Thứ Sáu, 1 tháng 8, 2014

Chùa Pitu Khôsắ Răngsây

(TBKTSG) - Đối với cộng đồng người Khmer, do nhu cầu tôn giáo là chỗ dựa tinh thần nên hầu hết ở các địa phương có người Khmer sinh sống thì ngôi chùa là nơi lưu giữ, trưng bày các tác phẩm điêu khắc, mỹ thuật của các nghệ nhân dân gian Khmer.

< Chùa Pitu Khôsắ Răngsây, nhìn từ hồ Xáng Thổi vào đêm thứ Bảy hàng tuần.

Chùa còn là bộ mặt, là niềm tự hào về những tinh túy trong đời sống văn hóa - xã hội của cộng đồng đó, là một thiết chế xã hội không thể thiếu của người Khmer cho dù cư dân ở đó nhiều hay ít. Chính vì yếu tố đó mà chùa Khmer luôn được xây dựng trong môt không gian đẹp, được trang trí tươi sáng, rực rỡ với nhiều màu sắc và bao hàm các yếu tố mỹ thuật tinh xảo.

Chùa Pitu Khôsắ Răngsây - còn gọi là chùa Viễn Quang - toạ lạc tại số 27/18 đường Mạc Đĩnh Chi, phường An Cư, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ, là một kiến trúc tín ngưỡng độc đáo, một trong những điểm du lịch hấp dẫn về văn hoá Khmer Nam bộ.

< Lối vào chùa qua con hẻm từ đường Lý Tự Trọng, gần công viên Lưu Hữu Phước.

Chùa Pitu Khôsắ Răngsây còn được gọi là “Chùa Sau” vì trên đại lộ Hoà Bình (cách đó chừng 500 mét) còn có chùa Muni Răngsây được gọi là “Chùa Trước”, do vị trí Muni Răngsây (Munir Ansay) quay mặt ra, nằm sát con phố lớn nhất trung tâm thành phố Cần Thơ.

Chùa Pitu Khôsắ Răngsây được xây dựng năm 1948 (Mậu Tý - Phật lịch 2491) từ nhu cầu tu học của các phật tử người Khmer Nam bộ do thượng tọa Sơn Tây đứng ra xây dựng với cơ sở ban đầu từ vật liệu thô sơ bằng cây lá trên diện tích chừng 500 mét vuông, do bà con Phật tử quanh vùng cúng dường. Thượng tọa Sơn Tây cũng là vị trụ trì chùa đầu tiên, viên tịch năm 1960.

Sau hơn nửa thế kỷ, chùa Pitu Khôsắ Răngsây trải qua nhiều đợt tôn tạo và trùng tu. Năm 2008, chùa được đại trùng tu và đã hoàn thành sau 4 năm thi công, khánh thành vào hạ tuần tháng Tư năm 2012 với tổng chi phí 12 tỉ đồng. Hiện nay, chùa Pitu Khôsắ Răngsây được đánh giá là một trong những ngôi chùa hoành tráng và đẹp nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long, quanh năm tiếp đón khách du lịch hành hương khắp nơi và đông đảo bà con người Khmer miền Tây Nam bộ chiêm bái.

Kiến trúc độc đáo

Cũng như các ngôi chùa Khmer Nam bộ khác, chùa Pitu Khôsắ Răngsây bao gồm nhiều bộ phận kiến trúc như chính điện, sa la, nhà tăng... Bước từ ngoài vào, cổng chùa Pitu Khôsắ Răngsây được xây dựng tỉ mỉ với những tháp trên nóc cổng khắc các biểu tượng, phù điêu tượng Phật; những hàng hiên cột chạm khắc cầu kỳ. Bên trong chùa là các biểu tượng rắn, rồng (rồng Khmer) được đắp nổi trên mái chùa, trên các thành bậc lên xuống; các tượng người chim (Garuda), tượng tiên nữ (Kayno) được gắn như những con sơn đỡ mái chùa.

Chính điện chùa Pitu Khôsắ Răngsây quay về hướng đông. Mái của chính điện được thiết kế gồm 3 cấp, mỗi cấp chia thành 3 nếp hình thành hệ thống cấu trúc mái. Những cấp mái với những đường cong góc mái, những hình tượng chạm khắc trên hai đầu hồi, trên tháp nóc… Tất cả được thực hiện công phu, tinh xảo, kết hợp với những màu nguyên gốc và những pha chế chuẩn mực để thể hiện bút pháp tài hoa và trình độ thẩm mỹ cao của người Khmer Nam bộ.

< Tầng tháp gắn với mái chùa được trang trí mái cong vút là phần cao nhất của chùa.

Hầu hết chùa Khmer theo hệ phái tiểu thừa, nên chính điện thờ phụng đức Phật Thích Ca Mâu Ni trên tòa sen chia thành nhiều cấp, trang trí rất tỉ mỉ đặt ở chính giữa nhà và gian chính điện luôn nằm ở chính giữa khuôn viên chùa, trên nền cao khoảng một mét. Tòa chính điện chùa Pitu Khôsa Răngsây gồm ba tầng và tầng tháp được xem như tầng thứ tư, được xây dựng bằng bê tông cốt thép tường gạch, chót tháp đổ bê tông mái lợp ngói. Bốn phía tòa chính điện được trang trí bằng những hoa văn tinh xảo.

Trước khi lên cầu thang vào chính điện tầng một chúng tôi nhìn thấy hai tượng chằn với khuôn mặt dữ tợn; đây là hình tượng luôn có ở tất cả các chùa Khmer dùng. Chằn được coi là tượng trưng cho tà ma phá hoại Phật pháp. Chằn được thể hiện dưới dạng một người to lớn, khoẻ mạnh, vẻ mặt dữ tợn, mình mặc giáp trụ, tay cầm chày vồ đứng gác ở cổng chùa. Trước tượng chằn phía bên trái là cây bồ đề với tượng Phật Thích Ca tọa thiền gốc cây. Hai bên lan can dẫn lên chính điện là hai tượng rắn rồng to lớn là tay dẫn lên chính điện.

< Mặt trước chính điện.

Tầng một chính điện là một không gian thoáng rộng, tô vẽ hoa văn khắp gian. Chính giữa là tượng Phật Thích Ca bằng đồng sáng loáng, cao khoảng hai mét được thỉnh từ Thái Lan. Ngoài ra còn nhiều tượng Phật đứng và ngồi khác được xếp đặt thứ tự. Bên hông gian chính có đường lên điện tầng hai.

Tầng hai cũng là gian thờ Phật với diện tích tương đương tầng một. Chung quanh vách hai bên là hình vẽ tô màu thật đẹp về cuộc đời đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Chính giữa trên cao đặt tượng Phật Thích Ca ngồi, được thếp vàng. Bên dưới là các tượng Phật Thích Ca đứng, ngồi bằng đá quý, bằng đồng… Ngoài ra còn có hai tượng Phật bằng đá được thỉnh về từ Myamar. Các cột trụ trong chánh điện tầng một và tầng hai, phần chân và phần đầu đỡ sàn đều đắp hoa văn Phanhi lửa.

Chúng tôi tiếp tục men theo bên hông để lên tầng ba. Diện tích tầng ba cũng bằng tầng hai và tầng một nhưng trang trí với nhiều sắc trắng hơn. Vách tường được đắp nổi phù điêu nữ thần Têpanon - Phanhites cộng với Phanhi Phlong. Các cột trụ tầng ba đắp nổi hoa văn Angkor toàn thân. Ngoài ra còn được trang trí bằng mười sáu bức tranh minh họa, thuật chuyện cuộc đời của đức Thích Ca từ đản sanh đến Phật nhập niết bàn. Vách ngoài tầng ba đắp hoa văn đặc thù của văn hóa Khmer Angkor hòa hợp với Khmer Nam bộ. Giữa chính điện tầng ba có thêm các tượng nằm là tượng Phật nhập niết bàn. Có hai tượng Phật ngồi xếp bằng hai bên bằng đá được thỉnh về từ Campuchia.

< Phù điêu thần Rìa-hu.

Cả ba tầng của chùa có mười hai cửa sổ bằng gỗ được khắc chạm tỉ mỉ là mười hai bức phù điêu thể hiện nội dung các truyền thuyết dân gian.

Đặc biệt nhất là tầng tháp. Chúng tôi được sư trụ trì cho biết, ít có chùa nào có bốn tầng và ít có chùa nào lại sử dụng tầng tháp. Nếu xin phép, chùa sẽ mở cửa tầng tháp để du khách có thể tham quan. Có một lối đi bên hông phía bên ngoài của tầng ba để leo lên tầng tháp. Tầng tháp gắn với mái chùa được trang trí mái cong vút là phần cao nhất của chùa.

Chót tháp đổ bê tông mái lợp ngói. Kiến trúc hoa văn trang trí rồng Ăngkor cách điệu uốn lượn ở các bao lam mặt trước chánh điện, đầu rồng Ăngkor, tiên nữ Keynor - chim thần Krud, phù điêu thần chằn Hanuman, nữ thần Teppanom. Mái cong và tầng tháp cao nhất do nghệ nhân đắp tượng ở Sóc Trăng, Bạc Liêu thực hiện. Đi chung quanh bốn mặt của tầng tháp với lối đi rộng khoảng một mét, du khách sẽ tha hồ ngắm cảnh toàn thành phố Cần Thơ.

< Tầng hai chánh điện chùa Pitu Khôsắ Răngsây.

Tầng thứ tư của chùa là tầng tháp cao nhất còn là nơi lưu trữ Tam Tạng kinh bằng tiếng Ba Li và kinh bằng tiếng Việt được xếp trang trọng ở hai đầu phòng kinh. Chính giữa gian là thờ xá lợi Phật. Phải nói là tầng thứ tư là nơi trang trí tuy với không gian nhỏ nhưng thật sáng và đẹp mắt làm ánh lên nét trang nghiêm. Rất nhiều du khách quốc tế đã đến đây và được tham quan tầng đặc biệt này.

Chùa còn là nơi lưu giữ văn hoá Khmer như đàn ngũ âm, các điệu múa Chja Dăm, múa dân gian Campuchia… và được trình diễn thông qua những ngày lễ quan trọng như tết Oóc Ôm Bóc, lễ Choi Chơ Năm Thơ Mây, lễ Dolta, lê Dâng Y, lễ Cúng Trăng…

Nhiều sinh viên, học sinh nghèo người Khmer từ các tỉnh lân cận đến học tập tại Cần Thơ được vào chùa ở trọ và ăn cơm miễn phí, được học thêm tiếng Khmer; vừa làm công quả cho chùa, vừa học kinh Phật. Ngoài ra chùa còn dành thêm một số phòng trọ khang trang, sạch sẽ, tươm tất cho các sư Khmer ở nơi khác có việc đến Cần Thơ có nơi ăn, nghỉ yên tịnh.

Khi đi từ dưới tầng trệt lên các tầng trên, tôi cũng nhìn thấy có nhiều tượng chằn, tượng thần, tượng Phật, phù điêu … nhưng điều gây ấn tượng đặc biệt nhất là tượng một gương mặt chằn ăn một vòng tròn. Hỏi ra mới biết đó là tượng Reahu (hoặc Rìa-Hu hay còn gọi là Rahu). Tượng Rìa-hu - nhân vật đặc biệt được đắp nổi chỉ có phần đầu mà không có thân - đặt trên lầu sala phía bên phải của chùa khi bước lên chính điện, là một câu chuyện dài giải thích hiện tượng nhật thực, nguyệt thực của người Khmer Nam bộ.

Trong những hình tượng được đắp nổi hay trang trí thờ phụng trong chùa thì “Rìa-hu” và “Chằn” là những biểu tượng của cái ác. Rìa-hu được đắp nổi hay vẽ thể hiện gương mặt một quái vật hung dữ với đôi mắt trợn trừng, với vành miệng rộng đang nhe hai hàm răng nhọn lởm chởm nuốt vòng tròn tượng trưng cho mặt trăng hay mặt trời. Ở nhiều chùa Khmer Nam bộ, Rìa-hu được trang trí ở nhiều nơi, trên cổng vào chùa, trên vòm mặt tiền ngôi chính điện, trên vòm cửa ra vào và thậm chí ở ngay cả bệ tượng Phật.

Truyền thuyết về sự tích Rìa-hu

Một vị sư kể lại cho chúng tôi nghe rằng: Ngày xửa ngày xưa, có một gia đình nọ có ba anh em trai. Ngày nào cũng vậy ba anh em cũng dành phần cơm để dâng cơm cho các nhà sư đi khất thực. Một hôm, người em út được hai anh giao cho nấu cơm. Rủi thay hôm đó củi bị mưa ướt nên nhúm mãi mà lửa không cháy được nên khi đoàn các sư khất thực đi ngang qua nhà mà cơm vẫn chưa chín.

< Tháp chùa vươn cao giữa trời xanh.

Không có cơm để dâng cho các sư, hai người anh giận và quát mắng, lấy vá xúc cơm đánh vào đầu người em út. Người em út bị các anh đánh, tủi thân, tức mình bỏ ra bờ con sông lớn sau nhà ngồi khóc. Nhìn con nước sông đang chảy xiết, người em út nguyện kiếp sau được hóa thành người có sức mạnh như dòng nước chảy xiết để không ai bắt nạt được mình.

Hai người anh tìm kiếm đứa em, nghe lời than vãn và lời nguyện đó mà lo lắng và từ đó họ cũng nguyện kiếp sau sẽ trở thành người có sức mạnh hơn dòng nước để em mình không làm hại được mình. Cả ba anh em đều toại nguyện. Người anh cả được hóa kiếp thành Pờ-rặc A-tít, tức là mặt trời, người anh thứ hóa kiếp thành Pờ-rặc Chanh tức là mặt trăng, và người em út hóa kiếp thành Rìa-hu, một người to lớn, mặt mũi xấu xí, có sức mạnh không ai có thể cản lại nổi.

Từ mối thâm thù xưa cũ với hai anh từ kiếp trước, Rìa-hu thường chặn bắt mặt trời và mặt trăng nuốt vào bụng để trả thù. Do đó hình tượng Rìa-hu thường được đắp nổi hay vẽ cảnh đang nuốt vòng tròn thể hiện mặt trời hay mặt trăng. Lúc nuốt mặt trời hay mặt trăng đó, đã làm cho trời đất bị tối đi. Vị thần Pờ-rặc In, người cai quản vũ trụ, thấy vậy bèn dạy cho Pờ-rặc A-tít và Pờ-rặc Chanh hai bài thần chú gọi là Sô bờ-rích là kinh Mặt Trời và Chanh bờ-rích là kinh Mặt Trăng để khi lâm nạn Pờ-rặc A-tít và Pờ-rặc Chanh đọc để buộc Rìa-hu phải nhả mình ra.

Từ đó , Rìa-hu chỉ nuốt mặt trời và mặt trăng được một lát, thì bị hiệu ứng của bài kinh phải nhả mặt trời hay mặt trăng ra. Trời đất lại trở nên sáng sủa lại sau nhật thực hay nguyệt thực. Những lúc này người Khmer Nam bộ thường đánh trống khua mõ,… gây tiếng động để Rìa-hu nhả mặt trời hay mặt trăng ra.

Thêm một chuyện kể khác về Rìa-hu: Ỷ mình to lớn, có sức mạnh vô địch nên Rìa-hu rất kiêu ngạo, quyết tâm tìm người tỷ thí. Nghe nói Đức Phật là người mạnh nhất thế gian, Rìa-hu tìm đến đòi thách đấu. Đức Phật biết Rìa-hu sắp đến nên dùng thần thông biến ngôi điện của mình nhỏ lại để tạo lòng kiêu ngạo, tự đắc của Rìa-hu. Khi Rìa-hu bay đến nơi, thấy ngôi chánh điện nhỏ xíu, chỉ bằng nắm tay của mình, thì tự đắc cho là mình có thể bóp nát ngôi chánh điện ấy một cách dễ dàng.

< Và tháp cũng lung linh trong đêm tối.

Nhưng khi Rìa-hu bước vào ngôi điện nhỏ bé đó thì bước qua dễ dàng không bị vướng gì cả. Bên trong ngôi điện rộng thênh thang còn đức Phật thì to lớn như quả núi, mình đắp y vàng. Sau khi định thần, Rìa-hu hỏi đức Phật: Trong vũ trụ, có phải ông là người to lớn nhất không? Đức Phật bảo, trong vũ trụ không ai lớn hơn ngài Đại Phạn Thiên - tiếng Khmer là MahaPờrum. Rìa-hu nài nỉ đức Phật đưa mình lên thượng giới gặp Đại Phạn Thiên. Nhìn thấy MahaPờrum hết sức to lớn, Rìa-hu sợ hãi, luôn miệng van xin tha lỗi và hổ thẹn xin Đức Phật cho về. Đức Phật căn dặn trên đường về không được uống nước trường sinh ở hồ thiêng A-Nô-Ti.

Nhưng đường thì xa mà người thì khát nên Rìa-hu quên lời căn dặn của Phật nên đã xuống hồ uống nước. Thần giữ hồ Kom-phôn-lác tức giận kẻ đánh cắp nước trường sinh nên thổi luồng gió thiêng Căm-ma-viết là luồng gió nghiệp báo cắt đứt Rìa-hu làm đôi ngang ngực. Rìa-hu hoảng sợ bỏ nửa phần còn lại dưới hồ, mang nửa phần trên còn sống được là nhờ nước trường sinh, bay vút đi. Bay đến đâu tạo mưa to, giông bão đến đó. Vì vậy mà người Khmer có tập tục là hễ có gió to thì đánh trống, gõ thùng… thậm chí, cầm dao hô lớn "tránh đi, tránh đi" tạo tiếng vang lớn để xua đuổi Rìa-hu đi nơi khác, tránh làm thiệt hại nhà cửa ruộng vườn của họ.

Du khách đến viếng chùa có thể đi bộ từ đường Lý Tự Trọng (đoạn cuối công viên Lưu Hữu Phước) vào hẻm đi thẳng chừng 300 mét là đến. Do chùa nằm trong hẻm nên nếu đến chùa bằng cách này, hình ảnh ngôi chùa được hiện rõ và làm cho tầm nhìn được đẹp hơn. Vào tối thứ Bảy hằng tuần lúc 19 giờ, chùa được thắp sáng bằng nhiều đèn phối màu rất đẹp, nếu ngắm nhìn từ hồ Xáng Thổi cách chùa 100 mét, hình ảnh ngôi chùa sáng lung linh trên mặt hồ, trông rất đẹp.

Theo Lâm Văn Sơn (The Saigon Times)
toimedulich

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét