Chủ Nhật, 17 tháng 5, 2015

Truyền hình Mỹ vào hang Sơn Đoòng với 150 porter

(PLO) - Để phục vụ đoàn làm phim của hãng ABC News (Hoa Kỳ) truyền hình trực tiếp chương trình Good morning America, công ty Oxalis (Chua Me Đất) đã thuê 150 porter- người khuân hành lý - bản địa. Hồ Khanh - người dẫn đường số 1 cũng là người đầu tiên tìm ra hang Sơn Đoòng (Quảng Bình), làm chỉ huy.

Các thành viên trong đoàn làm phim đánh giá, đây là những người tận tâm với công việc, rất chuyên nghiệp, họ không để xảy ra bất cứ sai sót nào khi vận chuyển hơn một tấn thiết bị trong 150 kiện hàng hạng nặng. Họ lại giỏi trong nấu ăn cũng như nhanh ý trong nhiều việc khác.

Porter chuyên nghiệp

< Porter chuẩn bị hành trình vào Sơn Đoòng.

Họ là những thanh niên từ 18 tuổi trở lên, được công ty Chua Me Đất chọn lựa làm porter. Họ có gốc gác từ làng Phong Nha, mảnh làng nhỏ nép mình bên bờ tả ngạn sông Son thơ mộng. Trước đây nhiều người trong số họ sống bám vào rừng. Nói thẳng ra, họ từng nhận đó là cuộc sống của lâm tặc. Cuộc đời họ chưa có thế giới quan vượt khỏi bờ bãi dòng sông chảy qua triền núi đá vôi. Nhưng từ ngày khách khứa quốc tế về núi Kẻ Bàng tham quan, cái nhìn của họ về thế giới đã thay đổi. Cuộc sống không còn bó buộc vào săn bắn, hay rìu rựa mà dựa hẳn vào cách thức khác đàng hoàng hơn: du lịch, ngành công nghiệp không khói.

< Trưởng nhóm porter: anh Hồ Khanh.

Vừa trở về sau chuyến chỉ huy 150 porter phục vụ đoàn làm phim của truyền hình ABC, Hồ Khanh cho biết: “Đoàn làm phim đánh giá cao sự chuyên nghiệp của 150 porter. Họ đi xuyên rừng, trên lưng gùi đủ thứ đồ lỉnh kỉnh nhưng ai cũng háo hức và phấn khích.

Đảm bảo hậu cần và gùi máy móc đi gần một ngày đường, xuyên rừng, dốc cao, vực sâu là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng của các porter. Chưa kể, họ phải đảm bảo không thiếu bất cứ thứ gì cho các nhà làm phim, không hỏng hóc bất cứ con vít nào hay méo mó bất cứ bộ phận máy móc tối tân của đoàn.

< Việc nặng nề nhưng ai cũng phấn khích.

150 porter được chia thành 6 nhóm, mỗi nhóm có một tổ trưởng phân công nhiệm vụ từng người. Các đoàn khách ra vào Sơn Đoòng khi tham quan xong đều để lại lời đánh giá tại hòm thư của Oxalis và lần này, đoàn làm phim cũng có sự đánh giá đó. Ông Hồ Bằng Nguyên, một tổ trưởng trong đoàn cho biết: “Tất cả đều tuân thủ quy trình làm việc. Kỷ luật và tận tâm.
Dulichgo
Đó không chỉ là giữ hình ảnh cho đơn vị, mà còn là hình ảnh của quê hương, của vùng đất bản quán chúng tôi sinh ra trong mắt khách nước ngoài và trong nước. Chúng tôi phải đám bảo các thiết bị hiện đại tuyệt đối an toàn, không có bất cứ trục trặc nào do gùi thồ giữa rừng, mặc dù đi lại vô cùng khó khăn”.

Ấn tượng món ăn bản địa

Một porter cho chúng tôi biết, đoàn làm phim và các đoàn du khách quốc tế khác đến Sơn Đoòng đều được chọn lựa món ăn để đầu bếp đi theo phục vụ.

< Những porter làm việc ở Sơn Đoòng phục vụ khá nhiều đoàn làm phim, nhiếp ảnh gia tầm cỡ thế giới tới ghi hình với các thiết bị máy móc cồng kềnh. Không có lực lượng porter khỏe mạnh, các nhà nhiếp ảnh, quay phim có lẽ phải bó tay!

Với đoàn làm phim, Oxalis cử sáu đầu bếp, đều là những người địa phương có tay nghề nấu món ăn bản địa. Nhưng nếu có khách yêu cầu món ăn phong cách tây hoặc Trung Đông cũng được đáp ứng, bởi những đầu bếp ở làng Phong Nha đã được đào tạo bài bản. Nhưng như nhiều du khách khác, những thành viên trong đoàn làm phim đều yêu cầu được ăn món ăn bản địa, cơm và các sản vật giản dị của địa phương.

Hồ Khanh cho biết: “Cô MC dẫn chương trình có thai nên ăn chế độ riêng của cô ấy đưa đi. Các thành viên trong đoàn thích thú với cơm quê, ram cuốn, canh rau muống hoặc canh bí đao nấu thịt, có thêm đậu phụ sốt cà chua...”.

< Porter nấu bữa cho khách.

Riêng bữa ăn của 150 porter, các nhóm cử luân phiên người nấu để phục vụ anh em. Họ dùng bữa khi khách khứa được phục vụ tốt nhất buổi điểm tâm, nhưng phải nhanh nhẹn để tiếp tục hành trình đi xuyên Sơn Đoòng phục vụ khách 2 ngày trong hang động.
Dulichgo
Không có chuyện chìa tay ra lĩnh bất cứ đồng tiền “boa” nào, bởi đó là danh dự của những porter chuyên nghiệp từ Phong Nha. Porter và đầu bếp ở đây được trả lương tháng, hoặc theo chuyến, tính tiền theo ngày cao ngất ngưỡng. Nhưng chúng tôi không được quyền tiết lộ việc chi trả này, bởi nó là bí mật.

< Porter không chỉ gùi thồ mà còn dựng lều, gùi cả nước sạch vào hang cho du khách vì không thể dùng nước suối nhiều cặn đá vôi.

Một đầu bếp được các đoàn khách đánh giá cao, khi được hỏi, có muốn nếu tên trong bài báo này, anh khoát tay. Bởi đó là nguyên tắc của anh, nhưng anh tiết lộ: “Chúng tôi làm là vì chúng tôi. Mà vì chúng tôi thì đầu tiên phải vừa lòng những vị khách khó tính nhất. Họ trải nghiệm các vẻ đẹp hang động thì xứng đáng trải nghiệm món ăn dân dã địa phương. Mỗi vị trí đều tận tâm phục vụ, thế mới giữ được lâu bền hình ảnh. Đó cũng là cách giữ gìn tương lai việc làm như giữ cho món ăn luôn nóng hổi để khách tôn trọng người phục vụ tận tâm”.

“Giải quyết nhu cầu” như thế nào?

Có nhiều người hỏi trên các mạng xã hội, lượng người đông như thế, việc giải quyết các khâu vệ sinh cá nhân như thế nào, hay bừa bãi trong hang động?

< Porter di chuyển trong hang Sơn Đoòng. Bức ảnh trông rất nên thơ, nhưng thực tế các porter rất vất vả vì phải mò mẫm trong bóng tối nhờ vào chiếc đèn nhỏ nhoi trên đầu để soi sáng.

Nó được giải quyết rất bài bản và đó là khâu rất quan trọng để giữ gìn hang động Sơn Đoòng và hang Én. Oxalis cho mua các xô nhựa dùng đựng nước, đặt trấu, vôi, chất xử lý mùi và cử người gùi vào theo các đoàn khách. Họ cử ra sáu người để gùi những vật dụng này, để nơi khuất, cách xa vùng cắm trại trong hang, sử dụng bạt dựng lên nhà vệ sinh. Người có nhu cầu bài tiết, khi sử dụng xong, dùng ca đổ vỏ trấu vào xô, rải vôi bột, chất khử mùi. Khi xô đầy lên, hai nhân viên đến gói lại, gùi xô ra khỏi hang động rất xa, đào hố xử lý.

< Cùng chụp với nhau tấm ảnh lưu niệm.

Du khách cũng như đoàn làm phim được khuyến cáo bỏ rác đúng nơi quy định để có người thu dọn. Nhận viên vệ sinh làm tất cả, không bỏ lại bất cứ thứ gì thải ra còn sót trong hang. Củi gùi vào để nấu ăn, khi hết phục vụ, than bếp được làm nguội để đưa ra. Thức ăn dư thừa được đóng gói cẩn thận và porter đưa ra khỏi hang theo đúng chỉ dẫn của chuyên gia hang động.

Khi đoàn làm phim hoàn thành sứ mệnh, trực thăng đưa họ trở ra an toàn. 150 porter lặng lẽ dọn vén và vệ sinh nền hang. Họ thầm lặng, ra về sau cùng, khép lại “cánh cửa” Sơn Đoòng như khép lại một khán phòng lộng lẫy, bí ẩn cho người sau chưa có cơ hội khám phá đến khi có điều kiện. Và một quy trình như thế lại bắt đầu khi có đoàn khách mới…

< Porter giao lưu vật với khách.

Porter không chỉ làm các nhiệm vụ của mình, giữa đêm thanh vắng, họ còn kể những câu chuyện về bản quán, quê hương họ. Những câu chuyện về văn hóa, về vùng đất cổ xưa, về những danh phận núi non Kẻ Bàng dưới lăng kính làng họ qua phiên dịch đi theo.
Dulichgo
Đôi khi, có những vị khách nước ngoài muốn thử cơ bắp với người bản địa, họ mời các porter. Nhìn bề ngoài, porter ở Phong Nha rất nhỏ con, nhưng các vị khách khó mà thắng được. Bởi với họ, xuyên rừng thường xuyên đã rèn luyện sinh lực họ chắc chắn. Và họ trình diễn nhiều chiêu thức vật bản địa khiến khách tây trải nghiệm đến mê mệt.
Nhiều câu chuyện gộp vào, cứ thế làm du khách mến lòng, như chất men say cuốn họ muốn quay trở lại, bởi sự giản dị, khiêm nhường của con người nơi đây.

Theo Xuân Sơn / Báo Pháp luật TP HCM
toimedulich

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét