Thứ Ba, 5 tháng 8, 2014

Vườn quốc gia Bến En

(BDL) - Nằm cách TP. Thanh Hóa 46 km về phía Tây Nam, Vườn quốc gia (VQG) Bến En nằm trên hai huyện Như Xuân và Như Thanh đang trên đường trở thành một điểm du lịch sinh thái hấp dẫn du khách. 
Theo điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020 đã xác định, Bến En là khu du lịch chuyên đề sinh thái, có vai trò quan trọng trong phát triển ngành kinh tế du lịch Thanh Hóa.

Lịch sử hình thành VQG Bến En

Vào những năm 60 của thế kỷ trước, ở Như Xuân - Như Thanh thường xảy ra mưa lũ, ảnh hưởng rất lớn đến các huyện khác như Nông Cống, Quảng Xương… Mỗi khi lũ về, mùa màng bị mất trắng khiến cuộc sống dân quanh vùng đói khổ quanh năm.

Chính vì lẽ đó nên chính quyền và nhân dân đã quyết định làm con đập nhằm mục đích trị thủy, ổn định sinh kế cho khoảng hơn 10.000ha đất lúa vùng chiêm trũng thuộc các huyện Như Xuân, Như Thanh và Nông Cống.

Với phương tiện thủ công thời đó, 12.000 người đã phải làm việc ròng rã trong suốt 16 năm để xây đắp đập Bến En. Đập được đắp bằng đất cao 28m, dài khoảng 600m tạo ra vùng hồ nhân tạo lớn nhất Thanh Hóa cho đến hiện nay với diện tích lưu vực 236 km2, dung tích chứa trên 170 triệu m3.

Hồ sông Mực nằm trong VQG Bến En được hình thành bởi con sông Mực và 4 con suối Hậu, Thổ, Cốc và Tây Tọn cùng với 21 hòn đảo trên mặt hồ, tạo nên cảnh quan vô cùng hấp dẫn.

Sau hơn 40 năm khai thác, đến nay hệ thống thuỷ nông sông Mực đã chứng tỏ được hiệu quả to lớn của nó và có một điều kỳ diệu mà có lẽ những người dân công tham gia đắp đập thủa nào không ngờ tới là ngoài mục đích chinh phục thiên nhiên, họ còn tạo ra một “tiểu Hạ Long” cho Thanh Hóa.

VQG Bến En được thành lập vào ngày 27/1/1992 trên cơ sở Khu bảo tồn thiên nhiên Bến En với mục tiêu bảo tồn hệ sinh thái thường xanh trên núi đất, đại diện cho hệ sinh thái Trường Sơn trên khắp Việt Nam.

Hiện nay, VQG Bến En có tổng diện tích tự nhiên 14.735ha chia thành các phân khu: Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt: gồm 6.273,5ha chủ yếu nằm ở phía Tây Nam; Phân khu phục hồi sinh thái: gồm 6.461,5ha chủ yếu nằm ở khu vực phía Bắc; Phân khu hành chính và du lịch: gồm 2.000ha chủ yếu nằm ở phía Đông Nam. Vùng đệm VQG được quy hoạch gồm 31.054ha thuộc địa bàn 12 xã; trong đó 5 xã thuộc huyện Như Thanh và 7 xã thuộc huyện Như Xuân.

Hệ sinh thái đa dạng

Bến En là nơi sinh sống của nhiều loài động - thực vật quý hiếm bởi nơi đây là miền giao thoa giữa hai luồng thực vật Nam và Bắc. Nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy, hệ thực vật của rừng Bến En khá phong phú gồm 462 loài, trong đó có nhiều loài gỗ quý hiếm như: lim xanh, lát hoa, vàng tâm, chò chỉ… Đặc biệt, tại khu vực VQG Bến En còn có một kho thuốc quý gồm 300 loại dược liệu đã được bà con các dân tộc quanh vùng sử dụng từ hàng trăm năm nay. Hệ động vật tại Bến En có hơn 1.000 loài, trong đó có nhiều loài động vật nằm trong sách Đỏ như gấu ngựa, báo lửa, khỉ mặt đỏ, vượn bạc má...

Dạo thuyền trên mặt hồ mới thấy hết được vẻ đẹp được ví như Hạ Long thu nhỏ của Bến En với 21 hòn đảo cùng những tên gọi đảo Mẹ, đảo Tình yêu, đảo Tương lai… Nhiều bán đảo với những dải rừng xen lẫn, những mỏm đá với hình thù lạ mắt tạo nên cảnh quan ngoạn mục. Ngoài khu vực hồ, đảo và rừng, Bến En còn có những dãy núi đá vôi thuộc các xã Hải Vân, Xuân Khang, Xuân Thái với nhiều hang động như hang Ngọc, hang Dơi, hang Xuân Thái... còn nguyên vẹn những nhũ thạch hình thù kỳ lạ, màu sắc huyền ảo.

Hiện nay, BQL VQG Bến En tổ chức tour khám phá lòng hồ và tham quan các đảo bằng thuyền với lộ trình ngắn nhất là 1,5km và dài nhất là 8,5km. Nếu muốn, du khách có thể nghỉ đêm trên đảo, tham gia leo núi để ngắm nhìn các loại hoa phong lan, cây cảnh hoặc bơi thuyền câu cá ngắm nhìn từng đàn khỉ rủ nhau chuyền cành xuống hồ uống nước, tiếng gà rừng gọi con về tổ, chấp chới cánh cò lên xuống nơi đảo Tình yêu lúc chiều buông hay tham gia tour trekking đến các bản làng dân tộc nằm sâu trong VQG để trải nghiệm nét văn hóa độc đáo của bà con các dân tộc Mường, Thái nơi đây.

Ngoài ra, khi đến với Bến En du khách sẽ được thưởng thức nhiều loại thủy sản đánh bắt từ hồ sông Mực nhưng ngon nhất vẫn là cá mè. Cá mè sông Mực sống ở hồ nặng trung bình 20 - 30kg. Cá béo, thịt thơm ngậy, có thể chế biến thành nhiều món đặc sắc như: nấu om, băm viên rán chả, lẩu, cháo cá mè… Nhưng ngon và đặc sắc nhất là mè luộc ăn kèm các loại rau ghém, sung, chuối xanh, khế, giá… chấm với nước mắm xứ Thanh đậm đà, tạo nên hương vị độc đáo. Điểm đặc biệt hơn là cá mè bắt ở sông Mực, nấu với nước hồ thì không có mùi tanh, thịt thơm ngon hơn nấu với nước lấy từ các nơi khác về.

Có thể khẳng định, Bến En hội tụ đủ những điều kiện cần thiết để phát triển nhiều loại hình du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái. Tuy nhiên, ông Trương Ngọc Hải - Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Hòn Ngọc Viễn Đông (TP.HCM) trong chuyến khảo sác các điểm du lịch Bắc Trung bộ cho rằng, để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách, VQG Bến En cần cải thiện cơ sở hạ tầng, xây dựng thêm các loại hình dịch vụ cũng như quy trình cung cấp thông tin cho khách. Đồng thời ngành VH, TT&DL Thanh Hóa cần liên kết các điểm du lịch trong tỉnh thành một tour hoàn chỉnh để thu hút du khách.

Hướng tới du lịch bền vững

Theo ông Nguyễn Chí Công - cán bộ VQG Bến En, trong những năm gần đây đã có hàng trăm nhà nghiên cứu, nhà khoa học trong nước và quốc tế đến tham quan, nghiên cứu với những đề tài như: “Bảo tồn nguồn gen một số loài cây quý hiếm ở VQG Bến En”, “Nghiên cứu quá trình phục hồi rừng sau nương rẫy ở VQG Bến En”… góp phần bảo tồn, phát triển các loài động thực vật đặc hữu của VQG Bến En. Bên cạnh đó, phát triển du lịch bền vững nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo sinh kế, không để người dân sống dựa vào nguồn lợi từ rừng cũng được các cấp chính quyền quan tâm.

Nguyên tắc đặt ra cho việc tổ chức hoạt động du lịch sinh thái tại VQG Bến En là sử dụng hợp lý hệ sinh thái rừng, tài nguyên rừng, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, tái tạo tài nguyên rừng khu vực cho thuê, bảo tồn nguyên vẹn các hệ sinh thái tự nhiên, không gây ô nhiễm môi trường, thu hút cộng đồng địa phương tham gia hoạt động du lịch, kết hợp giữa bảo tồn và tôn tạo các giá trị văn hóa bản địa để tạo ra khu du lịch độc đáo hấp dẫn du khách…

Ngày 2/2/2010, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Quyết định số 439/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch chi tiết Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp và nuôi trai lấy ngọc kết hợp bảo tồn VQG Bến En với tổng diện tích gần 1.500ha.

Theo quy hoạch này, dự án sẽ được triển khai theo các giai đoạn từ năm 2010 - 2018 với tổng mức đầu tư lên đến 1.500 tỷ đồng với nhiều phân khu chức năng: công viên văn hóa vui chơi giải trí, khu nghỉ dưỡng cộng đồng, khu Thiền viện trúc lâm, công viên các loài hoa, vườn cây thuốc nam, Trung tâm hội nghị quốc tế, trung tâm huấn luyện thể thao, sân tập golf, khu nghỉ dưỡng trên núi, nghỉ dưỡng ven hồ, khu tổ hợp khách sạn cao cấp và khu nuôi trai lấy ngọc trên diện tích mặt nước 260ha.

Ước tính, khi công trình hoàn thành, sẽ tạo công ăn việc làm ổn định cho 5.000 lao động, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho vùng đất còn gặp nhiều khó khăn này. Hiện nay, Công ty Cổ phần Du lịch và Bảo tồn sinh thái Bến En đã tiến hành xây dựng khu B với diện tích 115ha, bao gồm Trung tâm huấn luyện thể thao, sân tập golf và khu nghỉ dưỡng cao cấp, khu nhà văn phòng…

Có thể khẳng định, đây là hướng đi mới nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch sinh thái, phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương, góp phần quản lý, bảo vệ, bảo tồn và phát triển bền vững tài nguyên rừng đặc dụng tại VQG Bến En.

Theo Lê Hải (Báo Du lịch)
toimedulich

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét