Thứ Năm, 11 tháng 9, 2014

Đi qua miền nắng gió

(Zing) - Dù đến từ đâu, những cung đường ven biển vẫn luôn là thỏi nam châm thu hút những bước chân không mỏi tìm về.

Tôi là thành viên nhỏ tuổi nhất đoàn Photo Tour năm nay. Hành trang phượt của tôi so với các anh chị cũng còn khá non kém. Có lẽ vì chưa đi nhiều, chưa trải nghiệm nhiều nên ấn tượng của tôi về hành trình “Theo cánh hải âu” rất đầy ắp và tươi mới. Đi qua miền nắng gió, tôi ghi lại những ấn tượng về dải đất ven biển tuyệt đẹp này.

Đằng sau mỗi bức ảnh là cả một câu chuyện. Tôi tích lũy câu chuyện đó cho riêng tôi, và tôi cũng muốn kể câu chuyện đó cho bạn bè tôi, người thân tôi.

Tôi không phải là một nhiếp ảnh gia, cũng không phải là một phượt thủ chuyên nghiệp, tôi không có một chiếc máy ảnh có thể chụp nên những bức ảnh lung linh và tôi cũng không biết chụp một tấm ảnh nghệ thuật là như thế nào. Tôi làm tất cả theo dòng cảm xúc đang chảy trong đầu. Và từ đó, bộ ảnh “Đi qua miền nắng gió” ra đời. Đó là câu chuyện về những con người, những cảnh vật tôi bắt gặp trên đường đi.

Nếu nắng gió, khói bụi ở thành phố làm bạn mệt mỏi thì tôi tin chắc rằng, ở miền này, nắng gió sẽ làm bạn thấy yêu vì chúng đã thi vị hóa chuyến hành trình của bạn. Đi qua miền nắng gió, kẻ lữ hành bất chợt thấy mình "say".

Đi qua miền nắng gió tất sẽ tìm thấy được món quà của tạo hóa. Món quà ấy chính là biển xanh, cát trắng, nắng vàng. Bấy nhiêu cũng đủ để thỏa lòng những kẻ lữ hành đã không quản khó khăn, nhọc nhằn tìm về.

Cụ bà Đàng Thị Gia đã gần 80 tuổi, với thâm niên làm gốm 60 năm. Ở tuổi cổ lai hy này, tôi thấy tận sâu trong đôi mắt bà vẫn sáng lên tình yêu mãnh liệt với nghề. Tôi cảm thấy hạnh phúc khi được gặp bà, nói chuyện cùng bà và nhìn bà làm gốm.

Cụ bà Đàng Thị Phan vừa dỡ mẻ gốm mới nung vừa kể cho chúng tôi nghe câu chuyện bà đến Nhật giao lưu biểu diễn theo chương trình hợp tác văn hóa của Việt - Nhật về các sản phẩm gốm và văn hóa Chăm. Bà kể rằng những người nước ngoài rất ngạc nhiên về sản phẩm gốm làm bằng tay này.

Đây là cháu ngoại của cụ Đàng Thị Gia. Cô bé đang giúp mẹ dọn dẹp kệ để đồ gốm trong nhà. Nhìn cách cô bé cẩn thận, tỉ mẫn cầm những sản phẩm, tôi bất chợt nghĩ rằng, có thể không lâu sau, làng gốm Bàu Trúc sẽ có thêm một nghệ nhân mới.

Tôi đã đi qua một thảo nguyên như thế. Không xanh mênh mang nhưng vẫn trong trẻo đẹp đến lạ lùng. Tôi đã thấy trái tim mình thắt lại, vì quá rợn ngợp trước đất trời bao la. Và trên miền thảo nguyên trải dài tít tắp ấy, người du mục chăn cừu cứ mải miết và lầm lũi, đi.

Chiều buông xuống thảo nguyên mênh mông, những đàn cừu vẫn thung thăng gặm cỏ, và tôi vẫn ung dung ngồi ngắm nắng chiều.

Điếu thuốc phì phèo trên môi, người đàn ông này thong dong ngồi vá lưới.  Tôi từng được nghe kể rằng, tâm trạng người vá lưới rất phức tạp: họ lo âu, buồn chán, mong mỏi, hy vọng, tin yêu bởi họ biết rằng cuộc đời chài lưới rất vất vả, gặp nhiều nguy hiểm của sóng gió. Họ luôn mong mỏi một ngày mai tươi sáng hơn, luôn hy vọng và tin yêu để đời sống hiện tại vươn tới tương lai tốt đẹp. Tôi cố tình quan sát thật kỹ người đàn ông này để kiểm chứng về câu nói trên và cuối cùng, tôi cũng đã tìm ra được câu trả lời cho riêng mình.

Tôi đặc biệt ấn tượng và trân trọng bức ảnh chụp hai chị em ở Phan Thiết.  Khi nhóm nhỏ dừng chân tại một làng chài nhỏ, muốn đến được làng phải đi xuống kha khá bậc thang xây thoải.

Thay vì đi thẳng sẽ đến biển, tôi chọn rẽ vào một ngôi nhà gạch cũ kỹ, nơi có một người mẹ và bốn đứa con đang nằm vắt vẻo trên hai chiếc võng. Vừa thấy tôi, cô bé con lanh lợi chạy đến, nở một nụ cười trong veo. Như có điều gì mách bảo, tôi phải lấy máy ra và chụp ngay nụ cười ấy. Chợt cô bé nói: “Dì ơi, dì chụp hình cho em con đi. Con ẵm em con lại cho dì chụp nha. Em con dễ thương lắm”. Cô chị khệ nệ ẵm cậu em lại, và rồi bức ảnh ra đời. “Dì lại chơi với má con”.

Sau vài câu trò chuyện, tôi biết ba mẹ cô bé làm nghề gỡ ghẹ khi có thuyền cập bờ. Làm cho một chủ sẽ được 100 ngàn 1 lần. Tôi hỏi vui rằng vợ chồng chị đi làm nuôi 4 đứa con có khó khăn gì không. Chị cười hiền trả lời: “2 vợ chồng làm 9 triệu 1 tháng nuôi con làm gì mà không đủ, ăn cho ói ra hay sao”. Tôi cười chào tạm biệt chị cùng những đứa bé để tiếp tục lên đường, trong đầu vẫn còn nguyên câu nói ấy của chị. Cuộc sống của con người nơi miền nắng gió tôi đi qua sao đơn giản và yên bình thế nhỉ, khác xa chốn thị thành tất bật, bon chen.

Sau chuyến ra khơi, những con thuyền neo đậu như đang ngơi nghỉ để chuẩn bị cho những chuyến hành trình tiếp theo. Khi chụp xong bức ảnh này cũng là lúc tôi chợt nhận ra, chuyến Photo Tour đã đến lúc kết thúc. Một ai đó đã nói cuộc đời là những chuyến đi. Đúng vậy đấy, suốt dặm đường thiên lý từ Bắc vào Nam, đâu đâu chúng ta cũng có thể bắt gặp những điều kỳ diệu, để rồi càng tự hào hơn về mỗi nơi chúng ta đến trên đất nước hình chữ S này. Chỉ khi nào đi hết chiều dài ấy, chúng ta mới có thể cảm nhận được một phần những gì mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng.

Dù đến từ đâu, những cung đường ven biển vẫn luôn là thỏi nam châm thu hút những bước chân không mỏi tìm về. Để rồi ai cũng ngỡ ngàng nhận ra mình đã “say” với nắng, với gió tự bao giờ.  Sau mỗi cuộc hành trình, những con đường rồi cũng bỏ lại sau lưng, những gió lào cát trắng rồi cũng bỏ lại sau lưng, những tình đất, tình người rồi cũng bỏ lại sau lưng…

Chỉ còn một người bạn cùng chúng ta trong suốt hành trình về với miền nắng gió, về với tình đất, tình người thân thương và đẹp đẽ. Đó là người bạn đã giúp tôi bắc cầu đến những người bạn khác cùng khám phá vùng đất còn nhiều điều chưa biết này, chính là chiếc xe đã đưa tôi đi suốt chặng hành trình dài. Nếu có đi, hãy chọn cho mình một người bạn như thế cho mọi cuộc hành trình đến với mọi miền của quê hương mình nhé.  Cứ đi sẽ đến, và đi đâu chỉ để đến, nhỉ.

Theo DinhMy/Phuot.vn (Zing News)
toimedulich

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét