Thứ Tư, 10 tháng 9, 2014

Âm vang đèo Đá Đẽo

Ai tạc nên đèo đá đẽo,
Trắng phau lau lách loà xoà.
Mây vờn quanh co úp mở,
Thấy rừng từ miệng há ra...

Cảm xúc về với tuyến đường Hồ Chí Minh lịch sử dâng trào trong tôi suốt chặng đường dài. Tuy nhiên, đoạn qua đèo Đá Đẽo (xã Xuân Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình) như có khí thiêng đã thôi thúc chúng tôi dừng xe để tận mắt ngắm nhìn con đèo đã đi vào lịch sử.

Trước mắt chúng tôi, con đèo dựng đứng hiểm trở. Trên đỉnh đèo, tấm bia đá cao chừng 2 m khắc dòng chữ “Đèo Đá Đẽo, trọng điểm đánh phá ác liệt của không quân Mỹ từ năm 1965 - 1972” hiện ra lừng lững như một chứng nhân lịch sử.

< Bia tưởng niệm trên đỉnh đèo Đá Đẽo.

Suốt 7 năm trời, vùng đèo Đá Đẽo ngày ấy chưa có lấy một ngày bình yên. Bom rơi đạn lạc ào ào.

Cũng chính trong mưa bom bão đạn ấy, để cứu lấy tiền tuyến miền Nam mà cái tên đèo Đá Đẽo đã hình thành từ việc những người đi đầu vượt tuyến phải đẽo từng tảng đá vôi để xe đi qua cung đèo, giữ thông suốt huyết mạch giao thông trong khi những tuyến đường khác dọc miền tây bị bắn phá ác liệt.

< Đến Quảng Bình, người ta thường biết đến 2 câu thơ như giới thiệu các địa danh nổi tiếng ở đây: ''Quảng Bình có động Phong Nha - Có đèo đá Đẽo, có phà Xuân Sơn''. Nhưng từ năm 1999, đèo đá Đẽo nằm trong khu vực Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

Có thể nói, nhờ máu, mồ hôi, nước mắt và sinh mạng của lực lượng TNXP bảo vệ đường mà nhiều năm liền đèo Đá Đẽo vẫn vững vàng tiếp tế chi viện cho miền Nam. Những tên tuổi TNXP anh hùng như Đinh Thị Thu Hiệp, Nguyễn Thị Kim Huế… đã mãi mãi đi vào lịch sử dân tộc, ghi nhớ mãi với tuổi trẻ hôm nay.

Qua mấy mươi năm, đến nay sức sống của đèo Đá Đẽo đã khác xưa. Bây giờ, dọc dài tuyến đường đã được rải nhựa phẳng lì. Khí trời miền tây Quảng Bình dù nắng gió nhưng đoạn qua đèo thanh bình yên ả, cây rừng hồi sinh vươn cành xanh tốt cao vút hiên ngang, che lấp mọi vết thương chiến tranh, trả lại một màu xanh tự do và trù phú.

Du khách qua đây, tự nhiên cảm thấy một phần như mình đã được về với lịch sử, tự hào dân tộc, biết ơn lớp cha anh; một phần có thêm vốn sống, thấy đời vui hơn, đất nước giàu đẹp và vững vàng hơn. Chính vì vậy, âm vang trầm tích và sức gợi của đèo Đá Đẽo đã trở thành một địa chỉ, một điểm đến, điểm về không thể thiếu trong hành trình trở lại Trường Sơn huyền thoại.

Qua đèo Đá Đẽo, chúng tôi thắp nén hương lòng, cảm thấy mình tĩnh tại và yêu đất nước hơn.

Theo Đào Tấn Trực (Báo Thanh Niên)
toimedulich

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét