(PNO) - Mùa hè, để trốn nóng, bạn có thể làm một chuyến lên Cao Bằng, với khí hậu mát mẻ, với thác nước hùng vĩ.
Sau buổi chợ phiên thú vị ở Mèo Vạc, thay vì quay về thành phố Hà Giang theo đường cũ, để khám phá hết vẻ đẹp vùng Đông Bắc, chúng tôi quyết định chạy bọc cung đường Bắc Mê - Bảo Lâm. Chuyến xe lúc 5g sáng đưa chúng tôi rời Bảo Lâm đến thành phố Cao Bằng lúc giữa trưa.
Mục đích lớn nhất của chúng tôi khi lặn lội đến Cao Bằng là để mục sở thị ngọn thác Bản Giốc trứ danh. Thế nhưng, Cao Bằng còn có nhiều điều thú vị để khám phá.
Hùng tráng và lãng mạn
Trên đường đi đến thác, chúng tôi vô tình lạc đến cửa khẩu Pò Peo giáp ranh Trung Quốc và được đắm mình trong một buổi chiều biên giới tuyệt đẹp.
Dulichgo
Trái với sự khẩn trương của những người lái buôn đang chuyển hàng qua lại cửa khẩu, đàn vịt trắng nhởn nhơ đi thành từng đàn dưới ánh nắng vàng ruộm cuối chiều trên đồng cỏ bao la, bên dòng sông xanh biếc in bóng những ngọn lau trắng xóa rung rinh trong gió.
Những dòng sông xanh trong vắt lượn quanh những ngọn núi cao sừng sững là một đặc ân của tạo hóa để làm mềm mại hóa quang cảnh hùng vĩ. Sự tương phản giữa cái hoang dã và sự lãng mạn của cảnh vật nơi đây cứ như là có một anh chàng thi sĩ bên trong gã du mục vậy.
Mặc dù là một vùng đất đẹp nhưng vì đường sá xa xôi, Cao Bằng không phải là địa điểm du lịch nhiều người đến. Có lẽ nhờ vậy mà ở đây còn giữ nguyên được sự hoang sơ và con người thì phóng khoáng và mến khách. Mỗi lần nghe giọng chúng tôi, họ liền quay ngoắt lại, cười tít mắt nói: “Giọng con gái miền Nam nghe dễ thương nhỉ!”. Một chị bán hạt dẻ còn bày tỏ sự trân trọng khi biết có người miền Nam lặn lội lên tận chốn này.
Nhờ một người dân địa phương tốt bụng mà trên đường đi đến thác Bản Giốc, chúng tôi đã được chiêm ngưỡng một vẻ đẹp kỳ bí của tạo hóa là hang động Ngườm Ngao. Hang động lọt thỏm dưới một thung lũng rộng và sâu, tựa mình vào dãy núi đá sừng sững, bao quanh là thảo nguyên bao la, tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài.
Dulichgo
Bên trong hang là những nhũ đá, tạc nên nhiều tạo hình thú vị tùy vào trí tưởng tượng của du khách như hình lạc đà, hoa sen, trụ chống trời, ruộng bậc thang, cây vàng cây bạc… Sự kết hợp giữa đá, nước, ánh sáng cùng muôn vàn hình khối kỳ thú đã tạo nên một bức tranh huyền ảo, kỳ bí.
Cuối cùng thì chúng tôi cũng được tận mắt ngắm vẻ đẹp hùng tráng và lãng mạn của thác Bản Giốc huyền thoại. Đang vào mùa khô nên thác được chia làm ba tầng rõ rệt. Nước có màu xanh ngọc bích với nhiều cấp độ đậm.
Đi thuyền trên mặt hồ nước trong xanh như gương, xa xa là những chú bò đang gặm cỏ non bên cánh đồng vàng bao la, một làn khói mỏng bốc lên từ túp lều mang theo cả mùi thơm thoang thoảng của ngô khoai, cảm giác thật thú vị. Thi thoảng, thuyền tiến sát vào chân thác để du khách có thể nghe được rõ ràng âm thanh của nước đổ từ độ cao 60m xuống tung bọt trắng xóa.
Vùng đất của sản vật
Hiếm có vùng đất nào có nhiều sản vật quý hiếm như vùng núi Đông Bắc này. Ngoài hạt dẻ Trùng Khánh thơm ngon, béo ngậy chỉ mỗi xứ này có thì Cao Bằng còn nhiều món mang hương vị núi rừng đặc trưng, đã ăn một lần là nhớ mãi.
Món ăn Cao Bằng khác lạ một phần nhờ vào “bí kíp” riêng của người Tày. Chẳng hạn món bánh trứng kiến có hương vị rất độc đáo. Độ béo ngậy của trứng kiến đen kết hợp cùng vị chát của lá non vả và độ dẻo từ bột nếp làm nên một món bánh đơn giản nhưng ngon lạ lùng. Món vịt bảy vị cũng là một bí kíp gia truyền khác.
Đó là bảy loại gia vị “bí mật” giúp cho món vịt có vị lạ, đậm, rất hấp dẫn. Thịt vịt mềm, chua chua ngọt ngọt ăn kèm với bánh áp chao béo béo, thơm thơm, đã ăn thì khó dừng được. Bánh áp chao là món ăn vặt khá đơn giản, chỉ có bột nhào với gia vị cho vào khuôn nhúng trong chảo dầu đầy, vậy mà là món gây thương nhớ cho những người dân Cao Bằng xa xứ.
Dulichgo
Vùng đất đặc biệt này còn sản sinh ra rất nhiều món ngon vật lạ khác như măng chua, mận Bảo Lạc, miến dong, phở chua, xôi trám, cháo nhộng ong, rau dạ hiến, cá hồ Thang Hen... Tuy nhiên, làm tôi chết mê chết mệt là mùi khói bếp thơm nồng bốc ra từ những khoanh lạp xưởng hun khói.
Tôi vốn dĩ không thích lạp xưởng vì nhiều mỡ, vị ngọt rất mau ngán. Vậy mà chỉ đưa vào miệng một miếng lạp xưởng hun khói, tôi đã bị gây nghiện ngay lập tức và cứ ăn mãi... không dừng được.
Lạp xưởng chiên có lớp vỏ bọc ngoài vàng ươm, ăn vào thì giòn rụm còn phần thịt bên trong được nêm nếm gia vị rất đậm đà, ăn với cơm nóng vào ngày mùa đông thì quên cả giá rét. Nhưng điều khiến lạp xưởng Cao Bằng đặc biệt gây thương nhớ chính là mùi khói ngai ngái đặc trưng. Ngày nay, trong các chái bếp của người dân vẫn treo lủng lẳng những đùm lạp xưởng, dậy lên cái mùi gây vương vấn cho những người con Cao Bằng xa quê.
Theo Yên Thảo (Báo Phụ Nữ)
toimedulich
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét