Đình Tân Hoa thuộc huyện Vĩnh Bình, Phủ Định Viễn, nay ở tại ấp Tân Hưng, xã Tân Hòa, thành phố Vĩnh Long. Đình Tân Hoa nằm bên bờ sông Tiền, ngó mặt ra vàm rạch Cái Đôi nên dân thường gọi là đình Cái Đôi. Ngày nay, ngôi đình này đối diện với cầu Mỹ Thuận, là một vị trí thích hợp cho khách du lịch nhìn ngắm danh lam thắng cảnh.
Theo các bô lão ở địa phương kể lại thì khoảng giữa thế kỷ XVIII có ông Nguyễn Tự Tôn - một quan chức – đã đứng ra chiêu mộ dân nghèo thành lập một thôn nằm cạnh sông Tiền. Do thôn này sinh sau đẻ muộn so với các thôn khác như Vĩnh Tòng, Trường Xuân… nên đầu thế kỷ XIX, khi Trịnh Hoài Đức viết Gia Định thành thông chí đã chú thích hai chữ “thỉ lập” (mới lập) bên cạnh tên làng này.
Đình Tân Hoa được xây cất sau khi việc khai phá cơ bản hoàn thành. Ngày nay, chúng ta chưa có tài liệu chứng minh niên đại xây dựng đầu tiên của ngôi đìnhl, nhưng hiện nay, đình Tân Hoa còn lưu nhiều hiện vật như bài văn tế thần Thành Hoàng Đại Vương - dấu ấn tín ngưỡng có từ thế kỷ XVIII… Đặc biệt nhất, đình còn một biển hiệu cổ khắc ba chữ Tân Hoa Đình theo lối triện làm trong năm Mậu Ngọ (1798), kích thước to lớn, chứng tỏ lúc đó, quy mô đình Tân Hoa không nhỏ.
Sau khi ông Nguyễn Tự Tôn mất, con ông là Nguyễn Văn Niệm cùng dân làng tiếp tục khai khẩn đất hoang và đến đời cháu là Nguyễn Bửu, đất đai đã phì nhiêu, làng xóm giàu có no đủ. Ông Nguyễn Văn Bửu đã vận động dân làng trùng tu tôn tạo đình Tân Hoa. Do những công lao đặc biệt ấy, triều đình đã tặng ông Nguyễn Văn Bửu hàm Bá hộ, khi mất được dân làng tôn Hậu hiền. Còn ông của ông là Nguyễn Tự Tôn cũng được tôn Tiền hiền. Cả hai được tòng tự bên cạnh thần Thành Hoàng Bổn Cảnh.
Vào khoảng đời Thiệu Trị (1841 - 1847), tên làng Tân Hoa do trùng tên húy bà Hoàng Thái hậu Hồ Thị Hoa (vợ vua Minh Mạng, mẹ vua Thiệu Trị) nên bị đổi thành Tân Hóa. Đến ngày 29 tháng 11 năm Tự Đức thứ năm (08/01/1853), làng Tân Hóa cũng như bao làng khác ở trong vùng đều đồng loạt được sắc phong Bổn cảnh Thành Hoàng chi thần. Thế nhưng, văn bản quý giá này không tồn tại lâu dài. Năm 1862 quân viễn chinh Pháp đã nã súng thôn tính các tỉnh miền Đông Nam bộ và tỉnh Vĩnh Long thì sắc thần Tân Hoa đã bị thiêu hủy.
Do đó, khi thực hiện Hiệp ước năm 1862, tỉnh Vĩnh Long được trả lại cho triều đình Huế thì chính quyền đương thời đã nhanh chóng báo cáo và Bộ Lễ đã cấp tốc tái cấp cho làng Tân Hoa một bản sao sắc thần này. Bản sao thần sắc là một tờ giấy trắng, loại giấy lệnh, viết nguyên văn đạo sắc thần, dưới có dòng chữ “Lễ Bộ cung lục, Tân Hoa xã tuân chiếu phụng tự”. Bên dưới chỉ đóng dấu “Lễ Bộ chi ấn”, chớ không giống các đạo sắc thần thường thấy. Đây là một việc làm nhằm mục đích tạo điều kiện bảo tồn văn hóa, mang tính chất đặc biệt.
Vào giai đoạn đầu của thời Pháp thuộc, làng Tân Hóa nhập với làng Tân Hội, Tân Nhơn, lấy tên mới là Tân Hòa. Do đó vào năm Canh Tuất (1910), đình Tân Hóa được trùng tu và lấy tên là “Tân Hoà linh miếu”. Hiện nay, quy mô đình Tân Hòa là quy mô của đợt tái thiết này. Tất cả gồm có sáu nóc làm theo kiểu xếp đọi, mang dáng dấp chung đình làng Nam bộ nhưng cũng có những nét riêng. Chánh điện là một ngôi nhà tứ trụ, được nới rộng ra bốn phía bằng kèo đấm và tám kèo quyết. Còn các ngôi nhà khác như võ ca, võ quy, hậu điện… đều làm theo kiểu ba gian hai chái. Nền đình xây bằng đá chẻ, lần trùng tu sau này đã xây tường gạch bao quanh và cũng không giấu được dấu ấn mỹ thuật của thời gian này là các hoa văn Pháp trên đầu cột ngoài hàng hiên phía trước.
Mái đình được lợp bằng ngói âm dương, nối liền nhau bằng hệ thống máng xối. Các bờ nóc, bờ mái được xây cao và gắn nhiều hình trang trí bằng sành như liễn long tranh châu, cá hóa long, phượng hàm thư, rồng khoanh, bát tiên, ông Mặt trời và bà Mặt trăng. Đây là những hình gốm sản xuất tại Chợ Lớn vào những năm đầu thế kỷ này và đã làm cho nóc đình Tân Hoa khác với những nóc đình khác. Đáng chú ý nhất là bộ giàn trò bằng gỗ quý, cột đình to, một người ôm không xuể. Lòng căn đình rất rộng, từ ba đến bốn thước. Các bộ phận chịu lực như xuyên, trính, kèo… đều làm theo kiểu lục lăng, võ đậu, đùi ếch… nên cứng cáp. Đặc biệt, các bộ phận vừa kể ở tại võ qui, nơi tập trung đông người thường xuyên được chạm khắc theo những họa tiết mỹ thuật. Thí dụ như bốn cây kèo đùi ếch võ đậu thông thường thì được đục đẽo thành hình những con rồng. Thân kèo là thân rồng. Những lá dung đỡ cây đòn tay cuối tầng mái biến thành những đầu rồng. Có thể nói, đây là nét lạ về kỹ thuật, đẹp về thẩm mỹ mà khả năng chịu lực không hề suy giảm.
Trong đình Tân Hoa còn giữ được hàng chục bộ bao lam, hàng chục hoành phi, câu đối, rất nhiều tự khí như lỗ bộ, lư, đỉnh, hương án, khánh thờ… Đặc biệt, những tác phẩm chạm trổ đều do thợ Tân Nhơn (thợ ở địa phương) thực hiện.
Đình Tân Hoa còn có điểm rất lạ nữa là giữa sân đình không có đàn Thần Nông, mà chỉ có một tấm bình phong đắp hình “long mã phụ đồ” như một ngôi đình Thừa Thiên. Còn Thần Nông lại được thờ trong một ngôi miếu con ở góc bên. Tục lệ này cũng khác lạ với những ngôi đình khác ở Nam Bộ.
Mỗi năm, tại đình Tân Hoa có các ngày lễ :
- Lễ Thượng Điền vào ngày 11 và 12 tháng 9 âm lịch.
- Đặc biệt, đình Tân Hoa còn giữ lệ vía Thần Thành Hoàng, tức ngày Kỳ yên (cũ) khi mới thành lập đình, trước khi được nhà Nguyễn chuẩn mực hóa.
- Nhưng ngày lễ lớn nhất của ngôi đình này là ngày Hạ Điền – Kỳ yên, từ ngày 11 - 13 tháng ba âm lịch hàng năm.
Đình Tân Hoa là một công trình kiến trúc mang tính nghệ thuật, minh chứng cho một giai đoạn lịch sử khá dài. Trải bao thăng trầm từ khi cha ông chúng ta bắt đầu khai hoang lập ấp, thành lập xóm làng, thế nhưng, mặc dù trong hoàn cảnh nào, cha ông chúng ta vẫn cố gắng bảo tồn di sản văn hóa. Do đó, đình Tân Hoa được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là di tích lịch sử – văn hóa năm 1998.
Theo sách Di tích lịch sử – văn hóa tỉnh Vĩnh Long
toimedulich
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét