Thứ Ba, 26 tháng 5, 2015

Một ngày phượt đảo Bánh Sữa

Nằm khiêm tốn trong vòng cung Thẻ Vàng trên vịnh Bái Tử Long (Quảng Ninh), hòn đảo có cái tên đặc biệt rất hoang sơ, tĩnh lặng, tách biệt hoàn toàn với những Cô Tô, Quan Lạn, Ngọc Vừng… ồn ào, huyên náo.

< Tàu ra đảo Bánh Sữa trong ánh bình minh.

Không sở hữu những bãi cát dài, trắng với làn nước trong xanh, không có những khách sạn hạng sao và càng không có cái không khí náo nhiệt của khu du lịch, đảo Bánh Sữa tạo riêng cho mình một nét độc đáo riêng biệt.

< Cầu tàu bằng gỗ dẫn vào đảo Bánh Sữa.

Vì sao có tên là đảo Bánh Sữa thì cũng chả ai biết được, chỉ nghe đồn rằng tên này có  từ thời Pháp thuộc. Một điều ngộ là đảo có tên từ lâu mà chẳng ai quan tâm, mãi cho đến năm 2004 ông Đỗ Hữu Tờ, người ta quen gọi là ông Vua Tu hài lúc ấy mới làm chuyến khảo sát đầu tiên tới đảo và quyết định nuôi trồng các loại thủy hải sản như tu hài, ngao giá, ngao đỏ..., nuôi theo hình thức thả bãi và lồng treo. Vậy là lúc nẩy ra thêm cái tên là đảo Ông Tờ.

< Bình minh nhìn từ đảo. Xa xa là cánh cung Thẻ Vàng (Dulichgo: Bình minh thì mặt trời mọc phía Đông, mình cho rằng đây phải là đảo Đống Chén vì đảo Thẻ Vàng ở hướng Tây).
Dulichgo
Thời gian trôi qua, từ nơi nuôi trồng thủy sản ngày ấy thì giờ đây đã dần chuyển mình thành một điểm đến của dân du lịch khám phá.

< Bãi biển Bánh Sữa vào buổi sáng khi nước triều rút.

Tàu ra đảo xuất phát từ cảng Cái Rồng, phía trước là Vịnh Bái Tử Long với những đảo đá lô xô thẫm mờ sau tấm màn sương. Tàu chạy theo hướng Đông Nam, sau tầm khoảng 30 phút thì đảo Bánh Sữa dần hiện ra.

< Ngư dân trên làng chài đang thu lưới, hải sản tươi ngon được du khách rất thích thú.

Nếu ta nhìn đảo từ bản đồ vệ tinh thì Bánh Sữa như một con Rùa đầu hướng về phía Bắc tạo một thế phong thuỷ tuyệt vời. Với dòng chảy và những vỉa san hô ngầm hình thành hàng vạn năm, nơi đây hội tụ tất cả các điều kiện tự nhiên thích hợp nhất với môi trường sống của hải sản.

< Bữa trưa đậm chất xứ biển Vân Đồn với cù kỳ, ốc sư tử hấp, mực chiên…
Dulichgo
Đảo có chiều dài nơi rộng nhất chỉ tầm 420m với một chỏm núi đá và một bãi cát nhỏ. Vây quanh Bánh Sữa là những đảo lớn khác như đảo Thẻ Vàng (phía Tây, thuộc xã Thắng Lợi), đảo Đống Chén (phía Đông), hòn Phi Mã (phía Nam), hòn Bùa Thuốc (phía Bắc)... v.v.

< Đảo Bánh sữa vào buổi chiều khi nước triều lên.

Đảo Bánh Sữa có diện tích chưa đầy 1km2 nên không có những bãi cát dài tít tắp như những hòn đảo khác, bù lại là làn nước trong xanh, mát lạnh và nguyên sơ. Ở đây có cầu tàu nối liền với khu nuôi hàu, chúng tôi vừa tắm biển vừa bắt hàu cùng dân địa phương.

< Buổi chiều bạn có thể đắm mình trong làn nước trong xanh ở phía trước đảo.
Dulichgo
5g sáng, khi thủy triều đang ở mức thấp nhất, là thời điểm thích hợp để du khách cùng người dân đi bắt hải sâm. Biển phẳng lặng, sóng lăn tăng và nước thì trong đến thấu đáy. Những tảng đá xung quanh đảo là nơi những con hải sâm to bằng cánh tay trú ẩn được mọi người thích thú tìm kiếm, săn bắt.

< Vịnh Bái Tử Long nhìn từ đỉnh núi đá trên đảo. Đây là địa điểm yêu thích của khách du lịch.

Khách đến đây hòa mình vào làn nước lành lạnh buổi sớm, chạy đua với nước triều đang dâng lên từng phút khiến ai cũng cảm thấy phấn khích và tâm hồn cũng nhẹ bẫng, thư thái hơn bao giờ hết. Cái phiền muộn hay tất bật trong cuộc sống thành phố bổng chốc tan theo làn nước trong xanh.

< Thạch nhũ tuyệt đẹp trong hang Quan.

Sau bữa ăn sáng giản đơn, khách lênh đênh trên thuyền đến hang Quan cách đảo khoảng 30 phút. Hang Quan từng được trưng dụng làm căn cứ quân sự trong thời kỳ chiến tranh bắn phá của người Mỹ ở miền Bắc. Ở đây có những cột nhũ nhiều hình thù và đẹp mắt không kém gì hang động ở vịnh Hạ Long.

< Không gian xanh nhìn từ hang Quan.

Khi ánh nắng trở nên rực rỡ, chiếu xuống vùng biển xanh biếc, thuyền chở khách ghé vào nhà bè của ngư dân trên vịnh. Từ mặt nước, những người dân chân chất, mộc mạc chỉ biết đến thuyền và biển kéo lên những túi lưới chứa đầy hải sản. Nào tôm, cá, mực, ghẹ… tất cả đều đang vẫy vùng, tươi soi sói.

< Một làng chài trên vịnh.

Khách mua một ít hải sản tươi ngon đem trở về đảo Bánh Sữa nhờ người dân chế biến giúp. Một mâm cơm trưa đầy các loại hải sản mà ở thành phố có mơ cũng khó, được mang lên ngay sau đó. Nhấp một ngụm bia mát lạnh, thưởng thức một chiếc càng ghẹ đỏ au và nghe tiếng sóng biển vỗ nhẹ trên bờ cát mà cảm giác sung sướng, hạnh phúc vô cùng.

< Một góc vịnh Bái Tử Long dưới ánh chiều tà.

Trên đảo có một ngọn núi đá khá cao, nơi người dân nói là địa điểm đẹp nhất để ngắm hoàng hôn và toàn cảnh vịnh Bái Tử Long. Mất gần 15 phút leo lên những mỏm đá tai mèo sắc nhọn, chúng tôi đã đứng được trên điểm cao nhất của hòn đảo.

< Hoàng hôn nhìn sau những mỏm đá tai mèo trên đỉnh Bánh Sữa.

Phóng ánh mắt ra xa trong buổi chiều tà, vịnh Bái Tử Long xanh biếc hiện ra trong ánh nắng vàng dịu nhẹ. Khung cảnh mặt trời đỏ cháy từ từ lặn xuống dãy núi đủ hình dáng trước mắt quả không uổng công mọi người mướt mải mồ hôi leo núi. Khách chụp ảnh và đã được ngắm nhìn hoàng hôn ở nhiều nơi khác nhau nhưng hoàng hôn trên đảo Bánh Sữa thật khác biệt về sự hùng vĩ. Toàn cảnh vịnh Bái Tử Long nằm trọn trong tầm mắt, đây sẽ là một trong những bức ảnh hoàng hôn đẹp nhất của khách phương xa.

< Đảo Bánh Sữa về đêm.


Thông tin thêm cho bạn:

Từ Hà Nội, bạn có thể đón xe khách (bến xe Mỹ Đình, Gia Lâm, Lương Yên) đến thành phố Cẩm Phả (Quảng Ninh) với quãng đường khoảng 220km. Sau đó đi xe buýt, taxi hoặc xe ôm đến cảng Cái Rồng (huyện Vân Đồn). Tại cảng Cái Rồng, bạn lên chuyến tàu Vân Đồn - đảo Ngọc Vừng, tàu có điểm dừng tại đảo Bánh Sữa.

toimedulich - tổng hợp từ báo Tuổi Trẻ và vài nguồn khác

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét