Chủ Nhật, 21 tháng 9, 2014

Lên đỉnh Hòn Hèo

Bán đảo Hòn Hèo còn gọi là Phước Hà Sơn là dãy núi độc lập nằm ở phía đông huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, cách Nha Trang khoảng 15 cây số đường chim bay.

Từ vịnh Nha Trang nhìn về hướng Bắc, Phước Hà Sơn có khoảng chục ngọn núi nhấp nhô đuổi theo nhau giống hệt bầy rồng xanh phủ phục giữa vịnh Vân Phong và đầm Nha Phu với đỉnh cao nhất tương truyền là đoạn đầu rồng thuộc địa phận xã Ninh Vân. Huyện Ninh Hòa có 3 đỉnh nối tiếp nhau, cao khoảng vài trăm mét, tựa như bức bình phong che gió, chắn sóng cho người dân làng biển và tạo nên những bãi tắm tuyệt đẹp giống hình trăng khuyết.

Bán đảo Hòn Hèo có diện tích khoảng 160km², chiều ngang rộng khoảng 10km. Phía bắc có cửa biển hòn Khói giáp vịnh Vân Phong, nơi có phần đất liền nhô ra gần hải phận quốc tế nhất của bờ biển Việt Nam. Phía tây là đồng bằng phì nhiêu của tỉnh Khánh Hòa. Phía nam là đầm Nha Phu rộng lớn, nơi hội tụ tất cả các con sông trong huyện Ninh Hoà chảy ra. Mặt đầm yên ả nối liền hòn đảo xanh, đẹp nổi lên như Hòn Nứa, Hòn Lăng, Hòn Rớ, Hòn Sầm, Hòn Cù Lao, Hòn Thị. Phía đông có các đảo Hòn Bạc, Hòn Chà Là, Hòn Đụn… là nơi hội tụ làm tổ của hàng đàn chim yến.

Theo các lão ngư kể lại, trên đỉnh Phước Hà Sơn có rất nhiều loại mây, gióng rất to và dài, nhiều hoa văn… nên nhiều người vượt biển ra đây khai thác về làm tủ, ghế, rương, tráp… và đặc biệt là làm gậy chống, dân gian gọi là cây hèo. Vì vậy, dân trong vùng gọi Phước Hà Sơn là Hòn Hèo.

Trên Hòn Hèo là dãy núi có nhiều đỉnh núi cao trên dưới 800m như: ngọn Mái Nhà (716m), ở phía tây bắc, ở giữa là Hòn Hèo (819m), rồi đến hòn Tiên Du ở phía tây nam (777m). Các ngọn khác ở phía đông như hòn Răng Cưa, Hòn Nhọn... cao dưới 500m.

Giữa các ngọn núi là vùng đất có độ cao trên dưới 400m. Từ đây có nhiều con suối chạy về các thôn Ninh Tịnh, Đầm Vân, Tiên Du... như suối Mỏ Cày, suối Cái, suối Cây Sung, suối Tiên Du, suối Hoa Lan, Đá Chữ...

Các con suối tuy ngắn nhưng hai bên có nhiều hang động, nhiều thác đẹp. Xung quanh Hòn Hèo là vùng dân cư trải đều ba mặt. Từ Hòn Hèo bằng đường biển có thể giao lưu thuận tiện với các vùng trong tỉnh và cả nước.

Là vùng núi cao hiểm trở có 3 mặt giáp vịnh biển Văn Phong và đầm Nha Phu, Hòn Hèo có phong cảnh và bãi biển đẹp tuyệt vời và từng là căn cứ cách mạng của quân dân Khánh Hòa qua hai thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ.

Do còn khá hoang vu vì nhiều rừng rậm nên sáng sớm, dân Hòn Hèo thường thấy hàng đàn gà rừng tao tác kiếm ăn sát cụm dân cư. Còn lũ khỉ, voọc đầu trắng, heo rừng, nai thì thường xuyên xuống tận rẫy và mép biển để phá phách và ăn thức ăn thừa.

< Leo đỉnh Hòn Hèo.

Ngày nay, Hòn Hèo có một số resort, KDL sinh thái với các dịch vụ du lịch biển - núi với một dãy nhà lều bằng lá - gỗ trầm mặc dưới hàng cây sát bên bờ cát trắng tinh.

Do xung quanh có các đảo nhỏ bao quanh nên mặt biển của Hòn Hèo luôn phẳng lặng. Hải sản được khai thác ngay trong đầm Nha Phu gồm mực, cá mú, tôm, ghẹ, ốc hương, sò điệp…

< Ngắm bãi biển hình trăng khuyết từ mỏm núi nhất trên “đầu rồng”.

Các dịch vụ lặn xem san hô, chèo thuyền kayăk, ca nô kéo, dù lượn luôn luôn thu hút du khách vì sự phục vụ tận tình và giá cả khá hợp lý. Đi sâu vào trong đảo, người ta còn có thể leo lên đỉnh núi, ngang qua một khu rừng ngập mặn để đến một con suối nước ngọt có tên Hoa Lan với nhiều loại lan rừng quý hiếm.

Hòn Hèo, chốn hoang sơ vẫn chờ bạn khám phá theo cung cách du lịch hay những bước chân phượt.

toimedulich

Hoang sơ Hòn Hèo.
“Khỉ lửa” ở Hòn Hèo.
Từ Vạn Giã: gió biển, mưa dầm lên Đạ Sar (P7)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét