chạy về phía chủ. Nếu không quen biết chắc sẽ tưởng đó hẳn là một giám mã thuần thục chứ không phải ông Phó Chủ tịch xã Hữu Kiên.
Cũng chiều ấy, nhiều cán bộ xã sau buổi làm việc vội vàng thay áo quần để lên đồi làm người chăn ngựa. “Tính ra, nuôi một con ngựa, chỉ cần đầu tư giống rồi chăn thả, dăm bảy năm cũng bán được từ 25-30 triệu đồng một con. Ngựa đẻ mỗi năm một con, chi phí đầu tư ít, rủi ro cũng ít. Có những thời điểm Hữu Kiên rét xuống dưới 0 độ C, có tuyết rơi nhưng ngựa không bao giờ chết. Nếu là ngựa bạch thì có thể bán 50-60 triệu đồng/con. Số tiền mà không một nghề gì ở vùng cao này có thể kiếm được. Thành thử nhà nào cũng phải nuôi một vài con”, ông Minh giải thích.
Nuôi ngựa giỏi nhất ở vùng cao này là lão nông Nguyễn Văn Mong. Người ta phong cho ông đủ các mỹ danh như “vua ngựa vùng cao”, “giám mã đại gia”... nhưng thực tế ông chỉ là người chăn ngựa mà thôi. Một người chăn ngựa rất giỏi và giàu. Gia đình ông Mong có hơn 20 con ngựa cái đã trưởng thành. Mỗi năm bán khoảng 10 con, mỗi con vài ba chục triệu, túc tắc sống thôi. Nghe bảo, có dạo nhà ông nuôi cả trăm con ngựa nhưng vẫn nghèo, chỉ từ khi tư thương khắp nơi tìm đến Hữu Kiên để mua ngựa nấu cao và phục vụ dân nhậu thị thành mỗi khi đầu tháng để người ta ăn lấy may thì thấy ông xây nhà, mua xe.
Mua ô tô có gì mà khó
Trong số 9 thôn bản của Hữu Kiên, Nà Lìa là nơi nuôi ngựa giỏi nhất. Với người vùng cao, vài ba trăm triệu đã là đại gia, Nà Lìa có nhiều người như thế. Từ dạo có cơn sốt ngựa bạch, họ lại càng giàu. Hai người giàu nhất thôn Nà Lìa là Vi Văn Hiếm và Nông Văn Thậm (cùng SN 1977). Độ hơn chục năm trước, cả Hiếm và Thậm đều chỉ là những gã trai phải bỏ bản làng đi làm thuê đủ thứ nghề. Tha hương vài năm kiếm được chút vốn, họ bèn quay trở về chăn ngựa. Ban đầu mỗi người chỉ đủ tiền mua hai con ngựa giống. Vậy mà giàu.
Bây giờ, Hiếm và Thậm đều là những ông chủ ngựa nức tiếng vùng cao. Trong tay mỗi người một đàn ngựa mấy chục con, trong số đó có gần 20 con ngựa bạch. Nhà cửa khang trang, lại còn sắm cả ô tô để thỉnh thoảng lái lên đồi... chăn ngựa.
< Chăn thả ngựa tại thôn Pá Phèo, xã Hữu Kiên.
Những anh chàng nghèo rớt mồng tơi ngày xưa bây giờ nói chuyện mua ô tô cứ nhẹ tênh, khẩu khí chẳng thua gì các đại gia thành phố: Ô tô thì có gì mà khó, chục con ngựa bạch là đủ tiền mua thôi mà. Cuộc sống rất sung túc nhưng thời gian chủ yếu họ đều sống ở lều cỏ trên những ngọn núi cao với đàn ngựa của mình.
Ở Hữu Kiên, có thể nhà nào cũng nuôi được ngựa, nhưng chỉ có loài ngựa bạch mới có thể biến những ông giám mã trở thành đại gia. Lâu nay, tôi cứ tưởng những loài ngựa có lông mày trắng đều là ngựa bạch, hóa ra chả phải. Bởi nếu như thế thì dân Hữu Kiên đã thành đại gia hết rồi còn gì.
Hiếm bảo, ngựa bạch là loài ngựa quý, hội tụ các yếu tố: Mắt có màu trắng mây, chung quanh con ngươi có một vành màu đồng lửa, khi mặt trời đứng bóng mắt bị lòa, trong đêm, mắt bắt ánh sáng đèn đỏ như đốm lửa, trên mình xuất hiện những đốm màu hồng đỏ, bốn chân có móng sừng, màu cước ánh bạc.
Trung bình mỗi con ngựa bạch trưởng thành bán được khoảng 40 - 50 triệu đồng. Ngựa bạch non cũng khoảng 20 triệu. Còn ngựa có lông màu trắng nhưng không có các yếu tố trên thì chỉ là những con ngựa bình thường... lông trắng mà thôi.
Ở Hữu Kiên có nhiều nhà nuôi hơn 10 con ngựa bạch. Họ là nhà giàu. Những nhà nuôi 1-2 con tuy không giàu nhưng cuộc sống cũng có thể được đảm bảo. Và như thể muốn phô bày sự giàu có, no đủ của Nà Lìa, những người nuôi ngựa trong thôn tự hùn tiền làm con đường bê tông từ trung tâm xã vào thôn dài gần 7 km. Chi phí nghe bảo hết gần tiền tỷ, rất khó tin ở vùng cao, nhưng có ngựa bạch thì không gì là không thể.
Có lẽ cũng không cần nói thêm về giá trị kinh tế của loài bạch mã. Tình cảm của chúng mới là chuyện hay. Những ông chủ ngựa ở vùng cao Hữu Kiên đều ngậm ngùi mà rằng, bạch mã là loài rất có tình cảm và trung thành, nhiều khi con người còn phải học. Những con tuấn mã cứ tưởng chỉ được cái mã bên ngoài ấy hóa ra cũng tình cảm ra trò.
Một khi bện hơi người rồi thì chỉ cần nhìn thấy từ xa, hay thoảng thấy mùi quen thuộc trong gió là hí vang, cất vó phi tới, vẫy đuôi, rũ bờm, quấn quýt bên chủ. Chính vì vậy mà ở vương quốc ngựa Hữu Kiên, chủ nuôi không bao giờ tự tay thịt ngựa, thậm chí lúc bán cũng nhờ người khác đến dắt hộ.
Từ năm 2000, Sở KH-CN tỉnh Lạng Sơn phối hợp ngành chức năng Trung ương phối hợp nghiên cứu, duy trì nguồn gen ngựa thuần chủng ở Hữu Kiên. 15 hộ dân trong xã được đầu tư, bảo tồn 50 cá thể ngựa bạch xuất sắc nhất. Những hộ này được tập huấn phòng bệnh, được hỗ trợ thức ăn chăn nuôi, thuốc men khi ngựa ốm đau.
Tháng 3/2012, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tiếp tục hỗ trợ “Dự án chăn nuôi ngựa sinh sản tại Hữu Kiên”, với nguồn vốn 350 triệu đồng, cho 14 hộ vay. Lãnh đạo xã Hữu Kiên bảo rằng, sẽ tiếp tục mở rộng quy mô đàn ngựa, nhất là các thôn nuôi ít như Nà Lìa, Thằm Na, đồng thời phát triển theo hướng hàng hóa đặc sản như cung cấp giống thuần chủng, nấu cao làm thuốc và lấy thịt. Nhưng với những ông chủ ngựa nức tiếng ở vùng cao này, họ có thể tạo ra những bí quyết lai tạo ngựa bạch từ ngựa bình thường.
Theo Hoàng Anh (Nông Nghiệp VN)
toimedulich
Thăm trại ngựa Bá Vân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét