Thứ Bảy, 20 tháng 9, 2014

Đông Ba - nơi hồn Huế cư ngụ

(TTH) - Có thể khẳng định, quá trình đô thị hoá của Huế, chợ Đông Ba chính là hạt nhân, là linh hồn. Bên cạnh vai trò là trung tâm thương mại quan trọng bậc nhất, với Huế, chợ Đông Ba còn là một phần lịch sử...

Mênh mang hoài niệm…

“Chiều mưa trên Kinh đô Huế/ Tiếng mưa còn vương kỷ niệm/ … Chợ Đông Ba khi mình qua / Lá me bay bay là đà…- Giữa cơn mưa rả rích của chiều đông xứ lạ, tiếng nhạc nhà ai vọng ra, lòng bỗng quay quắt nhớ Huế, nhớ Đông Ba. Ước chi được mọc đôi cánh, mình sẽ bay về sông Hương núi Ngự, rủ lũ bạn học năm xưa cùng ùa ra chợ Đông Ba mần một chầu bún bánh cháo chè cho thoả thích…”. Đọc mấy dòng tâm sự của cô bạn thời phổ thông hiện về trên máy mà thương ơi.

Tôi gõ vào bàn phím: “Ừ, thì cứ về đi. Không giàu, nhưng mình cũng đủ sức đãi bạn một chầu hàng quán Đông Ba tới bể bụng. Về đi, khi mô cũng được. Huế chờ…”. Rồi như vô thức, tôi search “Mưa trên phố Huế”. Tiếng nhạc liu riu, buồn buồn, đưa tôi về với miền ký ức một thuở.

Ngày còn nhỏ tôi được ba tôi “đặc cách” cho về sống với ông bà nội. Là cháu đích tôn nên tôi được bà nội cưng còn hơn…cưng trứng. Đi đâu cũng được bà mang đi như hình với bóng. Cũng như mấy bà già Huế xưa, với nội tôi, chuyện cúng kiếng kỵ giỗ là cái gì đó vô cùng linh thiêng hệ trọng. Thế nên, tôi cứ được theo bà đi giỗ đi chạp hoài.

Cứ mỗi lần như thế, bà dắt tôi ra bến xe An Cựu (chỗ Big C bây giờ), lên xe lam qua Đông Ba. Hai bà cháu vô chợ mua bánh trái rồi lại tiếp tục hành trình. Chợ Đông Ba với tôi hồi ấy sao mà mênh mông thế. Vàng bạc, vải vóc, áo quần, giày dép, thúng mủng, rau củ, gia vị, mắm ruốc, cá tôm, đồ chơi trẻ con, …Ôi là vô thiên lủng.

Cậu bé tôi ngày ấy lúc thúc theo bà mà cứ như lạc vào thế giới cổ tích ấm no, đủ đầy, thoả thích. Thích nhất là ngang qua hàng trái cây. Nho, táo, mãng cầu, măng cụt, thanh long, quýt cam, bưởi bòng, thanh trà, đu đủ, dưa hấu… ngồn ngộn, thơm tho và đầy mê hoặc… Thoắt cái mà đã mấy mươi năm. Bà nội tôi đã ra người thiên cổ, còn cậu bé tôi ngày ấy thì cũng đã xấp xỉ cái tuổi “tri thiên mệnh” mất rồi. Nhưng chợ Đông Ba của Huế tôi thì vẫn còn đó. Vẫn là nỗi nhớ, vẫn là bến đợi làm thổn thức con tim của bao người con xứ sở…

Chứng nhân lịch sử

Tính đến năm 2014 này, chợ Đông Ba tròn 115 tuổi. Đó là nói thời gian kể từ lúc chợ đứng chân tại vị trí hiện nay, chứ nếu tính từ lúc hình thành thì Đông Ba đã có tuổi đến già 2 thế kỷ. Sử liệu cho hay, ngôi chợ danh tiếng này của Huế đã xuất hiện từ thời Gia Long. Thoạt tiên, chợ tọa lạc bên ngoài cửa Đông Ba (Cửa Chánh Đông) và mang tên là chợ Quy Giả (Chợ của những người trở về). Biến cố “Thất thủ kinh đô” năm 1885, chợ bị đốt sạch. Năm 1887, vua Đồng Khánh cho xây dựng lại và đổi tên thành chợ Đông Ba. Ðến năm 1899, trong công cuộc chỉnh trang đô thị theo phong cách phương Tây, vua Thành Thái cho chuyển chợ Ðông Ba ra địa điểm ngày nay. Đình chợ cũ trở thành trường Pháp Việt Ðông Ba. Bây giờ là vườn hoa Đông Ba.

Theo mô tả, chợ Ðông Ba thời Thành Thái gồm 4 dãy quán: trước, sau, phải, trái. Mặt trước một dãy 8 gian, mặt sau một dãy 12 gian, dãy phía tay phải 13 gian... đều lợp ngói; giữa chợ có một toà lầu vuông, ba tầng, tầng dưới xây tường 4 mặt, mỗi mặt có trổ 2 cửa, tầng trên 4 mặt đều có cửa và đều có đồng hồ để điểm giờ. Trong chợ có một giếng đá mà theo mô tả để lấy nước thì có hệ thống “máy” giúp đỡ. Khi cần, dùng tay quay máy, nước trong giếng sẽ tràn lên, phun ra. (Hiện giếng nước vẫn còn và được UBND thành phố Huế, Sở VH-TT & DL cho tôn tạo, lưu giữ như một di tích). Đến đầu thế kỷ XX, chợ Đông Ba được tu sửa nhiều lần nhưng vẫn giữ cốt cách cũ. Mười hai năm sau ngày đất nước thống nhất (1975), năm 1987, chợ được đầu tư nâng cấp, cải tạo quy mô lớn. Công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng ngày 02-9-1987 hoành tráng, rạng rỡ không thua kém ngôi chợ nào trong Nam ngoài Bắc.

Có thể khẳng định, quá trình đô thị hoá của Huế, chợ Đông Ba chính là hạt nhân, là linh hồn. Bên cạnh vai trò là trung tâm thương mại quan trọng bậc nhất, chợ Đông Ba còn là “chứng nhân”, là một phần lịch sử của Huế, “là nơi có truyền thống đấu tranh cách mạng bất khuất, kiên cường trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Ngay từ khi mới thành lập tiểu thương chợ Đông Ba đã tích cực hưởng ứng các phong trào đấu tranh chống sưu thuế, chống bắt lính, ủng hộ hoạt động của các nhà yêu nước...

Từ 1954 đến 1975 lực lượng tiểu thương chợ Đông Ba đã tham gia, tổ chức 255 cuộc biểu tình, xuống đường, sát cánh cùng các tầng lớp nhân dân, trí thức, học sinh, sinh viên đấu tranh chống đế quốc Mỹ. Nhiều tiểu thương đã trưởng thành và trở thành những cán bộ kiên cường của cách mạng, nhiều chị là cơ sở bí mật, nuôi giấu cán bộ, nhiều chị đã anh dũng hy sinh trong các cuộc đấu tranh trực diện với kẻ thù... Những đóng góp của chị em tiểu thương chợ Đông Ba tô điểm thêm truyền thống đấu tranh anh dũng của dân tộc…” (Dư địa chí Thừa Thiên Huế).

Lấp lánh cổ xưa…

Bước vào thời kỳ hội nhập và phát triển, như nhiều địa phương khác, tại Huế cũng xuất hiện ngày càng nhiều, càng quy mô những siêu thị, những trung tâm mua sắm, những cửa hàng cửa hiệu sang trọng, tiện ích, song không gì có thể thay thế được chợ Đông Ba, bởi Đông Ba đã mặc định một vị trí rất riêng trong thẳm sâu tâm khảm của mỗi người con xứ Huế. Tác giả Lê Vũ Trường Giang khi viết về chợ Đông Ba đã nhận xét có tính khái quát nhưng rất thú vị: Chợ Đông Ba là một trong những biểu tượng của vùng văn hóa Huế, lưu giữ độc quyền những giá trị truyền thống, là gallery của vô số sản vật vùng đất, là pho từ điển tiếng Huế sống động, là kho tàng của những chuyện Huế mãi tồn lưu trong trí nhớ các mệ, các o, chị em tiểu thương…

Chỉ một lần ghé chợ Đông Ba, sẽ bắt gặp cả hồn Huế cư ngụ nơi đây.
“Đông Ba vẫn đó người ơi/ Bên bờ Hương ngóng phương trời xa xăm…”

Một trăm mười lăm năm đã trôi qua, mặc bao biến thiên lịch sử, chợ Đông Ba vẫn vẹn nguyên, vẫn duyên dáng soi mình bên dòng Hương bao dung. Như Huế- miền đất “xưa nhưng không bao giờ cũ”, chợ Đông Ba cũng vậy, như một món cổ vật, càng chất chồng thời gian càng quý, càng lấp lánh và càng mê hoặc. Bởi một lẽ giản đơn, chợ Đông Ba đã, đang và mãi sẽ vẫn là một phần cốt cách, linh hồn xứ Huế…

Theo Hiền An (Báo Thừa Thiên - Huế)
toimedulich

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét