Chủ Nhật, 10 tháng 5, 2015

Ngọc Lặc: Rượu ngon và canh lá đắng

Văn thư, sách vở, bản đồ ghi là Ngọc Lạc, nhưng đến nơi nghe gọi và thấy các bảng hiệu ghi là Ngọc Lặc. Cả hai tên cùng tồn tại.
Các xã trong huyện Ngọc Lặc đều có tên hai chữ Hán: Thạch Lập, Phúc Thịnh, Mỹ Tâm, Ngọc Sơn, Ngọc Khê vv…Các làng thì một số có tên hai chữ Hán như Lập Thắng, Điền Sơn…còn hầu hết là tên một chữ: Làng Ngán, làng Chạy, làng Nhớ, làng Quên, làng Thi, làng Mới, làng Mỏ, làng Móng, làng Chả, làng Thượng, làng Hạ, làng Vải, làng Mốc, làng Mí, làng Beo... v.v... nghe rất vui nhưng tìm hỏi xuất xứ không ai biết rõ. Cũng như mọi người nói về vua Lê một cách kính cẩn, gọi là “cố Lê Lợi” nhưng những chuyện xưa ”năm tê năm tặc” chỉ còn truyền khẩu một cách mơ hồ. Những khe Sống, đồng Chó… người nói thế này, người nói thế nọ, rất khác nhau.

< Cổng chào ở cửa ngõ thị trấn Ngọc Lặc.

Thị trấn Ngọc Lặc nằm giữa cánh đồng, bốn bên là những dãy núi đỉnh nhọn đâm lên trời cao dáng vẻ trông thật hùng vĩ, đường bệ hơn hết là núi Sắt. Trung tâm thị trấn là chợ Phố Cống. Từ chợ đi ra có phố Lê Lợi rồi phố Lê Lai. Gọi là phố nhưng đường không rộng lắm, hai bên đường nhựa vẫn là bùn đất, rơm rạ vương vãi. Tuy vậy cũng đủ các mặt hàng: tạp hóa, quần áo, giày dép, xe máy…Và có dịch vụ trang trí nội thất, trang điểm cô dâu, quán cà phê vang tiếng nhạc. Thức ăn bày bán khá nhiều trong chợ là những thúng nhộng tằm, con nhộng lớn, màu xanh nhạt.

< Một ngã 4 trong thị trấn.

Nhiều loại nhà cửa xen lẫn nhau: nhà gác, nhà ngói, nhà lợp lá cọ – là thứ lá gồi trong thơ Tú Xương “Nhà gỗ năm gian lợp lá gồi”. Lá cọ làm kỹ lợp đến 20 – 30 năm chưa hư, sơ sài thì cũng phải 10 năm. Khi các bác sĩ đang làm cho chương trình Y tế cộng đồng tại đây đề nghị đồng bào cho biết về ngôi nhà mà họ mơ ước thì câu trả lời là những “nhà ngói bằng” – tức là nhà đúc. Giới thiệu kiểu nhà ngói ở miền xuôi, họ cười cười bảo: “Nhà xây mà có mái, lợp ngói thì đâu có hơn gì lợp lá cọ?” Ra khỏi trung tâm thị trấn vào các bản đồng bào Mường là nhà sàn với những cột bằng cây luồng, một loại cây họ tre, lớn hơn, dài hơn, suôn hơn tre. Cửa lên nhà cũng ở phía chái nhưng không chính giữa như nhà sàn Tây Nguyên mà dịch qua bên trái.

Sau lưng phố là ruộng chia thành nhiều luống nhỏ, luống này chín vàng, luống kia tươi xanh, luống nọ đã gặt. Trong một cánh đồng có thể thấy nhiều giai đoạn thời vụ trên những mảng màu khác nhau, nổi bật bên nhau. Vài ba con trâu đi trên đường phố, chiếc mõ mang ở cổ kêu lóc cóc lóc cóc, đến đoạn trống chưa có nhà trâu rẽ xuống ruộng.
Dulichgo
Buổi sáng mùa đông ấy dứt mưa đã mấy hôm, trời chợt có gió hong khô và nắng lên ấm áp. Đường vào bản đã ráo, bước trên mặt đất mềm thấy bàn chân êm êm. Mặt hồ Đầm Thi gợn từng nếp sóng lăn tăn. Bãi sỏi bờ suối màu vàng sậm, hoa pháo nở đỏ từng xâu dài. Không khí thoáng đãng, hít thở thật nhẹ nhàng. Phong cảnh có nét gì đó rất thoáng và rất lạ giống như những truyện đường rừng của Lan Khai. Thỉnh thoảng có tiếng còi xe cũng dịu dàng. Trẻ em sạch sẽ, xinh xắn và lễ phép, gặp chúng tôi chào hỏi vui vẻ. Chỉ còn một ít người già mặc y phục dân tộc Mường, nam nữ thanh niên đều mặc Âu phục. Phụ nữ bới tóc cao, con gái để tóc dài, xõa ra hoặc kẹp lại bỏ sau lưng.

< Người dân Ngọc Lặc ra đồng.
Dulichgo
Ở đây rượu rất ngon và hình như người nào cũng sành về rượu. Ngồi uống rượu bỗng nhớ chuyện xưa. Thời Lê Lợi khởi binh, lực lượng nòng cốt ban đầu hẳn là đồng bào vùng Ngọc Lặc, Thọ Xuân. Biết bao nhiêu là gian khổ, “khi Linh Sơn lương hết mấy tuần, khi Khôi Huyện quân không một lữ” đã cùng chia nhau chén rượu nghĩa tình. “Đầu giao hưởng sĩ phụ tử chi binh nhất tâm…”, nguyên bản Bình Ngô đại cáo như thế và các dịch giả đã diễn nôm thành “Gắn bó một lòng phụ tử rót rượu ngọt để khao quân” hoặc ”Mở tiệc khao quân chén rượu ngọt ngào, khắp chiến sĩ một lòng phụ tử”… Đầu giao hưởng sĩ… Đem rượu được biếu đổ xuống lòng suối để ba quân cùng nếm, rượu hòa nước lã bỗng hóa ra chén rượu ngọt ngào…

< Ngã tư Thị trấn Ngọc Lặc.

Buổi tối đến Ngọc Lặc chúng tôi được thưởng thức ngay món canh lá đắng. Hôm sau có dịp nhìn tận mắt loại cây ấy. Lá đắng là tên gọi đúng vị của nó, mọc từ thân ra, có hình dạng giống như lá sắn mì. Từ cuống chính tỏa thành chín cuống phụ, mỗi cuống phụ một lá, thân lá dài từ 5,6cm đến 20cm, rộng độ 4-5cm, chỗ gần cuống tròn hơn, thân lá nhọn, hai mặt lá đều màu xanh đậm. Lá đắng nấu với thịt nạc băm nhỏ. Mới ăn vào đắng lắm. So với canh lá đắng thì canh khổ qua (không luộc chần) chẳng thấm thía gì. Vậy mà khi đã nuốt xong, vị đắng tan hết, còn lại vị ngọt. Ăn lần thứ nhất có thể chưa cảm nhận được canh lá đắng ngon thế nào, sau lần thứ hai đã thấy nhớ, lần thứ ba và những lần tiếp theo sẽ không quên món canh độc đáo này của Ngọc Lặc…

Theo Trần Huiền Ân (Dotchuoinon)
toimedulich

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét