Bắc Giang là một tỉnh thuộc vùng Đông Bắc Việt Nam, nằm trong vùng trung du và miền núi phía Bắc.
Bắc Giang giáp với nhiều tỉnh thành, phía Bắc giáp Lạng Sơn, phía đông giáp Quảng Ninh, phía tây giáp Thái Nguyên và Hà Nội, phía nam giáp Bắc Ninh và Hải Dương. Tỉnh lỵ là thành phố Bắc Giang, cách trung tâm thủ đô Hà Nội 51 km.
Đến Bắc Giang, khách có thể khám phá và trải nghiệm một số danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh có thể tạm liệt kê như sau:
Kiến thúc độc đáo chùa Bổ Đà
Được xây dựng vào thời Lê (thế kỷ XVIII), Chùa Bổ Đà (gọi tắt chùa Bổ) là một trong những di tích lịch sử tiêu biểu của tỉnh Bắc Giang. Chùa Bổ là một trong những nơi còn giữ nguyên bản nét kiến trúc truyền thống Việt cổ.
Dulichgo
Chùa có kiến trúc độc đáo và khác biệt so với các ngôi chùa truyền thống ở miền Bắc Việt Nam, đó là lối kiến trúc “nội thông ngoại bế” tạo vẻ u tịch, thanh vắng và huyền thoại, xung quanh là đồi núi xóm làng bao bọc.
Toàn bộ chùa chính có diện tích khoảng 51.784m2 được phân ra làm ba khu rõ rệt. Khu vườn: 31.000m2, khu nội tự chùa 13.000m2 còn lại là khu vườn tháp rộng. Kiến trúc của chùa gần một trăm gian liên hoàn được xây dựng bằng các vật liệu dân gian: gạch nung, ngói, tiểu sành, tường bao được làm bằng đất rất độc đáo. Các bức tường, cổng và một số công trình khác được xây dựng hoàn toàn bằng đất nện theo lối trình tường.
Cổng vào chùa nền lát đá muối có kích thước to nhỏ khác nhau, xây theo kiến trúc thời Nguyễn mang dáng dấp gác chuông. Điểm đặc biệt ở đây là nhiều bức tường được xây bằng tiểu tạo vẻ rất trầm mặc, gần gũi với vùng thôn quê ở đồng bằng Bắc Bộ.Đặc biệt vườn tháp chùa Bổ Đà được đánh giá là đẹp và lớn nhất Việt Nam. Vườn tháp được xây dựng theo những quy định riêng và rất chặt chẽ của thiền môn. Với gần 100 ngôi tháp được xếp hàng hàng, lớp lớp nơi tàng lưu xá lị, tro cốt nhục thân của các vị tăng ni.
Trong chùa còn lưu giữ bộ ván kinh Phật cổ nhất Việt Nam được khắc trên gỗ thị, tất cả có khoảng gần 2.000 tấm mộc bản của các bộ kinh như Lăng nghiêm chính mạch, Yết ma hội bản, Nam hải ký quy. Trải qua gần 300 năm, bộ kinh hiện nay vẫn còn khá nguyên vẹn, các bộ kinh được hình thành xuất phát từ ý tưởng của các vị tổ sư. Trọng tâm của bộ kinh nói đến nỗi khổ của con người và sự giải thoát, đó là những di vật Phật học đặc biệt quý giá để lại cho đời sau.
Dulichgo
Chùa Bổ Đà hiện nay còn lưu giữ được nhiều tài liệu quý hiếm có ý nghĩa cho việc nghiên cứu khoa học. Ở đây còn lưu giữ một kho tàng di sản Hán Nôm phong phú về số lượng, đa dạng về loại hình, ngoài những tấm bia đá, chuông đồng còn có hàng trăm cuốn kinh sách, luật giới nhà Phật.
Cổ kính chùa Vĩnh Nghiêm
Tọa lạc ở nơi hợp lưu của sông Lục Nam và sông Thương, chùa Vĩnh Nghiêm, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang có vị thế rất đẹp. Bao quanh chùa là một vùng núi non sông nước nên không gian nơi đây luôn tĩnh lặng và trang nghiêm.
Được xây dựng từ thời Lý, đến thời Trần, chùa Vĩnh Nghiêm giữ vị trí đặc biệt trong lịch sử văn hóa Phật giáo khi trở thành nơi tu hành của các bậc cao tăng. Đỉnh cao nhất là ba vị Tam tổ của thiền phái Trúc Lâm là Thượng Hoàng Điều Ngự Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang đều thụ giới ở chùa Vĩnh Nghiêm, lấy nơi này làm trung tâm Phật giáo thời Trần để đào tạo tăng đồ và xếp đặt tăng chức, chỉ đạo các chùa trong cả nước.
Trong chùa có bốn khối: chùa Phật (các nhà Tiền đường tức chùa Hộ, Thiêu hương và Thượng điện) hình chữ “công”, nhà tổ đệ nhất cũng hình chữ “công”, gác chuông hai tầng tám mái, nhà Tổ đệ nhị và nhà trai đường. Hai bên còn có các dãy nhà Tả vu và Hữu vu, mỗi dãy gồm 18 gian rộng rãi là nơi hằng năm các sư về an cư kiết hạ.
Cả bốn khối kiến trúc trên đều theo kết cấu khung gỗ cổ truyền, nhưng từ khối nhà Tổ đệ nhất trở về sau thì có thêm một số cột gạch và tường gạch hỗ trợ chịu lực. Ngay các thành phần kiến trúc gỗ, trừ bốn cột chính nhà Thượng điện to lớn lực lưỡng bóng lộn là dấu vết thời gian của thời Lê, còn lại những cột kèo thanh thoát thời Nguyễn.
Vốn từ xưa là nơi đào luyện tăng đồ Phật giáo nên chùa Vĩnh Nghiêm cũng là nơi lưu giữ các bộ ván khắc kinh. Đó chính là kho sách cổ vô cùng quý giá mà người xưa gọi là Mộc thư khố, hiện vật minh chứng chùa Vĩnh Nghiêm từng thống lĩnh 72 chốn tùng lâm.
Một số ván in có những hoa văn và hình chạm khắc đặc biệt thể hiện triết lý Phật giáo. Mỗi ván in có hai mặt, mỗi mặt hai trang sách khắc ngược (âm bản) khoảng 2.000 chữ Hán, Nôm. Nhiều ván khắc ở đây thuộc hàng có niên đại sớm nhất, chữ chuẩn đẹp nhất trong số mộc thư còn lưu giữ được ở nước ta.
Khe Rỗ - Điểm đến hấp dẫn du khách
Khe Rỗ là một điểm du lịch nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử thuộc xã An Lạc, huyện Sơn Động có diện tích hơn 5000ha. Rừng Khe Rỗ là địa bàn sinh sống của nhiều loài động thực vật quí hiếm đã có tên trong sách đỏ: Gấu ngựa, sơn dương, gấu chó, báo, rùa vàng, tê tê... Ngoài ra, Khe Rỗ có cảnh quan thiên nhiên đẹp với với điểm hồ Vũng Tròn, thác Đồng Dương, suối Nước Vàng, Rừng Lim cổ thụ…
Dân cư trong vùng là các dân tộc ít người như: Tày, Nùng, Cao Lan, Sán Chí còn gìn giữ được nhiều phong tục tập quán truyền thống. Người dân chủ yếu sống bằng sản xuất nông, lâm nghiệp và chăn nuôi. Nhịp sống hiện đại chưa có sự tác động nhiều đến cuộc sống của đồng bào dân tộc. Các nét sinh hoạt văn hóa truyền thống như: hát Shoong hao, dân ca Sán Chí, dân ca Cao Lan vẫn được gìn giữ, đặc biệt các trang phục truyền thống của các dân tộc vẫn được bảo tồn và được sử dụng phổ biến trong các dịp lễ tết. Chính vì thế mà nơi đây đã và đang trở thành một điểm đến mới, hấp dẫn thu hút nhiều du khách thập phương.
Nguyên sơ Đồng Cao
Nằm cách trung tâm huyện Sơn Động chừng 20 km, thôn Đồng Cao, xã Thạch Sơn có độ cao gần 1.000m so với mặt nước biển. Thiên nhiên Đồng Cao hoang sơ, thoáng đãng, núi, rừng trùng điệp, xa xa ẩn hiện theo những áng mây bay. Những đồi cỏ xanh mướt mát, trải dài như những thảo nguyên rộng lớn ở châu Âu.
Dulichgo
Ngoài ra, Đồng Cao còn hấp dẫn du khách ở những hình thù cổ quái của những bãi đá cổ nằm rải rác trên những đồi cỏ. Nhiều người đã đến đây và có chung một nhận xét: “Nơi đây rất giàu có về… gió”. Gió của núi, hương của rừng thổi nhè nhẹ cùng với những đám mây lãng đãng vờn quấn xung quanh làm cho bao lo toan, mệt nhọc của cuộc sống bỗng chốc tan biến khi ta đặt chân tới đây.
Chưa hết, lên đến đỉnh Đồng Cao còn lộ ra một cửa hang, tương truyền có tên là hang Vua với nhiều huyền tích kỳ bí chờ đợi du khách khám phá.
Dưới chân Đồng Cao là nơi quần tụ của vài chục hộ dân đồng bào dân tộc Dao – những người dân thân thiện, hiếu khách. Nơi đây còn lưu giữ nhiều nét văn hóa dân tộc truyền thống hết sức đặc trưng, độc đáo.
Với những nét quyến rũ, bí ẩn riêng có của mình, Đồng Cao đang là điểm đến hấp dẫn của nhiều bạn trẻ ưa khám phá, đặc biệt là những ai có sở thích đi “phượt” vùng cao.
Suối Mỡ, dòng thác bạc trên sườn Tây Yên Tử
Không chỉ là điểm du lịch sinh thái hấp dẫn ở Bắc Giang, với dòng thác bạc quanh năm róc rách, suối Mỡ còn là điểm du lịch tâm linh nổi tiếng với ba ngôi đền thờ Thánh Mẫu Thượng Ngàn.
Suối Mỡ với phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, đẹp tựa bức tranh. Đây là điểm du lịch nổi tiếng Bắc Giang thuộc địa phận xã Nghĩa Phương, huyện Lục Nam, cách trung tâm TP Bắc Giang 30 km về phía đông.
Mặc dù nằm sâu trong các sườn núi non trùng điệp thuộc sườn Tây Yên Tử nhưng dòng suối Mỡ vẫn thu hút lượng không nhỏ khách du lịch đến tham quan, thưởng ngoạn. Từ Hà Nội bạn chỉ cần đi hơn 80 km theo quốc lộ 31 và tỉnh lộ 293 là sẽ đến nơi.
Dulichgo
Dừng chân ngay mặt đường du khách đã có thể thấy dòng chảy hiền hòa của con suối từ trên cao đổ xuống. Tuy nhiên để đã con mắt với dòng chảy ồ ạt như thác bạc, bạn phải leo theo triền dốc thoai thoải chừng chưa đầy một cây số nữa. Trước khi lên, hãy ghé thăm đền Hạ nằm ngay sát chân suối với khuôn viên rộng rãi, xum xuê bóng cây cổ thụ, vừa để lấy sức, vừa để khám phá hình mẫu kiến trúc tiêu biểu cho một ngôi đền thờ Mẫu thế kỷ 19-20 ở vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Đường lên suối Mỡ từ chân đền Hạ nay đã được lát bê tông sạch sẽ, gọn gàng nên xe máy và ôtô có thể phóng thẳng đến tận nơi. Tuy nhiên, nếu là người ưa khám phá, việc chinh phục suối Mỡ bằng lối mòn ven vách đá lại mang đến những trải nghiệm lý thú và bất ngờ. Đường gập ghềnh đá sỏi, nhưng mỗi bước đi lại mở ra một khung cảnh mới của dòng suối Mỡ, nước xối xả hơn và tiếng nước cũng vang hơn.
Leo lưng chừng dốc bạn sẽ đến đền Trung, ngôi đền thiêng trong hệ thống tam đền suối Mỡ. Tuy không lớn như đền Hạ nhưng với không khí thoáng đãng cùng màu xanh mát mẻ của cánh rừng già, nghỉ chân giây phút ở đền Trung, bạn sẽ như được tiếp thêm nguồn sinh lực cho chặng đường phía trước. Từ đây, con đường uốn lượn dẫn vào suối phủ một màu xanh bất tận của cây rừng cổ thụ và núi non trùng điệp.
Phía trên suối lớn dần, chảy len lỏi theo khe núi rồi đổ xuống những phiến đá lớn xếp chồng lên nhau, tạo nên cảnh đẹp ngoạn mục với nhiều thác nước lớn, nhỏ khác nhau. Bởi thế, bất kể ai đến suối Mỡ không thể nào quên vẻ đẹp kỳ thú nhưng không kém phần thơ mộng của 5 bậc thác mẹ con trải dài từ đến Trung lên đền Thượng.
Đây chưa phải là điểm kết thúc hành trình chinh phục sườn tây Yên Tử, bởi những người ưa mạo hiểm có thể men theo con đường lên đỉnh núi để khám phá những thắng tích ở trên cao như chùa Hòn Trứng, chùa Hồ Bấc, đỉnh Tròi Xoan, bãi Quần Ngựa, thác Thùm Thùm. Dù leo tiếp hay không thì chắc hẳn những giây phút hòa mình với thiên nhiên và cảnh đẹp nơi đây sẽ mang đến cho bạn những phút giây sảng khoái.
Bắc Giang - vùng đất với nhiều di tích lịch sử văn hóa và danh thắng nổi tiếng hấp dẫn du khách thập phương. Với một số địa điểm gợi ý trên, hy vọng sẽ giúp các bạn và gia đình có một kỳ nghỉ bổ ích và lý thú.
Theo Báo Bắc Giang
toimedulich
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét