Chủ Nhật, 31 tháng 8, 2014

Điện cúp thì... đi! (P2)

(Tiếp theo) - Cuối cùng thì cổng tam quan chùa Châu Thới hiển hiện trước mặt, lộ ra con đường chạy lên chùa - cũng là đỉnh núi Châu Thới.

< Cái bảng tròn màu vàng bên phải ghi 'Cấm xe trên 16 chỗ'. Cấm thì cấm nhưng lên thì lên, có điều hơi liều.

Những con đường ngoằn ngoèo dốc dựng là nỗi đam mê của mình: vượt đèo, càng hiểm trở thì càng thích thú vô cùng... nhưng đã khá lâu rồi, từ hồi bệnh đến nay thì những chuyện vượt dốc đèo này đã rời xa. Vậy nên theo dốc, lên núi Châu Thới giống như một chút gì khơi gợi lại nỗi nhớ chuyện cũ.

< Ngay cua dốc đầu tiên, có lẽ không kém 10° đâu. Đỉnh dốc này có điểm dừng: bên trái là nhà bia hình bát giác, bên phải là chạy tiếp lên chùa.

Núi Châu Thới chỉ cao tầm 82m với 2 con đường lên chùa: Một là ta có thể gởi xe, đi theo 220 bậc thang đá lên đỉnh. Hai là cứ chạy xe thẳng lên núi. Tuy nhiên, do chỉ chiếm diện tích khoảng 25ha nên đường xe lên đỉnh có dốc khá cao với đôi cua gắt. Do vậy, ngay từ đầu đường lên núi có bảng 'Cấm xe trên 16 chỗ' do khá nguy hiểm. Cấm thì cấm vậy chứ khi mình lên đã thấy một chiếc xế hộp bấy nhiêu chỗ đậu trên đó rồi, hi hi.

< Mình quẹo phải theo đường, dốc lúc này thế ni.

Giữa đoạn đường lên núi có 1 điểm dừng. Nơi này, địa phương đã cho xây một nhà bia Tổ quốc Ghi công hình bát giác để khách có thể tưởng niệm Anh hùng Liệt sĩ hay vãng cảnh hồ và núi thơ mộng nằm chơ vơ giữa một 'rừng' nhà máy khai thác đá. May mà còn chùa xưa mang danh Di tích (Núi được xếp hạng là di tích danh lam thắng cảnh Quốc gia ngày 21/04/1989) nên núi còn, không thì Châu Thới cũng sẽ thành một địa danh cổ trong quá khứ rồi.

< Gặp ngay con dốc cuối cùng, chắc phải hơn 15°. Chạy thẳng là vào khuôn viên chùa còn cạnh cổng, phía phải là bậc thang bộ hành lên xuống núi.
Đống đá ven đường do nhà chùa đang xây dựng gì đó ven sườn núi. Nhà nghỉ cho bá tánh chăng?

< Trong sân chùa nhìn ngược lại cổng. Đống gạch to dành cho việc xây dựng phía dưới kia. Riêng xe thì dựng góc bên này, mua nén nhang rồi bước vào chánh điện.

Tương truyền Chùa do thiền sư Khánh Long tạo lập từ đầu thế kỷ XVII (1612) nhưng cũng có sách cho là do thiền sư Thành Nhạc – Ẩn Sơn khai sơn và viên tịch tại nơi này vào ngày 17/12/1776. Trước đây, tại Chùa có ngôi bảo Tháp của tổ Thành Nhạc nhưng nay không còn.

< Bà xã đốt nhang khấn Phật, còn mình thì... móc máy ảnh ra. Hơi e ngại đôi chút nên mình xin phép sư thầy... chộp ảnh, ông cho phép xong là ta lò mò vào bấm tá lả.

Trải qua hơn ba trăm năm lịch sử đầy biến động, chịu bao hủy hoại tàn phá của thời gian và chiến tranh, chùa núi Châu Thới nay không còn giữ được dấu tích, di vật nguyên thuỷ của một chùa cổ được hình thành vào hàng sớm nhất Nam Bộ.

< Nhá Flash 2 cái đầu tồi tự ngẫm lại mình chả cần flash, vậy nên chụp âm thầm những tấm sau...

Hiện Chùa là một quần thể kiến trúc đa dạng được xây dựng vào nhiều thời điểm khác nhau: gồm ngôi chánh điện, các điện thờ Thiên Thủ Thiên Nhãn, Linh Sơn Thánh Mẫu, Diêu Trì Kim Mẫu, Ngũ Hành Nương Nương và cả điện thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế. Ở đây còn cho thấy rõ nét sự dung hợp giữa tín ngưỡng Phật giáo và tín ngưỡng dân gian như phần đông các ngôi chùa Phật giáo ở nước ta.

< Khảm thờ rất nhiều, tứ phía. Mình không đạo Phật nên nhìn chả biết... mô tê, thôi thì cứ tận dụng cơ hội vậy.

Nhà tổ và giảng đường của Chùa được trùng tu vào năm 1930. Năm 1971, hoàn tất việc xây dựng 220 bậc thềm (xi măng) đường dẫn lên Chùa. Đến năm 1989, xây thêm cửa tam quan. Ngôi chánh điện được xây lại khá qui mô bằng bê tông cốt sắt vào năm 1993…

< Nghe 'nửa kia' suỵt suỵt ngoắc, mình nhẹ nhàng bước vào gian trong. Lúc này mới nhận thấy rằng mình đang mặc... quần lửng, cái thứ thời trang gọn nhẹ nhưng tiện dụng của ngày nay. Nhiều nơi, mặc thứ này thì người ta không cho vào đâu, có lẽ trông thiếu nghiêm trang ở chốn trang nghiêm.

< Nhưng ta vẫn thành kính bằng cả tấm lòng, sư thầy cho phép thì không sao.
Nhìn các ảnh, bạn cũng thấy trang trí trong chùa rất đẹp, chỉ tiếc các đèn soi sáng hơi lộ liễu.

< Chụp choẹt một hồi xong thì bọn mình trở ra khuôn viên ngoài. Thật tế trong ấy còn nhiều điện thờ lắm nhưng ăn bận lèng xèng quá, làm phó thường dân ở ngoài dễ chịu hơn.

Nét nổi bật về trang trí kiến trúc của Chùa là dùng nhiều mảnh gốm sứ màu sắc gắn kết đắp thành hình con rồng dài hơn cả mét đặt ở đầu đao của mái chùa và có đến 9 hình rồng như thế hướng về nhiều phía.

< Tầm 3h chiều mà trời vẫn tù mù thế này đây, tròi vẫn không mưa mới sướng!

Chánh điện được thiết kế: dành phần trên thờ Phật A Di Đà, Quan Âm, Thế Chí; tầng kế thờ Phật Thích Ca; tầng dưới là nơi thờ Phật giáng sinh. Toàn bộ những tượng đồng được đúc tại Chùa, do nhóm thợ chuyên môn của xứ Huế thực hiện.

< 7 tầng tháp vút cao trong khuôn viên chùa Châu Thới, mộ tháp chăng?

Chùa còn thờ bộ thập bát La Hán và thập điện Diêm Vương bằng đất nung. Đây là hai bộ tượng khá xưa và độc đáo của Chùa còn lưu giữ được, cho thấy nghề gốm ở địa phương đã phát triển khá sớm.

< Bà xã đây. Từ chỗ này có thể nhìn xuống một khoảng rất rộng bên dưới, phía QL1K và mỏ đá Tân Đông Hiệp. Mỏ đá này ngày xưa cũng là một ngọn núi, nay sắp 'cạn tàu ráo máng' rồi.
Khung cảnh tường tận chung quanh mình sẽ post trong bài sau vậy.

< Mỏ đá không đáng nhìn, cái đáng ngắm là trụ đá nằm ngay góc.

< Góc Tây Nam chùa Châu Thới.

< Tượng thờ tại đây có tông màu vàng kim loại giống mạ vàng, một số tượng thờ đặt nguyên bản màu đá thô tuyệt đẹp.

Chùa cũng còn lưu giữ được ba pho tượng Phật tạc bằng đá khá xưa (có thể vào cuối thế kỷ XVII) và một tượng Quan Âm bằng gỗ được làm bằng cây mít cổ thụ hàng trăm tuổi được trồng trong vườn chùa.

< Trời tròn đất vuông nguyên văn chữ Hán là "thiên viên địa phương" (天圓地方).


< Mặt chùa Châu Thới ở hướng chính Nam.

Vào năm 1988, Chùa đúc một đại hồng chung theo mẫu của chùa Thiên Mụ (Huế) nặng 1,5 tấn, cao 2 mét, đường kính 1m2, đặt trên chiếc giá chuông bằng gỗ lim do nghệ nhân Bình Dương chạm trổ các hoa văn đẹp.

< Tổ đình ở góc Nam.

Những năm 1996 – 1998, Chùa tổ chức đúc thêm bảy tượng Phật bằng đồng, xây dựng một bảo tháp gồm nhiều tầng lầu cao 24 mét. Năm 2002, bên phải ngôi chùa xây dựng công trình gồm một trệt một lầu và bên trên sân thượng có xây bảo tháp thờ tượng Quan Âm bằng đồng cao 3 mét, nặng 3 tấn.
< Ngày thường, vắng khách nên thong dong trong khuôn viên thật thích.

Đến nay, Chùa còn lưu giữ được 5 long vị từ thế hệ truyền thừa đời thứ 40 của phái Lâm Tế dòng Bổn Nguyên như: Hồng Kiềm (đời 40), Nhật Liên (đời 41), Nhật Tâm (đời 41), Lệ Thiên (đời 42), Lệ Huệ (đời 43).

Về số cổ vật có giá trị đã được xếp loại tại chùa núi Châu Thới hiện nay còn lưu giữ được 55 hiện vật (đứng nhì trong các ngôi chùa trong tỉnh).

< Một gian thờ nhỏ ở góc Bắc.

Bài này mình trình bày cảnh quan trong chùa kèm theo ảnh chùa Châu Thới, bài sau sẽ post quan cảnh quanh chùa, quanh núi và trích dẫn thông tin lịch sử ngôi chùa hơn 3 trăm tuổi này nhé.

Còn tiếp
Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4

Điền Gia Dũng
toimedulich

Mùa bắt mối

(BĐN) - Đồng bào M’nông rất thích bắt côn trùng như mối, cào cào, kiến, dế... để làm thức ăn. Trong số đó thì mối được ưa chuộng nhất... 

Đồng bào M’nông rất thích bắt côn trùng như mối, cào cào, kiến, dế... để làm thức ăn. Trong số đó thì mối được ưa chuộng nhất. Để bắt được mối, nhà nào cũng đan sẵn vài cái chụp bằng tre gọi là Nrut, to nhỏ tùy sở thích mỗi người. Chiếc chụp này có hình như chiếc phễu, đầu miệng chụp người ta đan y như chiếc giỏ đựng cá của người miền xuôi, mối vào là không thể chui ra được bởi đầu nhỏ trên đã được bà con bịt kín bằng lá.

Vào đầu mùa mưa, sau mỗi cơn giông, hàng vạn con mối từ trong tổ chui ra. Đây là thời điểm thích hợp nhất để vào mùa bắt mối. Theo những người có kinh nghiệm thì khi đi bắt mối bà con thường xem xét kỹ gò mối nào mối thợ mở cửa hang là dấu hiệu đàn mối sắp chui ra. Khi đã chọn được tổ mối, mọi người chỉ việc dùng những cái chụp úp trên các miệng hang mối. Chờ đến khi mặt trời sắp lặn là đàn mối từ trong hang bay ra ngoài. Đàn mối ra con nào là vào cái chụp hết cả.

Mối được làm sạch lông cánh, rồi chế biến thành nhiều món khác nhau như: mối hấp, mối nấu với lá bép, cà đắng, thậm chí bà con còn giã nhuyễn để nấu với bí ngô và bí đao. Nếu bắt được nhiều thì người ta đem phơi khô cất vào ống lồ ô có nắp, treo lên bếp để dành ăn lâu ngày. Mỗi lần nấu canh bỏ vào một muỗng cho thơm hoặc là dùng một nắm mối khô giã với măng chua nấu chín, đây cũng chính là món ăn đặc sắc của đồng bào M’nông dùng để đãi khách.

Hằng năm, đàn mối chỉ chui ra một lần và chỉ trong vòng vài ngày là hết nên không ai bỏ lỡ cơ hội bắt mối để ăn, bởi vị mối là món ăn rất hiếm và ngon.

Theo Hoàng Thanh (Báo Đắk Nông)
toimedulich

Món ngon từ cá sửu An Giang

(VLO) - Khô cá sửu mặn chưng cách thủy với thịt ba rọi bằm, củ hành tây xắt lát, gừng non xắt chỉ, thêm bún tàu, nấm rơm nữa thì trở thành món ngon bình dân nhưng không kém phần độc đáo. Món này ăn với cơm nấu hơi khô thì vô cùng “bắt”.

Du khách đi chơi ở Thất Sơn (An Giang) về có thể ghé chợ biên giới Tịnh Biên mua sắm vài món đem về như mắm lóc (80.000 đ/kg), đầu mắm lóc (30.000 đ/kg) hay võng lưới Thái (60.000 đ/cái), khăn rằn (15.000 đ/cái),… và nhiều hàng hóa khác, giá luôn rẻ hơn trong nội địa từ 10- 20% tùy theo món hàng. Nhưng bạn đừng quên mua khô cá sửu mặn (140.000 đ/kg) về chế biến thành những món ngon.

Cá sửu nước ngọt là loại cá có vảy nhỏ, mình vàng nhạt, hơi giống cá chép. Cá sửu trung bình nặng cỡ 2kg, dài 40cm, cá biệt có con nặng đến 5kg, dài đến 80cm. Cá sửu có nguồn gốc từ Biển Hồ (Campuchia), theo dòng Mekong xuống, sinh sống nhiều nơi ở vùng đầu nguồn sông Hậu. Ngư dân câu cá sửu bằng mồi trứng kiến, gián, thuốc mồi.

Đa phần người ta thường ướp muối cá sửu thật mặn nên gọi là “khô cá mặn”. Cá sửu ít xương, không có xương vụn, thịt ngon, ngọt làm được nhiều món: nướng, chiên sả, hấp bún nấm, kho lạt, nấu ngót, chưng,... Đầu cá sửu nấu canh chua với bông súng, xoài, bông so đũa hoặc bông điên điển thì hết ý!

Khô cá sửu mặn chưng cách thủy với thịt ba rọi bằm, củ hành tây xắt lát, gừng non xắt chỉ, thêm bún tàu, nấm rơm nữa thì trở thành món ngon bình dân nhưng không kém phần độc đáo. Món này ăn với cơm nấu hơi khô thì vô cùng “bắt”. Cá sửu được bán tại chợ đầu mối với giá 50.000- 60.000 đ/kg.

Khô cá sửu mặn hấp cơm cũng là một món ngon, hấp dẫn, dễ làm. Khô cá sửu hấp cơm ăn rất bùi và thơm. Ta khứa một khúc khô và rửa sạch, cho vào một tô nhỏ. Đâm nhuyễn tỏi, bằm ớt, gừng xắt sợi, củ hành tím xắt lát nhỏ phủ lên trên mặt, sau đó cho mỡ nước và ít tóp mỡ heo vào cùng với một nhúm nhỏ tiêu hột.

Khi nồi cơm vừa cạn nước, cho tộ khô cá sửu đã có các phụ liệu vào, đậy nắp nồi cơm kín lại. Đến khi cơm chín, lấy khô hấp xuống và rắc ít hành lá lên bề mặt tô khô chưng.

Rau ghém ăn với khô cá sửu chưng cách thủy hoặc hấp cơm thường là rau sống, dưa leo và chuối chát hoặc các loại rau luộc như rau lang, rau muống, đậu bắp, cải trời,…
Tộ khô chưng chế biến rất gọn nhưng có đầy đủ các vị mặn, thơm, béo, bùi, làm cho bữa ăn thêm chất lượng. Có thể cắt khô cá sửu ra từng khứa ngâm vào keo mỡ để dành ăn lâu, khi muốn ăn thì lấy ra hấp với cơm hoặc chưng cách thủy.

Theo ANH VIỆT (Vĩnh Long Online)
toimedulich

Lăng Minh Mạng (Hiếu Lăng)

Lăng Minh Mạng là một di tích trong quần thể di tích cố đô Huế được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới ngày 11-12-1993. Nằm ở xã Hương Thọ, huyện Hương Trà, Thừa Thiên Huế.

Từ năm Minh Mạng thứ 7 (1826), nhà vua đã sai tìm đất xây lăng, nhưng đến 14 năm sau mới chọn được địa điểm và đồ án thiết kế kiến trúc. Quan Lê Văn Đức là người tìm ra địa cuộc tốt lành đó và đã được nhà vua thăng cho hai cấp. Tháng 4 - 1840, vua lên xem lại chỗ đất và đổi tên vùng núi Cẩm Kê ở đó thành ra Hiếu Sơn. Vua sai các đại thần Trương Đăng Quế, Bùi Công Huyên đem Giám Thành Vệ (xem như một đơn vị công binh) lên tiến hành khảo sát địa thế, đo đạc đất đai.

Họ vẽ toàn bộ núi đồi, khe suối, sông ngòi ở đây, và sơ đồ các dự án kiến trúc từ la thành, Bửu thành, điện, lầu đình, tạ, đường, viện cho đến những nơi đào hồ, làm cầu, dựng cửa... Xem xong, nhà vua rất đắc ý, liền thưởng tiền và vải cho họ.

Đến tháng 9 - 1840, triều đình huy động 3.000 lính và thợ lên điều chỉnh mặt bằng và xây vòng La thành chung quanh khu vực kiến trúc. Hai Đổng lý đại thần Trương Đăng Quế và Hà Duy Phiên thay nhau lên giám sát công trường.

Đầu năm sau 20-1-1841, nhà vua thăng hà giữa lúc mới 50 tuổi. Một tháng sau (20-2-1841), vua Thiệu Trị cho các đại thần Tạ Quang Cự, Hà Duy Phiên, Nguyễn Hữu Lễ, Nguyễn Tri Phương và Tôn Thất Đường đứng ra lo liệu việc tiếp tục xây lăng. Triều đình điều gần 1 vạn lính và thợ ở Bộ Binh và Bộ Công lên làm việc: 7 viên quản vệ, 140 viên suất đội, 7000 biền binh, hơn 2000 lai dịch và thợ. Riêng binh sĩ cứ hai tháng 1 lần thay phiên nhau về nghỉ. Vua ra lệnh cho Trương Đăng Quế thường xuyên lên kiểm tra đôn đốc để công việc xây lăng được chu đáo.

Quan tài của vua Minh Mạng được đưa vào chôn ở Bửu thành bằng đường toại đạo ngày 20-8-1841, và tấm bia “Thánh đức thần công” dựng ngày 25-1-1842, nhưng công việc xây lăng mãi đến năm sau 1943 mới hoàn tất theo đồ án của vua Minh Mạng để lại.

Lăng Minh Mạng là một tổng thể kiến trúc quy mô gồm 40 công trình lớn nhỏ, nằm trên một khu đồi núi, sông hồ thoáng mát. Toàn bộ lăng giống như một cơ thể con người nằm gối đầu lên một ngọn đồi cao trong vùng, tứ chi duỗi ra ngã ba sông gần đó.

Khu lăng có chiều sâu, từ Đại Hồng Môn đến điểm tận cùng của La thành cách nhau đến 700 mét. Vòng La thành tuy cao nhưng không hạn chế được tầm nhìn từ trong lăng ra đến vùng núi non đẹp đẽ ở bên ngoài, cảnh vật in bóng xuống hồ Trừng Minh trông như bức tranh thủy mặc.

Bên trong La thành, các công trình kiến trúc được bố trí đăng đối, đối xứng nhau từng cặp qua trục chính xuyên tâm lăng. Tất cả được xếp đặt theo một trật tự chặt chẽ, có hệ thống, nói lên cá tính và phong cách của chính vua Minh Mạng. Bửu thành xây theo hình tròn biểu thị vua là mặt trời, là đấng chí tôn có quyền lực chi phối toàn bộ xã hội quân chủ.

Ở phần trước lăng, mật độ kiến trúc thưa, thoáng, cành vào sâu, kiến trúc càng dày. Các nhà kiến trúc đương thời đã đưa ba khu kiến trúc ở lăng Gia Long nằm theo chiều ngang nhập làm một, cho nằm theo chiều dọc trong một trục duy nhất ở lăng Minh Mạng. Họ cùng lợi dụng thế đất và các ngọn đồi để nâng dần chiều cao của các công trình kiến trúc.

Ngoài tính cách đăng đối uy nghiêm đường bệ, lăng Minh Mạng còn có những nét quyến rũ của thiên nhiên đã được chỉnh trang lại để làm bối cảnh cho các công trình kiến trúc. Các kiến trúc sư bậc thầy ngày nay, cũng phải khâm phục trước nghệ thuật tạo hình tuyệt diệu của lăng Minh Mạng.  

- Quyết định của Bộ Trưởng Bộ Văn Hóa Thông Tin về việc công nhận di tích số 54-QĐ/VHTT ngày 29-4-1979.

Tư liệu từ Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên Huế
toimedulich

Thứ Bảy, 30 tháng 8, 2014

Điện cúp thì... đi! (P1)

Tiết trời khá âm u nhưng mới sáng đã cúp điện thì bạn sẽ làm gì nhỉ? Bọn mình thì... đi.

< Qua hầm Thủ Thiêm rồi thì tha hồ chạy phon phon trên đường Mai Chí Thọ. Lộ thênh thang nên chạy thoải mái nhất là hướng này, còn hướng vào TP sẽ có CSGT đó nhé, xin đừng vượt tốc độ sẽ hối tiếc à nghen!

Không điện, trời mát cũng thành nóng nực, không máy tính (ngoài cái netbook con con mở lên chơi game nhí đỡ ghiền), không mạng internet, không TV, khách hàng cũng thưa thớt... thì lang thang một tý có lẽ là ý hay!

< Đường tốt, tốc độ nhanh nên chả mấy chốc đã thấy Nút giao thông Cát Lái với chằn chịt những cây cầu vượt phía trước.

Vậy nhưng đi đâu nào? Để xem: châm vài chai nước uống, máy chụp ảnh lấy ra bỏ vào giỏ treo xe - Cái Nikon đã không xài đã vài tháng rồi nên pin yếu là dĩ nhiên. Ngẫu hứng đi bất ngờ, sạt thì chả được do cúp điện - mình nhắm chừng có thể chụp tạm tầm hơn trăm tấm...

< Pháp viện Minh Đăng Quang vẫn còn đang xây dựng và hoàn thiện, đây là ngôi chùa rất lớn ngay cổng vào thành phố.

... Bấy nhiêu đó ảnh có lẽ tạm đủ ngó ngoáy xem chơi, vậy thì dẫn xe ra rồi lên đường thôi. Chốn gần, lang thang một buổi sẽ hướng về đâu? Lúc này hơn 1h trưa, thôi thì trực núi Châu Thới vậy, trên đó có chùa và cảnh đẹp.

< Trên nhánh đường biên Nguyễn Thị Định chuẩn bị nhập vào Xa lộ Hà Nội, chạy thêm một đoạn nữa sẽ qua cầu Rạch Chiếc.

Trời nhiều mây nhưng không nắng, nếu có tí nắng cũng không gắt mà cũng chả có dấu hiệu mưa, vậy nên thuận tiện cho chuyến hành trình nhỏ đây.

< Qua cầu Rạch Chiếc, hiên ngang trên đường một đỗi thì đến ngã 4 Bình Thái. Bọn mình rẽ trái để vào con đường nhỏ Nguyễn Văn Bá chạy song song với xa lộ. Phía phải ảnh là công trường tàu điện Metro đang thi công.

Rời nhà, trực chỉ quận 4 rồi qua hầm Thủ Thiêm. Lộ trình đi núi Châu Thới thì nhiều nhưng bọn mình chọn con đường giản đơn và thuận lợi nhất, nghịch 180 độ nếu so với những chuyến phượt hồi trước: toàn là lựa những cung đường 'ác ôn', khó khăn và dài thăm thẫm. Nhưng đó là đi xa mà, còn đây chỉ gọi là loanh quanh thành phố cùng tỉnh lân cận thôi. Ở đây chỉ ngại cái sự kẹt xe hay khói bụi, đó là chuyện khó chịu nhất.

< Rẽ trái phát nữa vào Đặng Văn Bi nằm trên địa phận Thủ Đức.

Qua Hầm, vào đường Mai Chí Thọ rồi trực chỉ hướng hệ thống nút giao thông Cát Lái để ra xa lộ Hà Nội. Cách nay vài mươi năm, xem phim nước ngoài nhìn thấy các nút giao thông với hệ thống cầu vượt phát mê. Tự nhủ chả biết bao giờ VN ta mới có thứ này...

< Sắp đến Ngã 5 Thủ Đức, chỗ này rợp cờ đỏ tổ quốc: chuẩn bị mừng lễ 2/9 đây mà.

... vậy nhưng giờ đây trên khắp nước, nút giao thông đã có hàng đống - Trong các thành phố lớn ví như TP HCM này thì lõi ngỏi, lềnh khênh trông thật hiện đại. Nếu chưa quen, khi vào các nút giao thông này sẽ khá bỡ ngỡ vì không biết đường mà chạy. Vậy nhưng nếu cứ nhìn kỹ các bảng hướng dẫn thì không có gì quá khó đâu. Hiện đại mà, Tokyo hay Nữu Ước còn nhiều bằng chục hay bằng trăm!

< Đến bùng binh, mình cúp phải trực chỉ theo đường Kha Vạn Cân. Giờ thì cứ 'chiếu thẳng' mà đi. Thật tế thì có tham khảo gì trước đâu, cúp điện mà. May là 'nửa kia' rành rọt khu vực Thủ Đức nên cứ chạy mà không phải hỏi...

Đường rộng thênh thang nên tốc độ vi vu, chả mấy chốc thấy cái 'bùi nhùi' nút giao thông, Xa lộ Hà Nội kia rồi. Cái xa lộ đã từng đi hàng tuần từ hồi bé, từng vượt qua hồi thanh niên cho đến bây giờ. Thuở 'còn non', qua cầu Sàigòn một đoạn dài thì toàn 'một thời hoang vắng', đa phần hai bên đường chỉ là cỏ cây cùng những đụn đồi thấp lúp xúp bên sông suối...

< Qua cẩu vượt Linh Xuân một đỗi thì vượt ngã 3 Chùa Cao Đài, chạy thêm một đoạn, thấy chùa Từ Quang thuộc phường Linh Xuân, quận Thủ Đức.

Nay thì chuyện đó 'xưa rồi Diễm': nhà của mọc keng, đường xá được mọc rộng thênh thang nhưng giờ cao điểm vẫn có thể nhích từng mét - cửa ngõ vào thành phố to nhất nước mà!

< Lúc này đường đã là QL1K rồi. Con đường này nếu chạy thẳng hoài sẽ đến cầu Hóa An (Biên Hòa).

Thời gian trôi qua, cái thuở hồng hoang xưa nay bổng biến đổi thành nơi đinh tặc lộng hành cũng thuộc hàng nhất nước! Cái nghề kinh dị mà trên thế giới chả nơi nào có... gặm nhấm dần rồi lan nhanh như bệnh dịch, thậm chí từng có thời điểm xuất hiện tại Campuchia. Trong đêm chạy dọc đường thả... ách rô, tờ mờ sáng là công đoạn chặt chém với các nạn nhân lỡ dính bẫy. Hay thật, ác thật cái kiểu sinh kế ác nhân thất đức!

< Đường tốt, 4 làn xe to cộng 2 làn xe bé - ít ra cũng bảnh hơn cả QL1A mấy khúc chưa nâng cấp mở rộng. Rồi thấp thoáng phía xa là những 'núi đá', nghĩa đen là những đống đá đã xay... được chất như núi thật: các kho đá đã khai thác từ núi Châu Thới đây mà, mèn ơi!

Nghề nào cũng có ông Tổ, chả biết 'tay tổ' này là ai nhỉ; mình chỉ nhớ cách nay tầm hăm mấy năm: chạy từ Vũng Tàu về buổi chập choạng tối thì dính đinh, sau đó thì vài người khác dính tiếp. Đinh thuở ấy chỉ là cây đinh bẻ gập, ngày ấy cũng chưa hình thành từ ngữ 'đinh tặc' nữa kia! Có lẽ lúc ni: một tay tổ nghề 'đơm bánh xe' vừa sáng lập ra một 'ngành nghề'.

< Định hỏi đường vào thì mé phải kia, núi Châu Thới đã hé lộ bên mé phải đường. Xưa nhiều núi, nay thì sắp đứng 'mình ên'.

Nay thì bọn mình đang đi trong 'vùng đất nguy hiểm' là xa lộ Hà Nội. Vậy nhưng vừa qua chiến dịch càn quét nên hôm nay khá yên tâm.

Phần khác, lúc này là ban ngày: nếu từng có ách rô thì cũng chả còn (do... người khác cán, do xe hút đinh đơm mất...), mà bàn ngày cũng dễ thấy cái thứ gọi là... ách rô cũng là 'ô, rách'!

< Gặp đường nhánh có tấm bảng 'Chùa Châu Thới', dzị là rẽ vào con đường lán bê tông.
Đây là con đường đặc biệt vì lúc nào cũng... ướt. Ướt vì ống nước của người dân phun suốt ngày, ướt do các xe xì tét phun nước liên tục, chủ yếu để giảm bụi đá từ những chiếc xe ben ra vào mỏ đá.

< Thấp thoáng bóng chùa trên đỉnh núi. May mà có chùa từ ngàn xưa, nếu không thì cũng chả còn núi đâu.

Vượt cầu Rạch Chiếc mới rộng thênh thang rồi ngẫm lại cây cầu cũ, chả biết người ta đã dỡ bỏ nó đi chưa. Nhớ có lần về hướng nghịch: bà xã 'xui' đi qua cầu cũ để tìm đường về nhà, sau đó lạc lối tà la bởi cái ma trận cầu vượt Cát Lái, kha kha...

< Đá được khai thác chất đống như... núi ven đường.

Qua cầu Rạch Chiếc rồi thì vào địa phận Thủ Đức + Q9. Hồi còn nhóc tì: qua đây rồi chạy thêm một đoạn dài sẽ đến khu vực có con suối nhỏ nước trong vắt chảy quanh co qua các đụn cát: trắng có, vàng có... Ngày nay nhà cửa um tùm, xe và người đông nghịt như một đại đô thị, vui hay buồn? Thôi thì phát triển phải vậy mà.

< Trong kia là các xe tải, xe ủi giữa tiếng đá rào rạo chốn trần.

Đến ngã 4 Bình Thái thì chờ đèn quẹo trái rồi chạy theo con đường nhỏ Nguyễn Văn Bá song song với xa lộ, cái nơi mà người ta đang thi công ầm ầm đường metro Suối Tiên.

Từ đây, bọn mình sẽ rẽ vào Đặng Văn Bi chạy thẳng cho đến lúc gặp đg Kha Vạn Cân thì sẽ theo con lộ rộng ni chạy thẳng qua cầu vượt Linh Xuân, vào quốc lộ 1K rồi chạy miết đến địa phận phường Bình An thuộc thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương.

< Còn cõi thiền thì bên ni. Ảnh là cổng tam quan chùa Châu Thới.

Nghe tả thì xa, thiệt ra gần xịt - so với các lộ trình phượt ngày trước chả si nhông si nhê gì. Vậy nhưng do chưa khỏi bệnh, lại ngẫu hứng 'lý qua cầu' thì nhiêu cũng là một 'cái sự bụi' nho nhỏ trong cái vạn sự khởi đầu (ít) nan chứ, he he.

Chạy trên đường nhưng nửa kia chả dám bấm hình hà rầm như hồi đó, đơn giản chỉ do bộ pin trong cái Nikon đã... xìu do một hai tháng rồi có sạc đâu - mà trước khi đi sạc không được vì cúp điện. Thôi thì chộp ít, đỡ lựa ảnh nhiều thêm rối!

< Vừa chạy qua cổng là thấy liền con đường lên núi. Dốc cao, không dưới 10 độ đâu, nhưng cũng chưa bằng những con dốc phía trong.
Thôi thì cứ ngắm nghía một tý đã.

Còn tiếp
Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4

Điền Gia Dũng
toimedulich