Khách đến với Văn Bàn, đứng từ trên dốc Cổng trời đã thấy sừng sửng đỉnh núi Gia Lan, mở ra trước mắt khách phương xa là cả một vùng thung lũng bằng phẳng vừa rộng, vừa dài, kéo từ xã Làng Giàng (thị trấn Khánh Yên) đến các xã Khánh Yên Thượng, Khánh Yên Trung, Khánh Yên Hạ, Chiềng Ken, Liêm Phú…
Dưới chân núi là những thung lũng trải dài qua mấy xã và thị trấn trung tâm huyện mang địa danh rất đẹp: Khánh Yên. Bao quanh chân núi Gia Lan, là các làng bản hầu hết là đồng bào Tày sinh sống. Vùng đất này xưa gọi là Mường Thát Nọi (Tức là Mường Thát Bé), còn Mường Thát Luông (Tức là Mường Thát Lớn), lớn hơn Mường Thát Nọi nhiều lắm, nay là cả vùng rừng núi bát ngát bên kia dãy núi Gia Lan, nay vẫn còn dấu tích ruộng vườn và nhiều cây ăn quả lưu niên.
Theo lời các anh kiểm lâm và cán bộ địa chất: vượt núi mấy ngày đường sẽ thấy bên ấy vẫn còn một vài dấu tích ruộng vườn và cây ăn quả lưu niên.
Cũng có người bên Nọi vượt đỉnh Gia Lan sang đó về kể lại rằng: Ở xứ Thát Luông huyền thoại vẫn có rất nhiều hoa quả, ăn thoả thích tại chỗ thì không sao, nhưng cứ đem theo về thì dù có đi cả ngày vẫn trở lại nơi vừa hái quả, muốn về phải bỏ lại hoa quả mới về được. Nhưng tại sao Mường Thát Luông nay không còn người ở ?
Tìm về căn nguyên huyền thoại thật chẳng dễ dàng nhưng có thể tìm hiểu, lắng nghe qua các già làng người Tày bên Nọi ngày nay, ta có thể nắm được huyền thoại ngày xưa. Dulichgo
Chuyện kể rằng, ngày xửa ngày xưa giặc phương Bắc xâm lược đất nước ta, chúng đàn áp nhân dân ta hết sức dã man và vô cùng tàn ác, không chịu khuất phục, nhân dân Mường Thát Luông cùng nhau đứng lên chống lại chúng, trong cuộc đấu tranh không cân sức ấy, nhân dân Mường Thát Luông bị bọn giặc đàn áp dã man chúng chém giết và đốt sạch cả Mường, máu chảy thành suối (Suối Nặm Thát ngày nay), chỉ còn bà cháu nhà nọ chốn thoát dìu nhau lên núi nhìn về Mường nghi ngút khói lửa, đói khát và uất hận, bà cháu ôm nhau chết hoá thành đá núi – Đó chính là núi Gia Lan (Tức Núi Bà-Cháu bây giờ). Dù chỉ là huyền thoại, nhưng đã phần nào giải đáp những băn khoăn, thắc mắc câu hỏi tại sao Mường Thát Luông mất đi, nay chỉ là những cánh rừng già bát ngát bên kia núi Gia Lan hùng vĩ .
Cũng có một sự tích nữa lý giải cho bức tượng thiên nhiên bằng đá giữa đỉnh Gia Lan, đó là khi đất nước bị xâm lăng, tất cả trai tráng của Thát Luông, Thát Nọi đều nghe lời kêu gọi của triều đình, lên đường đánh giặc. Thát Luông chỉ còn người già và trẻ nhỏ nên chuyển hết sang Thát Nọi để sống tập trung, nương tựa vào nhau. Có bà bế cháu lên núi ngóng trông tin thắng trận, mỏi mắt chờ trông mà chưa thấy người về. Đứng mãi, cuối cùng hoá đá. Dulichgo
Xem lịch sử một thời kỳ đã qua: Tháng 10/1947, giặc Pháp tái chiếm Văn Bàn. Họ lập nhiều đồn bốt và dồn dân vào sống tập trung xung quanh đồn bốt. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đội du kích Gia Lan được thành lập, (Tiền thân đại đội 85 Văn Bàn sau này).
Ban ngày đội du kích là người dân thường, ban đêm tập trung quấy phá đồn giặc, tập kích, tiêu diệt giặc đi càn. Ngày… tháng… năm 1949 ?, tại Pá Hóp, dưới chân núi Gia Lan, bản Noỏng, xã Khánh Yên Thượng: đại đội 85 Văn Bàn được thành lập.
Tháng 11/ 1949 ?, giặc đánh úp Văn phòng huyện uỷ tại Nà Chuồng (thuộc xã Thẳm Dương ngày nay), nhiều cán bộ hy sinh, chúng bắt Châu bộ Ân, (Tức Bí thư huyện uỷ Nguyễn Nhật Ân, đi thủ tiêu; nay chưa biết rõ tung tích).
Bộ đội chủ lực được tỉnh Yên Bái tăng cường cùng đại đội 85 Văn Bàn bao vây, tập kích đồn giặc buộc chúng phải rút khỏi Văn Bàn. Ngày 16-11-1950, Văn Bàn được giải phóng. Ngày 25-5-1952, nghi có bộ đội của ta nên máy bay Pháp đã ném bom bắn phá Mường Chăn, (xã Dương Quỳ ngày nay) khiến hàng trăm nóc nhà bị tàn phá, hơn tám chục người chết và bị thương. Dulichgo
Núi Gia Lan là biểu tượng, là bia căm thù của Nhân dân các dân tộc huyện Văn Bàn bởi Gia Lan đã chứng kiến những mất mát, những hy sinh của cả một Mường, một Bản và những đồng chí cách mạng kiên trung đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng quê hương.
Núi Gia Lan với bức tượng thiên tạo cũng chứng kiến sự phát triển và trưởng thành của lực lượng vũ trang và Nhân dân các dân tộc huyện Văn Bàn, dưới sự lãnh đạo của Đảng đã đoàn kết đấu tranh giải phóng quê hương và ngày nay đang tiên phong trong công cuộc xoá đói, giảm nghèo quyết tâm xây dựng quê hương Văn Bàn ngày càng giàu đẹp.
Tổng hợp từ báo Lào Cai, web Huyện Văn Bàn... và nhiều nguồn ảnh khác
toimedulich
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét