(VNT) - Cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 10km về phía Tây, đình làng Tuý Loan (thuộc xã Hoà Phong, huyện Hoà Vang) nổi tiếng là đình làng có lịch sử tồn tại lâu đời và mang trong mình những giá trị văn hóa tiêu biểu.
Đình làng Túy Loan được xây dựng vào năm Thành Thái thứ nhất (1889) với diện tích trên 110 mét vuông trong khuôn viên rộng hơn 8.000 mét vuông, thoáng đãng, có dòng sông, bến nước, làng quê, đồng lúa...
Theo văn bia ghi lại, vào khoảng năm Hồng Đức nguyên niên 1470 có 5 vị tiền hiền Đặng, Lâm, Nguyễn, Trần, Lê được chiếu vua Lê Thánh Tôn đi mở mang bờ cõi về phương nam đã chọn nơi đây để lập nghiệp khai khẩn làm ăn và đặt tên cho làng là Tuý Loan.
< Cổng tam quan đình làng Túy Loan - Đà Nẵng.
Đình chia làm 3 gian, được lợp bằng mái âm dương, kết cấu các các vì kèo, cột theo kiểu chồng rường giả thủ, trên mái trang trí lưỡng long chầu nguyệt, hai đầu mái sắp hình rồng uốn lượn được ghép bằng sành sứ.
Bên cạnh đó đình còn được chạm chỗ các hoa văn cây cối, hoa là mang giá trị nghệ thuật cao.
Bước qua cổng tam quan là đến các trụ biểu đứng trước bình phong. Đây được xem như là một tam quan nội của đình. Trên thân trụ đều có các câu đối. Bình phong xây theo kiểu cuốn thư, mặt trong là hình hổ, mặt ngoài là hình long mã được đắp nổi. Toàn bộ mặt bằng kiến trúc chính của đình có diện tích 110m2, có tiền đường, nội điện và hậu tẩm.
Tiền đường có kiểu thức kiến trúc hỗn hợp, vừa có liên kết kèo vừa có liên kết rường. Mặt trước của tiền đường, ở hai bức tường ngăn đều có đắp vẽ, bên tả hình rồng, bên hữu là hình hổ. Trên thân các cột đều có câu đối.
Đi vào trong nội điện và hậu tẩm là nơi thờ cúng, gồm bàn thờ chính, bên tả, bên hữu, hai bên còn có tả ban hữu ban. Gian giữa còn có bàn thờ hội đồng cao hơn các bàn thờ khác, trên bàn có cặp hạc đứng chầu, hai bên có hai dãy lỗ bộ.
< Khảm thờ và những đạo sắc phong đình còn lưu giữ.
Đình Tuý Loan thờ Thành hoàng bốn xứ và các vị tiền hiền, hậu hiền có công khai khẩn, cư dân lập ấp kiến thiết nên làng Túy Loan. Trong đình hiện vẫn còn lưu giữ 20 sắc phong thần của vua các triều đại, trong đó gần nhất là vua Khải Định.
Nằm giữa ngã ba Túy Loan, không gian của đình gợi cho ta một cảm giác thanh bình của làng quê Việt Nam một thời với hình ảnh của cây đa, bến nước, sân đình. Trải qua bao thăng trầm của thời gian, đình Tuý Loan vẫn giữ được vẻ uy nghi vốn có của nó.
< Tấm bia đá còn được lưu giữ trong đình làng đến ngày nay.
Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc, đình Túy Loan là nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng trong cuộc đấu tranh của nhân dân địa phương. Qua nhiều lần trùng tu nhưng cho tới nay đình làng vẫn giữ nguyên những nét kiến trúc cũ, mang sắc thái kiến trúc tín ngưỡng làng xã lâu đời vùng ven TP. Đà Nẵng. Ngày 4/1/1997, Bộ văn hoá – thông tin công nhận đình Túy Loan là di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia, tại quyết định số 01/QĐ-BVHTT.
Một trong những sinh hoạt văn hóa đặc sắc tại đình Túy Loan vẫn được duy trì lâu nay, vào ngày mùng 9 và mùng mồng 10 tháng Giêng ÂL hàng năm, nhân dân hai thôn Đông, Tây của làng lại tổ chức lễ hội truyền thống nhằm tưởng nhớ công ơn những người khai sinh, lập ấp. Đồng thời là dịp để người dân và du khách thập phương có những giây phút vui xuân lành mạnh để bước vào một năm mới vớ đầy niềm vui và khí thế, góp phần giáo dục các thế hệ trẻ hôm nay cội nguồn văn hóa của quê hương.
< Hội hô hát bài chòi bắt đầu phần hội đình làng Túy Loan.
Tại lễ hội phần lễ rước Sắc phong, nhạc lễ dâng hương tế Đình được người dân tham gia một cách thành kính, tôn nghiêm. Bên cạnh đó, phần hội diễn ra hết sức sôi động với những hội thi như: đua thuyền, hát bài chòi, gói bánh chưng bánh tét, hội thi cày ruộng, đẩy gậy, vật tay, kéo co …trong đó một phần thi mang đặc trưng làng nghề không thể thiếu là cuộc thi nướng bánh tráng. Hai thông Đông và Tay sẽ cử ra người khéo tay nhất của thôn để tham gia, người chiến thắng trong cuộc thi không những mang lại vẻ vang cho thôn mình mà còn góp phần tôn vinh một nghề truyền thống lâu đời của làng.
Với những nét độc đáo về kiến trúc cũng như van hóa tín ngưỡng, đình Túy Loan đã trở thành một trong những ngôi đình mang đậm bản sắc văn hóa làng quê Việt Nam rất đáng tự hào và trân trọng.
Không chỉ những người con Đà Nẵng mà du khách thập phương ắt hẳn sẽ không thể quên được những ấn tượng độc đáo về một ngôi đình với cảnh sắc thiên nhiên mộc mạc với lễ hội truyền thống nhưng chứa đầy những giá trị văn hóa, phong tục của một ngôi làng có lịch sử lâu đời.
Theo VN Times, CTTĐT Đà Nẵng
toimedulich
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét