(VNN) - Cách đây hơn một thập kỷ, nhà báo Như Phong (hiện là Phó Tổng biên tập tờ An ninh Thế giới), khi còn trai trẻ đã làm một cuộc hành trình đến Apachải (Lai Châu) – vùng ngã ba biên giới, cực Tây của Tổ quốc. Cho đến tận bây giờ, những người dân ở đây vẫn nhắc đến hành trình đó như một chuyến đi huyền thoại, bởi lẽ chưa bao giờ có ai dám mạo hiểm đi vào vùng đất có “36 kiểu chết” cách Hà Nội non 1.000km với 4 con đường nối thế giới bên ngoài, nhưng đường nào cũng phải cuốc bộ ít nhất 150km và tối thiểu là 1 tuần lễ... leo núi. Khi đó Như Phong có người dẫn đường, được trang bị vũ khí và điện đàm vô tuyến để có thể... cứu nạn kịp thời bằng trực thăng khi bất trắc.
Tháng 11/1999, hơn 15 năm sau chuyến đi huyền thoại của nhà báo Như Phong, bạn đọc Việt Thường đã đột nhập ngã ba biên giới theo một phương cách phiêu lưu và mạo hiểm hơn: một mình đi bộ vào vùng đất bí ẩn này.
Dấu chân Online: Sau lưng tôi là ngàn vạn núi đồi Tây Bắc. Bên trái là dãy Phu Đen Đinh khổng lồ ôm trọn một dải biên thuỳ phân định Phong Xa Lỳ – Sầm Nưa với Lai Châu, thế giới của sơn dương và cầy cáo, đêm đêm vẫn dội lên tiếng guốc của nai, hoẵng, tiếng gầm của hổ và báo sao trong những thung lũng xa xôi. Bên phải là dải Phu Si Lung cao tới tận mây xanh, xứ sở của mây mù, núi cao và khe sâu, của huyền thoại xa xưa lắm rồi về một cung điện hoa phù dung trong lòng đất đã sụp đổ từ lâu, chỉ còn trong ký ức cư dân sống ở lưng chừng những đỉnh non cao. Còn trước mắt tôi là Apachải, là bản Hà Nhì cuối cùng nằm ở cực Tây của Tổ quốc.
Từ đây trở về Hà Nội phải mất ít nhất 10 ngày trời cho chặng đường non 1.000 cây số, trong đó có 7 ngày đi bộ. Nhìn lại mình: giày ba-ta rách nát, các ngón chân tụ huyết, đầy những vết cắn của vắt, ruồi vàng, cỏ gianh và đá sắc, toàn thân ớn lạnh vì mồ hôi và khí đá khi chiều đang dần tắt. Tôi không chắc lắm từ đỉnh dốc này mấy cây số đường chim bay nữa sẽ đến toạ độ 103o46’ kinh đông chia ba biên giới, đến bản Long Phú, huyện Giang Thành, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, đến bản Lầu Sì Pơ Chải và Si Ca Hồ, huyện Nhọt U, tỉnh Phong Xa Lỳ nước bạn Lào, nhưng chắc rằng đó đã là những chân trời khác, không còn là Tổ quốc tôi.
Còn đây là thung lũng Apachải, một dải đất bằng phẳng hiếm hoi như tuột xuống từ chân mây, vàng rực rỡ trong rừng hoa cúc quỳ dại nở suốt thượng nguồn Mophí, nơi thị thành xa mãi sau lưng kia đêm đã xuống từ lâu, nhưng ở đây ánh tà dương vẫn còn sáng ửng trên những đỉnh đồi trùng điệp, nơi Tổ quốc giã từ ánh nắng.
Có bốn con đường đến được Apachải. Thứ nhất là đi trực thăng quân đội chỉ sử dụng khi có chiến tranh hoặc mưa lũ cực lớn, cần dùng cầu hàng không để vận chuyển lương thực. Thứ hai là đi từ Điện Biên Phủ đến Mường Lay, chờ một hai ngày có xe đi Siphaphìn, từ đó đi bộ dọc biên giới Việt – Lào xuyên rừng rậm chừng 6 ngày trời mới tới. Hai cách cuối trước hết đều phải đến Mường Tè, cách lòng chảo Điện Biên 200km. Từ đó có thể đi bộ khoảng 8 ngày qua các bản Giàng Ly Cha, Ngà Chổ, Nậm Dính, Nậm Khum, Leng Su Sìn, Tả Kho Khừ mới đến Apachải.
Con đường này phải qua dốc Tà Tổng mà độ cao chỉ thua đèo Pha Đin nổi tiếng của Tây Bắc, leo cật lực một ngày mới lên đến đỉnh, một ngày nữa mới xuống hết dốc. Nếu không chỉ còn cách ngược thượng nguồn sông Đà bằng độc mộc, từ đó đi bộ 6 ngày qua các bản Si Nế, Mù Cả, Ma Ký, Ma Ú, San Sà Hồ, Gò Cứ, Sen Thượng... để đến Apachải. Đây là con đường gần nhất tôi chọn, từ huyện Mường Tè muốn vào chỉ... phải đi bộ có 150km nữa.
Hai giờ sáng tôi mò dậy xách ba lô ra bến xe Điện Biên Phủ. Có điều gì đó không bình thường đang diễn ra ở cái bến xe thường ngày thưa thớt này. Chiều hôm qua, trại C10 vừa trả tự do cho 35 người đàn ông vượt biên trái phép. Nhóm họ đi có 200 người, toàn là nông dân ở Đà Nẵng, Quảng Bình, Quảng Trị vay tiền ngân hàng chui lủi đến tam giác vàng, vùng giáp ranh Mianma, Lào, Trung Quốc lặn lội tìm trầm, bị quân đội Lào trục xuất.
Cả đêm qua họ uống rượu, đánh nhau, chửi nhau bằng tiếng Lào, tiếng Thái, trút lên đầu nhau những uất hận sau những chuyến đi dài ròng rã, nhưng ở nơi đất khách quê người không dám nói thành lời. Những người đàn ông mặt mũi lì lợm, tóc trùm tai cợp gáy, môi thâm, mắt trắng, ngồi thành từng nhóm, hút thuốc như điên. Kẻ thì nhảy lên ôtô vừa van nài vừa dọa nạt tài xế cho về đến được quê nhà, người thì móc những đồng bạc Thái, đôla nhàu nát giấu trong những con mắt giả, dán sau vành tai, cuộn trong quần lót hoặc những vết thương nào đó trên cơ thể, đổi thuốc, rượu, bánh mì. Tôi chuẩn bị bước tiếp vào một trong những con đường mà họ đã đi qua.
Chưa khởi hành đã gặp điều lo lắng – có thể phải đợi thêm nhiều thời gian sau mới đến được Mường Tè vì không có người đi. Ông tài chạy chuyến này suốt ba hôm sáng nào cũng đánh xe ra bến rồi lại về không. Cuối cùng xe cũng rời bến với tôi, hai người lính và một người thợ làm đường.
Lính biên phòng tiểu khu 40 đóng tại Mường Tè bảo, vào Apachải có 36 kiểu chết: cây đổ, nước cuốn – chết; đất lở, lửa cháy chạy không kịp – chết; rắn cắn, sốt rét, lạc rừng – chết... Vào mùa khô, gió Lào thổi như hắt lửa, lá rừng vỡ vụn dưới bước chân người, lửa rừng cháy suốt đêm trên những đồi cỏ gianh vàng vọt, có những chặng đường đi cả ngày không kiếm nổi một giọt nước. Mùa mưa, đường mòn ngập bùn đến đầu gối, muỗi vắt nhiều vô kể, đất đá trượt ầm ầm trong những thung lũng vắng, suối cuốn trôi trâu, cây rừng mọc nhanh như phù phép, người đi một tay chống gậy, một tay cầm dao phát liên tục mới luồn qua nổi...
Xin giấy phép ra vào khu vực biên giới, công an huyện ký cho tôi đi hẳn 2 tháng. Từ xưa đến nay, dù là cán bộ lâu năm ở huyện vào Apachải bao giờ cũng phải có hai người, lỡ ngã bệnh, gãy chân còn cõng nhau ra. Dạng VIP mới được mang theo vô tuyến điện, xảy ra bất trắc thì gọi trực thăng vào cứu.
Huyện Mường Tè hiện có 5 cán bộ vào Apachải làm việc, đi đã 47 ngày chưa thấy trở ra, cũng không có tin tức gì hết cả. Khách lạ mặt vào ngã ba biên giới được nửa đường không còn sức quay ra, thì chỉ có mỗi một trò là vào bản nào đó, nói dăm ba câu bậy bạ, dân quân xã sẽ không ngần ngại trói cổ lại, đánh cho một trận rồi vứt lên lưng ngựa giải suốt ngày đêm về huyện.
Chặng đầu tiên là ngược sông Đà. Sông Đà ở thượng nguồn danh bất hư truyền, không giấu giếm phô diễn sức mạnh hoang dại của nó. Sông Đà quanh năm nguy hiểm. Mùa lũ đổ về, có những khúc sông rộng thêm hàng trăm mét, nước ngầu đỏ thúc điên cuồng vào các khối núi chắn đường, tạo thành vực xoáy khổng lồ, nhấn chìm từng thân đại thụ lạc dòng nhẹ nhàng như bèo tấm rồi quăng khỏi mặt nước ở mãi dưới xa.
Mùa khô, lòng sông cạn phơi đầy đá tảng, tạo thành những chuỗi cạm bẫy dài vô tận, gầm réo suốt ngày đêm. Ngày tôi đi, thuỷ chế ở mức trung bình nhưng sông Đà lại che giấu trong lòng mình một ẩn hoạ không ai lường trước được – những cây gỗ bị lũ lột truồng cành lá lăn vô định dưới đáy nước là ma trận thiên biến vạn hoá, mà chỉ có những hoa nước nhỏ nở lục bục trên mặt sông là dấu hiệu duy nhất ngầm báo sự có mặt của chúng.
Chiếc xuồng gỗ 40 mã lực dài tới gần 10 mét, mũi cong vút như cánh cung chỉ là một trò chơi con trẻ của dòng nước lũ. Lái xuồng ngược sông Đà có đoạn cần tới hai người nữa: một tát nước tràn vào, một ngồi ở mũi căng áo mưa chắn bọt nước cho người sau khỏi ướt. Lại có những đoạn sông Đà đột nhiên yên ả, phẳng lặng đến lạ thường. Đá ngũ sắc trên các triền núi thẳng đứng soi vẻ thiên kiều bá mị xuống lòng sông trải dài như một tấm gương.
Khói xanh từ các mái nhà sàn người Cống, người Thái nằm vắt vẻo trên những đỉnh đồi cho khách lữ hành một cảm giác thanh bình tuyệt đối. Người Mường Tè bảo: sông Đà dữ nhưng không ai sợ sông Đà, có lẽ chẳng sai vì sông Đà đẹp quá. Ngày trở về, nghe tiếng thác sông Đà gào thét từ tận bên kia hai dãy núi mà kẻ xuyên rừng lâu ngày vui mừng như nhận ra tiếng gọi của người thân.
Chừng một giờ xuồng nữa sẽ đến biên giới Việt – Trung, tôi xin xuống. Từ đây tôi chỉ còn có một mình. Đèo Pác Ma thực chất là một bờ sông lớn, dốc thót ruột, leo được một nửa đã chực muốn quay về. Cho đến khi sương chiều dăng đầy đồi núi vẫn không thấy bóng dáng một nóc nhà sàn. Sau một sườn đèo, bỗng vỡ oà tiếng trẻ con cười nói, tiếng chày giã gạo của dân bản Si Nế từ bên kia thung lũng – mệt mỏi lập tức tuột ra khỏi người, trong cảm giác hạnh phúc được nghe thấy thanh âm đồng loại.
(Còn tiếp) Phần 1 - Phần 2 - Phần 3
Có thể bạn chưa biết:
A - Pa - Chải - Điểm cực Tây của Tổ quốc ( Lai Châu )-Kinh độ: 102°09’00"Đ-Vĩ độ: 22°23’53"B ( vùng ngã 3 biên giới Việt-Trung-Lào )
Cực Tây A pa chải là điểm xa nhất về phía tây của Tổ quốc, cũng là ngã ba biên giới đặc biệt của 3 nước Việt Nam - Lào -Trung Quốc được các bên thống nhất và cắm xong mốc vào ngày 27-6-2005. Điểm này nằm trên đỉnh Khoang La San, cách bản Tá Miếu - bản cuối cùng về phía tây của xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên 6 km đường rừng (khoảng hơn 4 giờ đi bộ do đường đi lại còn rất hoang sơ, khó khăn và nguy hiểm). Cột mốc được xây bằng đá hoa cương trên một bệ đỡ vuông vắn có diện tích 5x5m, là một cột đa giác cao 2 mét có 3 mặt quay về 3 hướng, mỗi mặt có khắc tên nước bằng tiếng quốc ngữ riêng và quốc huy của mỗi quốc gia.
Thời gian thích hợp nhất để đến A pa chải là vào mùa khô từ tháng 11 dương lịch đến tháng 4 sang năm. Khi đó con đường độc đạo đến với miền cực Tây sẽ không bị lũ cắt cô lập hay lở đường, sạt núi. Cuối năm, khi hoa cúc quỳ nở vàng rực trên triền núi, những bao lúa chật căng được đem về xếp đầy trong kho, cũng là lúc người Hà Nhì cấm bản 3 ngày đón Tết - đón ngày hội xòe lớn nhất trong năm.
Theo Việt Thường (Vietnamnet)
toimedulich
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét